Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

270. Nhà văn Song Cầm với Hà Nội


                    270. Viết nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam            30/4/1975 – 30/4/2019.
NHÀ VĂN NGUYỄN THANH SONG CẦM VỚI HÀ NỘI.
Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long (1010 – 2010), Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai có xuất bản cuốn sách Thơ NGÀN NĂM THƯƠNG NHỚ để dâng lên Đức Lý Công Uẩn – người hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành năm 2010.
Ban biên tập chúng tôi đã có Lời ngỏ như sau: “ Hơn 60 năm trước, tại Chiến khu Đ miền Đông gian lao mà anh dũng, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã viết:
Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…
Bài thơ đã được lưu truyền rộng rãi và sống mãi trong lòng người đọc. Bởi vì tác giả đã nói đúng nỗi niềm của con dân nước Việt là luôn luôn nhớ về thủ đô – nhớ về nguồn cội dân tộc.
Hôm nay, năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong đoàn quân điệp trùng hướng về thủ đô có nhiều người đi theo con đường Thơ của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, mà Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai đã kịp thời tập hợp bằng thi phẩm TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ.
Đây là một cuộc tập hợp ngẫu nhiên – vừa đi vừa nhập đoàn – của các thi nhân đủ mọi thành phần ở khắp mọi miền đất nước nên không đưa ra một tiêu chí phân biệt gì. Tất cả đều có chung tấm lòng “thăm lại non sông giống Lạc Hồng”.
Bởi thế có giọng thơ sâu sắc thâm trầm nhưng cũng có lời thơ mộc mạc chân quê lần đầu tiên góp mặt thi đàn. Tất cả là một tràng hoa muôn sắc được kết bằng cỏ nội hương đồng khắp mọi miền đất nước, dâng lên Thăng Long ngàn năm tuổi; dâng lên Thủ đô hòa bình, lương tri, phẩm giá của nhân loại.
Ngày đi, tay chắc súng. Ngày về, túi đeo thơ ngợi ca sông núi trường tồn. Thật không có hình ảnh nào đẹp đẽ cho bằng!
Hai nhà thơ XUÂN BẢO và VÕ NGUYỆN, Câu lạc bộ Thơ Trấn Biên Đồng Nai đã tự nguyện đứng ra tổ chức “ tour về nguồn ngàn năm…”. Mặc dù đã làm việc nghiêm túc hơn một năm trời nhưng chắc chắn không thể nào tránh được thiếu sót, chúng tôi mong được lượng thứ.
Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý Mạnh Thường Quân đã hết lòng ủng hộ tài chính. Cảm ơn các thi hữu đã nhiệt tình cộng tác-nhập đoàn và tất cả các cơ quan, các cá nhân đã kịp thời giúp đỡ, động viên để thi tuyển ra mắt kịp thời, nghìn năm có một.
 Xin trân trọng cảm ơn và giới thiệu đến bạn đọc.
BAN BIÊN TẬP.



***
Trong Thi tuyển này, ngoài thơ có 3 bài bình và phát biểu cảm tưởng. Đó là bài Trời Nam thương nhớ của nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga ở Yên Phong, Bắc Ninh; đó là bài Ngàn năm thương nhớ của họa sĩ Trần Quốc Tiến, tức nhà thơ Tấn Hoài ở Quảng Trị và đó là bài Tôi yêu Hà Nội của nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
Nữ nhà văn đã viết:
Tôi là người con gái Huế, từ nhỏ đến nay chỉ được sống với cố đô – đất thần kinh của vương triều Nguyễn. Trước đây tôi ít biết về Thủ đô Hà Nội, vì vậy những cảm xúc để có thể sáng tác được những bài thơ hay là rất hiếm. Nay qua đọc Thư ngỏ của CLB Thơ Trấn Biên Đồng Nai do hai nhà thơ XUÂN BẢO và VÕ NGUYỆN đề xướng cho Thi phẩm TRỜI NAM THƯƠNG NHỚ tôi bỗng thấy mình thiếu một cái gì đó rất mơ hồ như một thứ tình yêu còn tiềm ẩn tận đáy sâu tâm hồn.
Tôi vinh dự được gặp nhà thơ Xuân Bảo và ông đã gợi tứ cho tôi về Thủ đô yêu dấu – trái tim của Tổ quốc – Hà Nội thành phố hòa bình. Thế là những cảm xúc trong tôi trào dâng. Phải viết về Hà Nội. Những bài thơ này dù chưa hay, nhưng đó là tấm lòng của một người con xứ Huế gửi tất cả niềm thương yêu về Hà Nội, dâng lên Đức Lý Thái Tổ trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long  - Hà Nội.
     Bốn bài thơ của Nguyễn Thanh Song Cầm đăng trong Thi tuyển Trời Nam thương nhớ gồm: Hà Nội – Thủ đô thanh bình, Bài thơ cuối Xuân, Quốc học trường tôi và Lời nguyện.
          Bên bờ Phước Long Giang, ngày 29/4/2019 -  kỷ niệm 44 năm, một ngày trước Ngày Toàn thắng 30/4/1975.
Nhà thơ Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét