Trang

Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

190, Thân mẫu Trưng nữ vương, Bà Man Thiện...

Bài 2. Thân mẫu của Trưng Nữ Vương -Bà Man Thiện – Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Bà tên là Man Thiện, cũng có tên là Trần Thị Đoan, quê làng Nam Nguyễn, nay là Thịnh Thôn, thuộc xã Cam Thượng, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Truyền thuyết kể rằng, bà Man Thiện là cháu chắt bên ngoại Hùng Vương. Lúc sinh thời, bà là người con gái có tài sắc nhất vùng, khó ai sánh kịp, lại có tài ứng biến, võ nghệ tinh thông chẳng kém gì đàn ông. Lớn lên, bà lấy ông Hùng Định, sau đổi là Trưng Định, có nơi chép là Trưng Nghĩa Dũng, Lạc tướng đất Mê Linh (miền Sơn Tây cũ và Vĩnh Phú ngày nay), thuộc dòng dõi Hùng Vương. Lạc tướng là người rất khảng khái và có tinh thần yêu nước nồng nàn, uy tín lan rộng khắp vùng, ai ai cũng kính phục. Bà sinh được một con trai khôi ngô tuấn tú, nhưng không may mất sớm. Vào ngày 1 tháng 8 năm Giáp Tuất (tức năm 14 công lịch), bà sinh đôi hai con gái, đặt tên chị là Trưng Trắc, em là Trưng Nhị.
Được ít năm sau, Hùng Định mất, bà Man Thiện một mình phải lo toan mọi việc cày cấy, tầm tang, nuôi dạy và hết lòng chăm sóc đến tương lai hạnh phúc của các con. Bà đã đi mời ông Đỗ Năng Tế, người thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp (nay thuộc huyện Quốc Oai) về làm gia thần để giúp đỡ việc dạy bảo và huấn luyện võ nghệ cho hai chị em Trưng nữ, mong muốn hai còn trở thành những người anh hùng xuất thế, có thể làm rạng rỡ tổ tiên và non sông gấm vóc.
Năm Trưng Trắc 19 tuổi, bà cho lấy Dương Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (nay là miền Hà Đông cũ và Nam Hà, dọc theo sông Đáy), cũng là một người yêu nước và có chí khí quật cường, khắp nơi trong vùng ai cũng biết tiếng.
Giữa lúc nhân dân trong vùng và hai gia đình Lạc tướng đang cùng nhau giúp đỡ con cái trong sự nghiệp cứu nước, đuổi đánh Tô Định - một tên thái thú vô cùng tàn bạo - để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, thì Thi Sách bị Tô Định giết chết. Hành vi bạo ngược của Tô Định không những không làm cho Trưng Trắc sờn lòng, trái lại càng làm cho họ Trưng thêm quyết tâm tiến hành gấp rút cuộc khởi nghĩa để mau chóng đánh đổ chính quyền đô hộ của nhà Đông Hán, khôi phục nền độc lập, đền nợ nước, trả thù nhà.
Trước những hành động cương quyết và chí phục thù của con gái, bà Man Thiện lại càng hết lòng tin tưởng và ráo riết ủng hộ sự nghiệp cứu nước của con mình. Dựa vào lòng kính yêu và tưởng nhớ tới tổ Hùng Vương của nhân dân và uy tín của Lạc tướng Mê Linh, bà đã đi khắp mọi nơi từ vùng núi Ba Vì, Hưng Hoá, Tam Đảo, Tiên Du, đến vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng v.v.. giao thiệp với nhiều quan lang, phụ đạo và thủ lĩnh để chiêu mộ anh hùng hào kiệt bốn phương và tuyển mộ quân lính. Mặt khác, bà ra sức đẩy mạnh việc cày cấy, tích luỹ lương thảo, bí mật luyện tập binh mã chờ ngày khởi sự. Nhiều anh hùng hào kiệt ở các vùng Phúc Lộc, Ma Nghĩa, Quốc Oai, Thạch Thất (Hà Tây ngày nay), Bạch Hạc, Vĩnh Tường, Yên Lãng (Vĩnh Phú ngày nay) v.v... đều nhất tề về theo.
Mùa xuân năm 40, bà Man Thiện cùng với hai con gái kéo quân về cửa sông Hát (thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ ngày nay) lập đàn thề, truyền lệnh khởi nghĩa.
Đàn thề uy nghi, khí thế lẫm liệt “Tiếng chiêng trống vang đến mười dặm” như trong ngọc phả đã chép.
Quân của hai Bà Trưng rầm rộ tiến đánh thành Liên Lâu (Thuận Thành – Hà Bắc ngày nay), là thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở quận Giao Chỉ. Hai Bà đi đến đâu đều được nhân dân mang lương thực ra ủng hộ. Thế quân mạnh khiến cho quân Tô Định phải bỏ chạy về phương Bắc. Tàn quân còn lại đều phải quy hàng. Hai Bà đã nhanh chóng thu phục được 5 huyện, thành (toàn bộ lãnh thổ nước ta hồi đó). Nền độc lập dân tộc được phục hồi. Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương), đóng đô ở Mê Linh (thuộc Hà Nội ngày nay), phong cho Trưng Nhị là Bình Khôi công chúa và suy tôn mẹ là Hoàng hậu (đóng quân tại Nam Nguyễn), mở tiệc khao quân, luận công ban thưởng các tướng sĩ.
Đất nước được độc lập vừa 3 năm. Tháng 4 năm 43, vua Quang Vũ nhà Hán sai Mã Viện đem 2 vạn quân cùng 2 nghìn thuyền xe ồ ạt tiến vào miền Lãng Bạc (có thể là vùng Tiên Sơn, Hà Bắc ngày nay) để xâm lược nước ta lần nữa.
Trưng Vương cùng các tướng lĩnh từ đất Mê Linh xuất quân chống cự. Mặc dầu quân ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, song vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch, nên quân của hai Bà bị thua. Biết không thể thắng nổi địch, hai Bà bèn rút quân qua vùng sông Đáy về đất Cẩm Khê, (nay là xóm Trại Vàng thuộc xã Hoà Thạch, huyện Quốc Oai) là một vùng rừng núi trùng điệp, địa hình hiểm trở và dựa vào hậu cứ ở núi Vua Bà làm kế trường cửu. Nhưng hai Bà chưa kịp đóng quân thì Mã Viện đã đuổi kịp và vây kín tứ phía. Trước sức mạnh hùng hổ của quân địch, hai Bà thấy không sao thắng nổi, hơn nữa không có quân tiếp viện, nên phải dựa vào núi Hi Sơn mà quyết chiến. Nhưng vì thế cùng lực kiệt, hai Bà bị vây hãm và hy sinh anh dũng tại trận.
Trong khi đó, Man Hoàng hậu đóng quân tại đồn Nam Nguyễn. Được tin hai con bị vây hãm, bà hết sức căm phẫn, bèn thu thập quân sĩ trong các huyện Phúc Lộc (Phúc Thọ), Bạch Hạc v.v... cùng với đoàn thuyền chiến ngược dòng sông Hồng, tiến qua sông Đà, qua vùng chân núi Ba Vì, vòng về núi Hi Sơn (Vua Bà) để giải vây cho hai con. Nhưng bà mới đi được nửa đường thì quân Hán đã đuổi kịp và đánh gấp. Trước cảnh người mệt, ngựa mỏi, Man Hoàng hậu biết mình không sao có thể thoát khỏi tay giặc, bèn lên ngựa tả xung hữu đột, phá vòng vây của địch suốt nửa ngày trời. Cuối cùng, Man Hoàng hậu bèn gieo mình xuống sông tuẫn tiết để khỏi sa vào tay giặc. Hôm ấy là ngày mồng 10 tháng chạp. Xác bà trôi về đến bến Nam Nguyễn, diện mạo vẫn hồng hào như khi còn sống. Nhân dân và quân sĩ trông thấy vô cùng thương tiếc, bèn vớt lên, tổ chức lễ an táng tại khu gò đất cao trong đồn Nam Nguyễn, đặt tên là gò Mả Dạ và lập đền thờ để tưởng nhớ tới công ơn Bà.
Bà Man Thiện xứng đáng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng đầu tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Bà là tấm gương sáng chói cho truyền thống yêu nước, thương con của người phụ nữ Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử dân tộc
.


Bên bờ Phước Long Giang, ngày Phật Đản,15/04/Đinh Dậu.
Nhà thơ Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét