Hồi ức của Xuân Bảo
Tôi không rõ Cha tôi được sinh ra ngày tháng nào. Khi tôi có trí khôn thì Mạ cho biết Cha tôi sinh năm Mậu Thân ( 1908 ). Quê tôi là làng Đại Hào, tổng An Cư, phủ Đăng Xương, sau này đổi thành phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.


Dân Quảng Trị sớm hình thành bởi hai lần đại di dân. Lần thứ nhất là vào khoảng thế kỷ 14, khi Huyền Trân công chúa trở thành Hoàng hậu Paramecvari – vợ vua Jaya Shimhavarman III – tức vua Chế Mân. Dân Châu Ái, Châu Hoan đưa nhau vào khai khẩn miền đất mới với tên cũ là Châu Ô, Châu Lý (Rý), vốn là đất sính lễ của Chiêm quốc. Lần thứ hai, cũng không kém phần ồ ạt hơn. Đó là vào năm 1558 Chúa Nguyễn Hoàng sợ anh rể Trịnh Kiểm sát hại nên đã nói với chị Ngọc Bảo cho mình vào trấn thủ đất Thuận Quảng. Ngoài binh mã bản bộ thuộc Gia Miêu ngoại trang, quê Chúa Nguyễn thì có thêm hàng vạn hộ dân Thanh Hóa theo vào. Khi Nguyễn Hoàng vào tạm dựng Đại bản doanh tại làng Ái Tử, còn gọi là Dinh Cát. Dân bản xứ vào trước đã mang dâng Chúa 7 chum nước đầy để tỏ lòng quy phục.
Tính theo thời gian mà Phả ký Tộc Nguyễn Ngọc có hiện tại thì dòng họ này đến hiện nay là 16 đời, tương ứng với thời điểm Chúa Tiên vào đây. Làng Đại Hào có họ Nguyễn 8 phái mà phái Nguyễn Ngọc của tôi là lớn nhất. Chi của Cha tôi có nhiều người đỗ đạt.
Ông nội tôi nhiều lần lều chõng vào kinh đô ứng thí nhưng không đỗ, đành về quê : Văn chương phú lục chẳng hay/Trở về làng cũ học cày cho xong… Thế nhưng, Triều đình dường như tiếc cái công lao dùi mài kinh sử nên cũng cho ông tôi làm lý trưởng đến gần chục năm. Lý trưởng còn được gọi là xã trưởng,( chức tương đương như Chủ tịch phường, xã bây giờ) Dân Quảng Trị quê tôi phát âm không chuẩn nên thường gọi xã ra thành ông xạ. Lúc còn nhỏ, những khi cha mạ cho về thăm làng, tôi thường được Ông nội dạy bảo bằng những câu chữ nho như ; nhân chi sơ vốn bản thiện, nhân bất học bất tri lý- ấu bất học lão hàn vi…Ông dạy tôi học chữ thánh hiền bằng những bài học vỡ lòng trong cuốn Tam thien tu như Thiên trời địa đất. Cử cất tồn còn. Tử con tôn cháu. Lục sáu tam ba. Gia nhà quốc nước. Tiền trước hậu sau. Ngưu trâu mã ngựa…Ông còn dạy tôi viết chữ Hán. Ông đem ra cái mâm gỗ, lấy cát Tiểu Trường Sa ( tức là loại cát lấy ở đoạn giũa cắt khúc đồng bằng và miền duyên sơn.). Ở Quảng Trị ngày nay còn nhiều từ đoạn Thành Cổ đến các xã thuộc huyện Hải Lăng – bây giờ đoạn này còn được gọi là Đại lộ kinh hoàng trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cát được đổ vào xâm xấp lòng mâm, sau đó dùng ngón trỏ viết tập. Thí dụ : Chữ Thiên gồm hai nét ngang và một nét phẩy, một nét mác. Viết xong, lắc cái mâm cho cát trở về bằng phẳng như ban đầu. Ở cái thời đó, cách tập viết như thế quả là một sáng kiến vĩ đại, vừa tiết kiệm giấy lại vừa luyện cho nhuần nhuyễn quen tay. Đến khi nào thuần thục thì mới dùng bút nho viết lên giấy bổi.
Tôi cũng thường được Ông cho theo ra đồng, Tuy là lý trưởng nhưng ông cũng phải lam lũ ruộng nương như những lực điền. Tôi còn nhớ như hằn sâu vào ký ức thơ ngây của tôi về cái cung cách làm việc của những công bộc của dân thời đó. Chuyện là như thế này : Ông tôi đang cày ruộng. Có một người dân cần lên quan có việc gì đó nên phải lặn lội ra đồng để tìm xã trưởng ký chứng vào đơn. Ông tôi họ ( dừng ) trâu lại và lên bờ gặp đương sự. Sau khi rút cây bút nho, thường dắt tai, Ông tôi mút vào miệng cho ướt đầu thấm mực, ký chứng vào đơn, Ông tôi lấy cái triện vận trong lưng quần ra, hà hơi cho ẩm hơi nước rồi kê lá đơn vào đầu gối ấn cái triện vaò, ( triện , miền bắc gọi là con dấu, miền nam gọi là cái mộc) nơi có chữ ký của ông. Hồi đó dân ta không mặc quần dải rút hay lồng bằng dây thun như ngày nay mà mặc quần lưng vận.
Ông tôi là người hay chữ. Chữ nho Ông viết rất đẹp.Ông được dân làng rất mến mộ. Trong làng nhà nào có việc quan hôn tang tế đều đến xin Ông tôi cho đôi câu đối, hoành phi hoặc văn ai, văn điếu. Mặc dù làm việc “nước”, nhưng Ông tôi cũng phải lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Khi việc làng, Ông được trọng vọng ngồi chiếu trên. Khi hết việc, Ông tôi chỉ làm người dân như mọi người. Nhũng ngày giáp Tết Nguyên đán, Ông tôi thường mang chiếu, tráp, giấy điều, mực nho ra ngồi dưới tán cây đa cạnh đình làng để viết thuê câu đối. Viết đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ nổi tiếng. Vì thế tôi càng nhớ và thương Ông tôi da diết.
Mệ nội tôi, quê làng An Cư, tổng An Cư cùng phủ Triệu Phong là cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường. Ông sinh năm 1824, theo phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết nên bị thực dân Pháp bắt ông giam xuống tàu chở vào Gia Định, rồi chở ra đày ở đảo Tahiti và chết tại đó năm 1886.
Có một điều rất đặc biệt là hai làng Đại Hào và An Cư đồng thờ chung Ngài Khai khẩn tên là Nguyễn Thông. Chị ruột Mệ nội tôi được gả về làng Tường Vân, lấy chồng là vị quận công được Triều đình tấn phong tước Hồng lô tự khanh. Ông mệ tôi sinh hạ được sáu người con, hai trai bốn gái. Cha tôi là con đầu. Học hết bậc tiểu học ở Trường Tiểu học Triệu Phong. Thời gian này ở tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 trường : Trường tỉnh, trường Triệu Phong và trường Cam Lộ. Còn nếu học tiếp lên bậc Thành chung thì phải vào Huế. Cha tôi thi xong được cấp bằng Certificat d’ Études Primaire và ít lâu sau đó ông đăng lính vào 5è Brigade ( Lữ đoàn thứ năm của quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương). Hồi đó thường gọi sắc lính này là lính khố đỏ. Đây là đội quân chủ lực do người Pháp chỉ huy và điều động. Bên Nam triều có hai sắc lính khác. Đó là lính khố xanh mà tỉnh nào cũng có ( trừ Nam kỳ ) do quan Lãnh binh người Việt chỉ huy. Phủ Tôn nhơn thì có lính khố vàng chỉ phục vụ cho nội bộ Triều đình. Sở dĩ gọi khố đỏ, khố xanh, khố vàng là mỗi sắc lính đều có trang phục khác nhau. Người dân chỉ phân biệt khi các anh lính đi ra đường có quấn cái xà cạp có màu khác nhau.
Quân đội Pháp đóng ở Huế. Cha tôi ở Tiểu đoàn cơ động nên ông đã được điều đi đánh Xiêm La do chúng quấy rối ở biên giới Cao Miên – Xiêm. Lúc bấy giờ 3 nước Việt Miên Lào đã bị thực dân Pháp thôn tính, được gọi chung là xứ Đông Pháp ( Indochine Francaise )Không biết ông có bắn được thằng Xiêm nào không mà về đến Huế được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Chiến tranh ( médaille de la guere ). Tiếp theo đó, chẳng biết có quan hệ gì với Chính quyền Trung Hoa, lúc này nhà Mãn Thanh đã sụp đổ,Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Đại thống chế Tôn Trung Sơn nắm quyền bính mà tiểu đoàn này được điều sang Côn Minh . Năm 1933, đây là thời điểm Cha tôi làm 2 bài thơ tặng Mạ tôi dù chưa làm lễ cưới. (hai bài thơ sẽ đăng phần cuối bài này). Nhờ có biết tiếng Pháp nên Cha tôi được điều về làm văn phòng tại cơ quan tham mưu (État Major) của Lữ đoàn đóng tại nội thành Huế, phần đất Triều đình cắt nhượng cho Pháp theo Hiệp ước Patenôtre ký năm 1884. Các cơ quan chỉ huy của Lữ đoàn và các đơn vị lính đều đóng phía trong thành.
Ngoài thành, đồn Mang Cá lớn chỉ có một Camp marié( thường được gọi là Trại con gái), nhưng thục chất là như một khu gia binh, dùng làm nơi ở cho vợ con binh lính)
Ngoài thành, đồn Mang Cá lớn chỉ có một Camp marié( thường được gọi là Trại con gái), nhưng thục chất là như một khu gia binh, dùng làm nơi ở cho vợ con binh lính)
( còn tiếp )
Tên thật Nguyễn Xuân Bảo
Bút danh khác: Trực Ngôn, Tú Sừng
Sinh: 16/1/1935 tại Huế
Quê: Triệu Phong, Quảng Trị
Thường trú: Biên Hòa, Đồng Nai
Huy chương Vì Sự Nghiệp Văn Học Nghệ Thuật
Hội Viên Hội Văn Học Nghệ Thuật Đồng Nai
TÁC PHẨM XUẤT BẢN :
Mấy nhành hoa tím (Thơ) NXB Đồng Nai 1997
Khúc hát những dặm đường (Ký và thơ) NXB Quân Đội Nhân Dân 2004
Trăng Giêng (Thơ) NXB Hội Nhà Văn 2007
Tôi đi nhặt bụi vàng (Tùy bút và thơ) 2008
Âm vang một dòng sông (Trường ca và thơ)
Và nhiều tập thơ, chủ biên các tập văn, thơ, ký và in chung…
TÁC PHẨM ĐÃ ĐĂNG TẢI TRÊN NEWVIETART - VIỆT VĂN MỚI
Thân phụ anh sinh năm Mậu thân,nếu anh là con út của cụ thì năm nay tuổi anh cũng "như người lớn " rồi (nơi em họ quy định từ 50 đến 76 là người lớn,trên 80 gọi là già).Thời đó cụ có bằng tiểu học là khá quá còn gì.Nhưng với cái lý lịch như thế hồi CCRD gia đình anh không sao ư?trước 1968 không bị phân biệt đối xử ư?(Ví dụ không ĐƯỢC đi bộ đội,vào đảng (Lao động) thì đừng hòng!
Chuyện phụ nữ 4 vú,anh VBH bảo :"Thằng chaTú Sừng hóng hớt phao tin đồn nhãm . Bạn cứ uống rượu thật say rồi nhìn vào ngực mình là thấy ngay. Hee hee!!! ",em tưởng có phụ nữ 4 vú thật.(Em có ảnh của phụ nữ 3 vú,hình như trang ảnh của em có).
Chúc anh cùng toàn gia BÌNH AN!