Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

185. Thăm Thủy điện Hòa Binh

XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ.

 4.Thăm Thủy điện Hòa Bình.

Đà Giang hung bạo và trữ tình.

Cũng như Cụ Nguyễn, tôi không thích kiểu dịch sang tiếng Anh (black river) và sang tiếng Pháp (rivière noire), sông Đà thành sông Đen. Nước Đà Giang chẳng bao giờ là màu đen?
Hãy nghe Cụ Nguyễn tả về màu sắc của Sông Đà: …“Con Sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà. Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm, Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội vì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy Sông Đà đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây lếu láo, rồi cứ thế mà phết vào bản đồ lai chữ.”(Tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân – 1960.)

Sông Đà (còn gọi là sông Bờ hay Đà Giang) là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Sông bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chảy theo hướng tây bắc - đông nam để rồi nhập với sông Hồng ở Phú Thọ.
Sông Đà dài gần 1000km (có tài liệu ghi 983 km), diện tích lưu vực là 52.900 km². Ở Trung Quốc, sông có tên là Lý Tiên Giang, do hai nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang hợp thành.  Đoạn ở Trung Quốc dài khoảng 400 km từ núi Nguy Bảo ở huyện tự trị người Di, người Hồi Nguy Sơn phía nam châu tự trị dân tộc Bạch Đại Lý chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua Phổ Nhĩ.
Đoạn ở Việt Nam dài 527 km. Chỉ đứng thứ 2 sau sông Đồng Nai (586 km) về độ dài của những con sông Việt Nam. Điểm đầu là biên giới Việt Nam-Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ (phân chia huyện Thanh Thủy, Phú Thọ với Ba Vì, Hà Nội). Điểm cuối là ngã ba Hồng Đà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Đoạn đầu sông trên lãnh thổ Việt Nam, sông Đà còn được gọi là Nậm Tè. Các phụ lưu trên lãnh thổ Việt Nam gồm Nậm Na (ở tả ngạn), Nậm Mức (ở hữu ngạn).Nậm có nghĩ là nước.
Lê Quý Đôn viết về sông Đà như sau:"... Sông Đà ở về bên trái sông Mã, phát nguyên từ châu Ninh Viễn tỉnh Vân Nam Trung Quốc, chảy đến bên phải chỗ ngã ba thuộc huyện Kiến Thủy, ... (Đoạn này Quý Đôn nói về sông Mê Kông và nhầm 2 sông thông với nhau) ..., về đường chính có một chi chảy xuống làm thành sông Hắc Thủy, chảy qua Tuy Phụ (Mường Tè), Hoàng Nham (Mường Tông), Khiêm Châu đến Mường Lễ thuộc Lai Châu nước ta. Về bên trái là sông Na, từ sông Kim Tử (Kim Thủy Hà, châu Quảng Lăng (Mãnh Lạp, Meng La)) chảy đến hội tụ, đấy là sông Đà, nước sông trong suốt, chảy xuống các động Phù Tây, Hảo Tế thuộc châu Quỳnh Nhai, về bên trái hợp lưu với Tề Giang chảy qua các xứ Vạn Mỏ thuộc châu Thuận, Vạn châu, Vạn Lộc thuộc châu Mai Sơn, Vạn Thụy, Vạn Giang, Hinh Miêng thuộc châu Mộc đều về bên phải. Đường sông thác ghềnh hiểm trở, gồm 83 thác có tiếng (tên), mà Vạn Bờ là thác nguy hiểm thứ nhất, bờ bên phải là Thượng Động, Hạ Động thuộc châu Mai, bờ bên trái là các động Tân An, Hào Tráng, Hiền Lương, Dĩ Lý thuộc châu Mộc. Hạ lưu, về bên trái chảy qua Vĩnh Điều, Thái Hòa, Vô Song, Sơn Bạn, Tu Vũ, Phượng Mao, Lăng Sương, Đồng Luận, Đoan Thượng, Đoan Hạ, Bảo Khang, Thượng Lạc, Đồng Lâm, La Phù, Hoa Thôn, Thạch Uyển, Quang Bị, Hạ Bì, La Thượng, La Hạ thuộc huyện Bất Bạt, đến Hoàng Cương, Hạ Nông và xứ Gót Nung thuộc huyện Tam Nông hợp lưu với sông Thao."
Lưu vực có tiềm năng tài nguyên to lớn với nhiều loại khoáng sản quý hiếm, các hệ sinh thái đặc trưng các nguồn sinh vật với mức đa dạng sinh học cao.Hiện tại đã có 10 cây cầu bắc qua sông Đà.
Sông có lưu lượng nước lớn, cung cấp 31% lượng nước cho sông Hồng và là một nguồn tài nguyên thủy điện lớn cho ngành công nghiệp điện Việt Nam. Năm 1994, khánh thành nhà máy thủy điện Hoà Bình có công suất 1.920 MW với 8 tổ máy. Năm 2005, khởi công công trình thủy điện Sơn La với công suất theo thiết kế là 2.400 MW. Đang xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu 1.200 MW, dự kiến hoàn thành tháng 12 năm 2016. Ở thượng nguồn con sông này còn thủy điện Huội Quảng – Bản Chát có công suất 740MW. Như vậy Sông Đà đã cung cấp cho đất nước với tổng công suất 5 nhà máy thủy điện này lên tới 6.260 MW.
 Thủy điện Hòa Bình được coi là công trình thế kỷ, lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ, nhưng so với Thủy điện Sơn La “con rồng thủy điện” lớn nhất của nước ta thì cũng là “đàn em” mà thôi.
                                                ***
Như vậy, có thể nói công việc “trị thủy Sông Đà” đã thành công mỹ mãn. Tinh thần lao động không mệt mỏi của hàng vạn công nhân, kỹ sư, công trình sư và hàng ngàn bộ óc của con người được trang bị những kiến thức tầm cỡ thời đại đã bắt dòng sông hung bạo này trở nên hiền hòa, trữ tình.

           Ngày nay, chúng ta và mãi mãi sau này con cháu chúng ta có thể ung dung dạo thuyền trên 5 cái lòng hồ mênh mang mà trước đây là nơi mà 83 cái thác ghềnh nổi tiếng hiểm trở, hung dữ mà Vạn Bờ là nguy hiểm nhất ngự trị. Chỗ đó, ngày xưa là thác Bờ, chợ Bờ, động Thác Bờ và ngày nay là khu du lịch Thung Nai đẹp và hấp dẫn nhất Xứ Mường! Chỗ đó, giờ đây là 2 ngôi đền thờ Bà Chúa thác Bờ - người con gái của dân tộc Dao và dân tộc Mường đã có công giúp vua Lê đánh đánh thắng lũ xâm lược phương bắc.

Thư của những người thợ điện gửi thế hệ 2100.

Tại sân Nhà truyền thống Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình chóp cụt, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: "Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư sẽ được mở vào ngày 1-1-2100". "Kho lưu trữ" lá thư thực chất chỉ là một khối bê tông hình chóp cụt tứ giác đều (4 mặt bên hình thang) có cạnh đáy 2 mét, chiều cao 1,8 mét, cạnh trên 0,8 mét, nặng gần 10 tấn. Sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và đồng chí Đỗ Mười đồng ý, lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mời một số nhà văn, nhà báo, nhà trí thức tham gia viết thư. Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Mười cũng khuyên là vì Việt Nam chưa có tục lệ này, cho nên không được "chôn" vào lòng đập mà nên đặt ở chỗ nào trang trọng. Và thế là sau khi bàn bạc với chuyên gia Liên Xô, lãnh đạo tổng công ty quyết định đặt lá thư đó vào lòng khối bê tông. Lá thư hiện nay để trong khối bê tông là một công trình tập thể. Sau khi lá thư được hoàn chỉnh về nội dung, một cán bộ viết chữ đẹp được giao nhiệm vụ chép hai bản đó với tiếng Việt và tiếng Nga bằng mực Tàu.
          Cuối năm 1956, trên những chiếc xe ca mang nhãn hiệu Trai-ca (tiếng Nga dịch sang tiếng Việt là Hải âu) của nhân dân Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đoàn cán bộ tăng cường cho Khu Tư trị Thái Mèo (sau đổi thành Khu Tự trị Tây Bắc) lên đến thị xã Hòa Bình trong một buổi sáng đẹp trời. Đoàn được Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình đón tiếp rất nồng nhiệt. Trong buổi gặp gỡ này có một số học sinh con em miền Nam cùng dự. Tôi có chụp mấy kiểu ảnh để làm kỷ niệm. Tôi nhớ có 2 em lớn nhất lớp tên là Ngọc Nữ và Lệ Thu. Lâu quá, ảnh mất mà tin người cũng vắng?!
          Đoàn chúng tôi được ra thăm Sông Đà.  Đây là đoạn sông mà sau này, Việt Nam và Liên Xô khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành thì đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.
Công trình khởi công xây dựng ngày 6 tháng 11 năm 1979, khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).
Ngày 12 tháng 01 năm 1983: Ngăn sông Đà đợt 1
Ngày 09 tháng 01 năm 1986: Ngăn sông Đà đợt 2
Ngày 30 tháng 12 năm 1988: Tổ máy số 1 hòa lưới điện quốc gia.
Ngày 04 tháng 04 năm 1994: Tổ máy số 8 hòa lưới điện quốc gia.
Ngày 20 tháng 12 năm 1994, sau 15 năm xây dựng công trình, trong đó có 9 năm vừa quản lý vận hành vừa giám sát thi công các tổ máy, Nhà máy thủy điện Hoà Bình đã được khánh thành. Vốn đầu tư công trình Nhà máy Thủy điện Hoà Bình với giá trị là: 1.904.783.458.926 đồng. Số tròn gần 2.000 tỷ đồng.
. Công trình thủy điện Hòa Bình góp phần quan trọng vào việc phòng chống lũ lụt cho vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội. Tưới tiêu, chống hạn cho nông nghiệp. Đập thủy điện Hòa Bình góp phần quan trọng vào việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu trong đó có đồng bằng sông Hồng, nhất là trong mùa khô. Điều tiết mực nước sông đồng thời đẩy nước mặn ra xa các cửa sông.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình là nguồn cung cấp điện chủ lực của toàn bộ hệ thống điện Việt Nam. Năm 1994, cùng với việc khánh thành nhà máy và tiến hành xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam từ Hòa Bình tới trạm Phú Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) hình thành một mạng lưới điện quốc gia. Công trình này góp phần đắc lực trong việc cung cấp nguồn điện cho miền nam và miền trung Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng thủy điện Hòa Bình,168 người đã hy sinh,trong đó có 11 công dân Liên Xô. Chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ những người con của đất nước Lénin, của những đại văn hào, thi hào Lev Tolstôi, Marxim Gorki, Puskin. Maiacovski...
Bia tưởng niệm những người đã hy sinh vẫn còn ở đây.
                  
                                                ***

Khi trở về Hà Nội, chúng tôi đi qua thành phố Hòa Bình. Đây là một thành phố trẻ, đường phố rộng thênh thang, nhà cửa phần lớn là nhà xây mái bằng. Vỉa hè phong quang. Có nhiều biệt thự núp trong vườn cây ăn trái. Các công sở đều được xây mới theo kiểu kiến trúc hiện đại, (thay cho những ngôi nhà tranh tre nứa lá mà hơn 60 năm về trước (1956) khi đoàn cán bộ tăng cường cho Tây Bắc ghé lại thị xã Hòa Bình). Ngang qua trụ sở Hội Văn học-Nghệ thuật Hòa Bình, tôi bỗng nhớ về một kỷ niệm. Tôi nhớ về người bạn tâm giao-nhà văn Nguyễn Duy Thinh- vốn là kỹ sư địa chất - khi anh cùng tôi dự trại Sáng tác Đà Lạt, anh đã viết một cái truyện ngắn Hoa pensée chiều mưa Đà Lạt lấy ý tưởng từ tác phẩm Bình minh mưa của nhà văn Nga Pautovski và cốt chuyện là mối tình đầu của tôi. Truyện ngắn này được đăng tải trên tờ Văn nghệ Hòa Bình. Lúc này nhà văn Nguyễn Anh Viên làm chủ tịch Hội kiêm tổng biên tập tờ Văn nghệ Hòa Bình. (xin xem blog của tôi: xuanbaohanoi.blogspot.com.vn bài số 56 có tựa đề Tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Duy Thinh, trên đó có truyện ngắn Hoa pensée chiều mưa Đà Lạt. Lúc sinh thời, có lần nhà văn Nguyễn Duy Thinh cho tôi biết khi anh đi tìm quặng ở núi rừng Hòa Bình, anh đã quen biết và chơi thân với nhà văn Nguyễn Anh Viên.

                                                ***

Đường dây 500 kV Bắc-Nam và những tai tiếng.

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đề xướng xây dựng đường dây 500 kV Bắc Nam. Và người giúp việc đắc lực nhất cho đề án này được thành công là bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải. Tôi còn nhớ, khoảng mùa thu năm 1994, tôi được mời dự nghe báo cáo tiến độ Công trình Đường dây 500 kV tại hội trường Công ty Điện lực miền Nam. Một tấm bản đồ giăng hết sân khấu. Trên đó ghi chú những địa phương đường dây sẽ đi qua. Những số liệu về khảo sát, thiết kế và thi công…
Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 là công trình đường dây truyền tải điện năng (điện xoay chiều) siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam có tổng chiều dài 1.487 km, kéo dài từ Hòa Bình đến thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu xây dựng công trình là nhằm truyền tải lượng điện năng dư thừa từ Miền Bắc Việt Nam (từ cụm các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình) để cung cấp cho miền Nam Việt Nam và miền Trung Việt Nam lúc đó đang thiếu điện nghiêm trọng, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba Miền thành một khối thống nhất.
Đường dây 500kV Bắc - Nam, bên trái là mạch 1, bên phải là mạch 2 (mỗi mạch có 3 pha, mỗi pha có 4 dây)
Từ sau chủ trương đổi mới vào năm 1986, kinh tế Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực. Giai đoạn 1990 – 1995, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% đến 14%, GDP tăng từ 5,1% vào năm 1990 đến 9,5% vào năm 1995. Nhu cầu tiêu thụ điện năng cũng gia tăng hằng năm, cụ thể là 13,12% vào năm 1993; 18,43% vào năm 1994 và 20,62% vào năm 1995 (so với năm trước). Khu vực miền Nam và thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển tốt về kinh tế nhưng việc phát triển nguồn điện ở khu vực này không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng. Trong giai đoạn từ 1991 đến 1994 chỉ có Nhà máy Nhiệt điện Bà Rịa - 230MW được đưa vào vận hành. Công suất lắp đặt của Miền Nam chỉ đáp ứng được 89,73% (lắp đặt 1005MW, nhu cầu 1120MW) nên phải hạn chế phụ tải bằng cách cắt điện luân phiên hoặc đột xuất hầu như tất cả các ngày trong tuần.
Khu vực miền Trung được cấp điện chủ yếu qua đường dây 220kV Vinh – Đồng Hới lấy điện từ Hòa Bình, đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ. Do đường dây quá dài nên công suất truyền tải bị hạn chế và chất lượng điện cuối nguồn không đảm bảo, thường xuyên bị sụp đổ điện áp ở các khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi. Công suất lắp đặt của miền Trung chỉ đáp ứng được 40,91% nhu cầu (lắp đặt 90MW, nhu cầu 220MW).
Việc xây dựng đường dây siêu cao áp thống nhất hệ thống điện đã được đề cập đến trong tổng sơ đồ phát triển lưới điện giai đoạn 1 (1981 – 1985) của Việt Nam được thiết lập với sự hợp tác của Liên Xô. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của công trình do Nhật Bản tài trợ thực hiện tặng cho Chính phủ Việt Nam. Đến ngày 25/2/1992, Chính phủ phê duyệt Luận chứng kinh tế – kỹ thuật với quyết định thời gian hoàn thành là 2 năm và do thời gian khẩn cấp nên cho phép thực hiện theo phương thức khảo sát, thiết kế, nhập vật tư - thiết bị và thi công thực hiện song song.
Năm 1990: Khảo sát lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Từ cuối năm 1991 – 1992: Khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật. Năm 1993: Khảo sát kỹ thuật từng vị trí và lập bản vẽ thi công.
Khối lượng khảo sát của công trình rất lớn với khoảng 2000 km khảo sát đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500 km lập mặt cắt dọc pha; 200ha phục vụ đo bình đồ tỉ lệ 1/200 tại các góc lái; 5200m khoan thăm dò ở các vị trí có nguy cơ sạt lở; thí nghiệm khoảng 15000 mẫu đất đá... trên tổng chiều dài 1487 km đường dây và 5 trạm biến áp.
Thiết kế của công trình đã được phản biện bởi nhiều cơ quan trong nước như Viện Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội và các nhà chuyên môn độc lập trong nước. Mô hình thiết kế về sơ đồ, dung lượng bù, chế độ vận hành và ổn định hệ thống, thông số thiết bị, sơ đồ liên động... cũng được nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật và kiểm chứng như Viện Thiết kế Lưới Ukraina, Viện Thiết kế Lưới Saint Peterburg (Cộng hòa Liên Bang Nga), Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty Hydro Queebec (Canada) hỗ trợ tính toán ổn định, Công ty Tractebel (Bỉ) hỗ trợ đào tạo thí nghiệm; Công ty PPI (Pacific Power International), bang New South Wales - Úc và SECVI (State Electricity Commission of Victoria International), bang Victoria – Úc hỗ trợ tư vấn giám sát, đào tạo quản lý vận hành, an toàn... dưới sự tài trợ của Chính phủ Úc.
Mục tiêu thiết kế đường dây là để truyền tải sản lượng khoảng 2.000GWh vào Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm với công suất đỉnh là 600MW - 800MW; độ tin cậy là 0,8 sự cố trên 100 km đường dây mỗi năm (tương đương 12 sự cố cho toàn đường dây một năm).
Đường dây 500kV Bắc – Nam có tổng chiều dài 1487 km, có 3437 cột điện tháp sắt đi qua 14 tỉnh thành: Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Sông Bé (nay là các tỉnh Bình Phước, Bình Dương), Long An, thành phố Hồ Chí Minh; trong đó qua vùng đồng bằng là 297 km (chiếm 20%), trung du – cao nguyên là 669 km (chiếm 45%), núi cao, rừng rậm là 521 km (chiếm 35%) với 8 lần vượt sông: sông Đà, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Hương, sông Sài Gòn và 17 lần vượt quốc lộ.
Công trình được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5/4/1992 tại các vị trí móng số 54, 852, 2702 và khởi công phần trạm biếp áp vào ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm, thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị thi công chính của công trình là Tổng Công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà và 4 Công ty Xây lắp điện 1, 2, 3, 4 thuộc Bộ Năng lượng.
Các trạm biến áp và trạm bù do nhà thầu Merlin Gerin – Pháp cung cấp thiết bị, thiết kế phần nhị thứ; các Công ty Xây lắp điện thực hiện việc lắp đặt thiết bị, đấu nối, các Trung tâm Thí nghiệm điện kiểm tra, thí nghiệm thiết bị. Tất cả đều được đặt dưới sự giám sát của các chuyên gia từ nhà thầu Merlin Gerin, các Công ty cung cấp thiết bị và 2 đơn vị tư vấn giám sát của Úc là PPI và SECVI.
Tổng nhân lực huy động chính thức trên công trường của các đơn vị xây lắp là khoảng 8000 người sau bổ sung thêm 4000 người thi công các khối lượng chính của công trình. Các khối lượng phụ trợ như giải phóng tuyến, làm đường, vận chuyển... do các đơn vị hỗ trợ thực hiện như lực lượng quân đội gần 4000 người (gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3); các đơn vị xây lắp tại 14 tỉnh thành đường dây đi qua gần 7000 người; các đơn vị chuyên ngành cầu đường như Công ty Cầu Thăng Long, Xí Nghiệp F19 của Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị xây dựng cầu đường địa phương hỗ trợ thiết bị đóng cọc, xay đá, trộn bêtông...; khối lượng rà phá bom mìn trải dài trên diện tích khoảng 17000ha do các đơn vị Bộ đội công binh thực hiện.
Đến tháng 4/1994, cơ bản công trình được xây dựng hoàn tất với khối lượng sơ bộ gồm lắp dựng 3437 cột tháp sắt (trong đó có 12 vị trí đảo pha); căng 1487 km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000m3 bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.
Phần trạm biến áp gồm 5 trạm Hòa Bình, Hà Tĩnh (trạm bù), Đà Nẵng, Pleiku, Phú Lâm. Giai đoạn 1 (5/1994) chỉ mới lắp đặt 1 tổ máy 550/220/35kV - 3x150MVA tại trạm Hòa Bình và 1 tổ máy 3x150MVA tại trạm Phú Lâm. Đến tháng 9/1994, lắp đặt thêm 3 tổ máy biến áp 550/220/35kV – 3x150MVA tại các trạm Hòa Bình, Phú Lâm, Đà Nẵng và đến tháng 11/1994, lắp đặt thêm 1 tổ máy biến áp 550/220/35kV – 3x150MVA tại trạm Pleiku.
Phần nhà điều hành Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia với hệ thống SCADA theo dõi thông số vận hành toàn hệ thống điện cũng được hoàn thành vào đầu năm 1994.
Lúc 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.
Tổng chi phí đầu tư cho công trình là 5.488,39 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 700 triệu đô la Úc hay 544 triệu đô la Mỹ) Phần tài trợ của Chính phủ Úc có tổng giá trị 6,5184 triệu đô la Úc thông qua chương trình Private Sector Linkages do tổ chức hợp tác quốc tế AusAID điều hành, phần đóng góp chính là của tập đoàn năng lượng Austenergy,
Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu khoản tài trợ này sau khi không đạt được thỏa thuận về việc tài trợ cho gói thầu tư vấn với Chính phủ Bỉ. Do công trình đã triển khai được 3 tháng nên ngay sau khi được Chính phủ Úc chấp thuận, AusAID đã vận dụng chương trình Private Sector Linkages để kịp cấp vốn cho gói thầu tư vấn. Năm 1997, trong báo cáo tổng kết đánh giá hiệu quả nguồn vốn tài trợ, AusAID đã đánh giá cao hiệu quả của khoản tài trợ này cho cả lợi ích phía Việt Nam và Úc.
Sau khi hoàn thành, đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 được bàn giao cho các Công ty Điện lực 1, 2, 3 quản lý. Đến năm 1995, ngành điện thay đổi cơ cấu tổ chức, thành lập Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam- EVN),
Trong quá trình vận hành, đã xảy ra một số sự cố sạt lở móng cột do mưa, bão ở Phước Sơn, Đắc Lây, Đắc Nông, Krôngnô. Các sự cố trạm nghiêm trọng là sự cố cháy pha C máy biến áp 500kV tại trạm Hòa Bình vào ngày 26/4/2000 do sét đánh và sự cố cháy pha B máy biến áp 500kV tại trạm Đà Nẵng vào ngày 18/8/2007.
Công tác bảo vệ an ninh cho việc quản lý vận hành đường dây cũng đã được đặt ra ngay từ khi đóng điện vận hành dựa trên sự phối hợp giữa các Bộ Năng lượng, Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) và Bộ Quốc phòng với các Ban chỉ đạo bảo vệ đường dây tại các tỉnh có đường dây đi qua. Dọc tuyến đường dây có bố trí 342 chốt gác, mỗi chốt cách nhau từ 5 km đến 10 km tùy theo địa hình với khoảng 1500 người ở các địa phương tham gia.
Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được đưa vào vận hành vào tháng 5/1994, cơ bản đã giải quyết được tình trạng thiếu điện của miền Nam. Sau khi đóng điện đưa vào vận hành máy biến áp 500kV tại Đà Nẵng (9/1994) và Pleiku (11/1994), tình hình cung cấp điện cho miền Trung đã được giải quyết căn cơ.
Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 1997, công suất truyền tải chủ yếu từ Bắc vào Nam và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sản lượng cung cấp của miền Nam và miền Trung. Sản lượng phát ra ở Hòa Bình: 9,170 tỷ kWh
Công trình đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 đã xảy ra một vụ tai tiếng mua bán lòng vòng 4.000 tấn sắt thép của một số đối tượng thuộc Công ty Vinapol (Hội hữu nghị Việt Nam - Ba Lan) thông đồng với Ban Quản lý Dự án đường dây 500kV để hưởng chênh lệch 3,1 tỷ đồng. Sau khi bị phát hiện, vụ việc được quy trách nhiệm cho thư "giới thiệu" của ông Vũ Ngọc Hải – Bộ trưởng Bộ Năng lượng đương thời. Ông bị kết tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, bị kết án ba năm tù giam và thụ án tại Trại giam Thanh Xuân (thuộc V26, Bộ Công an), nhưng chỉ ở tù một năm thì được ân xá. Vụ án này còn truy tố, 2 phó Tổng Giám đốc, 2 phó Giám đốc và một số nhân vật khác, thu hồi 3,1 tỷ đồng đã thất thoát. Vụ này là tai tiếng lớn nhất từ trước đến nay.
Trong thời gian thụ án, ngày 28/05/1994, một ngày sau khi đóng điện thành công, ông Hải được Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào nhà tù để gắn kỉ niệm chương vì những công trạng của ông đã đóng góp cho công trình này. Ông Vũ Ngọc Hải là nhân vật chủ xướng lập đề án và đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định xây dựng công trình đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1.
Vụ tai tiếng thứ 2 là lúc 13h40 ngày 22/5/2013, tại đoạn đường dây 500 kV tuyến Di Linh - Tân Định, qua khu vực phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), tài xế Ngô Tấn Thảo điều khiển xe cẩu, cẩu cây dầu cao hơn 10 m tại vườn ươm gần đấy. Anh Thảo để phần ngọn cây dầu đụng vào đường dây 500 KV gây ra một tiếng nổ lớn. Ngay sau đó, toàn bộ khu vực này bị mất điện.
Đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 phát huy ngay tác dụng trong toàn xã hội khi ngay sau khi đóng điện vận hành, tình trạng cắt điện luân phiên ở thành phố Hồ Chí Minh chấm dứt và nguồn cung cấp điện ổn định trong nhiều năm.
Dự án đường dây 500kV Bắc – Nam mạch 1 cũng được biết đến với thời gian xây dựng nhanh kỉ lục (2 năm). Tuy nhiên, do tiến hành khẩn trương, nên nhiều đánh giá về tác động đến môi trường, về lợi ích kinh tế, về tác động xã hội... đã bị bỏ qua. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, dự án cũng vấp phải những ý kiến hoài nghi của nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước (trong đó có cả Ngân hàng Thế giới) nghi ngờ sự thành công của dự án. Đặc biệt, ngay trong nội bộ Đảng Cộng sản cũng có ý kiến phản đối quyết liệt cho rằng chủ trương làm dường dây 500kV là chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tiền của nhà nước. Lấy tiền của nhà nước để gây thanh danh cá nhân?
Nhưng thành công của đường dây 500kV là chủ yếu, là điều không thể chối cãi! Chỉ có tấm lòng vì nước vì dân của vị đứng đầu chính phủ - cố thủ tướng Võ Văn Kiệt – một lãnh tụ xuất sắc của toàn dân nên giờ đây đã chấm dứt được tình trạng  “đói điện” cho cả nước.
Tôi có bài thơ Những nốt nhạc đường dây để ca ngợi những người thợ điện thân yêu của chúng ta:
          Một con chim sà xuống
          Hai con chim sà xuống
          Và ba, bốn, năm con chim đậu lên hàng dây điện
          Dây điện rung cùng đàn đá Bình Đa

          Mỗi con chim là một nốt nhạc
          Đồ rê mi pha son la
          In vào không gian năm dòng kẻ
          Viết lên bản nhạc Ánh sáng quê nhà

          Một người thợ, hai người thợ
          Và ba, bốn, năm người thợ
          Vai oằn dưới sức nặng đường dây
          Kéo căng cáp điện

          Lưới điện dài ra mỗi ngày
          Bóng dáng các anh, lung cong khóa nhạc
          Lơ lửng trên cao chạm vào từng mây
          Rung lên xòn là pha mí…

          Điện về sáng một vùng quê
          Sáng sách em thơ ê a học bài
          Sáng lên những chuỗi ngày tăm tối
         
          Những con chim và những người thợ
          Là những nốt nhạc vui
          Của mọi cuộc đời.




          (Còn tiếp: Phần 5 – Thăm nàng công chúa Mỵ Châu) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét