Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

53.Điểm sách Vùng Sáng Trước Mặt của Lê Đăng Kháng


17:33 24 thg 10 2012Công khai18 Lượt xem0

Điểm sách
                    Viết với cái tâm của người lính
Nhân đọc tập truyện ngắn Vùng Sáng Truớc Mặt của nhà văn Lê Đăng Kháng.

Xuyên suốt tập Vùng Sáng Trước Mặt  là những số phận. Những số phận hẩm hiu rất đáng thương. Nhưng trước hết là số phận những người lính. Lê Đăng Kháng đã từng tham gia quân dội trong những năm chống Mỹ cứu nước.Do vậy, anh am tường và gắn bó với đề tài chiến tranh – chiến tranh bàn thân nó là một vỉa quặng đề tài lớn. Lev Tolstoi, văn hào  của nước Nga- mải sau khi chiến tranh 1812 kết thúc đã rất lâu- ông mới hoàn thành bộ tiểu thuyết đồ sộ :Chiến tranh và Hòa bình.
Văn học có nhiệm vụ tái hiện cuộc sống, làm nổi lên số phận con người. Số phận con người là đối tượng miêu tả của văn chương. Con người sẽ hiện lên trang viết dưới ngọn bút tài hoa của nhà văn bao gồm chân dung, tính cách,những đau buồn và hạnh phúc… Nếu không chỉ là những trang viết nhạt nhẽo, mờ nhòa mà thôi.
Phẩm chất, khí phách anh hùng của người chiến sĩ đã hơn một lần thể hiện trên chiến trường giữa cái sống và sự chết. Cuộc sống của họ rất đỗi bình dị và trong sáng, đậm đà tình nghĩa đồng đội. Giờ đây đối mặt với thực tế phũ phàng trong những năm đầu từ cơ chế quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, họ ngỡ ngàng biết bao!
Mục tiêu ngày ấy của người lính là : tiêu diệt kẻ thù và giành lại độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước. Có lý tưởng nào cao hơn thế ? Có vinh quang nào đẹp và vĩ đại hơn thế ! Sự hy sinh của họ cũng vô cùng trong sáng. Những điều tôi luận giải ra đây chính là suy ngẫm rút ra sau khi đọc truyện ngắn Tàu đến ga Long Khánh của nhà văn Lê Đăng Kháng. Thế nhưng số phận của Hai Phong, nhân vật chính của truyện, sao lại nghiệt ngã đến vậy? Rời quân ngũ, bị thương tật, Hai Phong trở về hậu phương và mưu sinh bằng cách cầm đàn đi hát rong trên tàu hỏa.Ở đây tác giả dù không nói ra nhưng cũng để cho chúng ta suy ngẫm về chính sách hậu phương quân đội ? Tình cờ, trên tàu anh gặp một bà cụ già đi tìm con là liệt sĩ. Bà lặn lội từ châu thổ sông Hồng, đi hàng ngàn cây số tìm mộ con. Cám cảnh, anh đưa bà cụ về căn chòi lá tồi tàn của mình. Căn chòi chật hẹp này có bà mẹ, con dâu và cháu nhỏ, nay lại thêm một bà cụ già. Ở đó có một ngọn lửa sưởi ấm những con người bất hạnh. Nghèo đến tận cùng kiếp nghèo. Lê Đăng Kháng đã thổi bùng ngọn lửa yêu thương ấy lên thành một vùng sáng.
Anh “bộ đội Cụ Hồ” khi rời bỏ quân phục, trở về với cuộc sống thường nhật, họ thật sự ngơ ngác như người từ cung trăng rơi xuống. Họ bối rối trước những loại người với đủ các thói đời đen bạc, những mưu mô đê tiện, những thủ đoạn gớm ghiếc, những bon chen giả dối…Có cả những bọn người cơ hội hôm qua chẳng làm gì cho công cuộc giải phóng dân tộc thì hôm nay , quên đi một thời hoa lửa dứng ra hô hào chủ nghĩa xã hội, cho công bình và văn minh !? Hạng người này dễ quên đi quá khứ hào hùng của dân tộc. Họ sẵn sàng và đang tâm không chỉ bắn những phát súng lục vào quá khứ mà họ cũng chẳng từ một thủ  đoạn nào dùng đại bác nã vào dĩ vãng! Kể cả những người trong hàng ngũ chúng ta, họ quên đi tình đồng chí, nghĩa đồng bào để lao vào đống bã vinh hoa, phú quý.!!
Cuộc sống có những lý lẽ riêng của nó. Không chấp nhận cũng phải thừa nhận. Cuộc chiến tranh vệ quốc kéo dài hơn 30 năm đã để lại những thương đau không những trên thân mình Tổ quốc , mà điều này có thể hàn gắn được. Chúng ta sẽ sắp xếp lại giang sơn  Còn trên thân mình từng cá thể đồng bào, đồng chí, đồng đội…thì ngay cả đến giờ phút này thật khó xóa đi. Di chứng chất độc da cam/dioxin là một minh chứng.
Với những mất mát không gì bù đắp được khi vợ mất chồng, mẹ mất con, con mất cha…Và những lứa đôi chưa kịp trao nhau nụ hôn đầu mãi mãi nằm xuống, đi vào cõi vĩnh hằng để cho dân tộc Việt Nam trường tồn! Vết thương chiến tranh như cào như xé, như cứa vào tâm can những người may mắn còn sống đến hôm nay. Nhà văn đã biết xoáy sâu vào vết cứa đó để đem lại cho người đọc những trang viết đầy nước mắt. Lê Đăng Kháng đã thành công khi cày xới, khai quật mảng đề tài chiến tranh.
17 truyện ngắn trong Vùng Sáng Trước Mặt còn đó những gương mặt khác.Chim lồng là một truyện hay, có tính ẩn dụ cao. Có những con người cứ tưởng mình giàu là có thể đem nhốt cả vũ trụ vào cái lồng chật hẹp của họ. Anh kỹ sư lâm sinh này đã không chịu cái cảnh phụ thuộc vào quyền lực ( của ông bố vợ) và vào cái gọi là “tình yêu đổi chác” của cô vợ để rồi một buổi sáng đẹp trời anh mở tất cả các lồng chim quý, trị giá đến mấy trăm triệu đồng để những con chim kia trở về với bầu trời tư do của chúng. Anh từ giã chốn phồn hoa đô hội, mạnh bước trở lại với rừng, tìm lại cô sơn nữ ngày xưa mà họ đã từng yêu nhau.
So với tập sách đầu tay  Kẻ đánh thuế đời mình thì Vùng Sáng Trước Mặtcó những thành công mới, Lê Đăng Kháng viết chắc tay hơn và có nghề; đề tài mở rộng hơn, có cái nhìn tỉnh táo hơn, nội tâm giằng xé hơn. Và số phận nhân vật được khắc họa đậm nét hơn, Lê Đăng Kháng  dẫn dắt người đọc đi cùng nỗi đau của những số phận.
Những trang viết của anh thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc. Người đọc nhận ở anh một cây bút chiến sĩ, có tấm lòng nhân hậu và cái tâm trong sáng của người lính.
                                                     Xuân Bảo ( nhà thơ
)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét