Trang

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

31.Trường Tiểu học mang tên đại thi hào Nguyễn Du



18:02 10 thg 8 2012Công khai111 Lượt xem1
 
   Cho đến hôm nay, khi sắp bước vào năm học mới 2012-2013 thì Trường Tiểu học Nguyễn Du ( thành phố Biên Hòa ) đã có 499 thày cô giáo từng đứng lớp ở đây đã ra người thiên cổ.Truờng được hình thành uớc vào năm 1897, nhưng theo tài liệu của Trường mới nhất thi Trường được thành lập vào năm 1933 trên mảnh đất vốn là Trại lính kỵ binh, sau thực dân Pháp lại xây dựng nơi đây thành Trại giam.Từ năm 1930 hiệu trưởng là người Pháp. Đến năm 1933 người Việt mới được bổ nhiệm làm hiệu truỏng, trong đó có các thày hiệu trưởng Lê Hữu Vinh, Huỳnh Văn Giỏi, Lâm Văn Huê… 100 năm qua, Trường đã dạy dỗ nên người có đến hàng vạn con người ưu tú cho quê hương. Trong đó có nhà văn Lý Văn Sâm. Tuổi thơ, Lý Văn Sâm học ba năm sơ học ở quê ngoại, ấp Ông Linh, làng Tân Nhuận, quận Tân Uyên, lúc này thuộc địa giới hành chính tỉnh Biên Hòa, từ lớp Đồng Ấu đến  lớp Sơ Đẳng.Nếu đếm từ năm đầu  vào trường thì lớp a bê xê Đồng Ấu sẽ được gọi là lớp Năm, rồi lên lớp Tư và lớp cuối được gọi là lớp Ba. Thi sơ học yếu lược xong, 10 tuổi ông xa quê ngoại với chặng đường hơn 20 cây số từ Tân Uyên để lên thị xã Biên Hòa học tiếp bậc tiểu học tại École primaire de plein exercices. (Trường Tiểu học hoàn chinh) Truòng này mang tên Tây : École primaire complémentaire de BienHoa). Học trò thi đậu trường này được Chính phủ thuộc địa Pháp cấp  Bằng Tiểu học ( Certificat d’études Primaire Franco-Indigène ). Và đây sẽ là hoặc làm cái cần câu cơm hoặc lớn lên theo chí tiến thủ của tầng lớp thanh niên hồi đó. Sau này,năm 1934 chính quyền thuộc địa mở thêm một trường dành cho con gái, nhưng cũng chỉ là trường sơ học (École  élémentaire) mà thôi. Tại trường này Lý Văn Sâm được học với thày giáo Năm, thày Lương Văn Lê ( cha ruột của người bạn học Lương Văn Lựu – nhà văn và nhà biên khảo lịch sử vùng đất Biên Hòa) và các thày Huỳnh Văn Giỏi, thày Nguyễn Văn Tòng…Có một câu chuyện cảm động giữa thày giáo Tòng với cậu học trò Lý Văn Sâm. Thày Tòng kiên quyết từ bỏ nghề dạy học, xếp bút nghiên “ lên đàng” tham gia phong trào “bình dân” của mẫu quốc Pha-lăng-sa từ  những năm 1938,1939. Phong trào “bình dân” có ảnh hưởng lớn đến các dân tộc thuộc địa, nhất là xứ Nam kỳ thuộc địa (Colonial Cochinchine), cái xứ được Triều đình Huế bán đứng cho Pháp để đất nước chúng ta bị chia cắt thành ba miền: Bắc kỳ tự trị, Trung kỳ bảo hộ và Nam kỳ thuộc địa.
         Sau năm 1975, thày trò gặp lại nhau mừng vui khôn xiết. Thày Tòng gửi tâm sự của mình vào bài thơ Đường luật và đã gửi cho cậu học trò thân yêu của mình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, gửi tất cả niềm tin vào ngày toàn thắng của dân tộc. Nhà văn Lý Văn Sâm , lúc này đã là một cán bộ của tỉnh:
Đã trót năm dư ở thị thành
Nỗi niềm tâm sự nghĩ buồn tênh
Sớm hôm cùng vợ và con nhỏ
Vui một chữ bần, một áo manh
Miệng mối, lưỡi lằn nhiều hiểm độc
Lòng ta không gợn chút hôi tanh
Bạc đầu vẫn quyết lo cho nước
Độc lập, tự do dạ mới đành
    Và cậu Hai Lý, dù đã là một cán bộ cao cấp vẫn một mực giữ đạo thày trò đối với người thày của mình. Trong tác phẩm  Một địa chỉ thân yêu, nhà văn đã viết : Thưa thày, trước sau con vẫn là đứa học trò ngoan ngoãn của thày. Thày đã dạy con bài học yêu quê hương, xứ sở từ thuở con hãy là đứa học trò sơ đẳng…
                                        ***
Trường tiểu học Nguyễn DuNgôi trường này, sau Giải phóng Miền Nam được đổi tên là Trường Tiểu học Nguyễn Du. Chúng tôi được thầy hiệu trưởng Đặng Văn Tới và cô hiệu phó Tuyết Hạnh mời vào dâng hương tại phòng thờ các giáo viên đã quá cố. Nơi đây có một vật kỷ niệm thiêng liêng. Đó là chiếc chiêng đồng. Trên mặt chiêng có ghi dòng chữ: Nguyễn Thị Xuân Hương, cựu giáo viên Trường Nguyễn Du kính tặng Đền Thờ Tiên Sư…
  Để tìm hiểu kỹ về ngôi trường danh tiếng này, tôi vội đến nhà một người bạn vong niên của tôi,  cựu học sinh của trường. Đó là Cụ Nguyễn Văn Giỏi, năm nay đã 88 tuổi. Cụ thân mật tiếp tôi trong căn nhà bên cạnh sông Đồng Nai lộng gió, cách Trường Nguyễn Du không xa, cùng trên một đường phố Cách Mạng Tháng Tám. Gia đình Cụ chính gốc là ấp Phước Lư, xã Bình Trước..  Khi nghe tôi hỏi về ngôi trường ngày thơ ấu Cụ đã học. Cụ lục tìm trong hộc đựng giấy tờ gia đình, lấy ra tờ giấy khai sinh, nét chữ đã phai mờ qua thời gian. Tôi lần đọc tìm thấy những dòng chữ  bằng tiếng Pháp như sau:  Nom et pronom : Nguyen Van Gioi. Né le 3 Juillet 1924. À village BinhTruoc, Canton PhuocVinh Thuong, Province BienHoa. Dịch ra quốc ngữ : Tên và họ : Nguyễn Văn Giỏi. Sinh ngày 3 tháng 7 năm 1924 tại xã Bình Trước, Tổng Phước Vinh Thượng, Tỉnh Biên Hòa.Tôi nói vui : Thế là Cụ ra đời trước ngày Quốc khánh Pháp đến hơn 10 ngày. Ngày 14 tháng 7 năm 1789 là Ngày Đại Cách mạng Pháp thành công , đánh đổ chế độ quân chủ, dựng nền Cộng hòa. Dân ta thường gọi một cách châm biếm là ngày “ cắt-tóoc-thui-dê”.( quatoze juillet)
    Ký ức lần lượt hiện về, Cụ kể rằng :Thị xã Biên Hòa là Tỉnh lỵ của tỉnh Biên Hòa. Nó bé nhỏ lắm. Đất rộng, người thưa. Trường mang tên tiếng Pháp và dĩ nhiên học trò phải học cùng lúc hai ngữ Pháp và Việt. Bảng chữ cái Việt có 24 chữ, bảng chữ cái Pháp có thêm các chữ F, J, W, Z, nhưng không có chữ Đ. Tôi còn nhớ ngày tựu trường rất vui. Những ông Tây, bà đầm thực dân cũng tới dự. Học trò được phát một bộ sách Giáo khoa thư, hai quyển vở tập, một cây bút chì, một cây bút mực ngòi lá tre, một cục gôm, một tờ giấy thấm , một cái thước kẻ.Tất cả những thứ đó đều được bỏ vào một cái tráp bằng gỗ, có dây đeo. Mỗi bàn có ba cái gô-đê mực tím để lọt phần thân xuống, phần vành được giữ lại bên trên. Lúc tan trường, học trò không phải mang gô-đê mực về.   Ngồi nghe Cụ Tư ( tên gọi Cụ Giỏi theo thứ của người Nam Bộ) kể chuyện ngày đó, tôi thầm khâm phục trí nhớ sắc sảo của một ông già đã gần 90 tuổi, không hề có biểu hiện lẫn cẫn, nhầm lẫn như lệ thường.
     Cũng trên mảnh đất mà ngày nay là Trường Tiểu học Nguyễn Du đó. Trước  Tòa Bố, nay là Quảng trường Sông Phố, trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai  đến gần chợ vẫn còn những lô cao su. Ngày ngày những chiếc xe thổ mộ với những chú ngựa gày  vẫn nện gót đều đều từ chợ tỉnh đi và về từ các miền quê. Đường gồ ghề, gập ghềnh bởi trải  những viên đá ong, đá sỏi.  Cụ kể rằng, cứ sáng dậy, chuẩn bị đến trường thì Má đã gói sẵn vào mo cau ba hoặc bốn củ khoai lang luộc. Đó là bữa trưa của cậu học trò nghèo trường tỉnh Nguyễn Văn Giỏi lúc bấy giờ. Sau buổi học sáng, những đứa học trò ở xa được phép ở lại trường, dở những mo cau ra, có gì ăn nấy, Ngồi nghỉ dưới mái trường, chờ tiếng trống học buổi chiều. Hồi đó chúng tôi học ngày hai buổi, trừ ngày thứ năm thì học môn thủ công, chiều thứ bảy được nghỉ học. Cụ Giỏi trầm ngâm : Tía má tôi nghèo, nhà đông anh em. Tôi là con đầu nên gia đình ráng sức cho con đi học. Tôi cũng cố gắng để không phụ lòng đấng sinh thành.Tôi thuộc nằm lòng những câu cách ngôn viết trên đầu tấm bảng đen của lớp và được thày cô giáo thay đổi hàng ngày: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư... Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…Cá không ăn muối cá ươn… Suốt sáu năm học  qua hai kỳ thi : Sơ học yếu lược và tốt nghiệp tiểu học, tôi đều thi đỗ.Thi cả tiếng Việt và cả tiếng Pháp, Tiếng Pháp chủ yếu là thi ám tả ( dictée ) và vấn đáp  (oral ). Thời Pháp thuộc bậc tiểu học có 6 lớp : Đồng ấu, Dự bị, Sơ Đẳng (thi sơ học yếu lược) rồi tiếp tục học lên lớp Nhì nhất niên, Nhì nhị niên và cuối cấp là lớp Nhất, tiếng Tây thường gọi là cours supérieur. Nét mặt Cụ bỗng chùng xuống, đượm một nỗi buồn sâu xa. Cụ nói rằng:  Mấy hôm nay tôi nghe Đài và xem Truyền hình nghe thấy nhắc nhiều đến Hoàng Sa. Tôi còn nhớ như in, hồi học lớp Tư ( cours Préparatoire), tôi đã thấy treo trên tường tấm địa đồ Đông Pháp (Indochine-Francaise). Trên ấy có ghi rõ  tên quần đảo Paracell, tức là Hoàng Sa. Những giờ học sử, các thày cũng giảng rất kỹ càng : Paracelle Hoàng Sa có hơn 20 hòn đảo san hô lớn nhỏ, trải trên vùng biển khoảng 15 ngàn cây số vuông. Các đảo chính gồm có Quang Anh, Hoàng Sa ( bãi cát vàng) Tri Tôn, Phú Lâm, Linh Côn, Hữu Nhật, Bông Bay, Cây…Thời Chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa, xứ Quảng Nam. Chúa Nguyễn cho lập Đội Hoàng Sa và cứ 6 tháng thì đổi phiên.Tháng 8 năm 1833 vua Minh Mạng  ra lệnh cho Bộ Công đưa thuyền ra Hoàng Sa để dựng bia, xây đền. Chính Toàn quyền Paul Doumer- người đã có công  lập dự án xây cầu Long Biên, Hà Nội- năm 1899 đã đề xuất xây hải đăng ở Hoàng Sa…Thế mà hôm nay Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn. Thật là phi lý vô cùng! Không biết tình hình này rồi sẽ đi đến đâu?!
     Học hết bậc tiểu học thì tôi nghỉ. Nhờ có cái bằng Certificat mà tôi đi làm công nhân một cách dễ dàng. Kíp đến Tháng Tám năm 1945 thì tôi tham gia cướp chính quyền ở Biên Hòa. Năm 1954 tôi tập kết ra Bắc trong Sư đoàn 338 của tướng Tô Ký. Nhờ vào cái vốn liếng văn hóa của những năm tháng đầu đời trang bị nên đã giúp tôi tiến bộ rất nhiều. Khi về Nam,tôi đã được phong hàm trung tá và chuyển ngành, đem theo bà xã, người huyện  Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình và ba đứa con nhỏ.
 Tôi chia tay và cảm ơn Cụ – một học trò cũ của Trường Tiểu học Biên Hòa. Nhìn tấm bằng 60 năm tuổi Đảng của Cụ, tôi như thấy có phần không nhỏ của những người thày đã khai tâm cho cậu học trò Nguyễn Văn Giỏi ngày nào, cách đây gần thế kỷ !
                                                                                                                                                                                        ***
 Cô giáo P. dẫn tôi ra sân trường và chỉ vào thân hai cây phượng vĩ, đồng bào miền Nam thường gọi là cây bông điệp, cô giáo nói : Hai cây điệp này chắc tuổi cũng đã ngót nghét trăm năm rồi đó. Nay nó đã già, thân đã mục ruỗng bên trong. May mà Ban giám hiệu phát hiện kịp thời, cho cưa bớt phần thân trên, rãi thuốc chống mối, trừ sâu nên chúng lại phát triển xanh lá, tốt cành.Tôi còn nhớ, có lần khi tôi đang học ở Hà Nội với người thày là chuyên gia Trung Quốc nói rằng : Hoa phượng vĩ, người Trung Hoa còn gọi là “Tương tư hoa”. Đây là một chuyện tình mang nặng tính sầu bi. Mà thôi, không kể lại đây chuyện tình ấy nữa. Hoa phượng vĩ được mệnh danh là “ hoa học trò”, bởi vì hoa chỉ nở đúng vào dịp hè, kết thúc năm học, mùa chia tay của nhiều thế hệ học trò, gắn với nhiều kỷ niệm buồn vui của thời hoa niên. Nhìn hoa phượng chớm nở cho người ta cảm giác buồn vì năm học sắp hết. Những trang lưu bút sẽ chi chít trong cuốn carnet ; những hẹn ước, những ưu tư sẽ theo ta mà về chân trời kỷ niệm !
 Cây phượng vĩ còn có nhiều tên gọi khác như xoan tây,điệp tây…Vì sao lại phải kèm thêm chữ Tây vào đây nhỉ ? Hay là nó từ bên Tây tới ? Thì ra loài cây này vốn  mọc hoang trong rừng rậm Madagascar và có nguy cơ tuyệt chủng. Cuối thế kỷ 19, người Pháp sau khi nuốt trọn lục tinh Nam Kỳ đã đưa giống cây này về Việt Nam ươm trồng. Phượng vĩ được trồng trong công viên, dọc đường phố, những sân trường. Chúng ta cũng còn nhớ là khi nền đô hộ đã ổn, chữ nho đi vào quên lãng, chữ quốc ngữ thịnh hành, người Pháp tính chuyện ở lại Việt Nam lâu dài nên trước hết phải mở trường dạy chữ  để đào tạo những ông quan An-nam ra làm thông ngôn, thầy cai, thầy ký…phục vụ cho “mẫu quốc Đại Pháp”. Vì vậy, từ bắc chí nam những ngôi trường  quốc ngữ đều được mở, dù ít. Và  cây phượng vĩ được trồng trên mỗi sân trường. Do vậy hoa phượng vĩ nở là báo hiệu hè về. Phượng vĩ là biểu tượng của sự học.
    Phượng vĩ có ưu thế là tán cây rất rộng, tỏa bóng  mát được nhiều, giảm bớt oi bức, làm cho học trò khỏe khoắn. Viết đến đây, tôi lại tưởng tượng ra những năm đầu thập kỷ ba mươi, thế kỷ trước, dưới bóng mát của hai cây phượng vĩ này các  cậu học trò Tô Văn Tuấn (tức nhà văn Bình Nguyên Lộc), Hoàng Minh Viễn (sau này là nhà giáo), Huỳnh Văn Lũy (nguyên  Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa), Tô Văn Của (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính-kháng chiến tỉnh Biên Hòa), và Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn và rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác đã từng chụm đầu vào nhau ôn bài, xào bài ở nơi này…
   Tôi phóng tầm mắt ra xa, thấy khuôn viên Trường hôm nay quả thật đã có phần khang trang hơn hồi mới giải phóng. Hồi đó, vợ chồng chúng tôi được Khu ủy Miền Đông điều động vào Đồng Nai, các con tôi còn nhỏ, cứ đến tuổi đi học thì được đưa tới Trường Tiểu học Nguyễn Du. Nay chúng nó cũng đã trưởng thành. Đứa đầu là luật sư, đứa thứ hai là giám đốc một doanh nghiệp… Đến lượt các cháu nội ngoại của tôi cũng đều học ở đây. Thấm thoắt mà đã hơn 35 năm rồi, khi tôi còn độ tuổi trung niên cường tráng thì giờ đây đã là một ông già xấp xỉ bát tuần. Thời gian không chờ đợi ai cả ! Cây “dái ngựa” mới trồng năm nao nay đã tỏa bóng mát xuống một khoảng lớn sân trường.
                                                           ***
     Hiệu trưởng Đặng Văn Tới đưa cho chúng tôi, mỗi thành viên trong Đoàn một Bản báo cáo hoạt động của nhà trường. Trường đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động. Thành tích thì nhiều nhưng cũng còn lắm khó khăn cần rất nhiều nỗ lực của toàn thể 74 cán bộ, công chức mà số lượng  nữ rất đông, có tới 66 chị. Hiệu trưởng còn cho chúng tôi xem mô hình phác thảo tượng Đại thi hào Nguyễn Du do nhà điêu khắc N.Hoàng tặng. Bức tượng toàn thân nhà thơ, đầu đội khăn đóng truyền thống, tay phải cầm  bút , cuốn sách kê trên đầu gối. Khuôn mặt Đại thi hào thanh thoát nhưng mang nặng nỗi ưu tư. Chắc nhà thơ đang bận tâm suy nghĩ về nhân tình thế thái của hôm nay và mai sau. Bức tượng sẽ được dựng vào một ngày gần đây để cho hàng ngàn em học sinh ngày ngày được chiêm ngưỡng và học tập. Tôi  sực nhớ hai câu thơ của Nguyễn Tiên sinh:
                 Bất tri tam bách dư niên hậu
                Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
                   Tôi cũng trao đổi với thày, nhà trường nên xuất bản một cuốn sách nhỏ    giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Đại thi hào. Trong phần phụ lục nên giới thiệu khai quát những người học trò xuất sắc của Trường như nhà văn Lý Văn Sâm. Đây là cách làm tốt để giáo dục con em chúng ta, nâng cao niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của Trường Tiểu học Nguyễn Du , Biên Hòa.
                    Bất giác tôi nghĩ tới câu nói của Thánh hiền: Nhân bất học, bất tri lý ! Và câu nói nổi tiếng của Vladimir  Lénine : Học, học nữa, học mãi !                        
                                                         Xuân Bảo

  • Dat
    • Dat
    • 19:07 11 thg 8 2012
    Mời Thầy vào google, tìm đọc BIÊN HÙNG LIỆT SỬ của THÁI THỤY VI, một tác giả hải ngoại người gốc Biên Hòa. Ở đây có những tư liệu cũ rất hay về Biên Hòa. Kính. Đạt
    • Tú Sừng
      Cam on Dat nhieu, minh se tim cuon BIEN HUNG LIET SU de tham khao.Than ai. Tu Sung.

1 nhận xét:

  1. bác ơi, hiện giờ con muốn gặp cụ Giỏi thì phải kiếm cụ ở đâu :(

    Trả lờiXóa