Trang

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

212. Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế


1.     Ba Mạ tôi cho tôi đi thăm hoàng thành Huế.
                                    (Tiếp theo Những kỷ niệm về Ba tôi).



Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi là Hoàng đế Gia Long. Ông đã thành công trong việc thiết lập việc kiểm soát của mình trên toàn bộ lãnh thổ, do đó làm cho Huế trở thành thủ đô đương thời. Huế được gọi là kinh sư. Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.
Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi ông vua cuối cùng thoái vị vào năm 1945.
Trong thời Pháp thuộc, Huế thuộc Trung kỳ. Huế là kinh đô cho đến năm 1945, khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị.  Chính quyền mới lấy Hà Nội làm thủ đô.

Đây là nơi vua Gia Long làm lễ đăng quang lên ngôi hoàng đế, để tiếp tục sự nghiệp của Nguyễn Hoàng là người có công mở rộng bờ cõi phương Nam.
Đoàn người của Võ tướngThái úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng đổ bộ lên cửa sông Thạch Hãn, thường gọi là cửa Việt Yên, còn gọi là cửa Việt Khách, dựng trại ở Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong. Cùng đi có người cậu là Uy Quốc công Thái phó Nguyễn Ư Dĩ và hàng ngàn binh mã bản bộ từ quý hương Gia Miêu ngoại trang (Tống Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa). Ái Tử là nơi bắt đầu khởi dựng cơ nghiệp của nhà Nguyễn. Năm 1570, Nguyễn Hoàng chuyển dinh trấn về Trà Bát (nay là làng Trà Liên). Những địa danh Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát đã mang một sứ mệnh lớn lao. Chính vì lẽ đó mà khi Phú Xuân trở thành kinh đô, các chúa, vua nhà Nguyễn đã không quên tôn vinh vùng đất ‘dung thân’ của các bậc tiên phụ trên đất Quảng Trị là Cựu dinh.
Triều đại nhà Nguyễn kể từ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt chân lên cửa Việt Khách, Quảng Trị đến Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy thì sụp đổ, đúng 387 năm. Tuyên ngôn thoái vị của hoàng đế Bảo Đại đọc chiều 25 tháng 8 năm 1945 trước cửa Ngọ Môn, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn với 9 chúa và 13 vua.

Bảo Đại có câu nói nổi tiếng:Riêng về phần Trẫm, trong hai mươi năm ở ngôi, Trẫm đã trải qua bao nhiêu cay đắng. Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm sung sướng được là Dân tự do, trong một nước độc lập. Trẫm không để cho bất cứ ai được lợi dụng danh nghĩa Trẫm, hay danh nghĩa hoàng gia để gieo rắc sự chia rẽ trong đồng bào của chúng ta.” (Chiếu Thoái vị của Bảo Đại).

Nhưng rồi ông ta không giữ được lời nói tốt đẹp đó.

Tôi được sinh ra năm Ất Hợi – ngày 16 tháng Giêng ta, nhằm vào ngày thứ hai 18 tháng 2 năm 1935 – trước hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Long đến gần một năm. Bảo Long sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936, nhằm ngày 10 tháng Chạp cùng năm Ất Hợi. Sinh thời, có lần nhà thơ Thu Bồn nói với tôi: Bà cụ thân sinh nhà thơ kể rằng Thu Bồn sinh trùng ngày sinh của Thái tử nên bà được triều đình ban phát 3 vuông lụa điều.

Lớn lên tôi đã nghe câu ca dao:

Nhà vua thân với Lang -sa
Để Tây ăn cướp trứng gà của dân.

Vài nét lịch sử tên gọi Huế.

Chữ Huế xuất xứ từ đâu ra?  Phải nói rằng có từ Huế (chữ Hóa mà thực dân Pháp không phát âm được nên đã gọi chệch ra là “ué”). Trong mẫu tự của người Pháp chữ H, là chữ câm.

   Nếu như năm 1301, vua Trần Nhân Tông không làm cuộc viễn du 9 tháng sang   kinh đô Chiêm Thành để tăng thêm quan hệ hữu hảo láng giềng, sống hòa hiếu với nhau thì đâu có cuộc hôn nhân ngoại giao giữa người anh hùng chống Nguyên – Mông, thái tử Harijatti - khi lên ngôi là vua Jaya Shimhavarman III, tức Chế Mân với công chúa Trần Huyền Trân. Đầu năm 1305, Đoàn sính lễ do Chế Bồ Đài dẫn đầu đem theo hơn trăm người và vàng bạc châu báu cùng với lời cam kết dâng 2 Châu Ô và Châu Lý để cầu hôn.
Huyền Trân về Chiêm Thành, mặc dầu trước đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người xứ Java, nhưng nàng vẫn được tấn phong làm hoàng hậu với mỹ hiệu là Paramecvari. Nhân dân Châu Ái, Châu Hoan kéo nhau vào khai thác vùng Thuận Hóa, làm nên một cuộc đại di dân. Phú Xuân (Huế sau này) trở thành kinh đô Đại Việt. Châu Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên trở nên sầm uất. Mà trước đó, như nhận định của Sùng Nham hầu Dương Văn An  viết trong Ô Châu cận lục:” Hoàng Việt ta dựng nước, sách trời đã định rõ phân giới. Ngoài 4 thừa tuyên, nguời Ái Châu hào phóng chuộng nghĩa. Người Hoan, Diễn thuần túy hiếu học. Xưa nay đều thường nói như vậy. Hóa Châu ta tiếp đất Quảng, đất đai hẻo lánh, phong tục quê mùa, muôn vật thưa thớt không thể so với Ái Châu và Hoan Châu được. Từ khi có Đặng Tất nổi tiếng tướng giỏi. Dục Tài lừng danh khoa bảng thì quê ta phong thổ và nhân tài dần dần sánh ngang thượng quốc”.
Vua Trần Anh Tông tiếp quản vùng đất mới và đổi tên là Châu Thuận và Châu Hóa. Việc kết hợp hai châu này làm một và đặt tên phủ là Thuận Hóa được thực hiện dưới thời thuộc nhà Minh. Đến đời nhà Hậu Lê, Châu Thuận và Châu Hóa thành Thuận Hóa và trở thành một đơn vị hành chính. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã bỏ cấp huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành cấp phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa là vùng đất trải dài từ phía nam Đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân. Năm 1626, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh đến làng Phước Yên (Phúc An) thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên và đổi dinh thành phủ. Năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làng Kim Long, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, làm nơi đặt phủ. Năm 1687, Chúa Ngãi Nguyễn Phúc Thái, dời phủ chúa về làng Phú Xuân, thuộc huyện Hương Trà. Năm 1712, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu dời phủ về làng Bác Vọng, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên. Năm 1738, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát lên cầm quyền thì phủ chúa mới trở về lại vị trí Phú Xuân và yên vị từ đó cho đến ngày thất thủ về tay quân họ Trịnh.
Sự xuất hiện của tên địa danh Huế. Hiện chưa có nguồn thông tin nào khẳng định địa danh "Huế" chính thức xuất hiện lúc nào, theo một số thông tin thì: Vua Lê Thánh Tông có lẽ là người đầu tiên nói đến địa danh Huế trong bài văn nôm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn. Trong đó có câu: "Hương kỳ nam, vảy đồi mồi, búi an tức, bì hồ tiêu, thau Lào, thóc Huế, thuyền tám tầm chở đã vạy then".
Những tài liệu sử học cũ (ngoại trừ Quốc triều Chính biên Toát yếu) khi nói tới Huế, đều dùng tên Phú Xuân hoặc Kinh đô, hoặc Kinh, chứ không dùng tên Huế.
Bộ Việt Nam Sử lược của Trần Trọng Kim là bộ sử đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ, ngoài nguồn sử liệu truyền thống, tác giả đã sử dụng nguồn sử liệu của phương Tây, và tên Huế xuất hiện.
Trong hồi ký của Pierre Poivre, một thương nhân Pháp đến Phú Xuân vào năm 1749, cái tên Huế xuất hiện nhiều lần dưới dạng hoàn chỉnh là Hué.
Năm 1787, Le Floch de la Carrière đã vẽ bản đồ duyên hải Đàng Trong cho Bộ Hải quân Pháp, trong đó bản đồ đô thành Huế được vẽ một cách khá rõ và cái tên Huế đã được ghi như cách người Pháp thường viết về sau: HUÉ.
Trong gần 150 năm, từ 1802 đến 1945 kinh đô Huế dưới bàn tay khéo léo của người thợ Việt Nam đã hình thành một hoàng thành nguy nga, tráng lệ. Huế được công nhận năm danh hiệu UNESCO ở Việt Nam: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).

Bên bờ Phước Long Giang, đêm mùng 10 tháng 10 năm Đinh Dậu.
                            Nhà thơ Xuân Bảo.

Kỳ sau: II. Huế đẹp và cổ kính.


1 nhận xét: