Trang

Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

189. Mở chuyên mục "Dân ta phải biết sử ta"

189.“Dân ta phải biết sử ta
                   Bloger Nguyễn Xuân Bảo mở chuyên mục mới.
Đây là chuyên mục của Bloger Nguyễn Xuân Bảo. Bắt đầu từ Các anh hùng liệt nữ của nước ta. Những người đàn bà đã làm rạng danh nòi giống “con rồng cháu tiên”.Đồng thời không quên ghi ân những người đã giúp các anh thư nước Việt – có công trong việc chống ngoại xâm.
Phần tiếp theo sẽ nêu những tám gương tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc của thời cận đại: chống Pháp và đuổi Mỹ.
Phần thứ nhất: Tìm trong sử cũ.
Bài 1. Nữ hoàng nước Việt đầu tiên.
TRƯNG TRẮC, NỮ HOÀNG NƯỚC VIỆT ĐẦU TIÊN :

Ở thế kỷ trước, nhà thơ Dương Khai - Nguyễn Xuân Thái, người làng Đại Hào, phủ Đăng Xương, sau đổi thành Triệu Phong đã viết ca ngợi hai người con gái xứ Mê Linh, trong bài “Tròn Nghĩa Khí” :
                      Độc lập đầu tiên Việt chiến công
                      Quần thoa chi kém bậc anh hùng
                      Phất cờ nương tử giành quyền nước
                      Đánh bọn Tô gian rửa hận chồng
                      Sông Hát gieo mình tròn nghĩa khí
                      Mê Linh giết giặc dậy oai phong
                      Mài gươm cứu nước em cùng chị
                      Lịch sử treo gương rạng má hồng

Lạc tướng huyện Chu Diên có con là Thi Sách. Lạc tướng huyện Mê Linh có 2 con gái, Trưng Trắc là chị, Trưng Nhị là em. Gia đình có nghề chăn tằm. Nghề tầm tang gọi kén đầy là kén chắc, kén mỏng là kén nhị. Tên Trắc và Nhị từ đó mà ra.
Môn đăng hộ đối, gia đình Lạc tướng Chu Diên cưới Trưng Trắc về làm vợ Thi Sách. Dưới thời Đông Hán, các thái thú người Tàu vô cùng tàn nhẫn, bóc lột dân ta thậm tệ. Thái thú Tô Định là một tên gian ác đã giết Thi Sách một cách dã man trước khi khởi nghĩa nổ ra.
Nợ nước cộng với thù nhà đè nặng lên hai vai người phụ nữ Giao Châu. Trưng Trắc cùng em Trưng Nhị nổi trống Mê Linh dấy nghĩa. Tiếng trống đồng Lạc Việt đã thức tỉnh tinh thần dân ta. Hai Bà được nhân dân các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố … rầm rộ hưởng ứng. Bà đã tập hợp được hơn bẩy chục tướng lĩnh, phần lớn là nữ, có nhiều thủ lĩnh nghĩa quân. Những Lê Chân, Thánh Thiên … là nữ tướng đã lập công xuất sắc. Trong đó phải kể đến công lao của bà Man Thiện vừa là mẹ vừa là tướng của Hai Bà Trưng. Bà Man Thiện sinh ra ở làng Nam Nguyễn, ở xứ Đoài Đường Lâm, dưới chân núi Ba Vì hùng vĩ.
 Chẳng bao lâu 65 thành ở Lĩnh Nam về tay Hai Bà. Theo Hậu Hán thư, cuộc khởi nghĩa bùng nổ khoảng tháng 3 năm 40 CN. Nghĩa quân xuất phát từ Mê Linh, đánh phá cơ quan chỉ huy quân sự của nhà Hán ở Giao Chỉ, đánh xuống Tây Vu chiếm thành Cổ Loa. Từ đây quân thủy bộ của Hai Bà “Voi đi nườm nượp, thuyền bè tấp nập” vượt sông Hoàng, sông Đuống xuôi sông Dâu đánh chiếm Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) là lỵ sở của Quận Giao Chỉ giáng một đòn tấn công trực diện vào bọn cai trị. Tô Định phải cắt tóc, cạo râu lẻn trốn về Nam Hải (Quảng Đông).
Dân chúng Âu Lạc theo phục. Thủy Kinh chú ghi : “Trưng Trắc công phá châu, quận, hàng phục được các Lạc tướng, họ đều suy tôn Trắc làm vua”. Sau khi thu phục được giang sơn, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua. Đây là vị Nữ hoàng đầu tiên của nước ta trong những năm đầu công nguyên, chống nô dịch và đồng hóa mà đỉnh cao chói lọi ngàn thu .Ca ngợi Hai Bà Trưng, Đại Nam quốc sử diễn ca  của Lê Ngô Cát có đoạn :
 ...Chị em nặng một lời nguyền
    Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân
    Ngàn Tây nổi áng phong trần
    Ầm ầm binh mã tới gần Long Biên
    Hồng quần nhẹ bước chinh yên
    Đuổi ngay Tô Định dẹp yên biên thành
     Đô Kỳ đóng cõi Mê Linh
     Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...”
Trong đêm dài Bắc thuộc (111 TCN -939 CN), ngót một nghìn năm đó, các thái thú Tàu vô cùng tàn ác. Chúng không chỉ xâm lấn đất đai biên giới và thi hành chính sách đồng hóa vô cùng thâm độc.
Hai năm sau, mùa hạ năm 42 vua Hán phong cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, thống suất 2 vạn quân chủ lực và 2.000 thuyền, xe sang đánh Trưng Vương... Mã Viện là tên tướng đã thu gom trống đồng nước ta để đúc thành cột đồng với câu thề độc: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.(Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt). Tương truyền cột đồng chôn ở động Cổ Lâu châu Khâm. Người dân khi đi qua đây, sợ cột đồng đổ nên đã lấy đá chất vào thành đống, thành gò. Cuối cùng thì cột bị lấp. Đến đời Mã Tổng nhà Đường, chúng lại cho dựng 2 cột đồng ở chỗ cũ, về phía hai sông Tả Giang, Hữu Giang mỗi nơi một cột. Nay chưa rõ là ở chỗ nào?
 Mã Viện tấn công tàn quân của Hai Bà. Lúc này do tướng Đô Dương chỉ huy. Chúng đuổi tới Cư Phong  thì Đô Dương đầu hàng. Trước vũ lực kẻ thù, quân Hai Bà Trưng rút về Cấm Khê. Nơi đây là một chiến trường đẫm máu dài ngày, là nơi hy sinh oanh liệt của Hai Bà Trưng. Hai Bà đã nhảy xuống sông Hát tự vẫn để giữ tròn nghĩa khí. Đó là ngày 8.3 âm lịch theo sử ta, còn sử Hán ghi khoảng tháng 5 năm 43.
Hai nghìn năm sau, Giao Châu vẫn là nước Việt Nam độc lập, còn cột đồng thì lại mất dấu tự bao giờ! Thế mới biết sự ngoan cường của dân tộc Việt. Mọi mưu đồ cấm mốc, lấn chiếm, thậm chí xua hàng chục vạn quân ồ ạt sang 6 tỉnh biên giới phía bắc (ngày 17/2/1979) với mưu đồ thôn tính chỉ là trò đùa!
Cột đồng này chẳng thấy đâu mà nước Việt thì vẫn vững vàng độc lập.
Đúng như nhà sử học Lê Văn Hưu đã bình luận : “Trưng Trắc, Trưng Nhị là phụ nữ, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố và sáu mươi lăm thành ở Lĩnh ngoại đều hưởng ứng. Việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay. Đủ biết là hình thế đất Việt ta có thể dựng được cơ nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tới cho người phương bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy”.(Đại việt sử ký toàn thư).
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 4 tháng 5 năm 2017.

Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét