Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

14-Đường vào


21:44 3 thg 8 2012Công khai22 Lượt xem0

                                          (Thư gửi vợ)       
                                      Bút ký của Xuân Bảo
      Dọc  đường từ Hà Nội đến Vĩnh Linh, cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đã gieo rắc lên Miền Bắc thân yêu biết  bao thảm họa.  Đến bờ bắc sông Thạch Hãn thì không còn đi được nữa vì phía bờ Nam hãy còn là vùng kiểm soát củả  chính quyền Sài Gòn.  Tại  nhà khách mới làm tạm của Tỉnh ủy , tôi được bác Hồ Sĩ Thản, bây giờ đã  là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị tiếp thân mật và được bố trí nghỉ  lại  trong những ngày công tác. Đêm về,tôi ngồi ghi nhật ký và đã làm một chùm thơ  “ Mừng quê nhà giải phóng”. Trong đó có bài
   Lại về
Đã giải phóng rồi Quảng Trị ơi !
Ta lại về đây với đất trời            
Hai chục năm ròng đau chia cắt
Sung sướng mà sao lệ vẫn rơi

          Và tôi đã bình tâm chong đèn ghi lại cảm xúc Đường vào.Những điều tôi viết cách đây gần 40 năm vẫn  còn tươi rói tình yêu đối với quê hương. Hôm nay mới chính thức ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam ( 1975-2012 ) và 40 năm Quảng Trị giải phóng ( 1972-2012 ).                      
                 
                            Cầu Long Biên xưa kia. 
                 I
         Khi niềm vui đã lắng xuống và nỗi buồn ngày càng đượm, càng da diết hơn thì anh viết cho em những dòng này. Vì sao lúc tâm tư đang rộn rã niềm vui lại không ghi lại cho em mà phải để cho niềm vui ít ỏi này trôi đi ? Khi nỗi buồn cào xé tâm can mới có thể giục giã anh viết những gì gọi là chân chất, thực lòng anh cho em đây. Nếu gọi chuyến đi của anh là một cuộc hành hương về quê Mẹ sau hai mươi năm trời dằng dặc. Hay gọi nó là một chuyến đi lịch sử của riêng anh cũng được. Đi cho biết đó, biết đây. Đi để nhìn tận mắt, sờ tận tay cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt kéo dài hơn một thế hệ. Đi để mà bước lên chiếc cầu Hiền Lương – nơi mà có biết bao nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ viết về nó, vẽ về nó.
      Con sông Hiền Lương hay còn gọi là sông Bến Hải, nơi những đứa con của Quảng Trị thân yêu đã phải rời xa quê hương trong cái ngày khóa tuyến (20-8-1954) để tập kết ra Bắc. Anh đi về Bắc để rồi có ngày chúng ta nên nghĩa vợ tình chồng giữa thủ đô nghìn năm văn vật. Phải không em? Anh còn nhớ cái đêm liên hoan chia tay đồng bào để ngày hôm sau lên đường, Tỉnh đội Quảng Trị đã chuẩn bị một chương trình văn nghệ, sau mit-ting. Anh đã tham gia dàn dựng bản đồng ca “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam” khá công phu. Trong dàn đồng ca đó, ngoài các “ca sĩ” nghiệp dư là những anh lính trẻ măng còn có bốn người đóng vai công nông binh và trí thức. Hóa trang cho người lính thì dễ, bởi vì họ đã đã có sẵn quân phục, cũng chỉ là những bộ đồ vải xi-ta nhuộm màu cứt ngựa. Công nhân thì quần xanh áo trắng, chỉ cần thêm cái mũ cát - két. Nông dân thì đã có sẵn quần áo mặc thường ngày. Vai trí thức mới khó. Bọn anh đã vót những cọng tre uốn tròn làm giả đôi kính trắng, có đầy đủ gọng và mắt rỗng vì không có tròng và chiếc cà-vạt thì lấy giấy đỏ dán theo hình thù của nó rồi đeo vào cổ áo, nhìn xa  y như thật. Anh đã lên sân khấu ngâm bài thơ Đêm liên hoan của nhà thơ Hoàng Cầm. Những bài ca kháng chiến như Bình Trị Thiên khói lửa của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Bà mẹ Do Linh của nhạc sĩ Phạm Duy và nhiều bài hát khác của Mặc Hy, Nguyễn  Viêm cũng được trinh diễn. Chỉ riêng bài Lời người ra đi của nhạc sĩ Trần Hoàn thì bị cấm từ trước. Bài hát này đồng bào và chiến sĩ ta rất yêu thích và nhiều người thuộc, nhưng được coi là ủy mị, làm giảm ý chí chiến đấu của quân và dân ta! Dân các xã Triệu Sơn, Triệu An và nhiều xã khác quanh vùng, cả đồng bào trong thị xã Quảng Trị ra dự khá đông. Lúc này thị xã vẫn là vùng tạm chiếm của quân đội Pháp.                   
       Hôm sau. Sáng 20 tháng 8, đơn vị hành quân bộ ra Bắc. Anh được Đại đội trưởng Đại đội bộ đội địa phương Triệu Phong, có phiên hiệu là C 335  Lê Trường Lữ, người cùng thôn Thượng Phước, quê ngoại, phân công mang khẩu tiểu liên Tôm-sông và 4 quả lựu đạn. Khi ra đến địa điểm tập trung tại làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh (quê hương đại thi hào Nguyễn Du) thì đại đội của anh cùng với các đại đội các huyện trong tỉnh Quảng Trị phiên chế  thành Trung đoàn 271.
      Gần tối thì đến sông Bến Hải. Đoàn quân phải đi theo phía mé núi Trường Sơn, vì phía đường số 1 vẫn là vùng kiểm soát của đối phương. Khi vượt sông, đoạn này có tên là sông Hói Cụ. Sông hẹp, không có cầu, chỉ có một cây rừng cổ thụ đổ  nằm vắt ngang. Những người lính mang vác trên mình nào súng đạn, nào ba-lô, nào ruột tượng gạo… từng người một bước lên cây cầu thiên tạo đó sang sông. Khá khen cho những anh lính tiền trạm, (người được đơn vị phân công đi trước tìm hiểu tình hình để bố trí chặng đường hành quân và nơi ăn nghỉ cho bộ đội đến sau) đã chọn khúc sông này đưa bộ đội sang, khỏi phải lội xuống nước. Dù nặng nhưng ai cũng vui vẻ, lạc quan. Dọc đường đi, đại đội trưởng  yêu cầu những tay có máu văn nghệ sáng tác tại chỗ những câu thơ lục bát dùng để hò lơ, một loại hình văn nghệ phổ biến trong những năm đánh Pháp ở Bình Trị Thiên lúc bấy giờ. Cách hò như thế này. Bài hò gồm có 2 câu thơ sáu và tám chữ. Thí dụ : “ Mưa rơi ướt núi ướt ngàn. Ướt ai nấy chịu ướt Vệ quốc đoàn em hơ.” Người xướng : Hò lơ hớ lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờvà hò Mưa rơi ướt núi ướt ngàn. Tập thể xô theo :Ali hò lờ ... Câu tám được ngắt thành 2 đoạn. Người xướng : Ướt ai nấy chịu. Tập thể xô: Ali hò lờ. Tiếp theo người xướng : ướt Vệ quốc đoàn em hơ, rồi mọi người cùng hò theo như câu đầu: Hò lơ hớ lơ lắng tai nghe tiếng ai hò lờ và kết thúc. Anh cũng tham gia sáng tác giúp vui để quên đi bao nổi nhọc nhằn.
        Đến gần ga Sa Lung thì được lệnh dừng chân nghỉ đêm. Qua một ngày hành quân khá mệt, khi đêm về thanh vắng, ngủ trong nhà dân, dưới mái tranh nghèo như ở quê, lúc này mới da diết nhớ mẹ, nhớ các em, nhớ làng nhớ xóm, nhớ dòng sông Thạch Hãn bốn mùa xanh trong. Và nao nao nhớ lại suốt những năm trường kỳ đánh Pháp, những lúc chạy Tây lên càn. Nhớ Xóm Mộ, nhớ Bến Trấm- nơi địa đầu của Chiến khu Ba Lòng. Và da diết nhớ cái thời thơ ấu cùng theo người cha kính yêu đi đò dọc lên Chiến khu, lên Bơng, lên Chả Cá, Đà Nầm, Đá Nổi… Ba Lòng là nơi mà nhà thơ Lương An đã làm bài thơ Cô lái đònổi tiếng. Từ cuối năm 1947 đến năm 1954, Ba Lòng là thủ phủ không chỉ tập trung các cơ quan đầu não của Quảng Trị mà còn có các cơ quan Phân khu Bình Trị Thiên. Là con đường thiên lý bắc nam đưa đón nhiều cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước từ Bắc vào và từ Nam ra. Những nhân vật lịch sử của quê nhà như cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng đặt chân đến nơi này.
                                                     II
       Chặng đường sáu trăm cây số từ Hà Nội về tới Đông Hà, Quảng Trị không nơi nào là không mang thương tích do bom đạn Mỹ gây ra. Hà Nội với mối thù Khâm Thiên một ngày cuối đông năm 1972 còn đó. Giặc Mỹ đã ném bom hủy diệt Hà Nội thân yêu của chúng ta bằng máy bay B52. Chúng ném bừa bãi vào khu dân cư An Dương, bãi Phúc Xá, vào Cửa hàng Dược phẩm 142 Phố Huế, ném gẫy mấy nhịp cầu Long Biên và tên giặc lái  Su-mêch-cơ đã phải trả giá. Máy bay ngóc đầu lên phía mạn Chèm thì bị cao xạ ta bắn trúng và hắn nhảy dù ra thị bị quân dân Đông Anh  bắt. Hắn là con của một tỷ phú Mỹ và nghe đâu gia đình muốn chuộc với giá khá cao, chừng vài ba tỷ đô-la ?  Chúng đã vấp phải Con rồng lửa Thăng Long, suốt 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không hạ bệ.
       Sau này khi ngày Giỗ đầu Khâm Thiên nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có một bài thơ đáng chú ý (đăng trên Tạp chí Thanh niên do Nguyễn Thanh Hoài làm Tổng biên tập) và  bị phê phán nặng nề. Đó là bài Vòng trắng, trong đó có mấy câu :... Khói bom lên trời thành những vòng đen/ Trên mặt đất sinh bao vòng trắng/ Tôi với bạn tôi đi trong im lặng/ Cái im lặng hòa bình sau chiến tranh…Nhà văn Ngô Văn Phú thì có Truyện ngắn Sẹo đất đăng báo Văn nghệ cũng bị phê phán. Phạm Tiến Duật nhìn khói bom lên trời thành những vòng đen, còn Ngô Văn Phú thì nhìn những hố bom trên mặt đất thành những cái sẹo của đất.
        Văn Điển tan hoang. Phủ Lý tiêu điều. Nam Định xác xơ. Ninh Bình đổ nát. Vùng cán soong từ Thanh Hóa vào Vĩnh Linh bị tàn phá nặng nề hơn cả. Những chiếc cầu gãy đổ. Gần một trăm chiếc cầu vừa cầu đường sắt và cầu đường bộ không còn chiếc nào nguyên vẹn hình hài. Cầu Hàm Rồng là chiếc cầu do thực dân Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ trước. Đây là chiếc cầu rất đặc biệt do công trình sư người Đức thiết kế. Cầu không có trụ giữa. Hai mố cầu được gác lên hai chân núi, một bên là Núi Ngọc và bên kia là núi Hàm Rồng. Suốt những năm chiến  tranh phá hoại, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 44 máy bay các loại của Mỹ  tại nơi này. Ở đây xuất hiện hai nữ anh hùng chống Mỹ. Đó là Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng.
        Những đoạn đường bị bom Mỹ cày xới nham nhở. Những toa tàu cháy sạm nằm nghiêng ngả bên những thanh ray còng queo. Nhà ga không còn là nhà ga nữa. Nhà cửa hai bên đường số 1 không có ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Những hố bom lỗ chỗ sâu hoắm. Ruộng vườn bị cày xới, băm nát. Cây cối không còn màu xanh muôn thuở. Thỉnh thoảng lại bắt gặp vài ba chiếc xe tải mang nhãn hiệu Zin-khơ, Môlôtôva hay Giải phóng cháy sạm, chỉ còn trơ bộ khung đã han rỉ. Đây là những chiếc xe vận tải của Đoàn Vận tải quân sự Quang Trung chuyên chở vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng cho chiến trường miền Nam.
         Bom đạn của một siêu cường quốc đổ xuống dải đất nhỏ hẹp này tưởng chừng vô hạn. Khi nhìn tận mắt những tàn phá khốc liệt này, từ trong sâu thẳm trái tim dấy lên một mối căm giận tột độ: Chiến tranh !
        Có một chiếc cầu nhỏ bằng xi-măng  dài chừng ba, bốn mét  lại không hề hấn gì. Chiếc cầu trơ ra đó như nói với chúng ta rằng sức chịu đựng kiên cường vô địch của nó là sự thách thức bọn giặc lái Mỹ: Đất nước này đâu dễ chịu thua, đâu dễ đầu hàng !
      Và cũng thật diệu kỳ khi ta cảm nhận được trong cảnh tàn phá ấy, những xóm thôn lùi xa vào phía núi rừng Trường Sơn vẫn nghe tiếng gà gáy, tiếng chó sủa. Ở đấy cuộc sống vẫn sinh sôi.  Cây vẫn xanh, lúa vẫn tốt. Có gì vui hơn  khi khách đường xa được nghe tiếng trẻ bi bô tập đánh vần. Tiếng cười đùa trong trẻo rộn cả một vùng trời của các em nhỏ trong những mái trường đơn sơ tranh nứa!  Diệu kỳ thay là tiếng trẻ chào đời oe oe khóc đâu đây…Dân tộc Việt Nam chúng ta dễ gi tàn lụi, dễ gì bị hủy diệt phải không em ? Chiến tranh là như vậy đó em ơi !
         Đến lúc này đây thì ta mới cảm nhận được thế nào là Tổ quốc, thế nào là quê hương một cách rõ ràng nhất. Tình yêu quê hương không còn trừu tượng mà là rất cụ thể như ta có thể nắm bắt được. Đó là những lũy tre xanh, con đường làng. Bến nước. Cây đa. Mái đình quen thuộc đã hằn sâu vào trí nhớ của ta từ những ngày ấu thơ! Mà giờ đây hoang tàn trước bom đạn
của kẻ thù ? Không căm giận sao được em ơi!
                 
                 Cầu Hiền Lương
          Còn gì đau lòng hơn khi xe đến đầu cầu Hiền Lương thì phải dừng lại. Hiền Lương! Hiền Lương đây rồi! Chỉ hai tiếng ấy cũng đủ kêu gọi lương tri của nhân loại hướng về nó, đấu tranh cho nó để đôi bờ thôi cách chia và ngợi ca mãi mãi không thôi. Hiền Lương đã dậy lửa bao phen? Đến hôm nay mới thực sự không còn là con sông giới tuyến. Anh bước chân lên cầu mà vẫn còn tưởng như trong mơ! Chiếc cầu bảy nhịp xưa kia vắt sang con sông hiền hòa này là mạch máu thông suốt cả ba miền bắc trung nam, là con đường thiên lý đã nâng bước chân của những đứa con đi về mở đất phương trời Nam xa thẳm.
Chiếc cầu đổ gục, hoen rỉ. Anh đến đây lúc mặt trời đã gác núi. Bên này bờ bắc có một cột cờ cao vút. Trên đó là lá cờ đỏ sao vàng  có chiều dài đến mười tám mét đang phần phật bay trong gió. Ngọn gió nam đầu mùa. Một dàn loa phóng thanh 32 chiếc công suất cực đại mang đi tiếng nói của nhân dân Miền Bắc của Đài Tiếng Nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội đến với đồng bào phía nam vĩ tuyến 17.
            Gọi là giới tuyến quân sự tạm thời, nhưng ở đây cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù không kém phần quyết liệt. Máu cũng đã đổ. Vết thương cắt ngang mình Tổ quốc đau thương lắm! Ngỡ rằng hai năm thống nhất. Có ai ngờ sự chia cắt kéo dài 20 năm. Anh lại nhớ về cuộc chiến Trịnh Nguyễn phân tranh mà Sông Gianh là chiến tuyến để rồi Lê mạt, Trịnh tàn. Thương thay !
            Các chiến sĩ công an giới tuyến chững chạc trong bộ quân phục mùa hè, quân hiệu sáng ngời trên mũ. Đây là những chiến sĩ đứng trên tuyến đầu, trên mút đầu  tận cùng của miền bắc giải phóng.
          Xe từ từ lăn bánh trên chiếc cầu phao công binh mới bắc sau Hiệp định Paris được ký kết ít ngày. Lòng người xa quê rộn lên một nỗi niềm bâng khuâng khôn tả. Biết rằng chỉ vài phút nữa thôi là ta sẽ được đặt chân lên mảnh đất miền Nam quê hương thân yêu! Vì sao lại phải phân định nam và bắc nhỉ?! Chắc em còn nhớ khi Hà Nội chúng ta và cả Miền Bắc nghèo khổ đang phải thắt lưng buộc bụng để bổ hạt gạo ra làm tư cho các chiến trường C, chiến trường K và miền Nam đau thương, còn phần ít ỏi cho miền Bắc xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh thì ở vĩ tuyến 17 cũng đã xảy ra bao chuyện thương tâm. Phim Chung một dòng sông mà chúng ta được xem ở rạp Tháng Tám (rạp Majestic cũ) đã kể lại chuyện tình chia cắt của lứa đôi Hoài (do Phi Nga thủ vai) và Vận (do Mạnh Linh đóng). Các anh Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân, (tức Phạm Kỳ Nam) đạo diễn. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Viết đến đây anh lại nhớ hồi năm 1956, anh về thăm Hồ Xá, thăm gia đình cậu mợ Nguyễn Thành Chương. Một buổi tối, có người bên Đặc khu ủy sang cho hay sáng ngày hôm sau anh sẽ được ra thăm đầu cầu Hiền Lương. Ra đây anh gặp đạo diễn Phạm Kỳ Nam đang làm phim và sau này khi về Hà Nội chúng ta đã được xem Tiền tuyến gọi do Vũ Thanh Tú, vợ anh ấy đóng vai chính.



Hoài và Vận trong phim Chung một dòng sông
      Tuyến lửa, Giới tuyến tạm thời.! Con sông giới tuyến! Chao ơi! Mong chờ biết mấy! Thương nhớ biết mấy!. Quảng Trị đau thương  và anh dũng. Quảng Trị gian khổ và hy sinh. Mỗi tấc đất ở đây đều thấm máu biết bao đồng bào, chiến sĩ!
        Anh đi thăm địa đạo Vịnh Mốc. Vịnh Mốc là một thôn của xã Vĩnh Thanh, nằm sát bờ biển, được xây dựng từ năm 1965, khi sự kiện Vịnh Bắc Bộ xẩy ra và đến ngày 18-2-1966 hoàn thành. Trục chính dài 2000 mét. Cứ 4 mét lại khoét sâu vào thành cái hang riêng biệt, diện tích mỗi bề trên dưới 2 mét, đủ cho 4 người ở. Địa đạo có 3 tầng sâu khác nhau. Tầng 1 sâu từ 12 đến 15 mét dùng để dân ở. Tầng 2 sâu  18 mét dùng làm trụ sở Đảng, Ủy ban và Bộ chỉ huy quân sự. Tầng 3 dùng làm nơi tránh bom và kho hậu cần kể cả phần cho Đảo Cồn Cỏ. Điều kỳ diệu là trong cuộc sống vô cùng gian khổ đó, Địa đạo Vịnh Mốc vẫn cho ra đời 60 đứa trẻ, có 15 đứa  sinh ra trong lòng đất! 2000 ngày đêm người đân Vịnh Mốc sống và sinh sôi trong lòng đất! Kỳ vĩ thay! Những ai được đến thăm nơi này đều cảm nhận được sự dũng cảm vô bờ bến của một dân tộc anh hùng. Khắp trên đất nước Việt Nam nơi nào có giặc là nơi đó lại sinh  ra những hình thức chống giặc vô cùng phong phú mà địa đạo là một minh chứng ..
          Đây rồi bờ nam sông Bến Hải. Lá cờ nửa đỏ, nửa xanh sao vàng tung bay trong ánh nắng chiều. Các chiến sĩ an ninh nhân dân đón anh trong tình nghĩa dạt dào. Chiếc xe phải trườn đi trên con đường nham nhở hố bom. Suốt dọc đường  từ Hiền Lương vào tới chân đồi Dốc Miếu là một cánh đồng bằng phẳng. Do Linh đây rồi. Ngày 2 tháng 4 năm 1972, Do Linh sạch bóng quân thù, thoát khỏi vòng kìm kẹp của Mỹ – ngụy. Do Linh là vùng địa linh nhân kiệt đã  sinh  ra cho quê hương nhiều hiền tài : Đó là Trần Đình Ân dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên làm quan to, được dân tin cậy và kính phục vì sự liêm khiết và nhân hậu. Khi ông mất được Chúa truy tặng Đôn hậu công thần, ban thụy là Thuần Thiện. Đó là Trần Đình Túc, một đại thần Nhà Nguyễn. Trước cuộc xâm lăng cuả thực dân Pháp, ông thuộc phái chủ hòa, chỉ muốn không có chiến tranh nên thường được Triều đình giao nhiệm vụ đi thương thuyết. Và Do Linh cũng chính là quê nội của nhà thơ Thanh Tịnh. Ông tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911 tại làng Dương Nỗ ngoại thành Huế. Nhà thơ theo kháng chiến và đã có công sáng tạo ra môn độc tấu (tấu nói) cho nghệ thuật trình diễn, một hình thức kết hợp giữa ngâm thơ, nói lối, có khi có cả những đoạn vè pha lẫn.
        Kẻ thù đã trút xuống nơi đây một khối lượng bom đạn khổng lồ. Tính ra cả cái Khu phi quân sự này đã hứng chịu hàng triệu tấn bom đạn Mỹ. Mỗi đầu người phải chịu đến 7 tấn  bom đạn các loại, trong đó có Do Linh, huyện bờ nam giới tuyến. Do Linh xưa kia là vựa lúa. Nơi sản sinh ra giống lúa de vàng thân thon,lá mỏng, dày bông và sây hạt. Giống lúa de vàng nổi tiếng vì hạt cơm trắng ngần và thơm lựng và cũng đã từng được chọn làm  lúa ngự, tiến cung. Giờ đây nơi cánh đồng này chỉ còn lại năn, lác và nhiều loài cỏ dại khác phủ chụp. Nhiều vô kể là các loài rắn rết. Những hố bom lỗ chỗ đã trở thành những cái đìa. Các loài cá tôm sinh sôi nảy nở tự nhiên trong đó.  Có những bầy trâu nhà đã thành trâu hoang tha hồ gặm cỏ. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng bom mìn nổ do trâu bò dẫm. Điều đáng sợ hơn cả là những quả bom đủ hình thù, đủ chủng loại từ bom bi cho đến bom tạ, bom tấn và các loại mìn muỗi, mìn râu tôm, mìn lá, mìn playmo còn vương vãi nằm cả trên mặt  và dưới lòng đất.
  Cái đồn Dốc Miếu to nhất Quảng Trị của Mỹ - ngụy nằm án ngữ trục đường chính Quốc lộ 1A còn đầy rẫy dây thép gai bùng nhùng, rào gần như suốt chiều ngang nhỏ hẹp của huyện  Do Linh từ biển lên núi, được mệnh danh là hàng rào điện tử Măc-Na-ma-ra (tên của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ), “Con mắt thần Dốc Miếu”́ có thể nhìn xa, kiểm soát hàng chục cây số, hiện đại nhất trong chiến tranh của mọi cuộc chiến tranh. Ở mỗi lớp rào này có trang bị pháo sáng tự động, mìn định hướng mà nay vẫn còn sót lại đâu đó…Súng to súng nhỏ từ  “Vua chiến trường” đến khẩu tiểu liên cực nhanh  AR15, vỏ đạn, thùng đạn đổ vãi  rải rác khắp nơi. Những chiếc xe tăng, xe vận tải quân sự của địch cháy xém còn lại. Những chiếc xe jeep, những thùng cô-nét còn la liệt hai bên đường... Vì ta đang bộn bề trăm công nghìn việc khác phải làm nên việc thu
 dọn phế thải chiến trường chưa được tính đến.
                  
              Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hôm nay
           Anh thấy bên đường có một cái nghĩa trang liệt sĩ mới dựng mang tên “Nghĩa trang Quân Giải phóng Quảng Trị”. Những bức tường vi bao bọc nghĩa trang làm toàn vỏ đạn pháo. Xe dừng lại. Mọi người xuống xe, ngả mũ và tự nhiên thấy lòng mình nặng trĩu, rớm lệ. Không ai bảo ai mỗi người tự mình châm một nén hương (mang theo từ Hà Nội) cắm vào chiếc lư để tưởng niệm các liệt sĩ đã anh dũng ngả xuống vì nền độc lập của Tổ quốc và vì Quảng Trị đau thương của chúng ta. Các anh, các chị đã nằm lại trên mảnh đất kiên cường này  mà ngày lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” các anh, các chị đã nguyện thề trước anh linh các vị Vua Hùng và linh hồn các đấng tiền nhân “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Con cháu hôm nay và các thế hệ mai sau đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì Dân tộc Việt Nam và vì cả Loài người trên hành tinh này! Các anh hùng liệt sĩ hãy yên lòng nhé! Hãy thảnh thơi nằm trong lòng đất Mẹ Việt Nam, yên giấc nghìn thu! Nay mai độc lập rồi chúng tôi những người tiếp bước sẽ xây dựng lại non sông tươi đẹp này, xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của các anh, các chị!
                                                   III
         Xe dừng lại ở Ủy ban Liên lạc Quân sự giới tuyến tại Quán  Ngang. Trước đây Ủy ban này đóng ở thị trấn Hồ Xá.  Những nhà bạt dựng vội trên triền sỏi đỏ, cát trắng. Xa xa về phương trời nam đã thấy ánh điện nhấp nháy trong màn sương mỏng. Cột số bên đường chỉ: Đông Hà 12 km. Xa hơn nữa từ thị xã Quảng Trị những vầng  pháo sáng như ma trơi chới với giữa tầng không rồi vụt tắt. Anh biết rằng hòa bình đã trở lại nhưng tiếng súng vẫn chưa im, chưa ngưng hẳn.
       Đêm Quảng Trị. Trăng lên cao vòi vọi, tỏa ánh vàng nhạt xuống quê hương trơ trụi, không một bóng cây to. Trằn trọc, thao thức không tài nào nhắm được mắt. Bao  nỗi niềm xúc động thương tâm khi tận mắt nhìn rõ quê hương bị chiến tranh tàn phá quá ư nặng nề. Giấc ngủ chập chờn, mộng mị. Tiếng dế kêu rả rích như đè nặng lên trái tim người con xa quê đã bao ngày. Giấc ngủ ? Không. Đây là giấc mơ hai mươi năm -giấc mơ kinh hoàng kéo dài một phần năm thế kỷ. Có nơi đâu như mảnh đất này chăng?!
       Con đã về với đất Mẹ thương yêu! Đã hít thở căng lồng ngực bầu không khí quê Cha. Đã ăn hạt gạo từ những thửa ruộng trộn lẫn máu và nước mắt của bà con Quảng Trị làm ra…lẽ ra phải vui mừng mới phải. Nhưng sao thấy lòng chua xót quá, đắng cay day dứt quá. Mẹ đâu rồi ? Các em đâu rồi ? Còn không cô, dì, chú ,bác, anh em họ hàng thân tộc? Còn không nếp nhà xưa, con đường cũ! Còn không nương mít, vườn chè. Và sao da diết nhớ con sông đã tắm mát cả quảng đời thơ ấu của ta! Đâu đây như văng vẳng,mênh mang câu hò mái đẩy hiền hòa, dịu ngọt. Đêm trầm tư xao xuyến mông lung !.
       Đông Hà một sáng mai hồng. Nắng chói chang. Hà Nội giờ này đang lạnh phải không em ? Ở đây, quê hương anh đã bước sang mùa hạ. Mùa đông này Đông Hà chỉ lạnh có ba ngày thôi mà lạnh từ trong năm cơ.  Đông Hà xưa kia là một thị trấn khi thị xã Quảng Trị là thị xã tỉnh lỵ. Sao giờ đây lại là một thành phố ? Một thành phố nơi ngả ba đường. Đường Số  9  bắt đầu từ đây đi sang Lào và sang tận bờ đông sông Mê-Kông. Đường 9, nơi cắt khúc quốc lộ 1A từ bắc vào nam. Thành phố Đông Hà to gần bằng thị xã Hải Dương ngoài ta. Có nhà cao ba bốn tầng. Có cầu. Có tới 4 cái cầu bắc qua sông Hiếu thì cũng đã gãy gục xuống sông ba cái. Chiếc cầu phao dã chiến mới bắc qua con sông này- con sông mà  nước thì sáng ngọt, chiều lợ.
          Sông Hiếu bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, ở độ cao 1300 mét so với mực nước biển. Con sông này được mang nhiều tên nhất : Sông Cam Lộ chảy một quãng dài 15 cây số từ trên dốc núi đổ xuống. Hai bên bờ là những vách núi đá vôi dựng đứng. Sông Cam Lộ tiếp nhận một phụ lưu bên hữu ngạn sông Trinh Hinh rồi từ đó chạy song song với Đường số 9, qua huyện lỵ Cam Lộ. Nơi đây là quê hương của nhà thơ Chế Lan Viên. Tên thật là Phan Văn Hoan, một trong “Bàn thành tứ hữu” gồm Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan và thi sĩ Chế Lan Viên. Ngoại trừ nhà thơ Quách Tấn, ba nhà trên là những cây bút kiệt xuất trong phong trào Thơ Mới, mở ra một thời kỳ huy  hoàng cho nền thi ca Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Cam Lộ cũng là nơi năm ngoái  Chính phủ lâm thời Công hòa Miền Nam đặt trụ sở. Và chính nơi đây có một vị nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này: Chủ tịch Cuba Phidel Castro.
          Sông Cam Lộ đến đây mới đổi thành sông Hiếu, còn gọi là sông Điếu Ngao ( Điếu Ngao có nghĩa là cào hến), đến Đông Hà thì được gọi là sông Đông Hà chảy xuôi ra phía đông, hợp lưu với sông Thạch Hãn ở bến Dã Độ. Nơi mà “Cỏ thơm như nệm trải, sóng gợn tựa gấm thêu. Cánh buồm chiều soi bóng, thuyền đơn sáng sang ngang” (Ô Châu cận lục của Sùng Nham hầu, tiến sĩ Dương Văn An).
        Từ ngã ba này sông chảy ra cửa biển Việt Yên, mà dân thường gọi tắt là Cửa Việt không còn bao xa, chừng non mười cây số. Cửa Việt đã đi vào thơ ca : “Ta nhớ má Năm Căn, ta thương em Cửa Việt”…
         Cảng Đông Hà khá nhộn nhịp. Trên bến dưới thuyền. Dòng sông rộn rã một nhịp sống khẩn trương dù mới được giải phóng không bao lâu. Tàu, thuyền gắn máy xình xịch đi về như mắc cửi. Thành phố bị Mỹ hóa cao độ. Bọn Mỹ-ngụy đã “không ăn được thì đạp đổ”. Những ngôi nhà cao tầng, thấp tầng đổ sụp dưới hàng ngàn tấn bom tấn, bom tạ, đại bác các loại, khi chúng bỏ chạy.. Cần ăng-ten truyền hình nghiêng ngửa. Trên những mái tôn còn lại những lá cờ Ba que được sơn cẩu thả màu vàng màu đỏ nhòe nhoẹt. Bên cạnh những đổ nát đó còn có cuộc sống của một thành phố xa hoa trong những năm tháng quân thù chiếm đóng. Từ chiếc rá, cải rổ, cái lồng bàn cho đến những đồ thờ cúng và những loại trái cây đều được làm bằng chất nylon, bằng nhựa hóa học. Dân ta cũng nhanh nhạy thật. Họ đã tháo những sợi dây nylon của hàng rào điện tử để đan thành những đồ dùng như giỏ ấm tích, giỏ xách,  màn gió che cửa sổ, cửa ra vào… Nơi đây là thế giới của đồ nhựa và sắt thép. Và anh đã thấy trong nhà dân những đôi thùng gánh nước, đựng nước thậm chí cả đồ chứa phân cũng đều làm bằng thùng đạn của Mỹ. Những bao cát công sự truớc đây, giờ thành những bao đựng gạo và những thứ linh tinh khác. Xe máy nhãn hiệu Honda còn lại rất ít, những chiếc ta thu được bây giờ dùng cho công vụ của Tỉnh ủy, Ủy ban, Tỉnh đội…cho anh liên lạc chạy công văn, giấy tờ.
        Đi trong thành phố, nổi bật là màu xanh quân phục. Bộ đội giải phóng, bộ đội Bắc vào, cán bộ, nhân viên đều trang phục một màu xanh cỏ úa như nhau. Thỉnh thoảng ta lại thấy mấy bà, mấy chị mặc áo dài đi chợ. Những cô gái mặc áo rộng thùng thình, quần thì bó chẽn. Thanh niên thì mặc quần loe, áo nhiều hoa hoét sặc sỡ, tóc dài trùm gáy. Thành phố mới giải phóng không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được nếp sống. Những cán bộ hay nhân viên hoặc là người nhà về thăm quê  từ Hà Nội vào vẫn nổi bật phong cách của người Tràng An. Mỗi người ở đây từ người dân cho đến cán bộ khi được biết có người từ Hà Nội vào là họ xúm lại hỏi han, mừng rỡ. Anh đã tới thăm chị Ngọc Bích của chúng ta ở Trạm đón tiếp trao trả tù binh. Vui mừng và cảm động biết mấy ! Anh lại liên tưởng tới gia đình mình- gia đình tư sản Tân Việt, ngoài chú An được gọi nhâp ngũ đi B khi chưa đến nơi thì lại quay về. Nhà ta chưa có ai trực tiếp vào chiến trường cả. Chị Ngọc Bích được điều động vào phục vụ đón tiếp trao trả tù binh như tinh thần Hiệp định Paris quy định là một vinh dự lớn. Chị Bích kể chuyện các cháu thiếu nhi rất mến các dì ở Hà Nội vào. Tối nào có chiếu phim thì chúng đến rủ các dì đi coi. Tiếng Quảng Trị nghe vui lắm, cứ như là tiếng người ngoại quốc. Nghe mà người Hà Nội không hiểu gì hết. Chúng bảotúi ni côi tê có chớp bóng ở ngoài cươi, mấy mụ đi coi cho bui hý. Diễn dịch ra là tối nay trên kia có chiếu phim ở ngoài sân, mấy bà đi xem cho vui nhé.
            Trong mấy ngày ở Đông Hà, anh được bác Hồ Sĩ Thản, Bí thư Tỉnh ủy đón tiếp rất nồng hậu. Cơ quan Tỉnh ủy không đóng trong thành phố mà đóng ở bên xã Cam Thanh, cách Đông Hà gần ba bốn cây số. Muốn đi đâu thì có cậu cần vụ của bác Thản chở đi. Có một hôm cả nhà đang chờ cơm tối khá muộn. Bác gái cứ đi vào đỉ ra coi bộ nóng ruột. Chị Xoa cũng đứng ngồi không yên. Đã gần 9 giờ tối mà sao bác chưa về ? Hay có điều gì chăng ? Thì ra ngày hôm nay bác đi lo đốc thúc các địa phương sản xuất chống đói. Trong bữa cơm, Bác nói rằng cần trồng ngay các loại cho củ ngắn ngày như khoai lang, khoai môn (khoai sọ), các loại rau, loại quả như bầu bí…Miền bắc chi viện cho một số giống cây, đặc biệt là cây chuối. Làm bí thư mà sao bác giản dị thân thương đến thế !
        Ở đây anh gặp bác sĩ Ngô Văn Quỹ, người quen cũ, Trưởng trạm Quân y, người chịu trách nhiệm chăm lo sức khỏe cho các tù binh của ta được đối phương trao trả. Anh cũng đã được gặp cậu Chương, thuộc Bộ Tư lệnh Công an vũ trang, đang được biệt phái về công tác tỉnh nhà. Hai cậu cháu đã đi thuyền máy xuôi dòng sông Hiếu, đến bến làng Dương Lệ (quê của cố Phó thủ tướng Trần Hữu Dực)  thì lên bộ đi qua các làng Phúc Lộc, Đại Hòa. Đại Hòa là làng của danh nhân Nguyễn Hữu Thận đã để lại cho đời sau nhiều trước tác có giá trị như Lịch tượng khảo hành, Ỷ trai toán pháp nhất đắc lực, Dịch toán thủ tự vần chú, Bách ty chức chế… Trên đường đi hai cậu cháu gặp các em học sinh tan trường, mặt mày hớn hở. Các cháu gặp người lạ không hề tỏ ra sợ sệt mà lễ phép vòng tay ra trước ngực, cúi đầu chào khách. Nhìn thấy các cháu anh lại nhớ các con vô cùng. Triệu Quang vẫn còn sơ tán và học tại Việt Trì, ở với bác Di, bá Hải mấy hôm rày có về Hà Nội không ? Thúy Ngọc , Thúy Hương vẫn đi học, đi nhà trẻ đấy chứ ?  Chúng nó có khỏe không, có nhớ ba không? Cho anh gửi về em và các con nhiều chiếc hôn nhé!.
         Về làng Đại Hào. Anh ở lại nhà o Đạm (em ruột của bố anh) .Cơ quan Huyện ủy Triệu Phong đóng trong nhà.  O cháu gặp lại nhau sau hai mươi năm trời mừng mừng tủi tủi o đã khóc rất nhiều vì hoàn cảnh gia đình ly tán. Các con o thì bị giặc xúc tát vào nam, không biết sống chết ra sao. O Bút thì chạy ra Vĩnh Linh. Còn mẹ anh và các em của anh cũng chạy tán loạn trong “mùa hè đỏ lửa” năm ngoái, không biết có bị rủi ro gì  trên cái “đại lộ kinh hoàng” từ Thành Cổ Quảng Trị vào Huế không ?
          Anh về ngôi nhà cũ của ông mệ nội. Cả nhà trên và nhà dưới biến đi đâu rồi, chỉ còn trở lại một cái hố bom khổng lồ, đường kính có tới mười mét. Anh đau lòng nhìn ngôi nhà đã từng là nơi sinh ra bố anh và các chú, các o. Là nơi mà những tháng nghỉ hè hay những ngày Tết, ngày kỵ giỗ, ngày việc chi, việc họ anh được cha mẹ từ Huế cho về thăm quê.  Nén đau thương anh châm một bó nhang và khấn: Xin tổ tiên ông mệ và những người khuất mặt, khuất mày về chứng giám cho lòng thành của đứa con xa quê biền biệt, nay mới có dịp về thăm nhà!
         Những lũy tre bao bọc vườn nhà, những cây khế, cây cam…nay không còn một vết tích nào. Tất cả là đất trắng!
          O Đạm ra chợ Thuận mua cá tràu, cá mà ở Hà Nội thường gọi là cá quả về nấu canh chuối chát (hay còn gọi là chuối hột, chuối lá). Quả chuối được bóc lớp vỏ lụa bên ngoài rồi thái lát. Cá tràu chỉ cần đánh vảy, bỏ mang, cắt khúc cho vào nồi nấu chừng nào đủ chín,  bắc xuống rắc lá lốt thái chỉ và nêm hạt tiêu là xong. Đây là món canh truyền thống của quê anh. Ngày xưa mệ nội thường nấu cho cả nhà ăn hạ nhiệt trong những ngày hè oi bức.
            Mệ nội, người làng An Cư, tổng An Cư, phủ Triệu Phong,là cháu của Ngài Nguyễn Văn Tường đã từng giữ các chức vụ: Thượng thư Bộ Hình, lãnh chức Bộ Hộ, sau được cải bổ Thượng thư Bộ Lại. Theo đề nghị của Đình thần vua gia tăng Ông hàm Thái phó, thăng thụ Cần chánh điện đại học sĩ, Vĩ quốc huân thần, tấn phong Kỳ vĩ quận công. Sau bị Pháp bắt bị đày ở Tahiti và chết tại đó. Làng An Cư và làng Đại Hào thờ chung một Ngài khai khẩn có tên là Nguyễn Thông được kỵ vào ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch. Mệ được sinh ra trong một gia đình vọng tộc, có người chị được gả về làng Tường Vân, chồng được Triều đình ban tước Hồng lô tự khanh. Anh còn nhớ một lần được theo Má về dự đám cưới ở nhà Mệ Hường Tường Vân. Anh đã nhìn thấy gian giữa nơi đặt ban thờ có trưng bày một bộ lỗ bộ ( gồm nhiều thứ vũ khí thời xưa như thương, đao, giáo, mác..), chứng tỏ quyền uy của chủ nhân. Dinh thự Cụ Hường Từơng Vân quá lộng lẫy. Còn ông nội thì nhiều lần lều chõng vào kinh ứng thí nhưng đều không đỗ. Do quan hệ gần gũi giữa hai làng nên ông mệ đã được tác thành hôn phối. Mệ nội có người em trai làm quan trong Huế ở tại Bao Vinh- nơi mà năm 1945 anh thi Yếu lược và đỗ thứ 11 trong 1600 thí sinh dự thi.
            Những đêm nghỉ lại Đại Hào, đêm đêm anh cũng nghe bên phía quân đội cộng hòa tiếng hát của các ca sĩ trong những đội Thiên Nga, Phượng Hoàng hát phục vụ binh lính. Những bài hát mà chúng ta cho là nhạc vàng đó. Quân đội Sài Gòn đóng xen kẽ ở các làng Vân Hòa, An Lộng, Phú Liêu, giáp ranh với Đại Hào…Theo tinh thần Hiệp định Paris khi có hiệu lực thì quân đội bên nào giữ nguyên bên đó. Thành ra làng xóm chia cắt không ra một thứ tự nào. Xen kẽ, xôi đỗ, da báo. Có một hiện tượng rất lạ là những cánh đồng dù chỉ còn lại năn lác, cỏ dại nhưng lại rất nhiều chuột. Chúng đói nên mò vào cả nhà dân kiếm sống .Dân các làng đã bắt tay vào xây dựng lại nhà cửa dù chỉ là những căn nhà tre lá và lợp tôn. Đồng ruộng đã được cuốc xới.  Ở đây không còn lấy một con trâu để cày bừa. Máy cày,máy xới lại càng không. Việc đồng áng chỉ trông vào đôi tay trần! Việc khôi phục ruộng đồng hoang hóa chỉ dựa vào sức người. Những rủi ro do bom mìn còn sót lại không được báo trước Cũng đã có một vài trường hợp thương vong và bị thương, phần lớn là gãy tay, gãy chân.
      Đại Hào, đây là nơi chôn nhau cắt rốn của dòng Nguyễn tộc từ Châu Hoan vào đã bốn năm thế kỷ nay, từ thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào dựng phủ soái tại làng Ái Tử, gọi là Dinh Cát. Anh đã có bài thơ viết về Ái Tử, bài:

 Qua Ái Tử
Ái Tử nghĩa rằng mẹ yêu con
Trắng xóa lô nhô những cát cồn
Nguyễn Hoàng chúa cũ nay đâu thấy
Bảy vại nước tràn nặng tình son  *
·   Khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Đàng Trong, người dân Quảng Trị đã dâng Chúa 7 chum ( vại ) nước để tỏ lòng quy
                
                  Thành cổ Quảng Trị giờ đây.
          
                                                       IV
           Ngày 24 tháng 3 năm 1973. Đông Hà mở lại chợ búa, vui như mở hội. Bà con tiểu thương gặp lại nhau tay bắt mặt mừng làm như thể xa nhau hàng chục năm không bằng. Cuộc sống lại sinh sôi. Đời lại cho ta hương vị ngọt ngào. Heo gà từ Hướng Hóa, Cam Lộ về. Tôm cá  từ Cửa Việt lên. Đặc sản quanh vùng: Hến sông Điếu Ngao. Cá rô, cá diếc từ những cánh đồng Hà Thanh, Lai Phước đưa vào. Mít, chuối, hồ tiêu, chè từ Cùa xuống. Các loại bánh làm từ củ sắn như bánh bột lọc bọc tôm thịt, bánh tày, bánh ướt đã có bày bán. Các quày hàng ăn thì nhiều nhất là cơm hến, cháo hến, cháo cá tràu…Mậu dịch đã thành lập Công ty Thương nghiệp tổng hợp để phục vụ nhân dân. Công ty này do bạn anh là Trần Đức Nẫm, con ông Giáo Hãn, người làng Thượng Phước cùng tập kết ra Bắc với anh từ năm 1954, làm chủ nhiệm.  Mọi thứ hàng hóa đều được bán tự do cho nhân dân, không phải tem phiếu như Hà Nội chúng ta. Chủ trương chung là khoan thứ sức dân và cũng để lấy lòng dân vùng mới giải phóng. Bảng hiệu không đề là Cửa hàng Mậu dịch mà mang cái tên rất chi là mới : Đại lý kinh tiêu!
Anh đi ra chợ Đông Hà, đến  khu vực bán bánh, chỉ chăm chăm đi tìm người làng. Vì anh đã biết các làng làm bánh, nhất là bánh bột lọc thì làng Thượng Phước, quê ngoại và làng Như Lệ đối diện bên kia sông Thạch Hãn là hai làng có nghề này lâu đời nhất. Y như rằng, anh mới hỏi ở đây có ai là người Thượng Phước không? Có một cháu gái khoảng mười bảy, mười tám tuổi đang ngồi bán bánh đứng dậy thưa :- Có cháu đây. Mẹ cháu là người Thượng Phước ạ! Tôi hỏi :-Cháu con ai ?- Dạ cháu con của mẹ Thản. Bố cháu tên gì ?- Dạ cha cháu tên là Đệ ạ .Thế là anh ôm chằm lấy cháu. Đúng là con Chị Thản đây rồi. Chị Thản là con Dì Lý, chị ruột của mẹ anh, lấy chồng Như Lệ. Anh Đệ là chiến sĩ của Đại đội Lê Hồng Phong.  Đại đội nổi tiếng đánh giặc giỏi mà nhà thơ Hồng Chương đã viết ca ngợi trong  bài thơ Biệt động đội Đường số 9, được đồng bào và chiến sĩ Bình Trị Thiên yêu thích và ngưỡng mộ. Ông Hồng Chương khi tập kết ra bắc đã từng giữ chức vụ Tổng biên tập Tạp chí Học tập và Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Mọi người chung quanh cũng vui lây khi hai cậu cháu gặp nhau. Thế là Xinh bỏ luôn buổi chợ cùng cậu về nhà. Hai cậu cháu đi bộ từ Đông Hà về gần Chợ Sòng, còn gọi là  Chợ huyện ( Do Linh) nơi chị Thản và các cháu sơ tán ra hồi còn chiến tranh. Chị em gặp lại nhau cũng đã gần hai mươi năm. Mừng mừng tủi tủi. Trước khi tập kết ra bắc, anh có lội sông qua thăm mẹ con chị bên Phường Tân Lệ, thuộc làng Như Lệ.
 Ngày hôm đó anh ở lại nhà chị Thản và chị đã cho anh một cái nhẫn vàng ta một chỉ,  anh cảm ơn chị và không nhận. Lúc ở chợ Đông Hà anh đã thấy có bán con cá hanh. Anh bảo cháu Xinh mua mấy con. Bữa cơm trưa, chị Thản đã cho anh thưởng thức món canh cá hanh ngon tuyệt. Thế là sau gần hai mươi năm xa quê, xa dòng sông Thạch Hãn, xa những chiều hè cùng ông ngoại đi câu cá hanh ở đoạn Bàu nước xanh,  dưới Dốc Cồn Thang, nay mới thấy lại con cá hanh !
              “ Cá hanh ! chao ơi  con cá hanh
“ Xa mi ròng rã hai mươi năm
“ Đi khắp miền Bắc ta mong mỏỉ
“ Mong gặp lại mi dù chỉ một lần
        Nhìn  con cá hanh hôm nay, anh lại hồi tưởng nhũng ngày ấu thơ. Muốn câu cá hanh phải dùng con tôm bóc vỏ, nhét hột tiêu sọ vào bụng tôm và chèo thuyền tới những vực sâu, nước trong như mắt mèo thả câu. Đọi canh cá hanh nấu với ít cọng lá me đất là làm cho bữa cơm thêm đậm đà hương vị. Và đem lại sức khỏe cho người mới ốm dậy. Cảm ơn quê hương đã cho ta giống cá hanh ngon lành, lắm chất bổ dưỡng và nhiều dư vị riêng mà không nơi nào có được .
            Con cá hanh đó em ơi ! Quảng Trị đau thương đó em ơi !
            Hai chục năm trường mới gặp lại. Trong muôn vàn tình yêu thương mà ngày còn bé bỏng ta hằng ấp ủ, con cá hanh để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc.
                                          Đông Hà, những ngày cuối  xuân năm 1973
                                                                    Biên Hòa, tháng 5 năm 2012.
                                                                                     
    Địa chỉ : Nguyễn Xuân Bảo                                      XUÂN BẢO
100/23 Hà huy Giáp  Phường Quyết Thắng
T.p. Biên Hòa, ĐồngNai
Điện thoại :0613,823448/ 0913728901
Email: xuanbaohanoi@gmail.com
 4000 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét