Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

33.Giới thiệu Tập thơ Cảm ơn cuộc đời của Hoàng Loan



18:19 13 thg 8 2012Công khai174 Lượt xem2
 


Hoàng Loan cảm ơn cuộc đời
và cuộc đời vạn lần cảm ơn Hoàng Loan

Lời dẫn : Nhân kỷ niệm 51 năm Ngày Nạn nhân chất độc da cam/dioxin 10-8-1961 – 10-8-2012, xin trân trọng giới thiệu tập thơ Cảm ơn cuộc đời của tác giả Đinh Thị Hoàng Loan – nạn nhân chất độc da cam. Em đã tin tưởng vào cuộc đời này để mà sống, mà vượt qua số phận để khẳng định mình.                        
      Bố mẹ Đinh Thị Hoàng Loan đều là người huyện Nho Quan ( Ninh Bình ). Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bố Hoàng Loan nhập ngũ và vào chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, Chiến khu Đ. Nơi đây là vùng bị rải chất độc da cam/dioxin nặng nề , có tới 56 % diện tích bị phun rải. Ông bị nhiễm  và đã để lại hậu quả cho con mình.
     Hoàng Loan sinh năm 1978. Do dị tật da cam nên hình hài của em không nguyên vẹn. Đôi chân còng queo. Hai bàn tay vẹo vọ. Bài thơ đầu tay em viết :
   “Bàn chân cong cong, ngón chân bé nhỏ
      Mắt mẹ buồn theo năm tháng thời gian
      Những vết nhăn hằn sâu trên trán bố
      Miệng thì cười mà nước mắt chảy vào trong…”

   Hoàng Loan không được cắp sách đến trường mà tập “vẽ chữ” do đứa em học lớp 1 bày cho. Dần dà rồi em cũng đọc và viết được. Những nét chữ ngoằn ngoèo trông đến tội. Cái chữ đã mang đến cho em một thế giới con người và vũ trụ thiên nhiên bao la  qua những cuốn sách mà bố mẹ mua về. Sách đã mở cho em một chân trời mới, cho em kiến thức và tri thức. Nguyện vọng bình dị nhất, thơ ngây nhất của Hoàng Loan là :
      “…Mơ được một lần được cắp sách đến trường
       Được tha thướt tung tăng ca hát
       Cùng bạn bè chạy đuổi dưới hàng cây
       Nhưng mơ ước cũng chỉ là mơ ước…”

   Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã từng nói đến  các cháu thiếu niên nhi đồng: “Trẻ em như búp trên cành” thế mà Hoàng Loan “mơ ước cũng chỉ là mơ ước” mà thôi. Đã có lần:
“… Con mơ thấy Bác Hồ như ông Bụt
Miệng Bác cười âu yếm nhìn con
Khi tỉnh giấc, con ngẩn ngơ tiếc mãi
Sao giấc mơ không thể kéo dài…”
(Giấc mơ)
    Em mơ gặp Bác Hồ, em lại mơ về biển cả mênh mông. Em chỉ thấy biển trong tranh ảnh, trên màn hình. Thế mà:
“… Ôi biển cả bao la như tình mẹ
Tôi yêu biển dù chưa thấy biển bao giờ”.
(Giấc mơ về biển)
Trước hết và trên hết, đó là tình thương, là niềm kính yêu vô vàn của Hoàng Loan đối với bậc sinh thành:
“… Thương làm sao bàn tay gầy guộc
Những nhọc nhằn năm tháng nuôi con
Con chợt sợ một ngày nào đó
Sẽ không còn được thấy bóng mẹ cha
Con bật khóc khi nghĩ về điều đó…”
(Con thầm mong)
Trên cõi đời này, tình yêu của cha mẹ đối với con cái vô bờ. Tình yêu của con đối với cha mẹ cũng vô bờ vô bến như câu ca dao: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hoàng Loan đã nói thay mọi người:
“… Mẹ là bóng mát đời con
Mong sao mẹ sống bên con trọn đời…”
(Hơn cả đất trời)
Hoàng Loan yêu thiên nhiên với một tâm hồn cao khiết. Em yêu màu vàng đồng lúa, màu xanh của những lũy tre làng, màu hồng của bình minh rực rỡ. Ngay cả đêm đen, Hoàng Loan cũng nhìn với đôi mắt trìu mến: “Màn đêm xuống buông màu đen huyền diệu”. Em yêu cánh cò tráng lưng trời, yêu màu hoàng hôn tím và những sợi khói lam chiều… Tất cả những màu sắc đó chính là quê hương Việt Nam. Đó chính là quê hương em. Và đó chính là tình yêu Tổ quốc. Bức tranh quê rực rỡ sắc màu làm say đắm lòng người. Thơ Hoàng Loan có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông. Nhưng bao giờ mùa xuân cũng là mùa đẹp nhất của  vũ trụ và con người:
“… Mùa xuần về rồi đó
Đào mai khoe sắc hương”
“Đất trời mở hội đón chào xuân
Xuân đến xuân tô đẹp đất trời…”
Mùa thu đối với Hoàng Loan cũng là mùa để nhà thơ gừi vào đó cảm xúc dâng trào:
“… Thu vàng nắng, thu xanh ngọn cỏ
Thu dịu dàng làn gió mát, đẹp vầng trăng…”
Ngay như mùa đông, mùa của cao su trút lá, cây cối trơ cành. Đông của Hoàng Loan lại rất sôi động:
“… Ngày rộn rã đàn chim vang tiếng hót
Để lòng mình tràn ngập đón ngày vui…”
Đặc biệt mưa của Hoàng Loan không sụt sùi, buồn bã mà là mưa vui, hạt mưa vàng cho mùa mang thôi khô hạn và đầy màu sắc trong bài thơ Mưa vui:
“Xanh xanh mặt nước xanh như ngọc
Lấp lánh hạt mưa tựa kim cương
Gió lùa cửa sổ trong làn tóc
Khẽ nhoẽn môi cười nghe khúc mưa”
Lời đề tặng đầu tập thơ, Hoàng Loan trân trọng kính mến tặng cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh – Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đồng Nai: Bà tiên trong lòng con
“Nhớ ngày đó làm sao con quên được
Ngày gặp cô như có phép nhiệm màu
Chấp đôi cánh cô cho con hạnh phúc
Ở trong con, cô đã hóa bà tiên”.
Để tập thơ Cám ơn cuộc đời đến với bạn đọc hôm nay, chung quanh em có biết bao tấm lòng vàng. Từ bác Len Adis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh – Việt đến thầy Bùi Văn Hoạt -  Đội An ninh Long Thành đã giúp Loan tiếp cận máy tính; thầy Đỗ Hữu Tài, Đại học Lạc Hồng tặng Loan máy tính; thầy Ngô Quang Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trung tâm dạy nghề Bách Khoa – người tài trợ cho Loan in tập thơ này.
Cuộc đấu tranh đã khẳng định chất da cam/dioxin do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là tội ác, là dã man, mà tất cả loài người tiến bộ trên hành tinh này đều lên án. Cuộc đấu tranh còn tiếp tục,  thế nhưng Hoàng Loan đã rất nhân từ – Em chỉ muốn:
“… Tôi muốn mọi người sống
Yêu thương không hận thù
Nụ cười luôn nở mãi
Niềm đau sẽ không còn…”
Khép lại 96 bài thơ của Hoàng Loan là:
“Tôi muốn làm thơ tặng mọi người
Thơ là tiếng nói của lòng tôi...
Đó là những vần thơ tôi xin tặng
Cảm ơn đời cho tôi một niềm tin”
(Cảm ơn cuộc đời)
Có thể nói tập thơ Cảm ơn cuộc đời của Đinh Thị Hoàng Loan là một hiện tượng, hiện tượng văn học lạ trong nền thi ca Việt Nam.
  Em cám ơn cuộc đời và cuộc đời này vạn lần cảm ơn em đó Hoàng Loan ơi!
Xuân  Bảo





  
  • HOANG NHUNG MEDIA
    Cháu cũng muốn được đọc tập thơ của chị Hoàng Loan qua bài giới thiệu của chú đấy!
    • Tú Sừng
      Cho ming dia95 chi3 d9e63 gui73 sach1 cho Hoang2 Nhung nhe1. Tha6n ai1 Xuan Bao3
  • THÀNH HUÂN
    Bài giới thiệu tập thơ của Hoàng Loan nhưng cũng là một thông điệp gửi tới các bạn gần xa về nỗi đau da cam do chiến tranh để lại dẫu nó đã trôi qua gần nửa thế kỷ.
    Chúc anh Xuân Bảo nhiều niềm vui,hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét