297. ĐÁM CƯỚI MỘT THỜI GIAN KHÓ.
CHÚNG TÔI LÀM LỄ CƯỚI TRONG THỜI GIAN
KHÓ.
Hồi ức của nhà thơ Xuân Bảo.
Lời
phi lộ.Hồi ức
này tôi viết từ năm 2017, nay bổ sung thêm một số tình tiết để mọi người biết
rõ những ngày Hà Nội còn trong thời bao cấp. Mọi hoạt động chỉ gìành cho “Tất cả
vì tiền tuyến”; “ Tất cả để chiến thắng” giặc Mỹ xâm lược.
Nhớ
1. Chúng tôi đã hát cho Bác Hồ nghe.
Năm 1960, nhân
dân ta đón chào một sự kiện mới: Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam họp và đổi
tên đảng thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam, lúc
này cũng đã chuyển thành tên Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Hơn 1200 đoàn viên
thanh niên ưu tú của Thành đoàn Thanh niên Hà Nội được huy động vào việc chuẩn
bị cho Dạ hội Chào mừng thành công của Đại hội Đảng. Thành lập Dàn Hợp xướng lớn
để cùng với Đoàn Giao hưởng Hợp xướng Việt Nam biểu diễn trong đêm Dạ hội.
Đại hợp xướng chia thành nhiều
bè, mỗi bè từ 200 diễn viên trở lên, đó là các bè basse (giọng nam trầm), bè
baryton (giọng nam trung), bè tenor (giọng nam cao), bè alto (giọng nữ trầm),
bè soprano (giọng nữ cao hay còn là giọng kim). Tối đến, các sân trường rộn rã
tiếng tập hát. Tôi được phân vào bè basse do nhạc sỹ Phan Thanh Nam hướng dẫn.
Các bài hát được chính thức trình diễn
trong đêm nhạc hội gồm: Chào mừng đảng Lao động Việt Nam của nhạc sỹ Đỗ Minh;
bài Ca ngợi Hồ Chủ Tịch của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước, lời của Lưu Hữu Phước và
Nguyễn Đình Thi; bài Cờ Tháng Tám của nhạc sỹ Phan Thanh Nam... Kết thúc là bài
ca Kết đoàn – ca khúc nổi tiếng thời bấy giờ mà mọi người dân Việt Nam đều thuộc.
Người chỉ huy Đại hợp xướng là nhạc sỹ
Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng đoàn Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam . Sân khấu được
bố trí tại vườn Bách Thảo, nhìn ra mặt hồ nhỏ, có mấy con thiên nga trắng muốt
(của Liên Xô tặng) đang bơi lội. Phía tay phải là núi Nùng, thường gọi là Nùng
Sơn, biểu tượng non sông của Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội: Núi Nùng, Sông Nhĩ.
Phía sau là đường Hoàng Hoa Thám, chạy từ Phủ Thủ tướng lên Bưởi- nơi có sân vận
động Quần Ngựa – đã long trọng đón tiếp Bác và T.Ư Đảng về Thủ đô ngày
1.1.1955.
Đêm 3.9.1960
Trời Hà Nội vào thu, hàng ngàn người dân Hà Nội
tề tựu đông vui trong vườn Bách Thảo. Các sân khấu nhỏ ngoài trời rộn rã tiếng
đàn, tiếng hát. Các sàn đấu thể thao cũng náo nức lạ thường.
Dàn Đại hợp xướng trang phục gọn gàng: nam, quần
tây xanh, áo sơmi trắng dài tay; nữ, áo dài, quần trắng. Các nhạc công khoác áo
gilet và thắt nơ đen. Màu trắng của dàn Đại hợp xướng nổi bật giữa thảm cỏ xanh
trong bầu trời đêm Thăng Long tráng lệ. Khuôn mặt ai ai cũng ngời niềm vui khôn
tả. Không khí Đại nhạc hội như lắng lại, khi từ đầu phía Phủ Chủ tịch xuất hiện
một đoàn người, đi đầu là một cụ già râu tóc bạc phơ nền nã trong bộ đồ bà ba lụa
nâu, chân đi dép lốp cao su Bình Trị Thiên. Đó chính là Bác Hồ, vị Cha già của
dân tộc. Tiếp theo sau là các vị: Mukhiđinốp, đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô;
Lý Phú Xuân, đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc; Francoise Biou, Đảng Cộng sản
Pháp; Đanghê, Đảng Cộng sản Ấn Độ... và còn rất nhiều các vị khác đại diện cho
các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới tới dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
III của Đảng Lao động Việt Nam .
Bước
đi khoan thai của Bác dừng lại trước sân khấu lớn- nơi Dàn Đại hợp xướng đang
chờ đợi giây phút trang nghiêm bắt đầu. Hơn 1.000 trái tim như muốn ngừng đập.
Có người đã bật khóc khi nhìn thấy Bác.
Khi
Đoàn đại biểu dừng lại. Các nhạc công đứng lên nhường ghế. Bác khoát tay từ chối.
Và trong một phút hết sức bất ngờ, Bác ngồi xuống bãi cỏ. Các đại biểu đều làm
theo. Những bài ca hùng tráng bắt đầu cất lên. Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội
được dịp hát cho Bác nghe đã hát như muốn vỡ tung lồng ngực, hát như chưa bao
giờ được hát một cách say sưa đến thế. Chúng tôi đã cất tiếng hát từ trái tim
tuổi trẻ. Nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu hào hứng chỉ huy đến nỗi đũa nhạc gãy làm
đôi, phải thay cái khác. Những người dự hội vây quanh sân khấu vòng trong, vòng
ngoài.
Câu cuối bài ca Kết đoàn kết thúc, Bác nhanh
nhẹn đứng lên và đi đến bục chỉ huy. Bác ra hiệu. Hiểu ý, nhạc trưởng Nguyễn Hữu
Hiếu trân trọng trao chiếc gậy chỉ huy cho Bác. Bác đứng lên bục và giơ cao đũa
nhạc. Bài ca Kết đoàn lại vang lên hùng tráng hơn, mạnh mẽ hơn trong tay của
Người - Nhạc trưởng Hồ Chí Minh.
Kết đoàn chúng ta là sức mạnh !
Nghệ
sỹ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã kịp ghi lại khoảng khắc lịch sử ấy. Bức ảnh Bác bắt
nhịp bài ca Kết đoàn là tác phẩm để lại cho đời sau.
Nhớ 2.
Cuộc gặp gỡ với của tôi với bí thư Đảng ủy
Phan Đình Quý.
Anh
Lê Xứng, trưởng trạm May đo số 7, kiêm bí thư chi bộ đưa cho tôi tờ giấy mời của
bí thư Đảng ủy Phan Đình Quý mời tôi lên văn phòng để trao đổi về việc tôi sắp
lấy vợ. Đây là cuộc đối thoại.
-
Cậu
được Đảng giáo dục và rèn luyện từ những năm Kháng chiến trường kỳ chống Pháp.
Cậu có biết giai cấp tư sản là như thế nào không?
-
Thưa
anh, giai cấp tư sản là giai cấp bóc lột và đối kháng với vô sản. Cho nên những
người theo Cách mạng phải kiên định lập trường là đứng trên lập trường Công nông
liên minh.
-
Thế
sao, cậu lại định lấy con nhà tư sản Tân Việt?
-
Dạ
thưa, tôi chỉ nghĩ đơn giản là yêu nhau thì lấy nhau thôi. Vả lại, giai cấp tư
sản ở Việt Nam không giống bọn tư sản mại bản các nước đế quốc. Tư sản Việt Nam
chỉ là những người chủ nhỏ, như trường hợp ông bà Tân Việt chỉ có một cửa hàng ăn Cơm Tám giò chả, mà do Nhà nước
trong thời kỳ “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”, đưa vào công tư hợp
doanh thôi.
Tôi nói thêm:Thưa đồng
chí bí thư. Tôi nghĩ, sau này khi tuổi già sức yếu, tôi có nằm một chỗ thì người
chăm nom và bưng bô cho tôi là người vợ, chứ không phải là đồng chí bí thư chi
bộ!
Nghe chứng không thuyết phục được tôi, bí thư mặt hơi tái và
đứng dậy đập mạnh bàn tay xuống bàn, làm cho 2 cái cốc thủy tinh rơi xuống nền
gạch, vỡ toang.
-
Tôi
nói cho đồng chí biết, đồng chí là lớp trung kiên mùng 6 tháng giêng(1). đáng lẽ
kết nạp đảng lần này nhưng tôi đã họp Ban chấp hành quyết định xóa tên đồng
chí.
Và ông ta bỏ đi
ra ngoài. Tôi cũng nhanh chóng rời khỏi văn phòng đảng ủy.
(1)
Hồi
đó, ngày 6 tháng 1 là ngày thành lập Đảng, nên mới có lớp trung kiên lấy tên lớp
trung kiên mùng 6 tháng 1 để chuẩn bị kết nạp đảng.
Và như thế, ngày 4 tháng 2 năm 1961, chúng
tôi tiến hành làm đám cưới. Tính đến nay đã 59 năm trôi qua, tôi viết những dòng
này để kỷ niệm.
MỘT ĐÁM CƯỚI THEO ĐỜI SỐNG MỚI.
Sau Hiệp định Genève, năm 1954, tôi tập
kết ra Bắc trong quân ngũ, ở Đại đội 235
của Huyện đội Triệu Phong do ông Lê Trường Lữ làm đại đội trưởng. Làng Thượng
Phước có hơn phần nửa quân số gồm có tôi, Lê Ngọc Ngoãn, Lê Ngọc Bích, Bùi Hũu
Tư, Lê Văn Thượng, Trần Thị Dàn, Lê Thị Phụ. Tôi nhớ anh Lê Ngọc Ngoãn được tạm
thời làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1. Lúc này tôi đã 20 tuổi. Tôi và một số chiến
sĩ có trình độ văn hóa cấp II nên được chọn đi học Khóa Kế toán cấp tốc tại
làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Sau 3 tháng mãn khóa, tôi và một số anh
chị em, trong đó có Tân Thủy, Kim Biên, người Huế được điều ra công tác tại Chi
sở Mậu dịch Đặc biệt Thanh Hóa, đóng ở Bái Thượng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Chi sở này làm nhiệm vụ thu mua những mặt hàng thuốc bắc như thiên niên kiện,
sa nhân, đậu khấu và các mặt hàng xuất khẩu khác. Tháng 2 năm 1955 thì giải thể.
Tôi và một số anh chị em khác được điều qua Công ty Lương thực Thanh Hóa. Lúc
này, ông Lưu Trọng Lạc, em ruột nhà thơ Lưu Trọng Lư làm chủ nhiệm. Nơi đây,
tôi quen biết Lưu Lương Sơn và Lưu Thanh Sơn. Hai người con gái của ông Lưu Trọng
Lạc. Lưu Thanh Sơn là bạn gái của Hồ Viết
Năng, bạn tôi. Sau này, trong kháng chiến chống Mỹ, Hồ Viết Năng là Trưởng nhóm
Văn công bộ đội 559.

Cô dâu đang trang điểm.
Ngày 1 tháng 1 năm 1955, Cụ Hồ và
Chính phủ về thủ đô ra mắt đồng bào tại sân Vận động Quần Ngựa. Tháng 3 năm đó,
tôi lại được chọn đi học tại trưởng Thương nghiệp Trung ương của Bộ Nội thương,
đóng tại 66 phố Hoàng Hoa Thám, Khu Ba Đình, Hà Nội. Trường này có lần được Bác
Hồ đến thăm. Sau khi tốt nghiệp, tôi là một trong số 200 cán bộ được cử lên
tăng cường cho Khu Tự trị Thái Mèo (sau này đổi thành Khu Tự trị Tây Bắc). Khi
Khu Tự trị đã ổn định. Bọn phỉ Đèo Văn Long, Vàng Pao và vài nhóm khác bị tiêu
diệt. Một số cán bộ tăng cường được điều động đi làm nhiệm vụ khác hoặc đi học.
Tôi lại được chọn đi học Khóa Hóa
nghiệm lương thực để về làm việc ở Cục Máy xay, thuộc Tổng cục Lương thực. Tôi
đang thực tập tại nhà máy Xay Đáp Cầu thì lại được điều động về làm giáo vụ tại
Trường Huấn luyện Cán bộ, lúc này đóng tạm trong nhà dân tại làng Thanh Liệt,
huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm
1959, 1960 tôi được điều sang công tác tại Ban Cải tạo Công Thương nghiệp tư bản
tư doanh của Sở Lương thực Hà Nội. Rồi sau đó sang làm việc tại Công ty Vật liệu
Xây dựng rồi về Công ty Bông Vải Sợi May mặc Hà Nội.
Năm 1961, tôi đã 26 tuổi và bắt đầu
nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình. Tôi quen biết nhà tôi vào những tháng cuối
năm 1960. Là đoàn viên Thanh niên, tôi phải báo cáo việc lấy vợ cho đoàn thể biết,
cho chính quyền biết, cho Đảng biết.
Khi
biết tôi sắp lấy vợ là con nhà tư sản Tân Việt thì bí thư Đảng ủy Ph. Đ. Q. đã
hai lần khuyên tôi nên từ bỏ ý định cưới con nhà tư sản. Ông nhẹ nhàng phân
tích cho tôi rõ giai cấp tư sản là giai cấp đối kháng của cách mạng. Ông còn
xác định cho tôi hãy đứng vững trên lập trường của giai cấp vô sản để không ngừng
rèn luyện đạo đức, tư tưởng và tác phong của người cán bộ. Tôi không nghe theo
lời răn đe đó nên cùng với Thúy Minh ra Ủy ban Hành chính xin làm giấy kết hôn.
Sau 1 tháng, chúng tôi được cấp Giấy kết hôn hợp pháp.
Ảnh chụp
hôm sinh nhật Thúy Minh 77 tuổi.Ngày 6/11/1941 - 6/11/2017 tại Biên Hòa.
Có trong tay tờ Giấy kết hôn,
chúng tôi vào các cửa hàng Mậu dịch để sắm đồ cưới. Cửa hàng Mậu dịch quốc
doanh Đồ gỗ bán cho một cái giường đôi gỗ thường. Cửa hàng Mậu dịch quốc doanh
Bách hóa bán cho 2 gói chè Thanh Hương, (chè loại 1), 5 gói chè Hồng Đào (chè
loại 2) và chè cám loại 3 thì được mua tự do. Cửa hàng Bách hóa còn bán thuốc
lá theo tiêu chuẩn đám cưới có 2 tút thuốc Điện Biên, 3 tút thuốc Tam Đảo và 5
tút thuốc Trường Sơn. Thuốc thơm Thăng Long thì không có trong tiêu chuẩn cưới
nên không mua được. Cửa hàng Mậu dịch Bánh kẹo bán cho 2 kylô kẹo Hải Châu. Còn
cái khoản bánh quy thì đem bột mỳ Liên Xô (bán theo tiêu chuẩn lương thực ăn độn)
hàng tháng và đường tích cóp đã 3 tháng ra tiệm bánh quy xốp, quy gai của bà
Khiết, phía phải phố Nguyễn Du cắt ngang phố Huế đặt làm 5 ký bánh quy xốp, quy
gai và bánh xốp vòng. Chúng tôi lên Hàng Buồm mua mấy ký hạt bí rang rồi.
Tôi được ông thủ trưởng Lê Xứng, người
Huế coi như đứa em xa nhà chăm lo tận tình như người anh cả. Ông đứng ra làm chủ
hôn và đại diện họ nhà trai lo việc đi hỏi, đi cưới vợ cho tôi. Ông bố trí cho
tôi một căn phòng tân hôn gần 16 mét vuông trên gác 2 của Trạm May mặc số 7,
đóng tại 58 phố Huế, cách nhà ông bà Tân Việt tại 60A phố Huế một căn. Ông chỉ
đạo Chi đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh làm các công việc trang trí sân lễ
Thành hôn, cho cho mượn địa điểm là phân xưởng may làm hội trường hôn lễ.
Bàn
là những chiếc máy khâu xếp dồn lại thành 3 hàng dọc, đủ chỗ ngồi cho hơn trăm
khách. Ghế là những chiếc ghế đẩu thợ may ngồi hàng ngày. Bàn cô dâu chú rể là
hai cái bàn và hai chiếc ghế tựa ba nan làm việc hàng ngày của bộ phận văn
phòng. Bàn này được phủ bằng vải sa tanh
màu xanh nước biển, trên bàn có một bình hoa cắm đúng mười bông lay-ơn màu hồng. Khăn trải bàn là những súc vải phin trắng,
phông là vải phin xanh có sẵn trong kho của cửa hàng. Tất cả công nhân và cán bộ
của Trạm đều được mời dự cưới (mời mồm). Đồng thời, mỗi người thợ cho mượn một
bộ ấm chén pha trà, ba cái dĩa đựng bánh kẹo, hạt bí và một cái dĩa đựng bao
thuốc lá và diêm Thống nhất. Tàn thuốc được gạt thẳng xuống sàn nhà. Một cái lọ
hoa thủy tinh, loại rẻ tiền mà Hợp tác xã Thủy tinh Hà Nội thời đó sản xuất kỹ
thuật còn quá thô sơ nên có nhiều bọt. Trên mỗi lọ hoa được cắm 2 nhành hồng.
Người cho mượn chén dĩa ngồi ngay tại bàn đó lo tiếp tân luôn. Sau lễ, thì tự
thu dọn các thứ cho mượn mang về. Nước sôi thì do bà Hai Thụy Khuê, lao công của
Trạm đun nấu. Mấy nữ đoàn viên lo pha trà.
Thiếp mời cưới phần lớn khách là bạn bè
của chú rể, cô dâu, được đánh máy trên giấy lụa hồng (pelure) và gửi trước mươi
hôm, đối với những người ỏ xa. Trong nội ô thì mang thiếp đến tận nhà. Phong bì
thì mua ở Bưu điện Chợ Hôm, ngay cạnh nhà, loại in sẵn có hai mục, trên cùng
phía trái là địa chỉ có ghi chữ: Người gửi, giữa là 2 chữ Kính gửi, chung quanh
có sọc nghiêng in đều khoảng 3 cm cách nhau xanh, trắng (trắng là màu có sẵn của
giấy phong bì) và đỏ, nhìn như lá cờ tam tài của Tây Phú- lang- sa.
Phông
treo gần hết chiều ngang bức tường của xưởng. Trên cùng phông có câu cắt giấy
thủ công màu đỏ cờ: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ! Chính giữa phông có hai
chữ lồng in hoa B và M, nằm trong hình trái tim, cũng màu đỏ. Phía trên hai chữ
B và M có đôi chim bồ câu màu trắng chụm hai cái mỏ hồng vào nhau, bốn cái chân
bồ câu cũng màu hồng. Cạnh trái có một chữ Hỷ tiếng Tàu, màu đỏ nằm trong hình
trái tim màu hồng. Phần dưới phông có mấy chữ: Hà Nội, ngày 4 tháng 2 năm 1961.
Hai bức tường hai bên phân xưởng (nơi bấy
giờ thành phòng hôn lễ) đã có sẵn những câu khẩu hiệu của xưởng may để nhắc nhở
tinh thần lao động sản xuất của công nhân. Đó là những câu thường ngày, gần như
câu kinh nhật tụng mà nơi nào cũng có: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến
thắng! Thi đua lao động sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm
nhiều, giá thành hạ!
Đám cưới của chúng tôi không có màn đưa
dâu vì hai căn nhà 58 và 60A phố Huế chỉ cách một căn 60 ở giữa. Đám cưới không
có tiệc mặn! Chỉ có đốt một phong pháo ngắn mua của Mậu dịch quốc doanh, (tiêu
chuẩn Tết Tân Sửu -1961 của bìa hộ gia đình). Vì đang là thời kỳ chiến tranh khốc
liệt, cả nước lo cho tiền tuyến phương Nam. Hồi đó có câu: hạt gạo miền Bắc được
cắn làm tư, một cho chiến trường B (miền Nam ruột thịt), một cho chiến trường C
(bạn Lào) và một cho chiến trường K (bạn Campuchia). Phần tư còn lại cho miền bắc
đang xây dựng nghĩa xã hội. Lương chúng tôi (cả hai người cũng chỉ hơn 100 đồng).
Tôi hưởng lương cán sự 2, cộng với 12 % phụ cấp đắt đỏ của khu vực Hà Nội được
76 đồng 8 hào. Lương Mậu dịch viên của Thúy Minh kể cả phụ cấp đắt đỏ cũng
không quá 50 đồng. Vậy nên, đám cưới
không thể thuê ở những phòng cưới đắt tiền như Trăm Hoa, như Phú Gia…mà chỉ tổ
chức tùng tiệm ở cơ quan. Đám cưới không có chụp ảnh, không có màn chú rể tặng
nhẫn cưới cho cô dâu. Về của hồi môn, sau này, nhà tôi kể lại: cậu mợ (tiếng
xưng hô của các gia đình Hà Nội thời đó) có cho con gái Thúy Minh một cái kiềng
vàng, một đôi xuyến vàng và một cặp hoa tai mặt kim cương. Trong thời gian tiến
hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ông Ng. cán bộ cải tạo thấy
tôi đeo hoa tai bằng vàng. Ông Ng. hỏi: ngoài thứ này ra em có các loại trang sức
nào khác không? Nhà tôi thật thà trả lời: có. Ông Ng. lại nói: em có biết những
thứ này lấy ở đâu ra không? Ông Ng. trả lời luôn là của bóc lột đó. Nhà tôi
nghe hai chữ “bóc lột” thì cả sợ và đem nộp mấy thứ đó cho ban Cải tạo. Thành
thử, trong ngày cưới của chúng tôi không có của hồi môn là như vậy
Chiều
ngày 4 tháng 2 năm 1961, nhằm vào ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý, ông Lê Xứng dẫn
theo mấy người đại diện chính quyền, đoàn thể gồm có các chị Nguyễn Thị Mỹ,
Nguyễn Thị Đức, Ngô Thị Thái và chú rể, mang theo một mâm lễ gồm có một buồng
cau, một xấp lá trầu, một chai rượu trắng (sản xuất tại nhà máy rượu Hà Nội -
phố Nguyễn Công Trứ, khu Hai Bà) sang nhà ông bà Tân Việt để gọi là có chút lễ
xin rước dâu. Ông bà nhạc tôi chấp thuận và miễn luôn cho cái lễ cúng gia tiên.
Khác với đám cưới năm 1957 của chị Nguyễn
Ngọc Bích, chị cả của vợ tôi, có xe ôtô Traction của hãng Cytroyen. Loại xe mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã viết
trong tiểu thuyết Giông tố. Xe chở Nghị Hách bị patinet giữa đường, gặp Thị Mịch…và
mọi thứ chuyện xẩy ra trên xe.
Ông
bà Tân Việt cũng có một chiếc xe loại này. Chúng tôi còn lưu giữ được những bức
ảnh ông Tân Việt cùng với các ông cậu Trọng, cậu Chi lái chiếc xe này đi chơi
chùa Trầm, chùa Trăm Gian trước giải phóng thủ đô 1954. Mấy chiếc xe đưa dâu chị Ngọc Bích và chàng rể
quý tử “cậu ấm kháng chiến” chạy mấy vòng quanh Hồ Gươm rồi mới về nhà mới ở phố
Huyền Trân công chúa (sau đổi là phố Bùi Thị Xuân). Mặc dầu, nhà cô dâu cách
nhà mới không đầy ba dãy phố. Ngôi nhà này là chú rể mua lại nguyên căn, thuê
thợ sửa chữa, tân trang lại và mua sắm vật dụng là những thứ đồ cổ đắt tiền như
sập gụ, tủ chè, sa lông Tàu…Bốn cô phù dâu được nhà trai may biếu không bốn chiếc
áo gấm thất thể Thượng Hải. Bốn cậu phù rể được chú rể may tặng bốn bộ complet
bằng dormueil màu trắng ngà, một loại tissus len rất đắt tiền.
Đám
cưới của chị Ngọc Bích không biết có chi hết 20 triệu đồng không? Nhưng sau đó
khoảng gần hai mươi ngày thì tờ báo tư nhân có tên Thời Mới do ông Hiền Nhân
làm chủ bút đã đăng feuilleton bài 18
ngày trăng mật? Và tác gia Trần Huyền Trân có vở cải lương Ngược dòng, làm xôn xao dư luận Hà
Thành?!
Áo
cưới của cô dâu Thúy Minh, may bằng gấm thất thể (bảy màu) Thượng Hải – chiếc
áo mà hôm 6/11/2017 vừa rồi – Thúy Minh mang ra mặc để phục dựng bộ ảnh cưới
thì không mặc được vì chật. Đây là chiếc áo dài do hiệu may ta nổi tiếng Phúc
Trạch ở phố Lương Văn Can đo may từ đầu năm 1957. Bộ complet croisé bằng tissus
len của tôi may tại Trạm May mặc số 3, 63 hàng Trống. Tiền do ba me nuôi của
tôi là ông bà Vũ Thư cho. Chiếc cravate màu đỏ thì mua ở hiệu Đức Minh, phố
Tràng Tiền. Đôi giầy da đen thì thửa tại hiệu giầy Nguyên ở ngõ Văn Chương.
Đến
giờ khai mạc, ông Lê Xứng thay mặt họ nhà trai nói mấy lời vắn tắt đại khái là
đôi tân hôn làm lễ cưới chính thức được luật pháp công nhận. Ông chúc mừng đôi
bạn trẻ “bách niên giai lão”! Chúc mừng ông bà Tân Việt có rể thảo! Chúc mừng
cơ quan và nhà trai có cô dâu hiền! Ông tỏ lời cảm ơn quý vị tân khách có mặt
hôm nay. Cuối cùng ông mời mọi người dùng tiệc trà.
Phần
liên hoan văn nghệ do Chi đoàn Thanh niên chủ trì. Các bài hát cách mạng và
kháng chiến được cất lên. Hát chay, không có nhạc đệm, không có micro. Cô Chu
Minh Hằng và Kim Oanh góp vui bằng những vần thơ. Minh Hằng diễn ngâm bài thơ của
nhà thơ Huy Huyền, trong đó có những câu:
Em
ơi! Tiếng là cưới, có gì đâu, chỉ ấm nước cơi giầu
Bởi
chúng mình thương nhau, mẹ cha làm lễ cưới
Bạn
bè xa cũng tới, họ hàng gần cũng sang
Thêm
đồng chí Ủy ban. Thế là vui biết mấy!
Cô
Kim Oanh diễn ngâm bài thơ Mừng đám cưới Xuân Bảo – Thúy Minh của nhà thơ trào
phúng Nguyễn Đức Xa, người làng Thanh Liệt, quê của tác giả Thất trảm sớ Chu
Văn An. Cụ Nguyễn Đức Xa là nhà thơ trào phúng, đã có rất nhiều thơ
châm biếm đăng trên báo Hà Nội mới, ở chuyên mục “Chuyện lớn chuyện
nhỏ”.
Dưới đây là nguyên văn nội dung
bài thơ đó:
Tặng đôi bạn trẻ:
XUÂN BẢO – THÚY MINH
Nhân NGÀY CƯỚI 04-02-1961.
Xuân
Bảo - Thúy Minh đôi bạn trẻ
Lễ
Thành hôn vui vẻ giữa trời đông
Xuân
đã tươi như một đóa hồng nhung
Tình
lại đẹp như bản đàn nhà nhạc sĩ
Xuân
Bảo Thúy Minh yêu nhau vì tâm lý
Nên
hai bạn Minh - Bảo mến thương nhau
Uyên
ương gối thắm tươi màu
Hai
lòng Minh - Bảo yêu nhau trọn đời
Thanh Liệt, 04/02/1961
Kính
thưa hương hồn Bác NGUYỄN ĐỨC XA!
Câu
thơ Chúc của Bác giờ đây chúng cháu vẫn lấy làm phương châm cho cuộc
sống vợ chồng: “Uyên ương gối thắm tươi màu/Hai lòng Minh - Bảo yêu
nhau trọn đời...”. Trong những năm gian khó của Hà Nội thời đánh Mỹ, dù gặp
nhiều khó khăn trong đời sống, chúng cháu vẫn âm thầm lặng lẽ hy sinh cùng nhân
dân thủ đô hoàn thành sứ mệnh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Và hơn 40 năm sau giải
phóng đất nước, còn bao nhiêu khó khăn thiếu thốn, chúng cháu vẫn thầm nhắc câu
thơ của Bác để cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình.
Giờ
đây, thế mà đã 59 năm trôi qua. Trong những năm khốc liệt của chiến tranh chống
Mỹ cứu nước, vợ chồng chúng tôi vẫn toàn tâm toàn ý với chế độ. Và bây giờ tôi
đã bước sang tuổi trên bát tuần, nhà tôi cũng suýt soát dưới tám mươi. Chúng
tôi đã có chắt gọi bằng Cụ. Chúng tôi luôn tâm niệm câu chúc của anh Lê Xứng
ngày đó: Bách niên giai lão! Và hai câu thơ của Cụ Nguyễn Đức Xa:
…Uyên ương gối thắm tươi màu
Hai
lòng Minh - Bảo yêu nhau trọn đời!
Bên
bờ Phước Long Giang – Kỷ niệm 59 năm ngày cưới 4.2.1961 – 4.2.2020, nhằm ngày
Thần Tài mùng Mười tháng Giêng năm Canh Tý.
Nhà
thơ Xuân Bảo