Trang

Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

202. Bỗng dưng nhớ nhà thơ Võ Nguyện (Tú Thịt Hộp)

202. BỖNG DƯNG NHỚ VÕ NGUYỆN (nhà thơ TÚ THỊT HỘP)

Tôi đang viết cái phóng sự điều tra về NGÔI NHÀ 60A PHỐ HUẾ, HÀ NỘI, khi viết đến đoạn “những điều ngang ngược của những vị chức sắc thành phố Hà Nội”, bỗng dưng tôi nhớ tới nhà thơ trào phúng Tú Thịt Hộp, khi ông còn sống và ông đã viết một loạt bài để chống thói cửa quyền, đàn áp dân chủ trong Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai và đã đăng trên blog Văn Biên Hòa của ông, nhà thơ Võ Nguyện. Tôi bỗng nhớ đến ngoài tài thơ trào phúng, ông còn là một nhà thơ biết thẩm thơ một cách thâm thúy. Tôi xin đăng lại hầu bạn đọc bài bình Lộng ánh trăng giêng, giới thiệu tập thơ Trăng Giêng của nhà thơ Xuân Bảo do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007, cũng là để kỷ niệm 10 năm tập Trăng Giêng ra đời.
LỘNG ÁNH TRĂNG GIÊNG
Trăng Giêng là trăng Nguyên Tiêu, là trăng của tháng mở đầu năm mới. Xuân Bảo đã hòa mình vào ánh trăng khai xuân ấy để cho ta thấy cả một trời trăng non nước diệu kỳ:
Lồng lộng trăng soi khắp mọi miền
Qua rồi bão tố, bến bình yên
                              (Trăng Giêng)
Ánh Trăng Giêng của Xuân Bảo như bước ra từ vầng trăng Nguyên Tiêu của Bác:
Thơ Bác nghìn sau vang vọng mãi
Non song ngời ngợi ánh trăng rằm
                             (Khấn Nguyên Tiêu)
Ánh trăng đó đã hòa quyện cùng đất nước, sáng bừng sắc màu hội họa dưới cái nhìn của người thơ lung linh tỏa sáng:
Ánh dương rắc hạt sáng đường trần
Én vẽ trời xanh nét nét xuân
                             (Nét Xuân)
Và trăng ngất ngây trong hòa âm của đêm “tưng bừng”:
Trăng lên sóng dậy cuộn đôi bờ
Non nước tưng bùng rộn tiếng tơ
                             (Thơ với Ngày Thơ)
Trăng trong thơ Xuân Bảo là cả non sông Việt Nam đang vào vận hội mới. Là:
Tượng đài uy nghiêm vời vợi trời cao
Nâng bước chân ta, đường lên chín bậc
                   (Về thăm Xuân Lộc chiến trường xưa)
hương thơm quấn quýt của trà B’ Lao dịu dàng, là chín sắc cầu vồng Đà Lạt mộng mơ, là triệu triệu chồi tơ Nông trường Cẩm Mỹ mà lớp lớp cháu con đang dựng xây và thừa hưởng hôm nay.
Dịu dàng đêm Cẩm Mỹ
Ta đưa nhau vào miền Sơn Thủy
Để quên đi ngày tháng nhọc nhằn
Rạng rỡ mai vàng
Một nét duyên xuân
                             (Diu dàng đêm Cẩm Mỹ)
Nhìn trăng nay lại nhớ trăng xưa là sức liên tưởng cố hữu của nhà thơ. Ôi! Lòng người có thể đổi thay nhưng vầng trăng năm xưa thì vẫn vậy, vẫn đợi chờ soi tỏ ngày chúng mình gặp lại nhau:
Trăng nghiêng vít xuống ghi lời hẹn
Chung thủy tình ta đến bạc đầu
                             (Vít bóng trăng nghiêng)
Nhà thơ như vừa đi vừa nhặt nhạnh “những hạt bụi vàng” để góp phần tô đẹp ánh trăng đời. Có một đêm góc rừng Trường Sơn, chợt bàng hoàng nhận ra:
Lầm lũi đoàn quân ra chiến trận
Trường Sơn còn sót ánh trăng rơi
                             (Tiếng gọi đò)
Một ánh trăng rơi, thật sự là hạt bụi để đúc nên những: “Bông hồng vàng”
Khắc họa hình tượng và gợi mở tư duy là thế mạnh của Xuân Bảo. Tuy nhiên nếu anh uyển chuyển đôi chút thì sức cuốn hút còn mạnh mẽ hơn. Toàn tập, bài nào cũng ngắn gọn dễ nhớ nhưng cũng chính thế mà ta thấy thòm thèm.
Có điều trong cái đêm trăng giêng ấy ta vẫn thấy người thơ mong mỏi một tiếng gà báo hiệu nhân loại hết cơn hăm he của đại dịch bằng những câu cực ngắn:
Chim vể ríu rít
Thức dậy nắng ban mai
Mầm sống
 Sinh sôi
                             (Xốn xang nghe gà gáy)
Cái ít lại diễn đạt cái nhiều, sinh sôi nẩy nở. Hay đó cũng là một thế mạnh của Trăng Giêng – Xuân Bảo vậy?
                                                VÕ NGUYỆN
                                      Biên Hòa, 19-05-2007
Bên bờ Phước Long Giang, chiều ngày 26/6/2017
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét