Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2019

271 Giải phóng Điện Biên


271. Kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ
7/5/1954 – 7/5/2019.
                                       Hồi ức của Xuân Bảo
Lá cờ Quyêt chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castries, ngày 7/5/1954.

NHỚ VỀ BÀI HÁT GIẢI PHÓNG ĐIỆN BIÊN
Hè 1954, học sinh chúng tôi kết thúc năm học sớm. Những trò được lên lớp 7 thì chuẩn bị hành trang để lên Cùa học vì trường Triệu Sơn chỉ có đến lớp 6.
Trong nhà tôi, Tỉnh đội Dân quân Quảng Trị có đặt cái máy phát điện quay tay để nhận và phát tin tức. Cậu tôi, ông Nguyễn Thành Chương ở Ban Chính trị, phụ trách công tác Tuyên huấn dặn anh Cẩn mở Đài Tiếng nói Việt Nam để theo dõi chiến sự chiến trường Điện Biên Phủ cho cả nhà nghe.
Sáng ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng đã tung bay trên cao điểm A1, báo giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ba bài hát tiêu biểu: Hành quân xa, Trên đồi Him Lam, Giải phóng Điện Biên.  Sự ra đời của bài Giải phóng Điện Biên đã được tác giả cho biết qua hồi ký của mình. Ông viết: "Ngày 7-5-1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi”. Người tôi gai lên. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn". Và thế là, Giải phóng Điện Biên đã chính thức ra đời từ đó”.
Bài hát được nhạc sĩ vận dụng một cách sáng tạo âm hưởng, làn điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo của đồng bằng Bắc bộ. Ở đó ta như nghe thấy có tiếng kèn thắng trận hùng tráng, có âm hưởng điệu xòe hoa của dân tộc Thái xen lẫn với nhịp bước quân đi. Ca từ của bài hát rất giàu hình ảnh, như một bài thơ văn xuôi: Có hình ảnh những chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về; có cảnh núi rừng Tây Bắc mừng vui với mùa hoa nở rộ, nương lúa mới của bản Mường, và từng đàn em bé, từng đoàn dân công tiền tuyến reo vui, vẫy chào. Hình ảnh núi rừng và con người Tây Bắc cứ như một cuốn phim hiện lên khi gần, khi xa trong ca từ của ông: "Bản mường xưa nương lúa mới trồng, kìa đoàn em bé ra  đồng nắm tay xoè hoa”. Kết thúc bài hát, giai điệu vút lên thật hào hùng: "Núi sông bừng lên/ Đất nước ta sáng ngời /cánh đồng Điện Biên/ cờ chiến thắng tưng bừng trên trời".
Bài hát này sau khi tiếp quản Thủ đô, mùng 10/10/1954, Đài Tiếng nói Việt Nam lấy làm nhạc hiệu của Đài.
Bên bờ Phước Long Giang, sáng 7/5/2019.
Nhà thơ Xuân Bảo.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét