Trang

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

192. Bài 4. Nhụy kiều tướng quân.

Bài 4. NHỤY KIỀU TƯỚNG QUÂN.

Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư, quyển IV trang 131 ghi: “Mậu Thìn (248) (Hán Diên Hy năm thứ 11, Ngô Vĩnh An năm thứ 1). Người Cửu Chân lại nổi lên đánh hãm thành ấp, châu quận rối động. Ngô Vương cho Hành Dương đốc quân đô úy là Lục Dận (có sách chép là Lục Thương) làm thứ sử kiêm hiệu úy. Dận đến nơi, lấy ấn tín hiểu dụ, ra hàng phục hơn 3 vạn nhà, trong châu lại yên. Đến sau người con gái ở quận Cửu Chân là Triệu Ẩu (Ẩu vú dài ba thước, vắt lên sau lưng, thường ngồi đầu voi đánh nhau với giặc) họp quân đánh cướp quận huyện. Dận dẹp yên được.
 Sách Giao chỉ chỉ chép: Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái em họ Triệu, vú dài 3 thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các huyện trong quận, thường mặc áo ngắn sắc vàng đi guốc gỗ, ngồi đầu voi đánh nhau, sau chết làm thần.
    Hơn một nghìn năm Bắc thuộc, từ nhà Triệu 111 -TCN đến Ngô Quyền 939 CN có 6 cuộc khởi nghĩa lớn được chính sử ghi chép. Đó là Trưng Vương 40-43, Triệu Ẩu 248, nhà Lý Bí + Triệu Quang Phục + nhà Hậu Lý 541-602, Mai Hắc Đế 722, nhà Phùng Hưng 791-800, nhà Khúc Thừa Dụ + (Dương Đình Nghệ - Kiều Công Tiễn) 906-938. Trong đó có 2 cuộc khởi nghĩa là do phụ nữ lãnh đạo.
Trong mục “Dân ta phải biết sử ta”, bắt đầu từ Bài số 1, tôi đã nói đến cuộc Khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Nay tôi cho đăng Bài số 4, nói về cuộc Khởi nghĩa của Bà Triệu Ẩu dưới tựa đề là Nhụy Kiều tướng quân.
Bài 4. Nhụy Kiều tướng quân.
  Thế kỷ thứ III đầu công nguyên, năm 248 Cửu Chân và Giao Chỉ lại nổi dậy chống quân Ngô. Bọn giặc Ngô ngô nghê này vẫn có chút lãng mạn, đặt tên cho người chống lại mình rất ư là văn nghệ: Nhụy kiều tướng quân, có nghĩa là vị nữ tướng yêu kiều. Còn một tên nữa văn hoa hơn, đó là Lệ Hải Bà Vương do nhân dân ta yêu mến Bà mà gọi. Lệ Hải Bà Vương có nghĩa là Vua Bà của vùng biển đẹp. Sự thực Bà Triệu chỉ làm một cuộc khởi nghĩa chống xâm lăng, chứ chưa hề xưng vương. Cảm phục người nữ anh hùng xứ Quân Yên, miền Hậu Lộc (Thanh Hóa ). Nhà thơ Mai Lĩnh Sơn đã ca ngợi:

    Múa ngang ngọn giáo chống hùm dễ
    Đối mặt Vua Bà thật khó hung (1)
   “Lệ Hải” vung gươm vì nghĩa lớn
   “Nhụy kiều” đốc tượng thúc muôn quân
    Đạp bằng sóng dữ xua tan bão
    Chém nát kình ngư, lặng biển Đông
    Tỳ thiếp khom lưng nào chịu phận
     Trinh Nương đâu kém bậc anh hùng
                                                                   ( Hiên ngang Triệu Ẩu )
                  (1) Quân Ngô có câu: “Hoành qua đương hổ dị/Đối diện Bà Vương nan”.  Mai Lĩnh Sơn đã dịch ở 2 câu đầu bài thơ trên.
 
Bà Triệu (225-248) còn được gọi là Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Quốc Trinh, là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam. Bà Triệu sinh năm Bính Ngọ (226) tại miền núi Quân Yên (hay Quan Yên), quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Bà là em gái hào trưởng Triệu Quốc Đạt. Bà là người phụ nữ có sức khỏe phi thường. Khi biết em gái mình có ý định khởi nghĩa, người anh cho rằng phận gái khó có thể đảm đương nổi và đã can ngăn. Bà khẳng khái trả lời:” Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách đô hộ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người ta”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên đã viết:
Triệu Ẩu (tức Bà Triệu) là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới.
Sử nhà Nguyễn ở thế kỷ 19 cũng đã chép:
Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng đáng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành Phu Nhân và Nương Tử Quân mà Bắc sử đã chép đâu.
Năm 226, Sĩ Nhiếp mất, vua Đông Ngô là Tôn Quyền bèn chia đất từ Hợp Phố về Bắc thuộc Quảng Châu dùng Lữ Đại làm thứ sử; từ Hợp Phố về Nam là Giao Châu, sai Đại Lương làm thái thú, và sai Trần Thì làm thái thú quận Giao Chỉ. Lúc bấy giờ, con của Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy tự nối ngôi và xưng là thái thú, liền đem binh chống lại..
Thứ sử Lữ Đại bèn xua quân sang đánh dẹp. Do nghe lời chiêu dụ, Sỹ Huy cùng năm anh em ra hàng. Lữ Đại giết chết Huy, còn mấy anh em thì đem về đất Ngô làm tội. Dư đảng của Sỹ Huy tiếp tục chống lại, khiến Lữ Đại mang quân vào Cửu Chân giết hại một lúc hàng vạn người.
Thực vậy, Bà đã dấy quân tụ nghĩa ở vùng núi Tùng Sơn, một thung lũng nhỏ nằm giữa hai dãy núi đá vôi, gần biển và là cửa ngõ phía bắc vào Thanh Hóa. Căn cứ Bà lập ra có vị trí quân sự hiểm yếu, thuận lợi cả hai mặt công và thủ. Bà cho quân dựng 7 đồn lũy ở núi Chung Chinh. Quân lính của Bà đã chiến đấu hơn 30 trận với giặc Ngô. Dân chúng Cửu Chân hưởng ứng khởi nghĩa, theo Bà rất đông. Cuộc khởi nghĩa lan ra nhiều nơi, cả ở Giao Chỉ. Các thành ấp của quân Ngô đều bị triệt hạ. Thứ sử Giao Châu bỏ chạy mất tích. Trước tình hình đó, triều Ngô cử tướng Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu, đem theo gần một vạn quân sang để đàn áp cuộc khởi nghĩa.
 Trong Đại Nam quốc sử diễn ca Lê Ngô Cát có viết:
       “…Cửu Chân có ả Triệu Kiều
Vú dài ba thước tài cao muôn người
Gặp cơn thảo muội cơ trời
Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang
Đầu voi phất ngọn cờ vàng
 Sơn thôn mấy cõi chiến trường xông pha…”

   Truyền thuyết kể rằng: Nghĩa quân của Bà kiên cường chiến đấu đến cùng. Về sau có kẻ phản bội mách với Lục Dận rằng; Bà rất sợ cái dơ bẩn, yêu cái trong sạch (ái khiết úy ố). Quân Ngô liền trần truồng tiến đánh làm Bà hổ thẹn, giao binh quyền cho 3 tướng họ Lý rồi lên Núi Tùng tự vẫn. Lúc bấy giờ Bà mới 23 tuổi. Hiện trên Núi Tùng có mộ Bà Triệu và dưới chân Núi Tùng có đền thờ chính Triệu Trinh Nương.

Ngày nay, sau gần 2000 năm, trong dân gian vẫn còn truyền tụng những câu ca:
Có Bà Triệu tướng
Vâng lệnh trời ra
Trị voi một ngà
Dựng cờ mở nước
Lệnh truyền sau trước
Theo gót Bà vương…
Lại có câu ru con:
“Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng…”

          Như vậy, đúng hai trăm năm sau khởi nghĩa Mê Linh, cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu nối chí Hai Bà Trưng quyết” giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ” đã chứng minh một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta : Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
           Hình ảnh Bà Triệu – người con gái kiên trinh, bất khuất của nước Nam muôn thuở không phai mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam !

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 16/5/2017.

Nhà thơ Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét