Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

4. Mưa nắng Đồng Nai - lời cảnh báo môi trường!


21:17 3 thg 8 2012Công khai13 Lượt xem0

                                                            
NGUYỄN XUÂN BẢO
          Tác phẩm Mưa nắng Đồng Nai của Võ Nguyện do nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2006 thật sự là lời cảnh báo về sự hủy hoại môi trường  không những đối với Đồng Nai mà còn là cả nước. Nhớ lại khi mới ra đời có không ít người cho là “vạch áo xem lưng”. Nhưng dần dần thực tế khách quan đã chứng minh lời cảnh báo đó là đúng đắn, nhiều vấn đề đến bây giờ vẫn đang còn nóng hổi. Đã có không ít  bài báo đề nghị tặng giải cho tác giả.                                
                   
     Mưa nắng Đồng Nai là tập hợp những bài viết đã đăng trên các báo Lao Động, Kiến thức Ngày nay, Thế Giới mới, Thanh niên, Đồng Nai, Lao động Đồng nai... theo thể hồi ký người thật việc thật nhưng lại có tính nghệ thuật đậm đặc. Đọc lại nội dung chúng ta thấy rất rõ vấn đề này.
Bài “Chuột ở bãi vàng Hiếu Liêm” ( trang7-17), có thể nói là điển hình về hủy hoại môi trường. Hai trăm hec ta rừng bị đào bới tan hoang. Mặt đất nham nhở a xít, thủy ngân và cả chất độc cyanua lan ra sông suối. Thân phận con người ở chốn luật rừng sao mà giống thân phận chuột! “Cả hai đều bị vàng nghiền nát”, mà hình ảnh rùng rợn là những lu xương người sắp lớp trong Tổng Kho… Môi trường đất như vậy, còn môi trường nước cũng không kém. Nhà máy Men Mauri La ngà- ngoài việc xả thải làm cá bè chết hàng loạt lên tới 70 tấn vào các ngày 26/2- 10/5/2000 thì: “Ở khu vực cống xả của nhà máy còn tồn đọng một lượng mùn hữu cơ kết tủa từ chất độc chiếm từ vài chục đến cả trăm hecta. Có chỗ  ghe máy vào không quay chân vịt được. Múc nước này lên thả cá vào thì chết ngay…”. Bãi vàng Hiếu Liêm đã được UBND tỉnh cương quyết dẹp bỏ không để kéo dài như đá đỏ Quỳnh Lưu. Nhưng cá chết do nước thải Mauri thì vẫn còn kéo dài tận hôm nay, dân chúng vô cùng búc xúc…
Phá rừng là hiện tượng phổ biến của cả nước. Rừng ở  tả ngạn sông Đồng Nai “không biết tự bao giờ đã hoàn thành công việc xóa sạch”. Gỗ rừng biến thành gỗ lậu. Càng bắt được nhiều gỗ lậu thì thành tích của Kiểm lâm càng cao. Vậy Kiểm lâm phải cám ơn lâm tặc bởi lâm tặc làm ra gỗ lậu…Quả là vòng lẩn quẩn lạ lùng!   Bài  Voi đi đâu (trang 26-31),  Lên rừng ăn ong (trang 32-37),  Đôi chuyện về rắn (trang 38-44), Nhộn nhịp thịt rừng (trang 45-50) là hệ lụy nhãn tiền “ai độc hơn ai”?của sự vô tâm này. Cây ươi ở rừng Đồng Nai và Miền Đông Nam Bộ đã bị tàn sát cách đây gần chục năm để lấy trái bán cho tàu nước ngoài. Thế mà nay tỉnh Thừa thiên Huế mới la làng lên về vấn nạn chặt ươi ở địa phương mình. Kể là quá lạ!
Môi trường lịch sử đã bị bỏ quên cho thời gian xâm hại. Bài “Địa Đạo Chiến khu D” (trang18-25) đã góp phần đánh  động dư luận . “Mưa rừng ập đổ. Không gian mù mịt. Nước sông Bé lại sôi réo hơn xưa bởi nạn phá rừng…Tôi, một lần nữa nhìn lại cửa hầm số 11, chẳng thấy bóng dáng người xưa đào đắp mà chỉ thấy hiu quạnh. Có chăng mấy vỏ lon nước ngọt nước suối ai đó mới ghé thăm vứt bỏ đã đầy ắp nước mưa, nằm buồn bã trên thảm lá mục!”.Và tác giả đã bỏ công tìm về cội nguồn :“Ít ai ngờ rằng vào năm 1963 một góc nhỏ địa đạo gồm 2 hướng với 15 miệng hầm liên hoàn lại được một tiểu đội nữ chiến sĩ trẻ do Mười Hạnh phụ trách bổ nhát cuốc đầu tiên… tạc vào đất tấm lòng yêu nước tuyệt vời...”. từ đó Địa đạo được bảo tồn.
Trong không gian mờ mịt của mưa lại xuất hiện những vệt sáng của nắng ở cuối chân trời. Đó là những nhân tố tích cực trong cuộc vận động đi lên. Các bài Hoa phượng sắc xanh  (trang79-83), Thơ mộng suối Tre(123-126),Võ thuật Cổ truyền Đồng Nai một thời trăn trở (trang 83-87),Rùa thần Đồng Nai( trang88-96) Tất cả vì Long Khánh…(trang 105-111) với tấm gương của anh Nguyễn Ngọc Bích đã khẳng định điều này. Đặc biệt là các quyết sách của tỉnh Đồng nai đã làm thay đổi cục diện. Có lúc Thủ tướng cũng ra tay uốn nắn và để lại ấn tượng. Bài Sự tích một ngôi trường (trang 97-104) là một ví dụ.
Năm 1995 tiêu cực ở các công trình lớn còn đang ít được phanh phui, chúng hiếm như là nhật thực. Ngôi nhà lớn nhất của Thủy Điện Trị An bị đập bỏ để bán phế liệu trong khi cơ sở hạ tầng của địa phương này còn rất yếu kém. Sau hai bài viết của Võ Nguyện  đăng trên báo Lao động Đồng Nai (ngày27/10/1995) và báo Thanh niên (ngày2/12/1995) thì hàng loạt bài rộ lên. Anh Mai Sông Bé với bài “Những nhát búa đánh vào lòng dân”đăng  ở Lao Động Đồng Nai. Cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa báo Thanh Niên với bài “Những khuất tất đằng sau ngôi nhà bị đập bỏ”. Các báo Tuổi trẻ, Lao Động cũng có bài liên tục. Đài truyền hình Đồng nai phát hình căn nhà bị đập phá. Đài Tiếng nói Việt nam phỏng vấn vài vị lãnh đạo cấp trung ương. ai cũng lên án cả…Trong khi những đầu óc hẹp hòi bảo thủ lại cố phản công. Họ gọi điện về tòa soạn, hăm dọa ngươi viết bài khiến nhiều người hoang mang. May mắn thay Thủ Tướng đã vào cuộc, lệnh trong vòng 10 ngày tỉnh Đồng nai phải giải trình sự viêc…
“Ba tháng sau một ngôi trường bề thế được hoàn thành trên nền đổ nát của căn nhà bị đập phá. Đây là  ngôi trường đặc biệt ở Đồng Nai được xây dựng bởi dư luận đúng đắn  của báo chí và sự uốn nắn kịp thời của lãnh đạo”…
Tác phẩm Mưa nắng Đồng nai ra đời đã góp một phần trong tiến trình đổi mới. Dư luận trong và ngoài nước hết sức hoan nghênh. Bác sĩ Bùi Minh Đức Hội viên hội Giáo sư Đại học Hoa kỳ AAUP khi về nước đã vô cùng ngạc nhiên về tính thông thoáng thông tin môi trường của Việt nam. Ông đã gọi điện tới tác giả đề nghị được dịch tác phẩm ra tiếng Anh và tiếng Đức để đưa ra Liên hiệp quốc thay đổi cách nhìn. Nhà sử học Đồng nai Yên Tri- Trọng Phú sau khi đọc kỷ đã có bài phân tích trên tạp chí Nhớ Huế số 31 “Nếu tôi là…”( trang146-149):  ... “Nếu tôi là Giám đốc sở Tài nguyên môi trường Đồng nai thì Võ Nguyện sẽ được tặng một giải nhất về đề tài bảo vệ môi trường…Nếu tôi là Giám đốc sở Giáo Dục Đào tạo tôi sẽ ghi vào tấm bia hoa cương đỏ gắn ở trường Hiếu liêm tên anh cùng những nhà báo nhà đài đã có công lên tiếng đòi cho trẻ thơ Hiếu Liêm ngôi trường…”
Tóm lại tác phẩm Mưa nắng Đồng Nai là tác phẩm tốt, không những về lượng thông tin mà còn có tính văn học nghệ thuật xuất sắc. Nó cũng xứng đáng là biên niên sử của Đồng nai sau này. Dư luận cho rằng tác phẩm sẽ được giải Trịnh Hoài Đức (5 năm một lần),là lẽ đương nhiên. Chúng ta tôn vinh tác phẩm cũng chính là là góp phần bảo vệ môi trường của chúng ta vậy.
                                                          NGUYỄN XUÂN BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét