Trang

Thứ Hai, 19 tháng 6, 2017

201.. Thảm án Lệ Chi Viên đã được minh oan

Dân ta phải biết sử ta”.
      201.Bài 8.THẢM ÁN LỆ CHI VIÊN ĐÃ ĐƯỢC MINH OAN.

Vụ kỳ án Lệ Chi Viên năm 1442 xẩy ra đến ngày hôm nay .đúng 575 năm. Nhà sử học Phan Huy Lê đã phát biểu: “Còn những điều bí ẩn bị che đậy đằng sau vụ án oan khốc và bi thảm này mà chính vua Lê Thánh Tông chưa dám khám phá…nhưng chúng ta cũng đã đủ cơ sở khoa học để khẳng định cái chết thảm khốc của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là âm mưu của một thế lực trong triều đình nhà Lê muốn trừ khử một tài năng quá lỗi lạc, một nhân cách quá cao thượng,luôn luôn đối nghịch và cản trở những việc làm mờ ám của chúng. Từ đó, chúng ta không những minh oan mà còn tôn vinh Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ”.
Thật vậy, một cuộc hội thảo khoa học được tổ chức tại Hà Nội ngày 19 tháng 12 năm 2002 gồm các nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Anh hùng lao động giáo sư Vũ Khiêu, Thượng tướng giáo sư Hoàng Minh Thảo, các giáo sư Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Phan Văn Các, sử gia Dương Trung Quốc và nhiều vị khác đã lên tiếng chiêu tuyết minh oan cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.
Trên văn đàn có đến hàng trăm tác phẩm viết về thảm án Lệ Chi Viên, trong đó có bài thơ theo thể Đường luật của người con xứ Huế - nhà thơ Võ Nguyện - đã khóc cho nỗi đau Vườn Vải và mừng oan trái được giải oan:
          Sáu trăm năm mới tỏ oan này
          Cung cấm để gà mái gáy mai
          Vườn Vải đau, đầu rơi máu chảy
          Núi Côn buồn trúc chẻ tro bay
          Quăng nơm vứt ná quân bôi mặt
          Mượn gió bẻ măng lũ giấu tay
          Gẩy một khúc đàn mừng nguyệt lộ
          Ô hô! Nữ sắc gớm ghê thay.
                                                                  (Lệ Chi Viên khốc)
               
Và nhà thơ Xuân Bảo có bài thơ Sâm cầm Hồ Tây:
Hồ Tây thăm thẳm nước xanh mơ
Thấp thoáng hồn ai bóng tỏ mờ
Thị Lộ hàm oan tình chẳng rõ
Ức Trai hứng chịu nạn không ngờ
Chuông chùa Trấn Quốc vang từ đấy
Mõ điện Ngọc Hoa vọng đến giờ
Đêm xuống sâm cầm kêu thống thiết
Chạnh lòng liễu rủ đứng chơ vơ
                                     ***
Nguyễn Thị Lộ (? - 1442), lúc ấu thơ có tên là Gấm, là một một nữ quan triều Lê sơ và là người vợ lẽ của Nguyễn Trãi, một danh nhân nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi bà từ lâu đã gắn liền với vụ thảm án Lệ Chi Viên dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc cho dòng họ Nguyễn Trãi.
Chưa có nhiều tài liệu rõ ràng về xuất thân của bà. Bà được cho là sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Về năm sinh của bà, có hai giả thiết giữa năm 1400 và 1390.
Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Ông nội là một nhà Nho dạy học. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học lúc 4 tuổi, 6 tuổi chính thức nhập môn nên bà sớm thông hiểu các kinh sách (Tứ thư, Ngũ kinh). Năm lên 13, 14 bà không những đã biết dệt chiếu đẹp mà còn tự mình đi khắp nơi để bán, có khi tới tận kinh đô Thăng Long. Ngoài ra, bà lại biết làm thơ. Bà còn nổi tiếng là một người xinh đẹp.
Sau khi cha đi phu bị quân Minh giết, bà cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em.

                                                   ***
Trong một lần lên kinh thành Thăng Long, Nguyễn Thị Lộ đã gặp Nguyễn Trãi. Cuộc hội ngộ này để lại giai thoại về một bài thơ mà cho đến nay, người Việt Nam nào cũng biết:
Ả ở nơi đâu bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con?
Đáp rằng:
Tôi ở Hải Hồ bán chiếu gon
Chuyện chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con?
Những câu thơ bất hủ ấy đã nên duyên chồng vợ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, còn truyền tụng mãi cho hậu thế hôm nay. Chỉ những điều ít ỏi đó thôi chứng tỏ Nguyễn Thị Lộ không những có sắc mà còn có tài. Vừa có sắc vừa có tài nên mới được Lê Thái Tông – ông vua thứ hai đời hậu Lê vời vào cung và ban tước Lễ nghi học sĩ. Có thể nói đây là nhà giáo nữ đầu tiên của nước ta.
                                                  ***
Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Sang năm 1428, thủ lĩnh Lê Lợi lên ngôi vua (tức Lê Thái Tổ), Nguyễn Trãi được phong tước hầu. Nhưng rồi những mâu thuẫn nội bộ triều đình dẫn đến việc sát hại công thần (Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo), và bản thân Nguyễn Trãi cũng bị bắt giam. Tuy sau đó, ông được tha nhưng không còn được tin dùng như trước.
Năm 1433, Lê Thái Tổ mất, thái tử Nguyên Long lên nối ngôi, tức là Lê Thái Tông. Nghe tiếng Nguyễn Thị Lộ, nhà vua cho vời bà vào cung ban chức Lễ nghi học sĩ, phụng chỉ để dạy dỗ cung nữ. Sử thần Phan Huy Chú chép: "Khi ông (Nguyễn Trãi) lo việc nước, những chiếu thư, từ mệnh (Nguyễn Thị Lộ) đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng, vời nàng về hầu cho làm Lễ nghi học sĩ".
 Ở cương vị này, bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được sử thần nhà Lê là Vũ Quỳnh khen là: "Thị Lộ đã cảm hóa được Lê Thái Tông, thuyết phục vua chăm chỉ đèn sách, lại giúp vua nhiều ý kiến để sửa trị nước"...
Năm 1439, Nguyễn Trãi và bà xin về ở  ẩn Côn Sơn, nhưng đến năm sau thì cả hai lại được nhà vua mời ra giúp việc nước. Năm 1441, trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép việc liên quan đến bà như sau: Mùa thu, tháng 3 năm Tân Dậu (1441)...Bắt giam hạng đàn bà ngỗ nghịch, đó là làm theo kế của Nguyễn Thị Lộ. Nhưng chỉ một năm sau đó (1442), giữa lúc vợ chồng bà đang gánh vác việc nước thì tai họa bỗng đổ ập xuống.
Vua Lê Thái Tông vốn là người ham sắc, có nhiều vợ, chỉ trong 2 năm sinh liền 4 hoàng tử. Các bà vợ tranh chấp ngôi thái tử cho con mình nên trong triều xảy ra xung đột. Vua truất Hoàng hậu Dương Thị Bí và ngôi thái tử của con bà là Lê Nghi Dân lên 2 tuổi, lập Nguyễn Thị Anh làm Hoàng hậu và cho con của bà này là Lê Bang Cơ chưa đầy 1 tuổi làm thái tử. Cùng lúc đó một bà vợ khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao lại sắp sinh, Nguyễn Thị Anh sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên tìm cách hại bà Ngọc Dao. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và tìm cách cứu bà Ngọc Dao đem nuôi giấu, sau bà sinh được hoàng tử Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này).
Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (27 tháng 7 năm 1442), vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt binh ở thành Chí Linh (Hải Dương). Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, là nơi từng ở của mình. Rời Côn Sơn để về lại Thăng Long, ngày 4 tháng 8 âm lịch nhà vua và đoàn tùy tùng đến Lệ Chi Viên, (Gia Bình, Bắc Ninh). Theo sử cũ, thì nhà vua đã thức đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng. Liền sau đó, bà Lộ bị triều đình (do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cầm đầu) sai người bắt giam và tra khảo.
Văn thần Phan Huy Chú chép: Kịp khi kết tội, lâm hình. Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước. Nhưng theo Nguyễn Cẩm Xuyên, vì chịu không nổi cực hình, Nguyễn Thị Lộ phải khai nhận. Án được thi hành ngay: Nguyễn Thị Lộ bị bỏ vào cũi sắt dìm xuống sông cho chết. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất (19 tháng 9 năm 1442).
Nhiều cuộc khảo cứu và tọa đàm khoa học đã được tổ chức nhằm minh oan cho bà. Dựa vào những kết quả thu lượm được, một số nhà nghiên cứu, dưới sự chủ biên của nhà giáo Hoàng Ðạo Chúc, đã biên soạn thành cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên (xuất bản năm 2004). Trong đó, một số nhà khoa học đã chỉ rõ, thủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vốn rất căm oán Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ (hai người đã giúp bà phi Ngô Thị Ngọc Dao thoát khỏi âm mưu sát hại của bà). Sâu xa hơn, đó còn là sự ghen ghét, đố kỵ của một số không nhỏ quan lại trong triều lúc bấy giờ trước tài năng và tính tình cương trực của Nguyễn Trãi.
Về phần Nguyễn Thị Lộ, các nhà khoa học cũng đã đề xuất rằng: Cần có sự công khai chiêu tuyết (làm sáng tỏ nỗi oan) cho bà. Chế độ phong kiến cũ đã không làm được việc đó thì ngày nay chúng ta phải làm được việc đó thông qua việc nghiên cứu và biên soạn lịch sử dân tộc một cách trung thực và khoa học. Vì bà cũng là người tài hoa trong văn học, sắc sảo trong chính trị, chu đáo trong ứng xử và thủy chung trong tình nghĩa. Lớn lao hơn, bà còn là người đã dâng trọn cuộc đời phục vụ cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Ðại Việt.
Tháng 7 năm Giáp Thân (1464), Nguyễn Trãi được vua Lê Thánh Tông ban chiếu minh oan. Nhân cơ hội này, dân làng đã lập miếu thờ bà Nguyễn Thị Lộ, nay thuộc thôn Khuyến Lương phường Trần Phú, Quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Ngôi đền nằm cạnh đê sông Hồng, và cách đền thờ Nguyễn Trãi chừng 500m. Trong đền hiện nay có một bức tượng và một tấm tranh vẽ bà. Hằng năm, vào ngày 16 tháng 8 âm lịch dân làng đều tổ chức lễ giỗ trọng thể. Ngoài ra, bà còn được thờ chung với Nguyễn Trãi ở xã Tân Lễ (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và Lệ Chi Viên, nơi xảy ra vụ án nổi tiếng.
Trong văn học nghệ thuật Vụ án Lệ Chi Viên từng được thể hiện trong nhiều tác phẩm văn học, như: Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên của Hoàng Đạo Chúc (Nhà xuất bản. Văn hóa Thông tin, 2004), Trắng án Nguyễn Thị Lộ của Hoàng Quốc Hải (Nhà xuất bản. Phụ nữ, 2004), Nguyễn Thị Lộ, tiểu thuyết lịch sử của Hà Văn Thùy (Nhà xuất bản Văn học, 2007)...Trên sân khấu, có: vở cải lương Rạng ngọc Côn Sơn của Xuân Phong, vở chèo Oan khuất một thời của Lê Chức, vở kịch nói Bí mật Lệ Chi Viên của Hoàng Hữu Đản. Ngoài ra còn có phim tài liệu Bí mật vụ án Lệ Chi Viên từng được chiếu trên VTV1.
                                                  ***
Lê Thái Tông tức Lê Nguyên Long sinh ngày 10 tháng 11 năm 1423, đến khi đột tử ngày 4 tháng 8 năm 1442 thì mới có 18 tuổi, 10 tháng 24 ngày. Ông vua này lên ngôi lúc 10 tuổi, năm 1443, ở ngôi 9 năm.
Nguyễn Thị Lộ khi cùng Nguyễn Trãi đến Lam Sơn (1420) thì Nguyễn Trãi đã 40 tuổi (1380-1420) và Lộ kém Trãi khoảng 10 đến 15 tuổi (giả thiết) thì Nguyễn Thị Lộ cũng khoảng 20 đến 25 tuổi. So với Nguyên Long thì bà Lộ cao tuổi hơn tới 30 năm. Tình cảm giữa Lê Thái Tông với bà Lộ là tình cảm của một người bảo mẫu mà thôi! Không có chuyện ăn nằm bậy bạ.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã lạnh lùng viết một câu trong Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục, Kỷ nhà Lê, (trang 183, 184) như sau:
“…Tháng 8, ngày mồng 4, vua về đến vườn Lệ Chi, huyện Gia Định*, bỗng bị bệnh ác rồi băng. Trước đây, vua thích vợ của thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lai trên sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng…” Ai tai! Sử thần?
Sau này, khi Lê Thánh Tông lên ngôi đã có lần nhiếc mắng Ngô Sĩ Liên thậm tệ: “Vua dụ bảo, Ngự sử đài là Ngô sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng: Ta mới coi nhân sự, sửa đổi đức tính, tuân theo điển cũ của Thánh Tổ Thần Tôn nên mới đầu xuân tế Giao, ngược lại bảo tổ tôn đặt ra tế Giao cũng không đáng theo. Ngươi bảo nước ta là hàng phiên bang đời xưa, thế là người theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại khi Lệ Đức hầu cướp ngôi, Sĩ Liên không giữ chức Ngự sử đấy sao? Ưu đãi long trọng lắm. Nhân Thọ không dự trong triều chính đấy sao? Chức nhiệm cao lắm. Nay Lệ Đức hầu bị tay ta mà mất nước, ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo, lại đi thờ ta. Nếu ta không nói ra trong lòng ngươi không tự xấu hổ mà chết ư? Thực là kẻ gian thần bán nước”… Đại Việt sử ký bản kỷ thực lục, quyển XII, Kỷ nhà Lê, mục Thánh Tôn Thuần hoàng đế (Thượng), trang  248, tập 2.
Đã bao lâu rồi sử học còn mang một món nợ đối với lịch sử, đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Rồi sẽ dần dần sáng tỏ, chúng ta con cháu của Ức Trai tiên sinh và nữ Lễ nghi học sĩ được phép:
“…Gẫy một khúc đàn mừng nguyệt lộ…”
Trước đây, vua Lý Công Uẩn chọn Đại Lai thuộc huyện Gia Định, lộ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) để xây dựng Hành cung,  đến đời nhà Lê đổi tên là cung Yên Hà. Vua Lê Thái Tông trọng dụng đại thần Nguyễn Trãi, giao cho cai quản vùng Đông Bắc và cung Yên Hà. Khi sinh sống ở đây, Nguyễn Trãi đã trồng rất nhiều vải.
Bị đặt điều, xàm tấu, nhà Lê vu cho Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ tội giết vua còn Nguyễn Trãi là chủ mưu với hình phạt tru di tam tộc, gây ra vụ án oan kinh động nước Đại Việt ngày ấy! Vì thế, người đời sau không muốn nhắc đến cung Yên Hà mà chỉ gọi là Lệ Chi Viên (Vườn Vải).
Hai mươi hai năm sau, năm 1464, khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi đã xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Trãi. Ngay sau đó, nhân dân ta đã lập đền thờ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ tại Lệ Chi Viên.
Lệ Chi Viên nằm gần trung tâm một vùng đất Kinh Bắc dày đặc trầm tích văn hóa - lịch sử lâu đời vào bậc nhất của nước ta… Sau những biến cố lịch sử với những cuộc chiến tranh kéo dài, sự tàn phá của thiên nhiên, Lệ Chi Viên xuống cấp, di tích hầu như đã không còn gì nữa. Vào thời điểm năm 2008, Lệ Chi Viên chỉ còn lại một miếu thờ nhỏ đổ nát và mấy cây cổ thụ quanh miếu…
Lịch sử đã minh oan cho những danh thần và hôm nay, những con người đương đại cố gắng gìn giữ di tích, tiếp thêm ngọn lửa truyền thống nhớ về cội nguồn. Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc đã dành trọn đời mình sưu tầm tư liệu, tìm kiếm lại những dấu tích của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, lập nên “Hội những người kính yêu cụ Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ”, cùng chung tay tu bổ lại các khu di tích, đặc biệt là Lệ Chị Viên. Ông và những cộng sự: nhà thơ Hoài Yên, tiến sĩ Đinh Công Vỹ… đã cho xuất bản cuốn sách Thảm án Lệ Chi Viên.
“Đây là nơi mà mỗi người con nước Việt khi tới thăm viếng sẽ thấm hơn công sức, máu xương của những người đã ngã xuống vì non sông đất nước. Mà một trong những ý tưởng ấy được gửi gắm qua biểu tượng “Giọt lệ Lệ Chi Viên” bằng đá hoa cương, đấy là giọt lệ của nhân dân xót thương cho nỗi oan khiên, còn là Trái tim nhân ái của người anh hùng dân tộc còn mãi với thời gian, như luôn nhắc nhở chúng ta phải biết sống, biết yêu thương, biết tha thứ khoan dung, nhân ái. Bởi những người anh hùng của dân tộc ấy không bao giờ khóc cho riêng mình, mà khóc bằng dòng máu thắm hồng cho nỗi khổ đau của muôn dân trong hành trình nhân thế”.
 Đến với Lệ Chi Viên, từ sông Lai tới Bến Cả; từ vườn Quan tới vườn Rậm; từ khu Ba Tòa tới Màn Đông, đến Màn Tiên rồi tới Lửa Đền, Cầu Táo, Bến Cống,...tất cả đã và đang được những con người yêu chính nghĩa, quý trọng giá trị thời gian “tái sinh” lại. Vườn Vải xưa đang “hồi sinh” bởi hàng nghìn cây vải từ khắp nơi được đưa về Lệ Chi Viên trồng, tất cả đều mang một ước nguyện khôi phục vườn vải.
Ngôi phụ tinh chói lọi bên ánh sao Khuê rực rỡ đã được chiêu tuyết và nhân dân ta thờ phượng hương khói với tấm lòng thành kính vô biên.
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 19/6/2017,
Nhà thơ Xuân Bảo (biên khảo)









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét