Trang

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

224.Nhan GioTozHungVuong


        Nhân Giỗ Tổ Hùng Vương, mùng mười tháng ba.
                                                            Khảo luận của nhà thơ Xuân Bảo.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
 Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba mùng mười.

Trong tác phẩm trường ca Âm vang một dòng sông của tôi có hai đoạn

Trống đồng gõ nền văn minh Lạc Việt
Hồn Ngọc Vạn (1) có hát khúc trời Nam
Về Rừng Sác lại nhớ Bạch Đằng Giang
Nhìn cánh cò bay nhớ đàn chim Lạc
Sông nhắc ta nhớ những ngày gian khổ
Dù viễn xứ không quên đất Hy Cương
Nơi phát tích mười tám vị Hùng Vương
“Có ai về Bắc cho ta đi với”(2)
                     1
Dòng dõi Vua Hùng
Hùng Vương, là cách gọi các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt. Hùng Vương thứ I là con trai của Lạc Long Quân, lên ngôi vào năm 2879 trước công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, truyền đời đến năm 258 trước công nguyên thì bị Thục Phán (An Dương Vương) tiếm ngôi..
          Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Lộc Tục cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi (anh trai Lộc Tục) là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ.
Kinh Dương Vương xuống Thủy phủ, lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân thay cha trị nước, còn Kinh Dương Vương không biết đi đâu. Đế Nghi truyền ngôi cho Đế Lai cai trị phương Bắc, Đế Lai nhân thiên hạ vô sự mà đi chu du khắp nơi, đi qua nước Xích Quỷ, thấy Lạc Long Quân đã về Thủy phủ, liền lưu con gái của mình là Âu Cơ ở lại đó.
Kinh Dương Vương được phong năm Mậu Tuất (cùng thời với Đế Nghi truyền đền cuối đời Hùng Vương, tưc Hùng Duệ Vương, ngang với nhà Chu năm thứ 57 là năm Quý Mão thì hết. Cộng 2622 năm – 258 TCN)
Lạc Long Quân trở về, thấy Âu Cơ xinh đẹp, liền biến hóa thành chàng trai phong tú mĩ lệ, Âu Cơ ưng theo, Lạc Long Quân liền rước nàng về núi Long Trang. Hai người ở với nhau một năm, sinh ra bọc trăm trứng, sinh ra trăm con trai anh dũng phi thường. Lạc Long Quân ở lâu dưới Thủy phủ, Âu Cơ vốn là người Bắc quốc, nhớ nhà liền gọi Long Quân trở về. Âu Cơ nói với Lạc Long Quân:
-Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm con trai mà không gì cúc dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng, không vợ, một mình vò võ.
Lạc Long Quân bảo rằng:
-Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp mà lại có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu. Bây giờ phải ly biệt, ta đem năm mươi con trai về Thủy phủ, phân trị các xứ, năm mươi con trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe không được bỏ nhau.
Âu Cơ cùng năm mươi con trai ở tại Phong Châu, đưa người  hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương.
“Con cháu Thần Nông thị là Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên mà sinh Kinh Dương Vương, tức là thủy tổ của Bách Việt. Vương lấy con gái Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà có phúc lành sinh trăm con trai. Đó chẳng phải là cái đã gây nên cơ nghiệp của nước Việt ta hay sao”
Con của Lạc Long Quân là Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước ra làm 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức; đóng đô ở bộ Văn Lang, Phong Châu. Về bờ cõi, nước đông giáp biển Đông, tây đến Ba Thục (Tứ Xuyên, Trung Quốc), bắc đến hồ Động Đình (Hồ Nam, Trung quốc), nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành.
Hùng Vương sai các em trai phân trị, đặt em thứ làm Tướng võ, Tướng văn. Tướng văn gọi là Lạc Hầu, Tướng võ là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương, quan Hữu ty gọi là Bố chính, thần bộc nô lệ gọi là nô tỳ, xưng thần là khôi, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo, thay đời truyền nhau cho đến hiệu là Hùng Vương không đổi.
          Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục: Theo sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng chép. Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờ có ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng, khai khẩn ruộng ấy là Lạc dân, thống trị dân ấy là Lạc Vương, người giúp việc là Lạc Tướng: đều dùng ấn đồng thao xanh. Nước gọi là Văn Lang. Phong tục thuần hận, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, còn dùng lối thắt nút dây làm dấu ghi nhớ; truyền được mười tám chi.
Năm (2557-2258 TCN), năm Mậu Thân thứ 5 đời Đường Nghiêu, Hùng Vương sai sứ sang, tặng vua Nghiêu con rùa thần, có lẽ hơn nghìn năm, mình rùa hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy lịch (lịch rùa). Năm 1110 TCN, Hùng Vương sai sứ qua Trung Quốc, tặng Thành Vương nhà Chu chim trĩ trắng.
Thời Lạc Long Quân trị vì, nhà vua dạy dân ăn mặc, bắt đầu có trật tự về vua tôi, tôn ti, có luân thường về cha con, vợ chồng.
Dân ở rừng núi xuống sông ngòi đánh cá, thường bị giao long làm hại nên tâu lại với Hùng Vương. Hùng Vương bảo rằng: Ở núi là loài rồng cùng với thủy tộc có khác, bọn chúng ưa đồng mà ghét dị cho nên mới xâm hại. Bèn lấy mực xăm hình thủy quái ở thân thể, tránh được nạn giao long cắn hại. Tục xăm mình của Bách Việt bắt đầu từ đây.
Ban đầu do ăn mặc chưa đủ, phải lấy vỏ cây làm áo mặc, dệt cỏ ống làm chiếu nằm, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây soa đồng làm bánh; lấy cầm thú, cá tôm làm nước mắm; lấy rễ gừng làm muối; lấy dao cày, lấy nước cấy, đất trồng nhiều gạo nếp, lấy ống tre thổi cơm. Gác cây làm nhà để tránh hổ báo; cắt ngắn đầu để tiện vào rừng núi, con đẻ ra lót lá chuối cho nằm, nhà có người chết thì giã cối gạo để cho hàng xóm nghe chạy đến giúp. Trai gái cưới nhau trước hết lấy muối làm lễ hỏi, rồi sau mới giết trâu để làm lễ thành hôn, đem cơm nếp vào trong phòng cùng ăn với nhau cho hết, rồi sau mới tương thông.
‘Lúc bây giờ, vua tôi cùng đi cày, cha con tắm chung sông không chia giới hạn, không phân biệt uy quyền, thứ bậc. Dân đều vẽ mình, uống nước bằng mũi, cùng nhau vui chơi vô sự”.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép phần đầu tiên đặt tên là Kỷ Hồng Bàng thị, 3 tiểu mục là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương
Lãnh thổ nước Văn Lang được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam ngày nay.
Hùng Vương chia nước Văn Lang làm 15 bộ Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Vũ Định, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Tân Hưng, Cửu Đức, đóng đô ở bộ Văn Lang. Theo sách Lĩnh Nam Chích Quái 15 bộ là: Giao Chỉ, Chu Diên, Ninh Sơn, Phúc Lộc, Việt Thường, Ninh Hải, Dương Tuyền, Quế Dương, Vũ Ninh, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Quế Lâm, Tượng Quận.
Sơn Nam (bây giờ là Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên) xưa là bộ Giao Chỉ. Sơn Tây xưa là bộ Chu Diên, bộ Phúc Lộc. Kinh Bắc (nay là Bắc Ninh) xưa là bộ Vũ Ninh. Thuận Hóa (bây giờ là từ Hải Lăng thuộc Quảng Trị đến Điện Bàn thuộc Quảng Nam) xưa là bộ Việt Thường; An Bang (bây giờ là Quảng Yên) xưa là bộ Ninh Hải; Hải Dương xưa là bộ Dương Tuyền; Lạng Sơn xưa là bộ Lục Hải; Thái Nguyên, Cao Bằng xưa là bộ Vũ định nội ngoại; Nghệ An xưa là bộ Hoài Hoan; Thanh Hóa xưa là bộ Cửu Chân; Hưng Hóa và Tuyên Quang xưa là bộ Tân Hưng; Còn hai bộ Bình Văn và Cửu Đức thì đều khuyết nghi. Nay khảo ở sách Tấn chí, quận Cửu Đức, do nhà Ngô đặt, nay là đất Hà Tĩnh. Sử cũ chua tức là nước Chiêm Thành, bây giờ là đất Bình Định.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuối thời Hùng Vương, vua có người con gái vô cùng xinh đẹp. Thục Vương nghe tiếng, liền sai người đến cầu hôn. Hùng hầu can rằng, Thục vương chỉ lấy làm cớ hôn nhân để xâm lược mà thôi. Thục vương đem lòng oán giận. Về sau Hùng Vương gả con gái cho Sơn Tinh, Thục vương căm giận, căn dặn con cháu phải diệt nước Văn Lang.
Cháu Thục vương là Thục Phán nối ngôi, có dũng lược, đem quân xâm lược Văn Lang. Hùng Vương có binh hùng tướng mạnh đánh bại Thục Phán. Hùng Vương bảo Thục Phán rằng: Ta có sức thần, nước Thục không sợ ư?  rồi bỏ bê đất nước, chỉ lo ăn uống vui chơi. Khi quân Thục kéo sát đến nơi, vua còn say mềm chưa tỉnh. Tỉnh dậy, Hùng Vương cùng đường, thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính đầu hàng Thục Phán. Từ đây trong sử sách nước Việt bước sang kỷ mới gọi là Kỷ nhà Thục.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính.
18 vị vua Hùng không phải là 18 người cụ thể, mà là 18 chi/ngành, mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu. Thậm chí con số 18 có thể chỉ nên hiểu là con số tượng trưng ước lệ, vì 18 là bội số của 9 - vốn là một số thiêng đối với người Việt.  Dòng dõi Hùng Vuong tryền ngôi được 88 đới.
1.Kinh Dương Vương: 2879 TCN - ?. Huý là Lộc Tục.
2.Hùng Hiền Vương, còn được gọi là Lạc Long Quân, húy là Sùng Lãm.
3.Hùng Lân Vương
4.Hùng Diệp Vương.
5.Hùng Hi Vương
6.Hùng Huy Vương
7.Hùng Chiêu Vương
8.Hùng Vĩ Vương
9.Hùng Định Vương
10.Hùng Hy Vương
11.Hùng Trinh Vương
12.Hùng Vũ Vương  
13.Hùng Việt Vương  
14.Hùng Anh Vương  
15.Hùng Triệu Vương  
16.Hùng Tạo Vương)
17.Hùng Nghị Vương
18.Hùng Duệ Vương (? - 258 TCN
Lăng Hùng Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tương truyền đây là mộ của vua Hùng thứ 6.
Có một điều thú vị là bố đẻ của anh thư Trưng Trắc-người được tôn vinh làm , nữ hoàng đầu tiên của nước ta là con vị hào trưởng Hùng  Định,sau đổi qua họ Trưng


2.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Vua Hùng
Khu di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ là nơi thờ các Vua Hùng - Tổ Tiên chung của dân tộc Việt Nam. Đây là một khu di tích đặc biệt quan trọng, qua các thời kỳ lịch sử luôn được Nhà nước và nhân dân quan tâm, gìn giữ.
Nơi đây cũng đã được UNESCO công nhận “tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chủ Tịch đã 2 lần về thăm Khu di tích này.
 Sau hiệp định Genève, ngày 19.9.1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong - Sư đoàn 308, các Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn 36, Trung đoàn Tu vũ. Bác căn dặn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô.
Năm đó, ngồi dưới bậc thềm của Đền thờ các vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là sự tình cờ, mà là chủ đích của Người. Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy ngàn năm của lịch sử dân tộc, được Người tổng kết trong một câu nói lịch sử nổi tiếng:
                     Các Vua Hùng đã có công dựng nước
                     Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
Trong thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ lịch sử và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc là dựng nước và giữ nước, lúc đó việc nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương chưa có điều kiện để tiến hành; Quy luật dựng nước và giữ nước trong lịch sử chưa được tổng kết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thời đại Hùng Vương là thời kỳ lịch sử có thật của dân tộc; Các Vua Hùng là người đã khai sinh ra đất nước Việt Nam. Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn, mà còn là sự quan tâm và ý thức tôn vinh Tổ Tiên - Các Vua Hùng - của người đứng đầu Nhà nước thời hiện tại. Sự nghiệp cách mạng rất đỗi vẻ vang nhưng còn nhiều gian khổ, đòi hỏi những hy sinh vô cùng to lớn, niềm tự hào vững chắc về Tổ Tiên dựng nước là nguồn cổ vũ hết sức lớn lao của nhân dân cả nước. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao mới của lịch sử.
      Trong lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh "các Vua Hùng đã có công dựng nước", Người đã viện dẫn đến những con người có thật trong buổi đầu của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một biểu tượng cao quý mà các thế hệ con cháu người Việt Nam đời này qua đời khác tôn thờ. Nói về Các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức cũng như trong đời sống thường nhật - Đền Hùng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho chúng ta ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn. Trên thế giới không có một dân tộc nào lại không có bề dày lịch sử của dân tộc mình, điều đó quyết định sức sống, sự thống nhất và phát triển của mỗi một dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hôm nay tất yếu của sự phát triển là nhiệm vụ tiếp tục dựng nước và giữ nước của các thế hệ con cháu người Việt Nam. "Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".
      Năm 1962, Đế quốc Mỹ chuẩn bị cuộc chiến tranh đánh phá cả miền Bắc. Cả nước thành chiến trường chống Mỹ. Một lần nữa, Đền Hùng lại đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào ngày 19.8.1962. Trong hồ sơ Di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng có ghi lời dặn của Người khi lên tới đỉnh núi Hùng: Đã đi là phải tới đích, leo núi là phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng. Người còn dặn phải trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm viếng. Cả 2 lần Người về Đền Hùng, cả 2 lần Người đều lên đến đỉnh cao mà ngày xưa Tổ Tiên của người Việt Nam từng mơ ước cầu Trời cho mưa thuận gió hòa, an dân hạnh phúc.
   Điểm lại sự kiện 2 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng không phải vì sợ hãi trước những khó khăn của lịch sử mà phải mượn tới vong linh của Tổ Tiên, để tìm một sức mạnh bởi niềm tin huyễn hoặc vào cõi thánh thần. Nhân dân ta vốn coi trọng nguồn gốc, tha thiết ở tình cảm "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả không quên ơn người trồng cây", Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng, viện dẫn đến "Các Vua Hùng đã có công dựng nước", chính là để ca ngợi sự cố gắng quyết tâm dựng nước và giữ nước trong thời đại mới, từ đó khơi dậy những tình cảm thiêng liêng của dân tộc, để từ truyền thống lịch sử tạo ra những điều bất diệt, tạo lên sức mạnh và nguồn sinh lực mới cho cuộc sống, để dân tộc hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng, đi đến đích của mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
      Trong lịch sử hiện đại, bắt đầu bằng ý chí và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hướng đạo cho chúng ta quan tâm xây dựng tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở tầm cao của thời đại mới. Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XI đã thông qua sửa đổi Điều 73 của Bộ luật Lao động, cho phép người lao động cả nước được nghỉ ngày mùng 10.3 âm lịch. Đó là điều kiện tốt để đồng bào cả nước về thăm viếng Đền Hùng, dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tri ân công đức của Tổ Tiên, tạo động lực tinh thần yêu nước, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân. Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong thời hiện tại, không chỉ gắn với Các Vua Hùng - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, mà còn gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người con ưu tú nhất của dân tộc, người thầy vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam, những tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.
(1)   Công nữ Ngọc Vạn con của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên được gả cho vua Chân Lạp Chett Chenta II – người đã có công đưa dân vào khai phá Thủy Chân Lạp, tức đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
(2)   Câu thơ của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong bài Nhớ Bắc.

Bên bờ Phước Long Giang, ngày mùng Mười tháng Ba năm Mậu Tuất, nhằm ngảy 25/4/2018
Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét