Trang

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

344. Ông nội tôi làm lý trưởng thời Bảo Đại

 

 344 OOng6  

         Ông nội tôi nhiều lần lều chõng vào kinh đô ứng thí nhưng không đỗ, đành về quê

Văn chương phú lục chẳng hay/Trở về làng cũ học cày cho xong

Thế nhưng, Triều đình dường như tiếc cái công lao dùi mài kinh sử nên cũng cho ông tôi làm lý trưởng đến gần chục năm. Lý trưởng còn được gọi là xã trưởng,( chức tương đương như Chủ tịch phường, xã bây giờ) Dân Quảng Trị quê tôi phát âm không chuẩn nên thường  gọi xã ra thành  ông xạ.

Lúc còn nhỏ, những khi cha mạ cho về thăm làng,  tôi  thường được Ông nội dạy bảo bằng những câu chữ nho như ; nhân chi sơ vốn bản thiện, nhân bất học bất tri lý- ấu bất học lão hàn vi…Ông dạy tôi học chữ thánh hiền bằng những bài học vỡ lòng trong cuốn Tam thien tu như Thiên trời địa đất. Cử cất tồn còn. Tử con tôn cháu. Lục sáu tam ba. Gia nhà quốc nước. Tiền trước hậu sau. Ngưu trâu mã ngựa…Ông còn dạy tôi viết chữ Hán. Ông đem ra cái mâm gỗ, lấy cát Tiểu Trường Sa ( tức là loại cát lấy ở đoạn giũa cắt khúc đồng bằng và miền duyên sơn.). Ở Quảng Trị ngày nay còn nhiều từ đoạn Thành Cổ đến các xã thuộc huyện Hải Lăng – bây giờ đoạn này còn được gọi là Đại lộ kinh hoàng trong Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Cát được đổ vào xâm xấp lòng mâm, sau đó dùng ngón trỏ viết tập. Thí dụ : Chữ Thiên  gồm hai nét ngang và một nét phẩy, một nét mác. Viết xong, lắc cái mâm cho cát trở về bằng phẳng như ban đầu. Ở cái thời đó, cách  tập viết như thế quả là một sáng kiến vĩ đại, vừa tiết kiệm giấy lại vừa luyện cho nhuần nhuyễn quen tay. Đến khi nào thuần thục thì mới dùng bút nho viết lên giấy bổi.

         Tôi cũng thường được Ông cho theo ra đồng, Tuy là lý trưởng nhưng ông cũng phải lam lũ ruộng nương như những lực điền. Tôi còn nhớ như hằn sâu vào ký ức thơ ngây của tôi về cái cung cách làm việc của những công bộc của dân thời đó.

Chuyện là như thế này : Ông tôi đang cày ruộng. Có một người dân cần lên quan có việc gì đó nên phải lặn lội ra đồng để tìm xã trưởng ký chứng vào đơn. Ông tôi họ ( dừng ) trâu lại và lên bờ gặp đương sự. Sau khi rút cây bút nho, thường dắt tai, Ông tôi mút vào miệng cho ướt đầu thấm mực, ký chứng vào đơn, Ông tôi lấy cái triện vận trong lưng quần ra, hà hơi cho ẩm hơi nước rồi kê lá đơn vào đầu gối ấn cái triện vaò, ( triện , miền bắc gọi là con dấu, miền nam gọi là cái mộc)  nơi có chữ ký của ông. Hồi đó dân ta không mặc quần dải rút hay lồng bằng dây thun như ngày nay mà mặc quần lưng vận.

          Ông tôi là người hay chữ. Chữ nho Ông viết rất đẹp.Ông được dân làng rất mến mộ. Trong làng nhà nào có việc quan hôn tang tế đều đến xin Ông tôi cho đôi câu đối, hoành phi hoặc văn ai, văn điếu. Mặc dù làm việc “nước”, nhưng Ông tôi cũng phải lao động cật lực để nuôi sống gia đình. Khi việc làng, Ông được trọng vọng ngồi chiếu trên. Khi hết việc, Ông tôi chỉ làm người dân như mọi người. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Ông tôi thường mang chiếu, tráp, giấy điều, mực nho ra ngồi dưới tán cây đa cạnh đình làng để viết thuê câu đối. Viết  đến đây tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Đình Liên với bài thơ Ông đồ nổi tiếng. Vì thế tôi càng nhớ  và thương Ông tôi da diết.

          Mệ nội tôi, quê làng An Cư, tổng An Cư cùng phủ Triệu Phong là cháu quan đại thần Nguyễn Văn Tường. Ông sinh năm 1824, theo phái chủ chiến của Tôn Thất Thuyết nên bị  thực dân Pháp bắt ông giam xuống tàu chở vào Gia Định, rồi chở ra đày ở đảo Tahiti và chết tại đó năm 1886.

Có một điều rất đặc biệt là hai làng Đại Hào và An Cư đồng thờ chung Ngài Khai khẩn tên là Nguyễn Thông. Chị ruột Mệ nội tôi được gả về làng Tường Vân, lấy chồng là vị quận công được Triều đình tấn phong tước Hồng lô tự khanh. Ông mệ tôi sinh hạ được  sáu người con, hai trai bốn gái.

 

Gia đình chúng tôi về quê nội. Đúng lúc có trát sức về làng tôi đã đậu Yếu lược. Ông nội tôi đã cho mổ bò khao làng, mừng đứa cháu đích tôn được phong là Ấm sinh.

         Ba Mạ tôi lại đưa tôi vô Huế, chuẩn bị cho ngày tựu trường niên khóa 1944-1945. Tôi vào học lớp Nhì nhất niên (cours moyen 1) tại trường Queingec. Học nửa niên khóa thì Nhật đảo chính Pháp. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Nam thôi là nước thuộc địa của “mẫu quốc Đại Pháp” đô hộ.

 

           Tính theo thời gian mà Phả ký Tộc Nguyễn Ngọc có hiện tại thì dòng họ này đến hiện nay là 16 đời, tương ứng với thời điểm Chúa Tiên vào đây. Làng Đại Hào có họ Nguyễn tám phái mà phái Nguyễn Ngọc của tôi là lớn nhất. Chi của cha tôi có nhiều người đỗ đạt.

Theo Phả ký Nguyễn Tộc làng Đại Hào ghi chép từ đầu thế kỷ 20 thì Ông nội tôi nhiều lần lều chõng vào kinh đô ứng thí. Ông đỗ vào Trường Nhì Bạch Giáo sư trúng sĩ bổ. (theo ghi chép ở cuốn Chi phổ họ Nguyễn Tám phái làng Đại Hào). Ra trường, ông được bổ về dạy học (thầy dạy chữ Nho) ở làng Lâm Xuân, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Lâm Xuân là làng nghề dệt chiếu rất đẹp. Ở đây có một hủ tục là không cho con gái lấy chồng ngoài làng, bởi sợ mất nghề. Cũng như ở Bắc Ninh, làng Vân có nghề nấu rượu nổi tiếng cho nên làng không gả con gái cho nơi khác. Các bậc bô lão trong làng đề nghị ông tôi làm thơ nói lên tác hại của hủ tục này. Ông tôi đã làm một bài vè để cho dễ nhớ. trong đó có những câu:

 

…Ba mươi tuổi tác đó chừ

E lẫn thẩn mà trẻ qua già tới

Ngọc phải giá không buông còn đợi?!

 

Bài vè này dài, tôi chỉ trích mấy câu. Cháu ngoại của ông tên Trần Kỳ Đại, con O Chuyển đã chép toàn văn cho tôi.

Thời gian sau, Ông thôi dạy học và trở về làng để làm lý trưởng.

         Bên bờ Phước Long Giang,ngày 25/12/2018. Noel 2018

                                             Bài đăng lại ngày 27/6/2021

Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét