Trang

Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

197. An Tư công chúa...

197. Bài 5..“Dân ta phải biết sử ta”

197. AN TƯ CÔNG CHÚA, NÀNG CHIÊU QUÂN ĐẠI VIỆT NAY NẰM NƠI NAO ?
Nhà thơ Hà Nội Nguyễn Đình Nhiên ca ngợi Trần An Tư công chúa với bài thơ Đường luật khoán thủ câu 620 trong Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du :

Liều mình cứu nước nhất An Tư
Đem cả ngoc ngà hiến tướng thù
Tấc đất giang sơn gìn thống nhất
Cỏ cây xã tắc giữ nguyên cư
Quyết rời hoàng tộc cam tỳ thiếp
Đền đáp vương gia chịu túng tù
Ba đợt đánh Nguyên giành thắng lợi
Xuân xanh công chúa rạng ngàn thu.

Đúng vậy, năm 1285 quân Nguyên đã đánh tới Gia Lâm, vây hãm thành Thăng Long. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và con là vua Trần Nhân Tông đi thuyền ra vùng Tam Trĩ *.Còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng giặc. Nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Giặc bao vây Tam Trĩ, suýt bắt được vua.
Trước thế mạnh của giặc, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện. Trần Lộng kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đã mang gia quyến hàng giặc. Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của Nguyên không có kết quả. Bên ta cần thời gian để chuẩn bị chiến đấu, bất đắc dĩ Trần Thánh Tông phải dùng đến “kế mỹ nhân.”
Công chúa theo ghi nhận là con gái út của Trần Thái Tông, không rõ mẹ bà là ai. Theo thân phận, công chúa là em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông. Bà nổi tiếng trong việc kết hôn với Trấn Nam vương Thoát Hoan, giữ cho quân Trần rút. Cuộc đời của An Tư công chúa được sử Việt chép rất sơ lược, như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chỉ ghi: Tháng 2 (Ất Dậu)...Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy.
Trong Việt sử tiêu án của Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ cũng chỉ ghi:... “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa An Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước.”
Quân ta rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 2 vào năm 1285. Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, một đội quân đã từng làm mưa làm gió khắp Á – Âu. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những người phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư.
Vì nước, An Tư đã vào trận một mình với hai bàn tay ngọc ngà, khuôn mặt khả ái lúc chưa đầy hai mươi tuổi. Nàng chấp nhận hy sinh tuổi trẻ đời con gái để hiến dâng cho Tổ quốc. An Tư sang trại giặc không phải là đi lấy chồng mà là vật cống nạp, đồng thời (có lẽ) cũng là nội gián ?
Ở trại giặc, làm vợ Thoát Hoan, công chúa An Tư đã sống ra sao, làm được những gì không ai biết ! Tháng Tư năm ấy, quân Trần bắt đầu phản công khiến quân Nguyên đại bại. Thoát Hoan chui ống đồng về nước.
Sau chiến thắng giặc Nguyên, tháng 7 năm 1285, các vua Trần trở về kinh thành làm lễ tế lăng miếu, hân hoan khen thưởng những người có công, tuyên dương công trạng, khen thưởng công thần, truy phong tướng lĩnh. Duy có một điều hết sức đau đớn là không ai nhắc tới công chúa An Tư - người đã vì nước quên thân!
An Tư công chúa còn hay mất? Được đưa về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân?
Người con gái "lá ngọc cành vàng" ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại. Nhưng trớ trêu thay, sau chiến thắng quân Nguyên. Chỉ có một câu trong An Nam chí lược của Lý Trắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ tướng chạy sang Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc có ghi: “Trước thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”.
Người con gái nhà Trần phải chăng là An Tư công chúa? Chưa có chứng cứ khẳng định điều ấy. Nhưng dù triều Trần có quên và sử sách không ghi đầy đủ thì đời sau vẫn giành cho nàng sự kính trọng, thương cảm vô cùng! Khoảng trống lịch sử ấy sẽ được lấp đầy bằng tình cảm của nhân dân, của dân tộc Việt Nam như câu kết của bài thơ trên:
…Xuân xanh công chúa rạng ngàn thu.
Người đời sau đánh giá chiến công của An Tư (hay còn gọi là Thiên Tư) công chúa sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng. Chúng ta cảm ơn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã có cuốn tiểu thuyết nói về An Tư công chúa viết năm 1943. Trong tiểu thuyết...An Tư tượng trưng cho cái đẹp biết dấn thân, mang một ý nghĩa lớn lao có thể lay chuyển hàng binh thế trận...Nguyễn Huy Tưởng bằng tình cảm và lòng ngưỡng mộ của mình đã ghi nhận và tôn vinh sự hi sinh thầm lặng nhưng quyết liệt của An Tư, một nữ trung hào kiệt trong tiểu thuyết như một chiến công sánh ngang với Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng và trường hợp của nàng đáng được lưu danh như tên tuổi các bậc tiền nhân nhà Trần.
_____
*Nguồn Tam Trĩ, tục gọi là Ba Chẽ ở xã Tam Trĩ, châu Tiên Yên, tỉnh Quảng Yên đời sau.Và Ngọc Sơn chính là mũi biển châu Vạn Ninh, tỉnh Quảng Yên, gần Móng Cái.
Bên bờ Phước Long Giang, sau ngày húy của Khuất Nguyên, tức ngày mùng 6 tháng 5 năm Đinh Dậu (31/5/2017)
Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét