Trang

Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

341. Mạ tôi trở thành góa bụa lúc 32 tuổi đầu

       

                     Câu chuyện thứ 28. - Mạ tôi trở thành góa phụ lúc 32 tuổi đầu!

 

                               Tin đau đớn đối với mấy mẹ con tôi là khoảng tháng 11 năm 1948, có tin báo Ba tôi đã chết. Còn chết như thế nào thì không được nói rõ. Trong khi đó Mạ tôi chuẩn bị sinh đôi. Nguyễn Thị Kim Cúc và Nguyễn Vô Danh (chết trong bụng mẹ). Như vậy Kim Cúc khi sinh ra không được nhìn thấy mặt cha! Có đau buồn nào hơn đau buồn này chăng?

                                Như thế, Mạ tôi trở thành góa phụ khi tuổi đời mới trên ba mươi. Còn chúng tôi trở thành những đứa trẻ bồ côi cha!  Một mình Mạ tôi lam lũ làm thuê làm mướn nuôi 5 anh em chúng tôi. Cuộc sống vô cùng chật vật khó khăn. Còn đâu những ngày tháng sống trong nhung lụa ở đất Thần kinh Huế!

                              Sinh thời, trong những năm kháng chiến chống Pháp, không bao giờ Mạ tôi khóc vì thương nhớ Ba tôi trước mặt các con. Chỉ khi đêm về, Mạ tôi ngồi lặng lẽ khóc thầm bên bếp lửa. Lúc này tôi đã 13 tuổi, đã biết suy nghĩ về vai trò người con lớn trong gia đình. Tôi muốn giúp Mạ tôi một công việc gì đó để đỡ vất vả vật lộn với cuộc sống hàng ngày. Tôi xin Mạ tôi đi ở đợ! Câu ca:

 

                              “Còn cha gót đỏ như son

                                Mất cha gót mẹ gót con đen sì”.

                              Là như vậy đó!

 

                               Những kỷ niệm không phai mờ của tôi đối với Mạ tôi .

 

                          Kỷ niệm 1.Mạ tôi tham gia kháng chiến chống Pháp

 

                           Nói “Thời 9 năm” là để nói về cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, bắt đầu từ cái mốc Nam Bộ kháng chiến - ngày 23 tháng 9 năm 1945 - cho đến khi ký kết Hiệp nghị Genève, ngày 20 tháng 7 năm 1954.

                             Trong những năm chiến tranh chống Pháp, Mạ tôi đã tham gia kháng chiến tích cực: đi dân công tải lương, tải đạn, phá đường, rào làng chiến đấu, tham gia Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Mẹ  và Chị Chiến sĩ. Mạ tôi đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba. Đây là một vinh dự lớn cho gia đình chúng tôi.

 

                                                  ***

         

                               Quê Mạ Phường Sãi của Mạ tôi được mệnh danh là vùng tiền chiến khu Ba Lòng, cũng có tên gọi là miền duyên sơn, chỉ nằm cách Quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt không đầy 5 cây số. Chỉ cần đi bộ khoảng một giờ đồng hồ thì đến thị xã Quảng Trị. Mặc dù là một miền quê nhưng người dân ở đây tiếp thụ được ánh sáng văn hóa đô thị khá đậm nét. Những đứa học trò sau khi học hết lớp Sơ đẳng (cours élémentaire) trường làng thì học tiếp lên lớp trên phải về học tại thị xã. Thị xã Quảng Trị ngoài trường công còn có một ngôi trường tư thục của ông đốc tờ Phan Văn Hy. Trường mang tên là Kỉnh Chỉ, bút danh của thầy thuốc kiêm nhà thơ Phan Văn Hy.

                              Những người nông dân muốn bán nông sản mình làm ra cũng phải gánh gồng về chợ tỉnh để bán. Những vật dụng hàng ngày, những nhu yếu phẩm cho cuộc sống đều phải mua ở chợ thị xã Quảng Trị. Từng đoàn người gồng gánh vật phẩm ra đi từ tờ mờ sáng cho tới gần trưa mới về nhà. Cứ tưởng cuộc sống êm ả trôi qua tháng ngày của vùng quê thanh bình. Nhưng than ôi! Bọn giặc Pháp đang quay trở lại. Không thể làm kiếp người nô lệ lần thứ hai!

                              Gia đình ba mạ tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi rời Huế về Quảng Trị. Lương hưu của Ba tôi bị cắt từ hôm Nhật đảo chính Pháp. Mạ tôi đã xa rời cuộc sống nông thôn trên 10 năm, một nách bốn đứa con dại. Đồng bằng Triệu Phong là một vùng thuần nông. Làng Đại Hào quê nội cũng đói nghèo như nhiều nơi khác trong tỉnh. Ba mạ tôi xin ông mệ nội được đem đàn con về quê ngoại Phường Sãi. Dù sao ở đây vẫn có nhiều đất đai chưa khai thác hết. Rừng rú, khe suối thì sẵn sản vật có thể nuôi sống con người.

                           Về quê ngoại vốn liếng của ba mạ tôi chỉ đủ mua bưc nương của cậu Diêu Khuê mà thôi. Để làm được cái nhà tranh tre, ba mạ tôi phải tự đi vào Dốc Son cắt tranh về làm mái lợp. Tre thì đã có sẵn xung quanh nương mới mua. Bà con xúm lại giúp đỡ chỉ trong vòng tháng trời nhà đã dựng xong.      Tôi lại được cắp sách tới trường. Trường công chưa có thì học trường tư tại thôn Thượng Phước. Tôi vào học lớp nhì nhất niên (cours moyen un) do thầy Trần Đình Khác dạy. Tôi còn nhớ có một lần điểm danh, khi thầy gọi đến tên Nguyễn Xuân Bảo thì tôi đã quen lối xưng hô thời trước, buột miệng trả lời “présent” làm cho cả lớp cười ồ lên. Tôi lại quen miệng nói “Pardon! Pardon!” Cả lớp lại ồn lên. Thầy Khác lấy thước kẻ đập xuống mặt bàn và nói “Silence!” tức là im lặng. 

                               Để kiếm sống ba tôi phải vào rú (độộng) đốn củi gánh về chợ tỉnh Quảng Trị bán. Hình ảnh người cha còng lưng gánh gánh củi sim (củi chặt ra từ những cây sim có độ dài không tới một mét, được bó lại bằng những sợi dây chìu và dùng đòn xóc nhọn hai đầu xỏ xuyên qua lưng chừng bó củi), gánh bộ từ Phường Sãi đến chợ tỉnh dài hơn 5 cây số còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Đâu rồi những ngày tháng sống trong sự sung túc ở Huế? Đâu rồi một bước đi chỉ có lên xe xuống ngựa?! Mạ tôi bắt đầu trở lại với công việc ruộng nương. Bức nương của ba mạ tôi có các loại cây lưu niên như mít, bồ quân, dâu gia, chè, chanh, cam, quýt, bưởi, thơm. Những thứ trái cây này khi vào mùa thu hoạch mạ tôi hái đem về chợ tỉnh bán.

                                 Phía góc nương gần Khúc Mưng có một cây dầu lai cổ thụ, năm nào cũng ra rất nhiều trái. Trái cây dầu lai này khi chín thì bóc tách bỏ lớp vỏ ngoài, lấy hạt (nhân) dùng để làm món muối trộn thay muối mè (vừng) hay muối đậu phụng (lạc) ăn với cơm hàng ngày. Chung quanh ba phía là lũy tre. Giữa nương có chừng hơn hai sào đất trống, Mạ tôi đã xuống giống trống khoai lang, môn và sắn. Gần nhà thì dựng mấy cây tre làm giàn trồng bầu, bí, mướp theo mùa nào thức ấy.

                                Tối đến Mạ tôi đi soi cá. Đuốc đốt lên không cháy thành lửa ngọn mà chỉ đỏ lửa than. Những bầy tép đi thành đàn cặp mép sông, bơi ngược dòng. Nước chảy xuôi nhưng tôm tép thì bơi ngược. Ngồi sáng đêm mạ tôi xúc được bộn tép, có khi được cả thúng. Ngoài số tép dùng cho các bữa ăn, số còn lại mạ tôi muối làm mắm để ăn dần. Dì Mão đã bắc sẵn lên bếp một nồi cháo gạo ít khoai nhiều. Dì xuống bến đến chỗ mạ đang xúc tép và lấy một mớ tép. Dì vợt những con tép đang nhảy tưng tưng trên mặt thúng cho vào thúng nhỏ đem lên, chỉ dội lại một lần nước và cho vào nồi cháo, chỉ cần nêm thêm vài muỗng muối là có món cháo rất ngọt ngon. Tôi múc một đọi to mang xuống bến cho mạ. Nhìn mạ sùm sụp trong chiếc áo tơi rách với cái nón mê trên đầu mải mê vợt tép để nuôi đàn con đang tuổi ăn, tuổi lớn, trong khi ba tôi còn đi chiến đấu bảo vệ quê hương. Tôi thấy thương mạ vô ngần!

                                Trừ những khi có lụt, còn lại là những đêm trời trong, mạ thường đi soi cá. Soi cá cũng dùng đuốc bằng cây sậy hoặc cây hóp chẻ nhỏ, phơi khô bó thành từng bó bằng cái cột nhà tre, dài chừng 2 mét. Tối đến đuốc được đốt ở bến nước, rồi lội xuống mép sông, một tay giữ cây đuốc trên vai, một tay cầm cái nơm, khi thấy cá đóng đèn, tức là đóng ánh sáng đuốc. Chúng đứng im một chỗ thì dùng nơm úp lên con cá, bó đuốc tạm thời bỏ lên bờ, thò tay vào nơm bắt cá, thường là loại cá chép, cá trôi, cá mè…có con nặng cả ký lô. Khi không dùng nơm thì dùng dao thái chuối, thấy cá đóng đèn thì lấy dao chém. Có con bị chém dứt làm đôi. Đi soi cá thường đi vào đầu hôm, cháy hết hai cây đuốc thì về nhà. Số cá thu được cũng kha khá, chừng vài ba ký, đủ dùng cho vài ngày.

 

 

 

 

                       Kỷ niệm 2. Tình trạng bi đát của gia đình tôi

.

                                   Tôi chép ra đây một đoạn trong Chúc thư của Mạ tôi viết ngày 2 tháng 2 năm 2004, khi Mạ tôi đã 89 tuổi để nói lên tình trạng bi đát của gia đình tôi lúc bấy giờ. Mạ tôi đã viết như sau:

 

                     “…Mạ nói cho các con biết: Lúc ông bà ngoại còn sống, ông bà đã cho ba mạ 2 mẫu ruộng, 5 sào đất vườn. Ông nói: Cha mẹ cho hai con chừng đó, đừng có tửu điếm trà đình, lo làm lo ăn. Cho các cháu học hành tới nơi tới chốn. Nay mai ba nó hưu trí về phụ thêm làm ăn, không đại gia chứ cũng tiểu phú, con không lo cực đâu, bổn mạng con tốt lắm!

 

                               “Các con ơi, thân má khổ lắm, ông bà ngoại mất rồi, ba đi công tác không thấy về, một mình má ôm đàn con dại biết cậy nhờ ai đây, nghĩ mình như chàng Thúc bó tay… tứ cố vô thân, biết nhờ ai đây? Má như cờ túng nước. Thôi, mai đi tìm việc làm đã. Mới nói thì cậu Diêu (tức ông Nguyễn Văn Xuân) ra nói: O còn nhớ cấy lúa không? – Còn nhớ chứ, cơm ăn bữa mà không nhớ sao được. – Mai vô sớm nghe! Má hỏi: Cấy ở đâu anh? Anh nói: Phúc Trèn. Các con ơi! Má gánh một gánh mạ, chân không có dép, bước lên sỏi đá chông gai. Lên tới đồng ruộng, má bước chân xuống bùn lầy, giá lạnh. Phúc Trèn hiu hắt đưa vào lòng má quá chua cay. Nước mắt, nước mưa trộn một, má tính bỏ ra về. Mà một mặt thì sợ cọp, một mặt sợ tối về không có chi cho các con ăn nên má cố làm cho tối ngày. Lúc về tới nhà thì đàn con đứa ngủ, đứa đang khóc, đứa thì trông mẹ về…”

 

                           Ngày 27/3/1973, Hiệp định Paris,đình chiến,  tôi về Quảng Trị tìm về quê nội Đại Hào và quê ngoại Phường Sãi. Được biết, Mạ tôi và các em đã bị ông Thiệu xúc tát vào miền Nam hồi “mùa hè đỏ lửa – trên đại lộ kinh hoàng năm 1972”.

       Mãi tới giữa tháng 5/1975 tôi mới được gặp laị Mạ tôi ở ấp 3 xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh ĐồngNai.

       Tôi bàn với nhà tôi là cả hai cùng về công tác tại Đồng Nai để được gần gũi Mạ tôi và các em.

        Trong những năm tháng này, tôi đã làm được một số việc. Đó là việc xây lăng gia đình ở quê nội; làm bộ phim Bài thơ về Mẹ và đi tìm mộ cha tôi.

       Lăng đã xây xong năm 1993, quy tập hài cốt của tứ đại gia đình từ ông bà cố, ông mệ nội tôi, cha tôi, chú ruột Nguyễn Xuân Tịch, o ruột tôi Nguyễn Thị Nghiễn và em ruột Nguyễn Xuân Lộc, em ruột Nguyễn Vô Danh.

       Và cũng đã viết một cuốn sách kể lại quá trình “Đi tìm mộ Cha”

       Tôi viết cái Bút ký này là theo ước nguyện của Mạ tôi lúc sinh thời. Mạ tôi luôn đau đáu với niềm tin là trước sau cũng tìm thấy mộ phần của Ba tôi. Khi đưa được Ba tôi về quê nhà thì Mạ tôi không ra Quảng Trị kịp vì trắc trở tàu xe để nhìn thấy Ba tôi, dù chỉ là một nắm tro bụi thời gian. Mạ tôi có trách tôi thì tôi xin chịu tội. Theo tục lệ xưa nay vì không được phép để hài cốt Ba tôi ở lại trên trần gian.

                     Trong đoạn kết của bút ký Đi tìm mộ Cha, tôi đã viết:

                                                         Kính thưa hương hồn Mạ!

                      Như vậy là con đã hoàn thành sứ mệnh Mạ giao cho: Đưa được Ba con về với quê hương bản quán; được sum vầy cùng những người thân quá cố trong Lăng gia đình; thỏa mãn được lòng mong đợi tiếc thương người chồng vô cùng kính yêu của Mạ; thỏa lòng chúng con khỏi băn khoăn áy náy bấy lâu nay!

                     Nhân đây, thay mặt gia đình tôi tỏ lòng biết ơn thầy Nguyễn Bá Khai, người đã giúp chúng tôi tìm ra mộ Ba tôi; cảm ơn chính quyền thôn Minh Cầm; cảm ơn gia đình ông Trần Bá Ban; cảm ơn họ hàng thân bằng quyến thuộc và bè bạn đã đến dự Lễ Tưởng niệm Ba tôi!

                     Tôi cũng xin thành thật hoan nghênh Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người (UIA) được thành lập và đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Trung ương Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã giúp nhiều nhà ngoại cảm tìm ra mộ liệt sĩ đã ngả xuống vì nước Việt thân yêu!

 

 

                     Bên bờ Phước Long Giang, ngày 16/6/2021, nhằm ngày mùng 7 tháng 5 năm Tân Sửu

                                        Nhà thơ Xuân Bảo,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét