Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

187. Một kỷ niệm với nữ sĩ Ngân Giang

187.MỘT KỶ NIỆM VỚI LỚP HỘI VIÊN HỘI NHÀ VĂN ĐẦU TIÊN.
          (Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam 1957-2017.)
Tôi xin kể vài nét về nữ sĩ Ngân Giang đểu hầu bạn đọc.  Bà tên thật là Đỗ Thị Quế. Các bút danh khác Hạnh Liên, Đỗ Quế Anh, Nguyệt Quyên sinh ngày 20/3/1916 trong một gia đình Nho học ở phố Hàng Trống Hà Nội. Quê gốc làng Hướng Dương, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ông ngoại của bà là hậu duệ của chúa Trịnh Sâm, ông nội là một nho sĩ nổi tiếng đất Bắc Hà, bạn thân của Đại thi hào Nguyễn Du. Lên 6 tuổi Ngân Giang được cha dạy chữ Hán và học “ké” chữ Quốc ngữ một thày hàng xóm. Người bác gái dạy cho làm thơ Đường luật.
 Lên tám, Ngân Giang đã có bài thơ đầu tiên mang tựa đề Vịnh Kiều đăng trên báo Đông Pháp với bút danh Nguyệt Quyên..Năm 16 tuổi bà in tập thơ đầu tiên Giọt lệ xuân, ký bút danh Hạnh Liên. 20 tuổi bà viết cho Ngọ báo. 21 tuổi bà có thơ in chung trong cuốn Duyên Văn.22 tuổi bà rời Hà Nội vào Sài Gòn, viết cho các tờ Điện Tín nhật báo và báo Mai. Sau bà trở ra Hà Nội viết cho Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Đàn Bà. Năm 1939, thi phẩm Trưng nữ vương ra mắt, gây tiếng vang trên thi đàn.
Đầu năm 1944, Ngân Giang tham gia Mặt trận Việt Minh. Trong năm này, bà cho in tập thơ Tiếng vọng sông Ngân. Năm  1946, Ngân Giang phụ trách Ban Lễ tân Bộ Nội vụ, cho in cuốn Những ngày trong hiến binh Nhật. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà ra chiến khu công tác tại Sở Tuyên truyền Liên khu I. Do hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, năm 1949 bà hồi cư về lại Hà Nội, vẫn làm thơ đăng trên các báo Hồ Gươm, Quê hương, Tia sáng, Giang sơn…ký bút danh “Nàng Không tên”.
Hòa bình lập lại.Năm 1954 bà làm việc ở Sở Văn hóa Hà Nội. Năm 1957,thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, bà được kết nạp chính thức vào Hội. Đây là lớp hội viên đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam. Từ năm 1958 đến năm 1961 bà làm việc tại Hội Nhà văn. Chả hiểu vì sao bà về quê gốc sinh sống và hoạt động văn nghệ quần chúng???. Có một người đàn ông bị bà khước từ quan hệ nên bị ông ta thù ghét và vu cáo bà thuộc nhóm Nhân văn-Giai phẩm. Buồn chán Ngân Giang quay về Hà Nội, để rồi ngày ngày ra bãi sông Hồng quét lá khô để bán, tối về rửa bát thuê, nhưng cũng chỉ đủ tiền mua gạo nấu cháo cho những đứa con lay lắt sống qua ngày. Khi không còn sức lực quét lá nữa bà ra đầu đường mở quán chè chén bán nước.
Có một Vụ án từ một bài thơ. Chuyện là thế này: Sau ngày tiếp quản thủ đô (10-10-1954), luật sư, dân gian thường gọi là trạng sư hay thày cãi Nguyễn Thành Vĩnh, phó chánh án Tòa án Hà Nội nhận được đơn kiện vợ. Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Hàm, chồng. Bị đơn là bà Đỗ Thị Quế, vợ. Tang vật chứng chỉ có duy nhất một bài thơ. Nguyên văn bài thơ như sau (không có tựa đề):
          Đêm nay thôi đã mấy đêm rồi!
          Ai biết đâu rằng ai nhớ ai?
          Lất phất hoa bay vào cửa vắng
          Nghiêng nghiêng mưa hắt mái hiên ngoài
          Trăng soi đã hẳn soi hai ngả
          Gió lạnh sao đành lạnh một nơi
          Cầm bút toan đề thơ lại đặt…
          Gối nào nước mắt có rơi rơi?!
 Đây là bài thơ bà Đỗ Thị Quế viết từ những năm 1949,1950 khi bà dắt díu đàn con từ chiến khu  hồi cư Hà Nội. Bà bùi ngùi thương nhớ các anh, các chị ngoài kháng chiến gian khổ mà cũng tủi phận mình nửa đường bỏ cuộc. Bài thơ được chép trong sổ tay.Lâu ngày bà Quế cũng quên đi.Thế rồi ông Hàm vô tình nhặt được và cho là có ý ngoại tình nên ông đâm đơn ra tòa đòi ly dỵ.
        Trạng sư Nguyễn Thành Vĩnh, khi xem xét hồ sơ, cảm thấy bài thơ hay nên nổi máu nghệ sĩ làm luôn bài họa:
         Đèn rong xem đã mấy đơn rồi
                  Thao thức canh trường những xót ai!
                  Tài nức tao đàn hoa gác phượng,
                  Thân cam tù túng phận hiên ngoài,
                  Cô đơn dị mộng tuy chung gối
                  Tri kỷ tương phùng vẫn cách nơi
                  Giải phóng mới rồi vươn cánh rộng
                  Tiếng thơ dìu dặt ngọc vàng rơi.
  PhiênTòa được mở sau đó vài tháng và cũng chỉ diễn ra khoảng một giờ đồng hồ.Thay mặt Tòa, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh hỏi nguyên đơn:
 - Ông Nguyễn Văn Hàm có chấp nhận bản án ly hôn với bà Đỗ Thị Quế hay còn có khiếu nại gì không?
 - Thưa quý Tòa,tôi chấp thuận hoàn toàn.
-  Tòa hỏi bị đơn:
-  Vậy ý kiến của bà Đỗ Thị Quế?
          Bà Đỗ Thị Quế đứng dậy vừa nói vừa có vẻ như cười. Bà bình thản:
 - Thưa quý Tòa. Tôi làm thơ từ lúc 6 tuổi.Thay vì nói, tôi xin đọc mấy vần thơ tâm trạng:
         Ngày chửa sang thu đã thấy buồn
         Tình chưa ngời sáng đã hoàng hôn
         Thân không trời đất mà mưa gió
         Người ở đầu thôn, mộng cuối thôn
Cả phòng xử án sửng sờ và cảm phục tài thơ của bà Đỗ Thị Quế, tức nữ sĩ tài hoa Ngân Giang.
                                                                   ***
Có một thi thoại gây chấn động Sài Thành lúc bấy giờ là: Giáo sư Lâm Tấn Phát, tức nhà thơ Đông Hồ,( chồng nữ sĩ Mộng Tuyết), giảng viên Đại học Văn khoa Sài Gòn đang trên bục giảng, giảng bài thơ Trưng nữ vương của Ngân Giang, đến đoạn kết:

Ải Bắc quân thù kình vó ngựa
   Giáp vàng, khăn lạnh trở đầu voi
   Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
   Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi
Nhưng chỉ tới câu thứ ba (Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá) thì giáo sư xúc động  ngất lịm đi, và ông từ giã cuộc đời giữa cái tang của Thi Sách. Bài thơ gây xúc động mãnh liệt đến nỗi giáo sư bị đột quỵ. Ông ra đi vào ngày 25-3-1969, ở độ tuổi 63.
Nữ sĩ Ngân Giang sống hẩm hiu như vậy, trải hơn 30 năm giữa lòng Hà Nội ngàn năm văn hiến cho đến ngày 17 tháng 8 năm 2002 thì từ giã trần gian và được đưa về chôn tại quê gốc làng Hướng Dương, huyện Thường Tín, nay thuộc Hà Nội.
Những năm bà còn sống ở bãi Nghĩa Dũng, Hoàng Quốc Hải và một số văn nhân Hà Thành như Nguyễn Tuân, Hoàng Tiến, Trần Lê Văn…thường ra bãi thăm nữ sĩ, đàm đạo văn chương.
          Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội hôm nay có đến hàng ngàn hội viên. Tự nhiên tôi thấy đau buồn và không quên nhớ đến một tài thơ của đất nước bị lãng quên trong xót xa!
Và đây là bài thơ Trưng Nữ Vương của nữ sĩ Ngân Giang:
Trưng Nữ Vương
Thù hận đôi lần chau khoé hạnh
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi
Dồn sương vó ngựa xa non thẳm
Gạt gió chim bằng vượt dặm khơi

Ngang dọc non sông đuờng kiếm mã
Huy hoàng cung điện nếp cân đai
Bốn phương gió bão dồn chân ngựa
Tám nẻo mưa ngàn táp đoá mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận
Non hồng quét sạch bụi trần ai
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi
Chàng ơi, điện ngọc bơ vơ quá,
Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi
1939
                       
(Bên bờ Phước Long Giang, đêm 12 tháng 3 Đinh Dậu)
Nhà thơ Xuân Bảo, tức Tú Sừng, Trực Ngôn  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét