Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

55. Hà nội, cơn lốc tháng bảy



10:26 28 thg 10 2012Công khai64 Lượt xem4
 
Ký: XUÂN BẢO  
...Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em
.
                        (Trăng lên của Lưu Trọng Lư)

 
                
                       Trăng lên, đẹp quá H.Nga ơi !

Thế là vừa tròn một tháng, anh xa Hà Nội, xa em. Cho tới lúc này tâm thần anh vẫn bất định, cứ thẫn thờ và xao xuyến như người say sóng sau một chuyến đi biển xa về.
            Phút này đây, khi anh viết những dòng này là lúc anh muốn “ thiên hạ tàn đi cả” để cái vũ trụ mênh mông này chỉ còn lại duy nhất tiếng nói của lòng anh gửi tới em.
             Anh đã rời xa thành phố thân yêu của tuổi hoa niên – quê hương thứ hai của anh – mới đó mà đã mười ba năm rồi. Thời gian là cái nghĩa gì, nếu không phải là sự vận động của Trái Đất quay chung quanh Mặt Trời, là sự phân định bốn mùa, là hai mươi bốn giờ đồng hồ của ngày và đêm? Đối với anh, Bích Hạnh vẫn là Bích Hạnh của anh gần ba mươi năm trước. Cái thuở mà em đã mượn câu thơ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ đã ai quên”. Em đã gửi cho anh không phải bằng đường bưu điện mà bằng một mảnh giấy, viết bằng bút chì để trên bàn làm việc của anh. Nét chữ cứng cáp và rất đẹp, chỉ có thể được dạy dỗ và tập viết dưới thời Pháp thuộc. Dưới có chữ ký tắt: bh. Anh lại luận ra bằng cái cách vơ vào của người Kẻ Bưởi b là anh và h là em.
             Hồi đó, anh đã không đủ sức vượt lên chính bản thân mình và những ràng buộc của các thứ đạo dức, dư luận xã hội. Anh yêu em mà nào em có biết? Anh yêu em da diết mà vẫn như yêu người trong mộng. Em hiện hữu như một thực thể tồn tại mà anh cứ ngỡ em là một thiên thần rất gần và lại rất xa. Không thể nào với tới, không thể nào đến cùng em được. Đã có lúc anh nghĩ về em như một áng mây trời đẹp và nặng trĩu ưu tư.
Có những chiều nắng đẹp mây bay
Mây ơi, vì sao mây suy nghĩ
Mây vẫn bay trầm tư lặng lẽ
Sao lòng ta da diết, hỡi mây ?
          Thời đó, chúng ta còn quá thơ ngây, còn quá rụt rè. Anh đã viết nhiều bài thơ về đôi mắt em.
Mắt em là cái nghĩa gì
Mà uống mãi tình anh không chán?
Hoặc :
Nơi ấy sâu hơn đáy đại dương
Thăm thẳm mù khơi tít dặm trường
Nơi ấy là mắt em tôi đó
Bất giác nhìn tôi vạn mến thương
Tình cờ, có lần  cùng em đi trên tàu lửa từ Bắc Giang về Hà Nội, khi đi qua các cây cầu sông Thương, sông Cầu, sông Đuống rồi chặng cuối là cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, anh đã liên tưởng và ví đôi mắt em  như là dòng Hương Giang của Huế – nơi anh được sinh ra và lớn lên những ngày thơ ấu. Anh mường tượng ra hai con sông: Sông Hương trầm mặc và dòng sông thứ hai nằm trong đôi mắt em, u buồn. Tình yêu của anh đối với em cũng tha thiết như anh đã từng yêu con sông quê ngày nào.
Giờ đây, anh đang sống với dĩ vãng. Ký ức anh còn ghi: Sau khi cưới, có một lần em đến thăm anh. Hình như đã qua tuần trăng mật của em thì phải. Em đến đem theo cả một vầng sáng tràn ngập phòng anh. Anh đã phải mất vài giây định thần lại sau một thoáng trời đất quay cuồng để nhìn em, nhìn lại em cho rõ. Có phải là người mà anh hằng yêu dấu đó chăng? Anh hỏi: Em có được hạnh phúc không? Em đáp: Hạnh phúc! Trong hai tiếng ngắn ngủi đó sao anh lại nghe văng vẳng như biết bao lời oán trách, mai mỉa! Và em đã lại ra đi, để lại cho anh biết bao nỗi buồn! Đó là một buổi sáng tháng ba, năm 1960, khi Hà Nội vẫn còn những cơn rét ngọt, buốt thấu xương.
Anh biết “khi ván đã đóng thuyền”. Số mệnh là số mệnh, duyên phận là duyên phận. Dù yêu em, thương em đến mấy anh cũng chỉ dồn nén lai trong lòng. Biết làm sao được ? Trong thâm tâm anh luôn cầu mong cho em có hạnh phúc. Và em, hãy coi anh như cái bóng thoáng qua đời em. Có gì đâu, những giọt lệ sầu ! Dòng đời cứ thế trôi đi, còn gì cho nhau nữa!
Có một đêm Hà Nội nguyệt thực. Không nguyệt thưc thì đêm Hà Nội của chúng ta có sáng hơn đâu. Thêm đó, báo động rồi báo yên. Máy bay Mỹ đang gầm ghè nhằm vào thủ đô. Mặc chúng! Chúng ta vẫn dạo bước chung quanh hoàng thành xưa. Anh và em đã cùng khoác tay nhau dạo bước. Cửa Bắc, còn đó vết đạn đại bác của thực dân Pháp xoáy một lỗ thủng cạnh cổng thành. Rồi sau đó tên Henri Riviere phải bỏ mạng ở Ô Cầu Giấy. Chúng ta xuôi về Cửa Nam, có cái ngõ Cấm Chỉ. Nghe đâu khi nhà Lê trở lại, Chúa Chổm từ Thanh Hóa ra Thăng Long. Dân Hà Thành đua nhau chạy theo Chúa Chổm đòi nợ, đến trước cửa hoàng thành thì được lệnh cấm không được đi tiếp nữa.Anh và em tiếp bước lên Cửa Đông. Phố Lý Nam Đế chạy dọc theo hoàng thành sau này trở thành phố Nhà Binh- nơi có cái Phòng Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Văn nghệ quân đội đóng tại nhà số 4 - Cũng tại đây anh quen thân với nhà thơ Thanh Tịnh, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh.
 Hoàng thành xưa nơi mà Bà huyện Thanh Quan đã than thở:
“…Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…”
Hoa sấu li ti rụng trắng mặt đường. Những ngọn gió bấc. Những giọt mưa phùn. Trời Hà Nội đã sang xuân. Đêm không trăng lại không đèn. Chỉ còn lại những ánh sao xa lấp lánh, lấp lánh phản chiếu những giọt mưa trên vai em.Anh còn nhớ em khoác chiếc áo choàng dạ Mông Tự cho nên những hạt mưa không thấm áo mà vấn vương mãi trên bề mặt, đọng mãi những giọt li ti trên vai em.
Những vì sao xa nhấp nháy trong đêm
Đậu lên vai em tròn mịn dịu hiền
Anh đã nói gì với em trong cái đêm hôm ấy. Những kỷ niệm của thời chúng mình mới quen nhau. Những đêm kịch Liu-ba Liu-bốp,Đứng gác dưới ánh đèn néon…, những buổi hòa nhạc Beethoven, Mozart, Trai-cốp-sky… Và những cuốn sách cùa Victor Hugo, của Lép-Tônstoi… Chúng ta thương cảm Anna Karênina, yêu mến Cosette…Và anh đã ghi vào cuốn carnet cho em một đoạn trong Những người khốn khổ: “Em là đá thì xin em hãy làm nam châm.Em là cây thì xin em hãy làm trinh nữ. Em là người thì xin em hãy là tình yêu và Thế giới không có một người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt…”

Anh nhớ như in, khi chúng ta ngồi ở chiếc ghế dá trên bờ Hồ Tây, bên kia hồ cái ráng đỏ màu hổ phách chìm dần trong hoàng hôn. Và em đã hỏi:
           - Có thật là anh đã yêu em?
 -Thật chứ, yêu mãnh liệt, yêu say đắm, yêu như chưa bao giờ yêu.
Cũng như bao đêm khác, chúng ta lại quyến luyến, bịn rịn chia tay nhau, em về 54 Mã Mây, anh về 59 Hàng Đào.
Anh đã viết tặng em bài thơ trong nỗi nhớ, sau tám năm em đi về miền vô định, tức là lúc mà em đến thăm anh khi hạnh phúc của em tưởng chừng êm ả…
Biết em tám mùa xuân
Trọn tám mùa thương nhớ
Xa em tám mùa xuân
Tám mùa đào vẫn nở

Em lại đến cùng anh
Mưa buồn qua cửa sổ
Nhựa vẫn chuyển cành xanh
Mà khối tình tan vỡ

Biết nói gì với em
Khi thuyền rời xa bến
Đây lời thơ tâm tình
Gửi em bao trìu mến

Hà Nội đã vào xuân
Xa em sao thấy nhớ
Nghe triều dậy lòng anh
Sóng dạt dào vỗ vỗ.
( Hà Nội, đêm 29-1-1968)

Hà Nội năm ấy đang thời đánh Mỹ. Nghe bom dội phía Hà Đông anh lo lắng, bồn chồn. Khi vừa dứt tiếng còi báo yên, chỉ mấy phút sau, anh đã lao tới ngôi nhà nơi em sơ tán. Chúng ném bom vào Đài Phát thanh Mễ Trì nhưng không trúng mà rơi trúng vào ngôi nhà em ở.Một quả bom tịt ngòi nằm chình ình giữa nền nhà.
 Em đâu rồi? Trên đường về Đống Đa, anh rất đỗi vui mừng được gặp lại em, còn nguyên lành. Vẫn ánh mắt buồn ấy em đã cay đắng thốt lên:
-Sao quả bom ấy không rơi trúng đầu em?
Anh hiểu, em đang bấn loạn tâm thần. Không phải em sợ lũ giặc trời kia gầm thét lửa đạn mà em đang khổ đau vì nỗi bất hạnh trong cuộc sống. Em còn đó nguyên vẹn hình hài, nguyên vẹn đôi mắt buồn ấy. Vẫn còn đó nụ cười kiêu sa nửa miệng như hờn trách, như mỉa mai và cuối cùng là anh được nghe tiếng nói dịu dàng của em. Ôi con chim nhỏ của anh.Anh tin em còn vũ trụ này còn.Và như Victor Hugo đã viết: Vũ trụ thu tóm lại ở một con người, con người nới rộng ra đến Thượng đế, đó là ái tình.
o   ***
Thế rồi, đất nước được hoàn toàn giải phóng. Phía bên kia cầu Hiền Lương anh còn có mẹ và những đứa em đang mong ngóng ngày về của anh.Một cuộc xa cách dài dằng dặc hơn hai mươi năm trời. Đây thực sự là cuộc chia ly đau thương nhất của dân tộc Việt Nam ta. Anh về Nam!
Chiều 22 tháng 2 năm 1976 ở Ga Hàng Cỏ. Có gì buồn hơn sân ga sắp chứng kiến kẻ ở người đi? Đưa tiễn anh về Nam có rất nhiều bạn bè.Và có em. Anh đã nhìn sâu vào đáy mắt em và đã cảm nhận được dòng nước mắt kia đang chảy vào trong. Đó là những hạt kim cương của tình yêu, tình người! Trước đó, em đã có lời khuyên đối với anh. Không nên rời xa Hà Nội, không nên đi. Nhưng liệu ở lại có nên và có ích gì cho hai đứa chúng mình? Hình ảnh em chiều đó vẫn đậm đà trong anh suốt chiều dài không gian, mãi mãi không bao giờ phai. Đôi mắt buồn theo anh cho tới lúc con tàu ra khỏi sân ga. Chính lúc đó là lúc anh muốn:
Được cùng em đi cùng trời cuối đất
Được cùng em chia sẻ mọi vui buồn
Được cùng em lúc sống và khi chết
Nếu được thế có hạnh phúc nào hơn
Oái oăm thay! Lực bất tòng tâm. Đành chịu bó tay và chấp nhận số phận. Số phận nghiệt ngã và cay đắng làm sao!
Ký ức anh còn ghi: Sau năm năm xa cách, năm 1980 anh về Hà Nội gặp lại em, gặp lại biết bao kỷ niệm của một thời trai trẻ. Em đã cho anh những đêm Hồ Tây chớm lạnh, lắng tiếng con chim sâm cầm khắc khoải. Chúng ta lại rảo bước trên những con đường rợp bóng hàng me, những chiều công viên, những hè phố thân quen năm nào và cả những nụ hôn nồng cháy. Sau hai mươi năm trời anh lại được đón nhận những nụ hôn nồng cháy nơi em. Sao có thể phải đợi một quãng thời gian dài lâu đến thế? Có đáng phải chờ đợi như vậy không em ? Hai thập kỷ nào có ít ỏi gì, hỡi thời gian!
Anh nghĩ năm đó em vẫn trong độ tuổi thanh xuân. Không một trở lực nào ngăn cản em xây lại một mái ấm. Anh vẫn cầu mong cho em có hạnh phúc, có một người chồng xứng đáng với em. Anh cầu mong thực lòng đó chứ không hề giả tạo hoặc chút ích kỷ nào. Nhưng không vì thế mà anh giảm phần yêu em. Yêu và muốn người mình yêu được hạnh phúc. Đó là nỗi giằng xé của trái tim anh. Anh không muốn em cô đơn đi một mình trong cõi đời này vốn dĩ hoang vắng như sa mạc!
Chính vì lẽ đó mà anh muốn năm tháng sẽ xóa nhòa đi bóng dáng anh trong tâm tưởng, trong ký ức của em. Và anh đã không trở về, nơi anh có mối tình đầu đẹp như mộng. Anh thôi không thư từ, tin tức với em nữa… Anh muốn từ bỏ quá khứ đau buồn vì không cùng em đi trên quãng đường dài của cuộc đời. Cho dù vậy, em vẫn ngự trị trong tim anh! Em là điểm tựa tâm hồn anh của tình yêu và cuộc sống mọi lúc mọi nơi, ngày qua, hôm nay và mãi mãi sau này. Anh đã biết bao lần thầm gọi tên em: Bích Hạnh ơi! Và anh đã nguyện rằng.
Nếu một mai anh chết
Sẽ hóa thành cây xanh
Mang tình em lên đỉnh
Hát cùng ánh bình minh
Năm nay anh lại về với những ngày hè Hà Nội giữa mùa Euro 88, có gió Tây, có mưa đêm và có cả cơn lốc tháng bảy. Chúng ta lại nhớ đến những câu thơ của Tế Hanh: Bão nghiêng đêm, giật cành tung lá. Anh dắt tay em qua đường cho khỏi ngã…
 Một thời gian khá dài, anh gặp lại Hà Nội thân yêu, gặp lại em. Và, em có biết vì sao anh buồn không? Vì yêu mà buồn thì lòng mới buồn làm sao. Người yêu là tất cả thế giới, vắng người yêu mới trống trải làm sao ! Hà Nội là một phần cuộc đời anh. Hà Nội là em và tất cả những kỷ niệm vui buồn. Tự dưng anh nhớ bài thơ Đôi ta của Nazim Hitmet:
Đôi ta, em hỡi biết đâu
Chưa chừng tha thiết yêu nhau thế này
Nếu từ em đó ta đây
Hồn chưa thông cảm từ ngày còn xa

Biết đâu em hỡi đôi ta
Yêu nhau gắn bó thiết tha mặn nồng
Nếu trăm năm cuộc tao phùng
Đời không chia cách giữa lòng đôi ta. 
   Sao em vẫn vậy, sống cô đơn. 28 năm cô đơn chưa đủ sao, hay em muốn đi tu giữa cuộc đời trần trụi này!
Anh muốn sống cho em, vì em những ngày này. Sống hết mình, bất chấp mọi dư luận, mọi ràng buộc. Ba mươi ngày đêm ấy có mấy đêm buồn? Anh lắng từng hơi thở của em, muốn nghe em thủ thỉ, muốn thấy em cười.Anh nhìn em ngủ, thơ ngây, thánh thiện. Anh đoan chắc rằng Hà Thành đã có “tứ đại mỹ nhân” và sẽ có thêm một mỹ nhân nữa là Bích Hạnh của anh đó.
Kỳ lạ thay. Đôi mắt em vẫn đượm nét u sầu, ủ dột. Và vầng trán ấy nặng trĩu ưu tư. Và với anh, em rất gần lại rất xa. Chúng ta lại sóng bước trên từng viên đá lát của đường phố Hà Nội.Chúng ta lại vào Nhà hát lớn, vào rạp Công Nhân, Hồng Hà. Những vở kịch không vui sao lắm thế. “Đêm mùa hạ cay đắng”, “Những đứa con oan nghiệt”, “15 ngày kháng án”, “Mảnh đời ngộ nhận” và “Ông không phải là bố tôi”. Những vở kịch của Lưu Quang Vũ, một nhà viết kịch tài hoa nhưng đoản mệnh.
Rồi chúng ta lại xa rời nhau để rồi giờ đây chỉ biết ngậm ngùi, ân hận! Và anh nữa, anh cũng tự trách mình không đủ bản lĩnh và lòng dũng cảm để giữ lấy người mình yêu. Một chút ngông nghênh, một chút mã thượng, một chút hảo hớn để rồi mất em vĩnh viễn. Lỗi lầm này biết bao giờ chuộc nổi?
Chúng ta lại có những đêm mưa và những chiều nắng. Hà Nội vẫn là Hà Nội của chúng ta. Hồ Tây gợi nhớ. Hồ Gươm gợi thương. Con đường vào Nghĩa Đô sao mà dài thế. Anh đèo em trên chiếc xe đạp hiệu Mifa vào thăm u và anh chị Ngọc Lư. Ngồi sau xe, em kể chuyện Hà Nội trong những năm chúng mình xa nhau Và câu thơ của Xuân Diệu; “Tiếng em ríu rít sau xe” lại xuất hiện trong đầu anh.
 Lại có nhưng giây phút nôn nao khắc khoải đơi chờ. Những hờn dỗi thoảng qua, những trách móc không nói. Một triệu lần anh khẳng định Yêu là buồn. Càng yêu lắm càng buồn nhiều. Có đúng vậy không em?
                                        ***
Anh gửi cho em một truyền thuyết, rút ra từ trong cuốn sách em đang đọc đó.Truyền thuyết kể rằng:
“Có một loài chim chỉ hót lên một lần trong cả đời nó. Tiếng hót đó ngọt ngào hơn bất cứ sinh vật nào trên trái đất này. Ngay khi vừa rời tổ, loài chim ấy bay đi tìm một thứ cây có những cành gai nhọn. Chúng bay bay mãi không chịu ngơi nghỉ cho đến khi tìm được mới thôi. Sau đó, nó cất tiếng hót trên những cành cây hoang dại rồi lao thẳng vào cây gai dài nhất và nhọn nhất, cây gai xuyên thủng qua ngực giữa cơn hấp hối. Lạ thay, một tiếng hót  vút cao, thánh thót hơn cả tiếng của sơn ca hay họa mi. Tiếng hót tuyệt vời đánh đổi bằng cả cuộc sống. Trời đất ngưng đọng lại để lắng nghe, còn Thượng đế trên cao thì mỉm cười. Bởi rằng sự tuyệt vời chỉ có được bằng niềm đau vô tận ấy…”
Hãy bay đi, bay nữa đi, bay mãi đi hỡi em yêu, chừng nào em tìm thấy tiếng hót tuyệt vời của con chim truyền thuyết. Niềm đau vô tận sẽ cho em hạnh phúc. Còn anh xin nguyện làm cành mận gai nhọn nhất của đời em.
Hà Nội hôm nay chắc trời xanh trong lắm phải không em?
                     Ơi ngọn gió thu lành
Mang mảnh trời thu xanh biếc
Mang mây chiều pha ráng bạc
Mang tình anh bay tới phương em

Hà Nội, Tháng Bảy.
Biên Hòa, Tháng Tám – 1988
Và Tháng Mười - 2012
 XUÂN BẢO

    
                                 

                                                                     Ảnh:   Di tích Hoàng thành Hà  Nội.

  • HỒNG NGA
    Không hiểu sao mấy tuần nay từ hộp thư đến không còn sang trang của người gửi được nữa,vậy là không thể trả lời coment ngay được Bên anh có thế không?
    • Tú Sừng
      Vẫn hoạt động tốt, Hồng Nga xem lại có bị lỗi kỹ thuật gí không?Cguc1 bình yên! Xuân Bảo.
    • Biên Hòa
      Bên anh cũng bị vậy. Chán!
    • LẬP
      • LẬP
      • 23:11 23 thg 11 2012
      BÁC TÚ VÀ BÁC BIÊN HÒA,em xin chào hai bác,kính chúc hai bác luôn khỏe mạnh.
    Ảnh của Tú Sừng
    4000
  • Biên Hòa
    Mời bác qua đọc bài Anh hùng 2 trăm ngàn
    • HỒNG NGA
      Vậy là đong được 20 kg gạo,cụ anh hùng rừng Sác có thể sống được tháng rưỡi không phải lo lắng rồi.Các anh chị ở VN Đồng nai thật hào phóng!
  • HHP
    • HHP
    • 10:48 1 thg 11 2012
    Tình yêu khi nào cũng trẻ.
    • Tú Sừng
      Đây là những ngày tháng đẹp nhất của một thới.
      Chuc HHP mạnh khỏe, bình an.
      Xuân Bảo
  • HỒNG NGA
    Mấy hôm vừa rồi em vắng nhà,không tha latop theo,rất nhớ các anh.Nghe tin anh ốm ,tin không vui-mong anh mau bình phục! Bọn em chỉ mong anh luôn khỏe.Vào bài này em mới đọc lướt thôi.
    Anh ngủ ngon nhé! Đêm qua SƠN TINH quần HP từ 23h đến 3h15 sáng nay,nhà em suýt tốc mái.May ƠN CHÍNH PHỦ phù hộ nên không việc gì.
    • Tú Sừng
      Cảm ơn Hồng Nga có lời hỏi thăm. Cảm ơn Thượng đế, Sơn Tinh không phá sập nhà em.Chúc vạn sự bình an. Thân ái. Xuân Bảo
    • Tú Sừng
      Xin Hồng Nga bức ảnh Trăng lên. Cảm ơn nhé Thân ái Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét