Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

17.Đêm giao thừa đọc thơ xuân của Bác



21:54 3 thg 8 2012Công khai18 Lượt xem0

ĐÊM GIAO THỪA  ĐỌC THƠ XUÂN CỦA BÁC
Nhân kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
19-5-1890  -   19-5-2012
                            *****************************
Dạo ấy, chúng tôi rút quân về vùng biên giới để huấn luyện và chuẩn bị một đợt tấn công mới. Bọn Giôn-xơn đã phải xuống thang, thôi ném bom Hà Nội. Chúng chịu trở lại bàn thương lượng ở Pa-ri. Chiến trường miền Nam liên tiếp thắng to. Cán bộ, chiến sĩ ta lúc này hừng hực khí thế. Ai cũng muốn xông lên phía trước. Có đánh mạnh thì chúng nó mới chịu ngồi vào bàn. Không còn cách nào khác. Giữa bầu không khí rộn rã thi đua lập công đó, bỗng có một tin sét đánh đến với chúng tôi. Bác Hồ đã ra đi. Khi Đài tiếng nói Việt Nam phát đi bản thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho toàn Đảng, toàn dân biết Hồ Chủ tịch đã từ trần, chúng tôi ai nấy đều sững sờ, đau xót. Không ai nói với nhau một lời rồi cùng òa lên khóc nức nở. Những người thương binh chưa phục hồi sức khỏe chưa lành hẳn vết thương nằng nặc đòi trở lại đơn vị để tham gia chiến đấu. Chúng tôi dồn nén đau thương  lên đầu mũi lê họng súng. Diệu kỳ thay sự tổn thất lớn lao của dân tộc làm bừng cháy trong lòng mỗi chiến sĩ chúng tôi chí khí căm thù giặc hơn bất cứ lúc nào. Bước vào mùa khô năm 1969, đơn vị chúng tôi lập được nhiều chiến công to.

                    
 
    

 Trước khi về Thủ đô, Bác và bộ đội đến  thăm Đền Hùng
                                              
         Một mùa xuân nữa lại đến. Chúng tôi đón tết bằng cánh mai vàng của núi rừng miền Đông và tấm lòng đôn hậu của bà con cô bác. Đó là mùa xuân năm Canh Tuất (1970). Như đã trở thành một tập quán tốt đẹp, đêm giao thừa chúng tôi quay quần bên nhau chờ nghe thơ xuân của Bác Hồ. Trong thâm tâm chúng tôi biết rằng Bác đã ra đi, nhưng rồi tự mình không muốn tin như thế.
          Hai chiếc kim đồng hồ đeo tay mặt dạ quang của đồng chí chính trị viên đại đội đã chập vào nhau ở con số 12. Cùng lúc đó, trên bàn thờ Tổ quốc do chúng tôi tự tạo bằng cây rừng, chiếc ra-đi-ô bán dẫn (chiến lợi phẩm do chúng tôi thu được trong một trận đánh) vang lên bản Quốc thiều và tiếp theo là những tràng pháo mừng Xuân. Chúng tôi trang trọng ngồi lắng nghe thư của Bác Tôn. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội - những cái Tết xa nhà, Tết chiến đấu và ngậm ngùi tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội của mình đã ngả xuống trên chiến trường. Một chiến sĩ người Hà Nội mặt còn mọng lông tơ, khi cười để lộ hai hàm răng trắng muốt thốt nhiên đề nghị:        

- Báo cáo Thủ trưởng em đề nghị mỗi người đọc hoặc ngâm một bài thơ Xuân của Bác.
          Cả đại đội vỗ tay hưởng ứng.
          Người đột phá đầu tiên đêm Xuân đọc thơ Bác Hồ là đại đội trưởng, người anh cả của đại đội đã trải qua cuộc kháng chiến 9 năm. Với giọng Thái Bình quê hương 5 tấn, anh ngâm thơ gần như hát theo làn điệu dân ca bài thơ mừng Xuân 1951 của Bác
“ Xuân này kháng chiến đã năm Xuân
 Nhiều Xuân kháng chiến càng gần thành công
Toàn dân ta quyết một lòng
Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”
          Anh nói là anh còn thuộc nhiều bài thơ Xuân của Bác nhưng anh thích nhất bài này vì có một kỷ niệm sâu sắc: năm đó anh được kết nạp vào Đảng đúng lúc Đảng ta trở lại hoạt động công khai (3-3-1951).
          Nhiều đồng chí ở các miền quê khác nhau lên đọc nhiều bài thơ mừng Xuân của Bác từ Xuân 1954 khi hòa bình mới lập lại đến Xuân 1968. Mỗi bài thơ là một chặng đường đi lên của dân tộc, ghi lại những đổi thay cơ bản trên miền bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội và những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân miền nam.
          Bài thơ mừng Xuân năm 1969 chúng tôi không ngâm., không đọc mà cùng nhau hát thành bản đồng ca hùng tráng:                                                    
Năm qua thắng lợi vẻ vang                                                        
Năm nay tiền tuyến lại càng thắng to                                                      
 Vì độc lập, vì tự do                                                      
 Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào                                                        
Tiến lên chiến sĩ đồng bào                                                        
Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn.
          Lời thơ hào hùng đó như một hồi kèn xung trận. Năm đó, đơn vị chúng tôi đi chiến dịch lập thêm nhiều chiến công mới.
       ***

            Từ đó đến nay đã trải qua bao nhiêu mùa Xuân – giọng trầm hẳn xuống – Đại đội của chúng tôi kẻ mất người còn. Có đồng chí đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất Đồng Nai thân yêu này. Có đồng chí bị thương tật nhưng vẫn không rời vị trí chiến đấu của người chiến sĩ. Tôi cũng  bị thương, nhưng nhẹ thôi, còn cái miễng pháo nằm trong vai này chưa lấy ra được. Nó chỉ đau khi nào trở trời.
          Đại đội trưởng cười và kể tiếp: Tết năm nay chúng tôi lại ăn Tết trên biên giới,. Đơn vị hạ quyết tâm làm xong tuyến đê phòng thủ biên giới vào dịp đầu Xuân. Đêm giao thừa năm nay, chúng tôi lại tổ chức đọc thơ Xuân của Bác. Mời đồng chí nhà báo cùng dự đêm thơ ấy với chúng tôi nhé.



Chiến khu D – Xuân Nhâm Thìn 
Biên Hòa – 2012
Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét