Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

21. CÁNH CHIM KHÔNG MỎI!.


22:16 3 thg 8 2012Công khai73 Lượt xem0

                       

                                                             Nũ nhà văn Song Cầm và nhà thơ Xuân Bảo
               Lời bạt cho cuốn Tự truyện:
                         Cánh chim trong bão tố
             của nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
             Năm 2009, trên đường ra Quảng Trị dự Ngày việc Họ và việc phái (tức Ngày Giỗ phái, và Giỗ tổ Tộc Nguyễn bát phái,ở làng Đại Hào,huyện Triệu Phong,Quảng Trị vào các ngày mùng 1 và mùng 2 tháng 6 âm lịch hàng năm), tôi có ghé lại Huế thăm bà con  .Khi nhà thơ Nguyên An-Nguyễn Văn Vinh đưa tôi đến chân cầu Phú Xuân thì ông sực nhớ : Có cô bạn dạy ở Trường Đại học Ngoại ngữ Huế có một cuốn Tự truyện viết hay lắm , nhưng đưa nhiều nhà xuất bản không nơi nào cho in. Nay gặp anh, em muốn anh giúp cho Cầm với! Thế là chúng tôi quay lại.
         Đến nhà Song Cầm ở 26 đường Trần Thúc Nhẫn. Phía trước là khách sạn mang tên Song Cầm. Chúng tôi được Cầm đón tiếp nồng hậu và bàn chuyện xuất bản sách. Vì thời gian gấp, ngày mai đã là ngày giỗ rồi, tôi phải đi Quảng Trị ngay. Tôi nói với Cầm – Em đưa bản thảo cho anh, ra quê anh đọc và sẽ có ý kiến với em sau .Song Cầm nhất trí và lấy chiếc xe du lịch và cô tự lái,đưa tôi sang Bến xe. Nhà thơ Nguyên An cùng đi. Trời Huế mưa rất to.
          Về đến làng, sau khi tiếp bà con thân thuộc xong. Nửa đêm ,tôi chong đèn, bắt đầu đọc bản thảo. Càng đọc, tôi càng bị lôi cuốn vì tác giả có một số phận vô cùng bất hạnh,và đã phấn đấu vươn lên. Với lối hành văn nhẹ nhàng và chân chất, Song Cầm đã kể chuyện đời mình mà cứ như là chuyện của ai đó! Tôi đã viết một mạch được gần nửa Lời bạt và dù trong khuya khoắt, không cầm lòng được,tôi gọi điện thoại cho Cầm. Nghe xong, Cầm khóc. Tôi bảo : -Thôi đừng khóc nữa ! Anh cũng đang khóc đây.  
          Tôi về quê ngoại ở làng Thượng Phước, gần Bến Trấm- nơi mà trong những năm đánh Pháp- nhà thơ Lương An đã có bài thơ nổi tiếng Cô lái đò. Ba ngày sau, xong việc  và cũng viết xong Lời bạt,tôi gọi điện cho Cầm là ngày mai tôi vô Huế. Cầm bảo để em ra đón anh vô. Mặc dù đường lên làng rất khó đi vì là đường nông thôn chưa được sửa sang nhưng Cầm đã vất vả lái xe lên làng. Cùng đi có 2 con nhỏ của Cầm và nhà thơ Nguyên An.Anh chị Hậu Hồng, bà con cô cậu với tôi đã đón tiếp Cầm rất nồng hậu .Dùng xong cơm tối , chúng tôi lên đường vô Huế. Đêm đó tôi nghỉ lại ở khách sạn Song Cầm. Nguyên An xem xong Lời bạt khen : Anh viết hay quá, nhưng liệu có nhà xuất bản nào dám cho xuất bản không!?. Tôi cũng không dám hứa chắc, nhưng cũng nói với Cầm rằng sau khi đọc bản thảo và biên tập, sẽ gửi ra cho Cầm xem lại và nếu đông ý thì anh sẽ đi liên hệ với nhà xuất bản. Và nhà xuất bản tôi chọn sẽ là Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn. Cả hai người Song Cầm và Nguyên An có vẻ tần ngần và chưa tin lắm!
           Về đến Biên Hòa, tôi đã làm việc cật lực gần 2 tuần lễ mới xong bản thảo và gửi ra cho Cầm. Đại thể là những phần sửa lại cũng được Cầm nhất trí. Phải nói rằng cuốn Tự truyện của Song Cầm đã viết với tấm lòng vị tha, có chiều sâu nhân văn cao cả. Là một câu chuyện tôi tin tưởng nếu ai đọc sẽ phải cảm thông, thương cho số phận một con người bất hạnh từ những ngày ấu thơ.Và sẽ khâm phục ý chí tự cường của Song Cầm, đại diện cho người phụ nữ Việt Nam hôm nay .
            Tôi  in lại Lời bạt này để hầu bạn đọc và sẽ viết tiếp thêm quá trình xin phép xuất bản, in ấn và phát hành cuốn  Cánh chim trong bão tố của nữ nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm.
                                                                                Nhà thơ Xuân Bảo
               
                             Sông Hương Núi Ngự


Lời bạt                  CÁNH CHIM KHÔNG MỎI
 “Cánh chim trong bão tố” là một cuốn tự truyện, viết dưới dạng hồi ức. Trong đó có ba nhân vật chính là tác giả, người Mẹvà người chồng.
Xuyên suốt cuốn tự truyện là những tháng ngày vất vả, lận đận của Mẹ với quyết tâm nuôi các con khôn lớn, được cắp sách tới trường, học hành đến nơi đến chốn. Đời mẹ là một chuỗi năm tháng lam lũ, làm đủ các nghề cơ cực: chèo đò, buôn chuyến, mổ heo … Mẹ có người chồng đầu đi Vệ quốc đoàn và mất tích. Mối tình son trẻ này đã để lại cho Mẹ một đứa con trai. Với người chồng sau Mẹ đã cho ra đời hai cô con gái. Điều bất hạnh lớn lao của đời Mẹ là chịu cảnh hai lần góa bụa. Có phải là hồng nhan bạc phận hay không? Chỉ biết rằng Mẹ là một con người rất nhân hậu, sẵn sàng chịu mọi thiệt thòi, hi sinh cả đời xuâncủa mình để nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Tình Mẹ thật bao la như biển cả trời cao.
   Nhân vật thứ hai là tác giả Nguyễn Thanh Song Cầm : Chị viết hồi ức đời mình, từ khi lọt lòng Mẹ cho tới lúc thành đạt. Tự truyện của chị như một cuốn phim quay chậm để cho người đọc cảm nhận được bao nỗi khổ đau trên từng chặng đường đời. Chị viết chân thực như sự thực cuộc đời chị. Giọng văn bình thản đều đều, không cường điệu, không tô hồng cũng như không bóp méo sự thật. Có sao nói vậy, lúc vui thì vui rạng rỡ đất trời, lúc buồn thì buồn đến tận tâm can, xé ruột, xé gan. Tình thương của chị với người Mẹ thật không bút nào tả xiết, không ngôn từ nào viết hết đủ. Với người anh cùng Mẹ, chị quý trọng và kính yêu vô vàn. Bởi vì người anh trai đó đã cùng Mẹ sớm khuya tảo tần kiếm sống để nuôi các em. Anh xứng đáng được nêu tấm gương tình cảm phương Đông: “Quyền huynh thế phụ”.
Cuộc đời chẳng hề bằng phẳng đối với một con người tràn đầy nghị lực. Song Cầm hội đủ các yếu tố của một phụ nữ thời đại. Chị biết vượt qua phong ba bão tố cuộc đời để vươn lên. Nghèo không cản nổi ý chí, tự lực, tự cường. Mồ côi cha không đánh gục được ý thức tự lập trong người phụ nữ kiên nghị ấy. Những oan trái phũ phàng chụp lên trái tim non nớt và tâm hồn ngây thơ của cô gái hai mươi tuổi chỉ nung nấu thêm lòng quyết tâm vượt khó, đã không làm nhụt ý chí của chị. Chị không oán trách cuộc sống, không oán trách ai, mà chỉ coi đó là những rủi ro và sự thử thách của số phận mà thôi. Đó là một người phụ nữ bản lĩnh, đẹp trong sáng từ tâm hồn đẹp ra. Đối với bạn bè, chị sống trung thực, gắn bó yêu thương như tình thâm máu mủ. Chị không phản phúc, ganh tỵ với họ mà chỉ muốn vui cùng hưởng, buồn cùng chia. Đối với đồng nghiệp (Chị giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại Ngữ Huế) chị luôn cởi mở, hòa đồng và tôn trọng. Ở trong chị chẳng vẩn lên một chút nào lòng đố kỵ mà chỉ có lòng vị tha. Đối với chồng, con chị là một người vợ đảm đang, chung thủy và là một người mẹ rất mực hiền dịu, hi sinh tất cả vì con. Có thể nói một nửa cuộc đời của Song Cầm là nhờ Mẹ cùng sự phấn đấu tôi luyện của bản thân và nửa còn lại chính là nhờ người chồng, Michimi, điểm tựa cho những năm tháng về sau của cuộc đời chị.
Nhân vật thứ ba là Muranushi Michimi : Anh sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu, trí thức ở Nhật Bản. Khác với Song Cầm, con đường học hành, thành đạt của anh bằng phẳng như trời yên biển lặng. Tư duy độc lập và bản lĩnh độc đáo của anh đó là sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi từ sự khác biệt ở phía Song Cầm. Dòng họ Muranushi là một dòng tộc quý phái nổi tiếng danh giá và giàu có nhất ở thành phố Shiogama miền Bắc Nhật Bản. Anh theo học và làm nghiên cứu ở Hoa Kỳ chuyên ngành Luật Quan hệ Quốc tế (Đại học Havard và Yale) và đỗ Tiến sĩ (loại ưu tú) với đề tài “Các chính sách Ngoại giao của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Về nước anh làm công tác nghiên cứu và giảng dạy chuyên ngành Ngoại giao và Chính trị Quốc tế ở Học Viện Gakushuin, một trong hai Viện Đại học nổi tiếng nhất ở Tokyo - Nhật Bản và được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 38 tuổi anh được phong học hàm Giáo sư. Anh được đánh giá là một học giả trẻ, có tài đức ở Nhật Bản, và có uy tín đối với bạn bè trên trường quốc tế... Nhưng trước hết là tấm lòng của chàng trai Nhật Bản đối với người con gái Việt Nam nghèo khó: Song Cầm. Anh đã yêu Song Cầm với trái tim nồng cháy, một thứ tình yêu đích thực, không hề gợn đục toan tính. Michimi không nề hà và ngần ngại khi tận mắt nhìn thấy gia cảnh quá bần hàn của người yêu. Anh đã vượt qua nhiều trở ngại cả không gian, thời gian, sự trù dập và định kiến xã hội áp đặt nặng nề lên người vợ tương lai để trở thành một người đàn ông bản lĩnh nhất trong cuộc đời Song Cầm. Song Cầm càng vững vàng hơn nữa trong cuộc sống, và đã vượt qua cơn cuồng phong của cuộc đời để có được niềm hạnh phúc rạng rỡ hôm nay chính là nhờ vào tình yêu trong sáng mãnh liệt, niềm tin yêu bất diệt, lòng bao dung đức độ và kiến thức bác học của Michimi để rồi chị tự trang bị cho mình những hành trang bước vào đời một cách vững chãi và đầy tự tin...


            “Cánh chim trong bão tố” là nỗi đau và cũng là niềm tin. Song Cầm đã trải rộng lòng mình với những ai yêu chân lý và cùng mọi người vươn lên chân trời Chân - Thiện - Mỹ. Những chân dung và sự kiện trong tự truyện này đều là sự thật trăm phần trăm. Dù cuộc đời này có những giai đoạn, những tháng ngày nghiệt ngã đối với Song Cầm, nhưng chị đã hóa giải được tất cả để vươn lên với một nghị lực phi thường, một bản lĩnh tuyệt vời trước mọi nghiệt ngã và tai ương.
Cánh chim vượt bão tố đã trở về trong muôn hồng ngàn tía của ánh bình minh huy hoàng!.
                                                                                    Huế có một ngày mưa như thế!
                                            Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét