Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

340. Có một con tàu

 

CÓ MỘT CON TÀU.

 

Nhân kỷ niệm  110 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường tìm đường cứu nước 5-6-1911 – 5-6-2021.Tôi có một kỷ niệm khi về Bến Tre để viết về người anh hùng Tống Viết Dương khi anh có mặt trưa ngày 30/4/1975,tại  Sài Gòn.Tỉnh ủy Bến Tre đã tặng tôi cuốn Địa chí Bến Tre. Trong đó có một chi tiết  liên quan đến việc Nguyễn Ái Quốc xuống tàù thủy La ToucheTréville..như sau:

***Đó là Ông Nghè Trương Gia Mô (1866-1929), hiệu là Cúc Nông, sinh tại làng Tân Hào, huyện Bảo An (Vĩnh Long), nay là xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, Bến Tre. Năm 1892 khi làm thừa phái Bộ Công, triều Nguyễn, Ông đã có một bản điều trần lên vua gồm 5 điểm. 1- Mở rộng trường học chữ Pháp ở các tỉnh; dịch sách Pháp và Tàu ra quốc ngữ để tiện phổ biến nhằm mở mang dân trí. 2 - Chấn hưng công nghệ thực nghiệp, mở rộng việc khai hoang, chăm sóc chữa bệnh cho dân nghèo. 3 - Cách chức bọn quan lại tham nhũng, sàng lọc bọn vô dụng trong bộ máy công quyền. 4 - Lập Nghị viện, mở báo quán để rộng đường dư luận. 5 - Chỉnh đốn hương tục, đẩy mạnh việc giáo hóa trong xã hội, ngăn ngừa sự đồi bại.

Nội dung bản điều trần phản ánh tấm lòng ưu tư, trăn trở của một trí thức có tâm huyết. Nhưng bản điều trần này không đến tay nhà vua mà bị thượng thư Nguyễn Trọng Hợp gạt đi.  Trương Gia Mô cởi áo từ quan, về Lục tỉnh một thời gian rồi lại trở ra Bình Thuận. Ở Bình Thuận, Phan Châu Trinh đã kết giao với Trương Gia Mô và cùng các thân sĩ (trong đó có Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp) hô hào cải cách duy tân, lập ra công ty Liên Thành và trường Dục Thanh.

Năm Mậu Thân (1908), Ông bị bắt giam tại nhà lao Khánh Hòa vì tội tham gia tổ chức bí mật “đảng hội”, sau ít lâu Ông được tha. Ông trở về quê nhà lúc đã trên 40 tuổi, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cho dân trong vùng.

Có một cuộc gặp gỡ đầy lý thú giữa Truong Gia Mô và Nguyễn Tất Thành tại làng Hà Thủy, tổng Đa Phước, Bình Thuận. Nguyễn Tất Thành qua thư giới thiệu của cụ Phó bảng, đã tìm gặp người bạn tín cẩn năm xưa của cha và đã được Ông Nghè Mô đón tiếp chu đáo. Ông Nghè Mô đã gửi Nguyễn Tất Thành cho nhà sư yêu nước tại chùa Phước An trong thời gian ở tại Duồng. Dầu tháng 2, Ông đưa Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết vào dạy học ở trường Dục Thanh. 10 tháng sau, Trương Gia Mô trở lại, đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn với cái tên mới Văn Ba, để rồi một thời gian ngắn sau, Văn Ba có mặt trên chiếc tàu thủy La Touche Tréville.

Nguyễn Tất Thành tung đôi cánh rộng đại bàng đến các vòm trời Âu, Mỹ, Phi châu. 35 năm sau Nguyễn Tất Thành trở thành vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực văn chương Trương Gia Mô đã để lại cho hậu thế gồm Gia Định tam linh liệt truyện, chép tiểu sử của 3 anh hùng kháng Pháp ở Nam Kỳ: Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân và Hồ Huấn Nghiệp, 2 tập thơ Thu hoài phú và Cúc Nông thi thảo, cả 2 tập này đều bị thất lạc, chỉ còn lại 35 bài thơ chữ Hán và 10 bài thơ Nôm.

           Từ năm 1910, Ông Nghè Mô vào lại Nam Kỳ và sống cho đến một đêm năm 1929, tại Núi Sam – người nho sĩ xông xáo của phong trào duy tân năm xưa -đã gieo mình từ trên tháp cao của pháo đài xuống vực sâu để kết liễu đời mình.

 Trương Gia Mô muốn lấy cái chết để khẳng định sĩ khí của một nhà nho bất lực trước thời cuộc!

 

Tôi đã có bài thơ Có một con tàu:

 

 

CÓ MỘT CON TÀU

 

     Nhà Rồng một sáng nắng xanh trời

     Vỗ sóng con tàu lướt dặm khơi

     Ấp ủ trong tim hình đất nước

     Trăm năm in đậm dấu chân Người

 

 

Bên bờ Phước Long Giang 11h, ngày 5 tháng 6 năm 2021

Nhà thơ Xuân Bảo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét