Trang

Chủ Nhật, 20 tháng 6, 2021

342. Tôi đi ở đợ chăn trâu cho anh chị Lê Yên

 

Câu chuyện thứ 29. Tôi đi ở chăn trâu cho anh chị Lê Yên.

 

       Mạ tôi đã đồng ý cho tôi đi ở đợ (tức là đi làm thuê dài ngày). Trước đó, Mạ tôi đã đến gặp anh chị Lê Yên. Vợ anh Lê Yên là chị Trần Thị Cúc, con gái Ôông Mụ Giáo Trở - người mà bị mấy ông cốt cán của làng đem ra đấu tố trong thời kỳ đầu cải cách ruộng đất (1953). Thời kỳ này mới chỉ có “giảm tô, giảm tức”. Bạn tôi, Trần Đức Long đã có bài viết rõ việc đấu tố địa chủ này. Tôi đưa bài này vào Câu chuyện làng quê, câu chuyện thứ 19 trong sách này.

       Đá Đứng là một bán đảo rất đẹp của dòng Thạch Hãn. Con sông này đang chảy một dòng thẳng từ Trấm về xuôi thì bị các dãy đá hàn chắn lối, buộc chảy vòng sang hữu ngạn rồi uốn trở lại ở đầu dốc Cơn Thang một khúc chừng vài trăm mét. Hình thành một vòng cung tròn như cái đit thúng khổng lồ, đất ven bờ rất tốt.

      Đá Đứng sau này là nơi chặn dòng, làm đập tràn, xây dựng công trình Thủy lợi Nam Thạch Hãn. Có nhiều người gọi Đập Trấm là không đúng!

       Đá Đứng, cũng thuộc địa bộ làng Thượng Phước -  nơi nhiều nhà giàu trong làng lên khai phá đất đai làm vườn tược, trồng nhiều cây ăn trái lưu niên, thành những bức nương rất to và đẹp. Và có nhiều nhà ngói như nhà cụ Cửu Trần Đức Hạp. Cụ Hạp có mấy người con tham gia Việt Minh như nhà báo Trần Đức Lương, đại tá Trần Đức Duệ, viện trưởng Viện Nước , Bộ Thủy lợi Trần Khâm...

        Gia đình anh Lê Yên có một ngôi nhà ngói to ở tại phường này. Anh cũng đã từng đi thoát ly, tham gia kháng chiến và không hiểu tại sao anh bị giản chính biên chế, trở lại làm dân? Vì thành phần chăng, tôi không rõ lắm.

        Anh chị Lê Yên đồng ý cho tôi “ở đợ” với công việc thường nhật là chăn trâu. Anh chị có một con trâu đực, tên là Chảng dùng để cày bừa trong những ngày mùa. Ngoài ra, có thể giúp làm những việc lặt vặt trong nhà như bế em,gánh nước, làm cỏ, có lúc gánh cá giúp chị Cúc đi bán ở chợ Phong An.

        Anh chị nói với Mạ tôi rằng: Tiền công trả cho tôi một năm là một lương (đơn vị đo lường ở quê lúc bấy giờ) lúa bằng sáu thúng; hai bộ áo quần cộc bằng vải to*; ăn ở tại nhà anh chị.

        Cuộc đời tôi bước sang trang mới: xa Mạ và các em lúc tôi 15 tuổi.

        Sáng ra, tôi trèo lên lưng con Chảng, đưa nó vào ăn cỏ ở cánh đồng La Nghìn. Bất giác, tôi nhớ đến bài tập đọc Chăn trâu trong sách Quốc văn giáo khoa thư, lớp Đồng ấu, hồi ở Huế.

 

 

        Ai bảo chăn trâu là khổ?

        Chăn trâu sướng lắm chứ! Đầu tôi đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ.

        Trong khoảng trời xanh, lá biếc, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng!

        Tôi vẫn mặc bộ áo quần cộc bằng vải to mà Mạ tôi đã mua ở chợ tỉnh Quảng Trị. Cái nón lá đã rách đến vành thứ ba. Chân vẫn mang đôi dép mo cau đã sờn rách. Tôi được chị Cúc bới cho một mo cơm độn sắn và một gói muối mè để ăn bữa trưa.  Chị dặn: mi nhớ mót ít củi sim về nấu nướng nghe!

Tôi chỉ dám đưa con Chảng ăn loanh quanh ở La Nghìn, Độộng Ôi, không dám đưa vào Phúc Trèn, nơi có rất nhiều cỏ, vì sợ cọp bắt!

        Trời chạng vạng tối, tôi cưỡi trâu về. Vắt ngang lưng con Chảng là hai bó củi, buộc lại với nhau bằng những sợi dây chìu.

        Cho trâu vào ràn xong, tôi xuống sông tắm táp. Và bữa cơm tối, tôi ngồi cùng ăn với o Bứa (người ở giữ con) cho anh chị. Ngày lại qua ngày, cuộc đời đi ở của tôi trôi đi đều đều như vậy.

       Cho tới một ngày, anh chị Lê Yên bán con Chảng đi. Và tôi, “thất nghiệp”! Giờ thì tôi được làm anh đầy tớ thực thụ. Chị Cúc làm thêm nghề bán cá. Cá sông Thạch Hãn rất nhiều, được hai vạn nốốc ôông Yên, ôông Dĩ đánh bắt bán cho chị Cúc. Chị bảo: Mi sẽ cùng tau sương cá đi chợ Phong An. (Chợ Phong An, cách Đá Đứng khoảng 4, 5 cây số.) Hồi mới, cách mệnh mùa thu, các xã mới được đặt tên mới. Thượng Phước, An Đôn, Nhan Biều có tên xã là Phong Sơn. Các làng phía trên Ái Tử có tên xã Phong An…

        Thời điểm cuối năm 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển từ “ phòng ngự” sang ‘ chuẩn bị tổng tiến công”.Mạ tôi lên Đá Đứng xin cho tôi được về nhà để đi học.

        Anh chị Lê Yên – Trần Thị Cúc đồng ý.

       

         Thế là, tôi được về với Mạ và các em, sau hai năm đi ở. Tình hình Thượng Phước chưa bao giờ vui như hôm nay.Các cơ quan Tỉnh Đội bộ, Ty Thông tin – Tuyên truyền, Ty Bình dân học vụ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc… lần lượt về đóng ở Thượng Phước.

        Tôi lại được cắp sách tới trường với suất học bổng 27 ký lúa.Tôi và Trần Đúc Long thay nhau chiếm ngội vị nhất nhì lớp. Tổ học sinh Thượng Phước chúng tôi đã có nhiểu thành tích tham gia kháng chiến.

        Tôi còn nhiều kỷ niệm với thời gian này. Xin khất bạn đọc sẽ viết tiếp vào thời gian sau.

 

Bên bờ Phước Long Giang, ngày 20/6/2021.

Nhà thơ Xuân Bảo

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét