Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

56. Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Duy Thinh


12:29 8 thg 11 2012Công khai27 Lượt xem0

Nhà văn Nguyễn Duy Thinh sinh năm Canh Thìn (1940) tại xã Yên  Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Tốt nghiệp lớp 10,phổ thông trung học, anh lên Hà Nội học Đại học Bách khoa, Khoa Mỏ -Địa chất. Vào những năm đầu khi Hòa bình năm 1954 mới được lập lại ta chưa tách bạch các khoa mà gộp chung vào bách khoa. Anh ra trường, lăn lộn với núi rừng Việt Bắc rồi Tây Bắc – Nơi nào có quặng, có mỏ là anh tìm đến – Vì vậy tuổi nghề địa chất của anh cũng kha khá, ngót nghét 16 năm. Qua thực tế, anh tích lũy vốn sống và đã viết thành công một số truyện ngắn. Khi thành lập Hội Văn nghệ Đồng Nai (22-12-1979) và sau đó mấy tháng Nguyễn Duy Thinh được in chung cùng nhà văn Lý Văn Sâm, Chủ tịch Hội trong cuốn sách đầu tay của Hội, cuốn Bến Xuân. Thấy anh có triển vọng nghề cầm bút nên anh Hai Lý đã gửi anh vào Trường Viết văn Nguyễn Du. Đây là khóa đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam. Cùng học khóa đó có nhà văn Lý Biên Cương, sau được phản công về Vùng Mỏ ( Quảng Ninh ).Tôi cũng xin nói rõ về ngôi trường này. Trường Viết văn Nguyễn Du được thành lập năm 1979. Đối tượng chiêu sinh là những ai đã có tác phẩm xuất bản. Bất kể người đó là giáo sư, tiến sĩ hay chỉ mới học đến lớp 7, lớp 8 phổ thông với 4 tiêu chí quy định rõ:1) có năng khiếu văn chương,2) có ý thức về số phận của đất nước, của dân tộc, 3) có ý thức về số phận con người và 4) có kiến thức toàn diện. Mỗi lớp cũng chỉ thu hút được khoảng ba bốn chục người và cũng chỉ tập trung tại trường khoảng từ 3 đến 6 tháng. Tháng 7 năm 2004 thì trường tạm ngưng. Năm 2006 tái lập. Trường hiện nay đã được xây dựng khang trang có 6 tầng tọa lạc ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Hiệu trưởng là giáo sư Phan Hồng Giang và 2 hiệu phó là nhà văn Ma Văn Kháng và nhà thơ Vũ Quần Phương. Khóa K14 sẽ tuyển sinh vào đầu năm 2013.
                  Đất nước hoàn toàn giải phóng. Nguyễn Duy Thinh rẽ ngang sang lối khác. Anh về Đồng Nai, nơi có ông chú ruột là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Trọng Tâm được cử sang nắm giữ ngành thương nghiệp. Anh về Sở Thương nghiệp Miền Đông, sau này là Ty Thương nghiệp Đồng Nai, với chức vụ Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ.
                 Trong những ngày đầu vận động thành lập Hội Văn nghệ Đồng Nai. Tôi và Nguyễn Duy Thinh được nhà văn Lý Văn Sâm ủy thác làm rất nhiều việc, từ khâu nội dung, khánh tiết đến khâu nội cần. Tôi đã viết những kỷ niệm ngày đầu thành lập Hội trong ký ức Nhớ gì ghi nấy (cũng trên blog này).
                  Hôm nay tôi cho poste lên trang mạng của tôi một thiên truyện ngắn, có nhan đề là Hoa pensée, chiều mưa Đà Lạt- đây là nén hương tôi thắp cho người bạn chí cốt đã từng gắn bó nhiều năm trong Hội Văn nghệ cũng như trên mảnh đất Đồng Nai yêu thương này.


                     HOA PENSEE, CHIỀU MƯA ĐÀ LẠT
                                         TruyệnngắncủaNguyễnDuyThinh"Hoa pensee nghĩa là hoa Nhớ nhung "...                                                                          u

         
                "Nổi lên trên tất cả là  Màu tím thủy chung" Thơ Xuân Bình                                                                                                                                                                         e
Nhà văn Nguyễn Ngữ không còn trẻ nữa và ông đến Đà Lạt không phải lần đầu.Nhưng với thành phố kiêu sa đầy thơ mộng này, ông có một mối đa cảm huyền diệu đến kỳ lạ. Ông dị ứng với tất cả những thói giao du ồn ào, xô bồ huênh hoang hoặc lập dị của mấy cha không phân biệt nổi hai khái niệm : Nhà văn và hội viên Hội nhà văn.
Khi xe  dừng lại trước cổng Nhà Sáng tác, ông là người xuống xe sau cùng, hít căng lồng ngực không khí mát lạnh thơm nức bụi vàng hương cúc dã quỳ, rồi chậm chạp leo lên triền dốc nghiêng nghiêng. Ở quầy Lễ tân, ông nhận chìa khóa phòng số 16 quen thuộc, lên ngay phòng như ma đuổi và đóng cửa lại.
Trời lạnh hơn khi ông tỉnh dậy, hé cửa đón tiếng reo quý phái khó nhận ra của cây thông già đơn côi đã đứng đó từ nhiều thế kỷ. Có tiếng gõ cửa, một gã lạ hoắc đến đưa ông tờ cạc vi-dít “Nguyễn Văn Y- nhà văn”, khi anh ta vừa được kết nạp vào hội. Ông khẽ gật đầu, cặp mắt không cảm xúc. Y làm ra vẻ hiểu biết: Làm gì có tiếng thông reo, ngoài tiếng phi lao gầm rít!
Ông không muốn những tranh cãi vô bổ, vì lẽ thông và phi lao cùng một họ, nhưng tiếng hát và tiếng hú khác nhau, tựa như nhà văn ở trong Hội nhà văn, nhưng không phải ai ở trong Hội thì đương nhiên cũng là nhà văn! May quá ! Một tấm pa-nô chưa kịp gỡ ngoài hàng thông còn nhắc ông tới Lễ hội 115 năm của thành phố này.  Ông đóng chặt cửa để khỏi nghe tiếng thông reo và quyết định phải gặp V, để hỏi, với tư cách  nhà văn ngồi ở ghế cao  nhất trong Hội,tại sao V chỉ in được mấy trăm cuốn sách nói về Đà Lạt 115 năm? Đã nghĩ là phải làm bằng được. Nhà văn dậy sớm. Ông bỏ ăn sáng, đội mưa bụi và gió lạnh đi bộ đến trụ sở của Hội Văn học - Nghệ thuật. Một cô ở Văn phòng hội đến làm việc sớm nói trong hơi nước bốc khói:
             -Nhà văn V đang chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng. Ông vui lòng chờ đợi, có lẽ không thể sớm hơn một giờ.
              -Tôi sẵn sàng, nhà văn trả lời. Tôi đã đi hàng mấy trăm cây số tới đây, dĩ nhiên tôi có thể chờ.
Nhà văn lặng lẽ đi lại trong phòng khách. Ông đặc biệt chú ý tới một tượng gỗ phụ nữ bán thân, đẽo bằng rìu với cách điệu bộ ngực đồ sộ đang đòi quyền làm mẹ.
         - Thưa ông. Cô văn phòng lại nhả khói hơi lạnh- để Bạch Dương đưa ông lên gặp ông chủ tịch.
         - Không cần, tôi tự đi một mình.
          Nhà văn đặt những bước chân lên thang gác bằng gỗ chật hẹp chiều ngang và dốc đứng. Tiếng vang và rung nhẹ như đánh thức quá khứ. Đúng lúc đó, một cháu gái đã nhảy từng bước hai bậc thang, lách ngang qua, vượt lên trước nhà văn.
          -Cháu xin lỗi, cháu vội quá, cháu phải lên trước để dẫn đường!
Nhà văn đỡ và giữ lại đôi vai chưa kịp tròn, bé nhỏ trong chiếc áo măng-tô của cô gái.
     -Cháu đẹp quá. Bác đã gặp đôi vai bé nhỏ trong chiếc áo măng-tô màu xám
lông chuột này ở đâu?
            Cô gái cúi đầu biết ơn, vượt lên trước, lát sau quay lại:
      -Thưa, nhà văn V đang đợi bác
           -Tội nghiệp, bác đã làm hỏng chiến công đầu giờ làm việc của cháu. Bây giờ thì không cần nữa. Cháu hãy xin lỗi nhà văn V cho bác…Bạch Dương, có phải tên con không. Con đã cho ta niềm hạnh phúc bất ngờ mà ta đã chờ đợi suốt hai mươi năm trời đằng đẳng.
      Bạch Dương tiễn nhà văn ra cổng
      -Thưa bác, cháu hy vọng có ngày gặp lại.
      -Khoan đã, búp bê Bạch Dương…cháu nói như người Nga nói…đôi vai
nhỏ trong áo măng-tô san…vai áo ướt, tóc ướt sáng lên của cháu là những bông tuyết đầu mùa mới tan!
      -Thưa, có lẽ bác nói về một kỷ niệm!
     - Hãy chỉ cho bác một đường phố đẹp nhất của Đà Lạt, có nhiều góc quanh co và có tiếng vó ngựa gõ buồn như đồng hồ đếm thời gian.
      - Bạch Dương nép sát đầu vào vai áo cũng đầm mưa bụi của nhà văn.
      - Ôi ! Bác cứ như là “Bình minh mưa” của nhà văn Pau-tốp-ski ấy bác nhỉ!
      -Tại sao cháu biết “Bình minh mưa”. Nước Nga xa lắm!
     - Cháu sinh ra ở nước Nga và “ Bình minh mưa” là một truyện ngắn mẹ cháu đã dịch trong một đêm lạnh, tuyết bay đầy trời.

                                             ***
    Bạch Dương về nhà sớm hơn mọi ngày. Ánh nắng ấm áp làm những bông cúc dã quỳ ngoài tường vi càng vàng hơn. Bạch Dương ríu rít như chim:
     -Mẹ, hôm nay con gặp một người Nga…
     -Các chú ở Vietso-pêtrô chứ gì.
     -Không mẹ ạ, một người Nga thực sự. Bác ấy muốn nghe tiếng vó ngựa Đà Lạt gõ móng trên đường phố lạnh như trong truyện “Bình minh mưa”, mẹ đã dịch ở Nga.
      -Giời ơi ! Bạch Dương của mẹ. Mẹ muốn trốn trong im lặng mà cũng không được nữa…con đã nói những gì ?
       -Mẹ, con thương mẹ, không muốn mẹ cô đơn trong tiếng vó ngựa bước một của “Bình minh mưa”…vì vậy con đã nói hơi nhiều.
        -Bạch Dương vào bếp giúp mẹ, tự nhiên tay mẹ lạnh buốt. Mẹ lên phòng nghỉ một chút nhé!
        -Con hy vọng không làm mẹ buồn
        -Đấy, con lại nói một câu rất Nga.
      Chị Quỳnh Hương ôm chiếc gối ấm áp nằm xuống nệm mà vẫn lạnh. Cái lạnh của nước Nga hồi chị du học bên đó. Chị nhớ lại.
     -Tú Lệ, người bạn trai đồng hương mình đem đến đêm trước đâu rồi, anh ta tên là gì.
     -Đi rồi, dĩ nhiên hắn qua đêm ở đây. Còn tên nó là Đurắc ( tiếng Nga: thằng ngu)
     -Mày vẫn không bỏ lối nói dấm dẳng và thiếu chủ từ của dân xứ Nghệ nhà mày. Hôm đó con Onga có nhà không?
     -Onga đi chơi với thằng ria mép, mình tao sở hữu chàng trai.
    Hương giận dữ ra khỏi phòng, gót dày gõ rất mạnh ngoài hành lang. Lần sau Hương lại tới.
    -Onga, thằng bạn Việt Nam tao dẫn tới hôm trước, nó tên gì?
    -Mày hỏi con Tú Lệ rõ hơn, tao dọc tên phiên âm ra tiếng Nga là ngu.
    Hương lại thất vọng đi xuống, nghĩ ngợi, ngu theo phiên âm tiếng Nga, không có dấu, có thể tên bạn ấy là Ngư hoặc Ngữ. Hương sang khoa Địa chất tìm kiếm. Ở đây các bạn Nga cho biết nhóm sinh viên Việt Nam mới đến đã đi Bacu học hóa dầu. Hương điện xuống Bacu, được trả lời chi tiết hơn. Mười hai bạn đi Xibêri nghiên cứu nham tương các tầng chứa quặng nhiệt dịch. Nước Nga rộng lớn và xa lạ tìm làm sao được bạn ấy nữa, phải chi hôm đó Hương rộng mở cửa phòng cho bạn ăn một chút gì đó nong nóng rồi gà gật ngủ qua đêm bên lò sưởi.
    Từ một học sinh giỏi con nhà nghèo, ở thôn quê, ít giao tiếp, nơi xa nhất, đẹp nhất Hương đã đến là thành phố Nam Định quê hương. Lời “ong bướm” lần đầu tiên được nghe từ một gã giáo vụ nơi Hương học tiếng Nga trước khi sang Nga là: “Chem bôn se chen lút se” ( tiếng Nga là càng lớn càng tốt) khi y sỗ sàng đặt tay lên ngực Hương. Hương ghê tởm run sợ bỏ chạy. Lần thứ hai gần bạn trai là ở thang gác trường Đại học Tổng hợp Matxcơva. Xin cho phép mình hỏi phòng 137 tầng thứ 5/ mình là người Việt, hãy nói tiếng quê mẹ/ bạn đẹp quá, nhất là cái áo măng-tô màu lông chuột rất hợp với  nước da của bạn. Khi chia tay : Tay bạn lạnh quá, mình muốn nắm tay bạn cho tay bạn ấm lại/ Cảm ơn/ Bạn giữ găng tay của mình mà dùng/ con gái không nên để tay mình lạnh/ mình ở nước Nga trước bạn một năm, đã quen/ Cũng có thể người Nga có câu: Ai tay lạnh người đó có tâm hồn nồng cháy/ Đó là một lời nói hay.Lẽ ra bạn phải học khoa ngôn ngữ như mình/ Bộ Đại học đã phân mình học địa chất/ Tạm biệt, hẹn gặp lại/ Nhất định, dù phải đi cùng trời cuối đất mình sẽ tìm thấy bạn. Mình hôn bạn nhé! Một nụ hôn lướt nhẹ trên môi. Bạn đi rồi Quỳnh Hương khóc một mình. Những bông tuyết trắng vô tình bay ngang hờ hững đậu lại trên bàn tay Hương.
    -Bạch Dương, cái gì khét trong bếp đó con?
   - Trứng chiên mẹ ạ. Thôi mẹ đừng mắng,con sẽ làm lại.
   - Cảm ơn con gái yêu của mẹ. Mẹ biết con rất giỏi luộc trứng, hãy làm đi!
  Có tiếng cười của Bạch Dương từ trong bếp vọng lên, nhưng mẹ Hương thì không cười được. Quá khứ lại ập về với mùi khét khê nồng
   Mày tên là Hương mà chẳng hương chút nào/răng mà mi đeo bám Tú Lệ này mãi vậy/Nước mắt tao không chảy xuôi đâu/ Mày hãy quên cái thằng Đurắc của mày đi/ Tao yêu nó … và đã có một em bé trong bụng tao. Đây này/ Mày không tin hả/ Tao chỉ không tin là mày lại làm điều tội lỗi ấy ngay trong ký túc xá này/Mày quê quá, yêu và thương con là quyền thượng đế ban cho người phụ nữ/Tao không cùng thượng đế với mày/ Cút đi, đồ nhà quê.
   Mấy tháng sau. Tú Lệ cho người gọi Hương đến bệnh viện : Thằng Đurắc nó quất ngựa truy phong/ Tao nỏ cần. Tao bỏ đứa bé gái này cho tuyết lạnh nước Nga/ Mày còn yêu thằng Đurắc của mày thì hãy giữ lấy con vịt giời côi cút này. Đứa bé sẽ gọi thằng Đurắc về với mày/ Nếu cần tao sẽ đi khắp thế gian này đi tìm anh Ngư của tao/tao thừa biết mày vu  cáo anh Ngư của tao nhưng tao sẽ đem bé gái này về ký túc xá. Bé chính là thiên thần của tao. Hương bế đứa bé ra tới cổng bệnh viện thì xe hơi của mẹ con Onga đã tới đón. Bà Ôlêva mẹ Onga nói:
          -Nào cháu ngoại của bà đâu, con chuột con của bà đâu? Con đặt tên cho con đi!
           Quỳnh Hương thưa:
         -Mẹ hãy gọi cháu là Bạch Dương
                                                 
     Lại trở về với gió lạnh  Đà Lạt, Quỳnh Hương gọi con:
        -Bạch Dương luộc trứng xong chưa?
       -Mẹ, hơn cả tuyệt vời, tiếng Nga nói là gì nhỉ. Át-lit-snơ. Con mời mẹ xuống xơi cơm.
          Mẹ Hương ôm hôn con gái:
          -Con có nhớ bà Ôlêva không?
          -Đa, ban-saia mama ( thưa có, bà ngoại của con)

                                                  ***
Bốn năm sau Quỳnh Hương tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, dắt theo Bạch Dương về nước. Các viện, các nhà xuất bản ở Hà Nội không còn một chỗ trống dành cho mẹ con Bạch Dương. Ban Tổ chức Trung ương gợi ý chị vô Đà Lạt và chị đã có việc làm tại Ban Đối ngoại của thành phố. Vốn tiếng Nga của chị có thể dùng để giao tiếp, đọc và dịch cho các nước Đông  Âu thuộc dòng ngôn ngữ Slave.
          Mẹ con Bạch Dương đã có một căn nhà nhỏ, hàng rào vàng rực hoa cúc dã quỳ. Trong cuộc


sống hạnh phúc đơn sơ, Bạch Dương đã có lúc lỡ lời: Cha con ở đâu?
          Chị Quỳnh Hương không thể nói dối và cũng không thể nói thật, chỉ biết ôm con để nước mắt mặn chát rơi đầy mái tóc Bạch Dương.
          Mùa thu năm 2000, chị Hương đi Vũng Tàu rồi ra Hà Nội. Tại Vũng Tàu các kỹ sư dầu khí nói tên người chị tìm kiếm là kỹ sư địa chất Nguyễn Ngữ. Anh là một chàng trai hào hoa phong nhã và kín đáo. Anh quan tâm tới số phận, tình cảm của con người hơn là kết quả công việc của họ. Bởi vậy sự thành đạt đến rất chậm. Cái gì đến đã phải đến. Anh bỏ nghề địa chất sau 16 năm làm việc rồi đi theo nghiệp văn chương nghiệt ngã. Bây giờ khó mà tìm thấy anh…
          Ở Hà Nội, có người đã gặp anh đi cùng với nhà thơ Xuân Bình vô Hội Văn học-Nghệ thuật. Từ đây, chị Hương tìm thấy số nhà 59 Hàng Đào, nơi ở của nhà thơ. Chị Hương đã bật khóc trước mặt người lạ khi nghe tin cả gia đình nhà thơ đã vô miền nam từ nhiều năm nay, chỉ còn bà Nguyên Hạnh, người đã rất quý nhà thơ còn ở lại, nhưng mãi trên Hồ Tây kia. Chị Hương đến quận Tây Hồ, gặp một phụ nữ trung niên người hơi cao, gọn gàng quý phái, rất Hà Nội. Và có thể nói là rất đẹp và rất duyên dáng. Duy chỉ có đôi mắt là hơi buồn. Tóc chị buộc cao kiểu đuôi sơ-van để cho gió và nắng Tây Hồ được phép hôn nhẹ lên cái gáy trắng ngần của chị. Khi biết rõ nguyện vọng của người tìm gặp, chị Nguyên Hạnh đã ôm vai người bạn gái trẻ đi dọc hàng rào thấp ven hồ. Đường Thanh Niên trước là đường Cổ Ngư phân chia giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, sau đó đổi tên thành đường Thanh Niên. Nhưng với Nguyên Hạnh –Xuân Bình thì đây là nơi hò hẹn và gặp gỡ của tình yêu. Chị đã đón nhận nụ hôn đầu đời đẹp nhất, sâu nhất, vụng về nhất trên con đường này…nhưng hình như tình yêu và số phận không chung một con đường. Anh chị buộc phải xa nhau.
          -Cái đêm ấy, em ạ, cách đây bốn mươi năm. Anh chị định đi đến một quán cà phê quen thuộc, thì kịp dừng lại, từ trong quán vọng ra một bài hát thời tiền chiến: Đời con gái/Ước mơ đã nhiều/Đời không cho được mấy/Đến khi lấy chồng chỉ còn mối tình mang theo.
          -Chị không bi lụy như thế đâu. Những gì đã đến và đã có với anh chị là tồn tại mãi mãi. Đà Lạt của em là thành phố ngàn hoa. Em có biết hoa pensée không? Không có hả ? Trong từ điển họ diễn giải đặc kín cả trang giấy. Pensée nghĩa là ý tưởng lớn, tư tưởng lớn… là bạn đồng hành của tình yêu. Hoa pensée có bảy màu nhưng đẹp nhất là màu tím. Anh Xuân Bình đã tình cờ nhìn thấy hoa pensée bên bờ Hồ Hoàn Kiếm và từ đó, tình yêu của anh chỉ trong hoa pensée và pensée trong tình yêu trai gái đất Hà Thành. Anh Xuân Bình, nhà thơ Xuân Bình đã viết:Hoa pensée nghĩa là hoa nhớ nhung. Nổi lên trên tất cả các màu là màu tím thủy chung.Tặng Nguyên Hạnh đầu năm, lòng cũng lên nguyên đán. Hoa sẽ thành đôi khi ta ghép lại sau cùng. (Hà Nội, mùa đông 1959).
          Bảy sắc cầu vồng hiện lên bảy màu như hoa pensée bắc trong mưa giữa Hồ Tây. Hương nép vào vai chị Nguyên Hạnh : Chị hạnh phúc quá, nhà thơ Xuân Bình của chị hơn cả “tuyệt vời”. Chị có tình yêu cụ thể, con người cụ thể. Em thì như người xưa yêu người trong tranh tố nữ. Suốt hai chục năm em chỉ gặp anh ấy một lần, nắm tay nhau một lần. Cả nụ hôn trong trắng đầu đời cũng chỉ vội vã lướt qua. Chị ơi! Ngay đến tên anh ấy em mới biết cách đây hai tháng khi gặp các anh địa chất dầu khí ở Vũng Tàu. Chị, chị giúp em đi, làm sao tìm được anh ấy.
Tình yêu của em với nhà văn Nguyễn Ngữ cũng như sắc màu tím trong bảy sắc màu yêu thương của hoa pensée. Chị sẽ kéo người của chị, nhà thơ Xuân Bình vào cuộc tìm kiếm này.
          -Em cảm ơn chị. Em và Bạch Dương của em muốn nhận một lời khuyên của chị. Chị cho mẹ con em đi, một lời đe nẹt, mắng mỏ cũng được.
          -Chị sẽ cho em hạt hoa pensée về Đà Lạt. Hoa pensée sẽ nở trong những chiều mưa Đà Lạt. Chị biết trước đây hai người ấy, anh Xuân Bình và anh Nguyễn Ngữ rất yêu hoa pensée. Chính pensée và Bạch Dương sẽ gọi Nguyễn Ngữ trở về.
          Chị Quỳnh Hương và bảy sắc hoa pensée đã trở về Đà Lạt mộng mơ. Chị nói với Bạch Dương:
          -Hãy hy vọng và chờ đợi con ạ. Con thử nghĩ mà xem người ta không thể sống mà không biết hy vọng và chờ đợi.
          Hoa pensée đã nở đầy trên cái đĩa nông trong phòng khách và cả trên những luống đất nhỏ ngoài vườn.
          Bạch Dương đi làm về khoe với mẹ:
          -Bác nhà văn lại tới tìm con mẹ ạ. Bác ấy bảo sẽ dẫn con đi xem một luống hoa Tình yêu. Bác đã trồng trong lần về dự Trại mấy tháng nay. Mà nếu con không từ chối và cũng không nên từ chối, bác sẽ mời con một ly rượu vang Đà Lạt.
          Linh tính giác quan thứ bảy của người mẹ mách bảo điều gì như gà mẹ xù lông bảo vệ đàn con trước con quạ dữ. Chị Hương la:
          -Bác ấy tên là gì?
          -Con đâu dám hỏi.
          -Con đi ngay, gặp bác ấy và nói: Mẹ cháu mời bác đi ngay. Nếu có lòng tự trọng thì đừng trở lại Đà Lạt. Mẹ con cháu biết cách sống và đã từng sống hạnh phúc, không cần ai ban phát!
          Bạch Dương đã 19 tuổi. Cô bé đủ lớn để hiểu rằng mẹ mình vô lý, nhưng cũng chưa thật lớn để biết rằng đó là sự tự vệ của người mẹ.
          Bạch Dương ra đi. Khoảng một giờ sau cô gái trở về với bông hoa pensée màu tím và một bức thư. Người mẹ không nhận, không đọc. Bức thư để trên bậu cửa sổ và gió lạnh Đà Lạt đã cuốn đi mất. Đóa hoa pensée, Bạch Dương cắm vào cái cốc nhỏ đặt trên mặt đàn pianô.
          Chiều sập tối rất nhanh và lạnh. Có tiếng xe gắn máy chạy vào sân, đèn pha lấp loáng. Chị Hương vấn vội đầu ra tiếp khách.
      -Chào anh V, cháu Bạch Dương không làm tròn công việc ở Hội, thưa anh
-Chị yên tâm, cháu đã dịch một bài thơ tình của Puskin rất tốt.
-Bác quá khen, con chỉ dịch nghĩa. Còn chuyển ngữ điệu sang thơ Việt Nam là của bác nhà văn. Con đọc mẹ nghe nhé!
“..Một chút tên tôi đối với nàng
Sẽ chìm như tiếng sóng buồn lan
Âm thầm mòn mỏi bên bờ vắng
Như tiếng đêm thâu lạc giữa ngàn”
      - Phải để mẹ Quỳnh Hương của cháu biên tập lại.Thế còn bác nhà văn đâu
           -Thưa, mẹ cháu đuổi bác ấy đi rồi! Đóa hoa pensée màu tím đang trên mặt đàn của  cháu. Còn bức thư cháu đặt ở bậu cửa sổ, mẹ không đọc, gió bay mất rồi.
         Nhà văn V nói trong nuối tiếc:
         -Từ sau ngày cô xin nghỉ cơ quan về biên dịch tại nhà, tính tình cô lạ lắm. Cô đuổi ai, cô biết không? Đó là nhà văn Nguyễn Ngữ. Suốt ba tháng trời hắn vùi đầu vào viết và trồng hoa pensée ở Nhà Sáng tác . Cháu Bạch Dương thường ghé thăm. Hai bác cháu rất hợp tính nhau. Sao cô xử tệ đến thế, cô Quỳnh Hương ?
         -Thưa anh, ông ấy là nhà văn  Nguyễn Ngữ?  Giời hại em rồi. Chính em đã đi tìm và chờ đợi anh ấy suốt hai mươi năm trời nay. Em đang định sau Tết này sẽ bay sang Nga, tìm anh ấy lần nữa.
         -Bạch Dương tha lỗi cho mẹ! Nhà văn Nguyễn Ngữ là cha của con đó, mà mẹ con mình đã bao nhiêu lần hy vọng kiếm tìm.

         Hai chiếc xe gắn máy lao ra khỏi cổng, tìm đến bến xe. Tới gần đài phun nước, trước chợ Đà Lạt, Bạch Dương dừng xe lại.
             -Bình tĩnh nghe mẹ, bác nhà văn đó, à mà không, cha con ngồi đó, dưới mưa, bên luống hoa pensée.
             Chị Quỳnh Hương vội vã đi tới. Họ nói với nhau bằng tiếng Nga
             -Chào anh! Em và con gái Bạch Dương đến đón anh về!
             -Thật vậy sao? Hai mươi năm trước, tuyết Matxcơva gieo trên tóc em, còn bây giờ là mưa cuối năm Đà Lạt.
             -Ôi! Pensée của anh, pensée trong mưa Đà Lạt! Tay em vẫn lạnh. Anh hôn em nhé
             -Vâng, vẫn còn đó nguyên vẹn chờ anh
             Hai người hôn nhau bên đài phun nước thành phố. Những giọt nứơc mưa trên cánh hoa pensée, sáng lóe lên dưới ánh điện.
                                          
                                                     Nhà Sáng tác Bộ Văn hóa-Thông tin
                                                    Phòng 16, số 2 Đường Yên Thế.Đà Lạt

              Truyện ngắn này tôi viết để tặng nhà thơ Xuân Bảo và chị Bích Hạnh. Tôi đã xin phép họ cho thay tên để mang dáng vẻ của một câu chuyện hư cấu. Nhưng đó là một phần  sự thật của cuộc đời.
             Tôi yêu mến tặng các bạn trẻ truyện ngắn này và cầu mong hoa pensée trong mùa mưa Đà Lạt sẽ là hoa Pensée của Tình Yêu!

                                                                           Nguyễn Duy Thin
h

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét