Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2017

186. Xuân Đinh Dậu Hà Thành du ký (Phần 5)


186.XUÂN ĐINH DẬU HÀ THÀNH DU KÝ.

     5. Thăm nàng công chúa Mỵ Châu.

Tuy tôi sống ở Hà Nội hơn 20 năm (1955-1975) nhưng hiểu biết về Cổ Loa thành còn quá sơ sài. Lần này về thủ đô, tôi quyết định đưa nhà tôi và các cháu về thăm đền Thục Phán An Dương Vương và tìm hiểu kỹ về nàng công chúa Mỵ Châu. Thục Phán An Dương Vương là người đã tìm ra thế đất để đóng đô của một vương quốc bản địa hùng mạnh trước khi nhà Hán tới. Cổ Loa có chức năng như là một thủ đô của một chính thể phân tầng của người Việt trong thế kỷ thứ III TCN.
Sáng ngày 13/02/2017, chúng tôi thăm Cổ Loa. Đây là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ được liệt vào Di tích Quốc gia đặc biệt.
Cổ Loa cách Hà Nội non hai chục cây số, nằm ở phía nam huyện Đông Anh. Xã Cổ Loa đông giáp xã Dục Tú, nam giáp các xã Mai Lâm và Đông Hội, tây giáp các xã Xuân Canh và Vĩnh Ngọc, bắc giáp các xã Uy Nỗ và Việt Hùng. Xã Cổ Loa gồm các thôn: Cổ Loa, Cầu Cả, Mạch Tràng, Thư Cưu, Sàn Giã.
Đầu thế kỷ thứ XIX, Cổ Loa là một làng và cũng là một xã lớn thuộc tổng   Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc.
Năm 1876, tổng Cổ Loa được tách khỏi huyện Đông Ngàn, để lệ thuộc huyện Đông Anh mới được thành lập. Từ tháng 10 năm 1901, huyện Đông Anh được đưa về tỉnh Phù Lỗ mới thành lập. Từ tháng 2 năm 1904, tỉnh Phù Lỗ đổi tên thành tỉnh Phúc Yên.
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), làng Cổ Loa hợp nhất với các làng bên thành xã Thục Vương thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. Năm 1949, xã Thục Vương được hợp nhất với xã Đạt Tam thành xã Hồng Lạc, sau đó lại đổi thành xã Độc Lập. Từ năm 1950, xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Về sau, xã Độc Lập được chia thành hai xã, trong đó có xã Quyết Tâm gồm các thôn: Cổ Loa, Cầu Cả, Mạch Tràng, Thư Cưu, Sàn Giã và Đài Bi.
Từ tháng 6 - 1961, xã Quyết Tâm cùng 22 xã khác của huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Phúc được chuyển về Hà Nội. Năm 1965, xã Quyết Tâm được đổi tên thành Cổ Loa. Năm 1970, thôn Đài Bi được cắt sang xã Uy Nỗ.
Làng Cổ Loa xưa là một làng lớn, có 12 xóm, người dân sống trong ba vòng thành cổ. Xã Cổ Loa hiện tại có diện tích 8,02 cây số vuông với 16.514 người.
Cổ Loa có sông Hoàng Giang (còn gọi là sông Thiếp), vốn là một nhánh của sông Ngũ Huyện Khê chảy qua, có Quốc lộ số 3 Hà Nội - Thái Nguyên, nên rất thuận tiện về giao lưu thủy bộ.
Cổ Loa xưa có nông nghiệp trồng lúa trong những cánh đồng thấp trũng kết hợp trồng các loại hoa màu trên các dải đất cao. Nghề thủ công có làm bún, rèn. Làng có chợ Sa, nổi tiếng là chợ lớn ở Kinh Bắc.
Tuy đã qua Hội làng hơn một tuần. Hội làng Cổ Loa (ngày mồng sáu tháng Giêng – ngày này là ngày An Dương Vương lên ngôi hoàng đế kế nghiệp triều Hùng- 257 TCN) là một hội lớn, có 8 xã trong vùng là Cổ Loa, Mạch Tràng, Sàn Giã, Thư Cưu, Cầu Cả (đều thuộc xã Cổ Loa ngày nay), Văn Thượng, Vạn Lộc (xã Xuân Canh), Đài Bi (xã Uy Nỗ) cùng tham gia.
Ngay tại đầu làng vẫn còn cổng chào, cờ xí, phần lớn là cờ ngũ hành, pa-nô áp phích, khẩu hiệu, đỏ rực cả một vùng trời.
Tôi vào Nhà trưng bày và được các cháu là cán bộ Ban Quản lý Khu Di tích đón tiếp niềm nở. Tôi hỏi có tài liệu giới thiệu về Cổ Loa thì được các cháu mang ra biếu tôi 2 cuốn sách: Sự tích An Dương Vương xây thành ốc và cuốn Thiên tình sử Mỵ Châu-Trọng Thủy và một tập ảnh chụp các di tích Cổ Loa thành.Tôi vô cùng cảm kích.
 Chúng tôi vào thắp nhang đền Thượng thờ vua Thục Phán. Đền được dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới được làm lại hồi đầu thế kỷ 20, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền.

                                                ***
 Lại nói về cội nguồn của Thục Phán. Tổ phụ An Dương là họ Thục, tổ mẫu là Đào, húy là Nhàn. Mộng chiêm bao bà thấy rồng vàng phun nước bèn có thai. Ngày 11 tháng Tám năm Nhâm Thìn, bà sinh con đặt tên là Phán, hiệu An Dương. An Dương thiên tư dĩnh ngộ, thể mạo khác thường, đến tuổi trưởng thành thì văn võ toàn tài. Lớn lên, An Dương làm “bộ chủ Ai Lao” nghe tin Hùng Duệ Vương tuổi trời đã cao, sắp nhường ngôi cho con rể là Sơn Thánh, tức thì dấy binh cầu các nước láng giềng, chỉnh đốn mười vạn quân tinh nhuệ, tám nghìn ngựa chiến tiến thẳng đến miền đất Văn Lang cùng Sơn Thánh giao chiến giành ngôi báu nhưng vì Sơn Thánh có phép thần kỳ diệu của sách thần, có bí quyết niệm thần chú nên An Dương ba lần tiến đánh đều thất bại.
An Dương buồn lắm và vô cùng hối hận.An Dương liền sai sứ thần mang một trăm hốt vàng, một nghìn tấm gấm nhiễu long làm lễ dâng thư cầu hòa lên Hùng Duệ Vương.
 Thư viết: “Bộ chủ Ai Lao tôi họ Thục – An Dương vâng mệnh trời làm chúa tể một phương, vừa rồi có trót làm điều càn rỡ, không trọn kẻ bề tôi, đem phận nhỏ mà lấn át bậc lớn thật là đắc tội. Thế mà đất nước muôn phần toàn vẹn quả là nhờ hồng phúc của Hoàng đế.
Nay thiết nghĩ tôi vốn là chi phái nhà họ Hùng. Việc khai cơ sáng nghiệp cũng nhờ công đức của cha ông. Việc trị nước, giữ nhà cũng may có phúc lành, còn con còn cháu nghiệp lớn một phương phú quý được như thế.
Nay người lấy tổ làm gốc, vật lấy trời làm nguồn, thần chưa được tắm gội ơn sáng của bệ hạ, không biết lấy gì để thỏa linh hồn tiên mẫu nơi linh miếu.
Mỗi lần nghĩ đến tinh đẩu, lòng hoài cảm càng thêm trĩu nặng. Vì thế, thần không ngại bị trách mắng mạo phạm oai trời, cúi xin bệ hạ soi thấu sự tình ban ơn đến thần Thục này, chuẩn y cho được hòa thân, được phụng thờ, triều cống, may ra được ơn mưa móc của Hoàng thượng, ngõ hầu không phụ nguyện vọng lúc bình sinh của phận con cháu vậy”.
Hùng Duệ Vương xem thư, nhân có Sơn Thánh đứng hầu, hỏi Sơn Thánh rằng:
-Thục chúa vốn là dòng dõi của Tiên đế ta, trước đây buông thả làm điều ngạo ngược dám đến xâm phạm, may mà ý trời còn muốn giữ cơ nghiệp họ Hùng chưa mất, nay Thục chúa lại xin cầu hòa, trẫm muốn tướng quân hãy xem xét kỹ, rồi báo cho trẫm biết như thế nào?
  Sơn Thánh quỳ trước mặt rồng tâu rằng:
-Thục chúa đã là dòng dõi của Hoàng đế làm chúa tể một phương, vừa rồi định đến xâm chiếm khiến bệ hạ phải bận tâm, âu cũng là trời dẫn dắt quốc gia sang một bước mới sau mười tám cơ đồ họ Hùng đấy thôi, có đến nỗi gì khiến bệ hạ phải chất chứa lòng oán giận như vậy. Nay Thục Phán xin được cầu hòa, ấy là biết tiến, biết thoái, thế thì Thục chúa cũng là bậc vua hiền vậy. Tính mưu kế cho ngày nay thì chẳng gì bằng mở tấm lòng đại độ cho Thục được hòa thân, đấy là sự anh minh của bệ hạ, vả lại nếu vận nhà Hùng đã đến hồi cuối thì cũng là ý trời định sẵn rồi. Bệ hạ hãy nhân việc này gọi Thục Phán đến, nhường ngôi cho, như thế là công việc thánh minh của bệ hạ hoàn thành. Bệ hạ và thần đã có phép thuật thần tiên, còn gì bằng một cuộc nhàn du thân vượt ba cõi lặng lẽ cùng mùa xuân vĩnh cữu nơi Lãng Uyển, Bồng Hồ, lầu rồng, gác phượng không bận cõi trần chật hẹp, nước biếc non xanh, người quân tử chẳng vui lắm sao!
          Thần xin bệ hạ nghe kế đó, hãy quyết đoán ngay, đừng hồ nghi nữa.
          Hùng Duệ Vương nói:
-         Lời khanh quả đúng, quả đúng! Trẫm làm theo kế đó.
          Hùng Duệ Vương liền triệu Thục Phán An Dương đến nhường ngôi kế nghiệp triều Hùng. Một hôm Hùng Duệ Vương hạ nhàn ngâm thơ rằng:
          Nơi cửa động tiên bồng
          Sắc cỏ xanh mùa xuân đã cũ rồi
          Trước cung điện các triều vua
          Rêu đã lên màu xanh mới
Ngoảnh đầu nhìn lại bao việc xẩy ra trên đời. Hỏi cùng Trời cớ gì cứ phải khổ mãi vì đua tranh trong gió bụi? Ngâm thơ xong, Hùng Duệ Vương cùng Sơn Thánh và công chúa bay lên trời vào cõi hóa sinh bất diệt.

                                                ***
Viết đến đây, tôi lại nghĩ về nòi giống con rồng cháu tiên của người Việt. Thực ra, họ Hồng Bàng trị vì nước Văn Lang với vương hiệu Hùng Vương không phải chỉ có 18 đời (18 ông vua) mà là 18 chi, mỗi chi có nhiều đời vua. Trong ngôi đền chính tại Đền Hùng tại xã Hy Cương (Phú Thọ) có một bài vị chung thờ các vị Vua Hùng, có hàng chữ “Đột Ngột Cao Sơn Cổ Hùng Thị thập bát thế thánh vương, thánh vị”. Do tục thờ cúng tổ tiên chỉ thờ vị khai sáng đầu tiên, nên chữ “thập bát thế” có thể hiểu là 18 vương hiệu của các vị Tổ đầu tiên của 18 chi Hùng Vương, đã thay nhau cầm quyền trên đất nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên. Điều này giải thích hợp lý sự tồn tại 2.621 năm từ 2.879 đến 258 TCN.
18 chi bắt đầu từ chi Càn là Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 trước Tây lịch) lên ngôi năm 41 tuổi. Và những vị vua kế tiếp trong chi này không thấy ghi. Chi này ở ngôi 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây lịch) đến năm Đinh Hợi (2794 trước Tây lịch) – ngang với Trung Quốc vào thời đại Tam Hoàng.
Kế tiếp, chi thứ hai chi Khảm là Hùng hiền Vương tức Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, sinh năm Bính Thìn (2825 trước Tây lịch), lên ngôi lúc 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi 269 năm, đều xưng là Hùng Hiền Vương, từ năm Mậu Tý (2793 trước Tây lịch) đến năm Bính Thìn (2525 trước Tây lịch) – ngang với Trung Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ Đế).
Chi  thứ 18 là chi cuối cùng thuộc chi Quý Hùng Duệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 trước Tây lịch), lên ngôi khi 14 tuổi, truyền không rõ mấy đời vua (có lẽ 3 đời) vì căn cứ bài vị thờ “Tam vị Quốc chúa” ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội. Chi Quý ở ngôi 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 trước Tây lịch)  đến năm Quý Mão (258 trước Tây lịch) – ngang với năm thứ 17 đời Uy Liệt Vương, đến đời thứ 56 đời Noãn Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.
Vua Kinh Duệ Vương cuối cùng của triều Hùng tên thật là gì thì không thấy sử ghi.
 Câu chuyện vua cùng Sơn Thánh và công chúa bay lên trời như tôi đã trích từ sách Sự tích An Dương Vương xây thành Ốc của tác giả Chu Trinh do Nhà Xuất bản Thanh Hóa, tái bản lần thứ 6 năm 2015 là nhuốm màu thần thoại. Có hay không Thư cầu hòa của An Dương gửi Kinh Duệ Vương? Có hay không Kinh Duệ Vương triệu An Dương đến để nhường ngôi báu?
Ngày nay, con cháu vua Hùng chỉ biết rằng đến năm 257 TCN thì An Dương Vương Thục Phán kế nhiệm một triều đại sụp đổ.
Nói gì thì nói, có một điều khẳng định Thục Phán An Dương Vương là lãnh đạo của người Âu Việt đóng ở phía bắc nước Văn Lang. Ông là người tiêu diệt nước Văn Lang, thống nhất 2 nhóm Âu Việt và Lạc Việt vào một quốc gia.Tên nước là Âu Lạc. Đây chính là tổ tiên của người Kinh ở Việt Nam ngày nay.
Cùng thời gian này bên Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng sáp nhập 6 nước sau nhiều năm hỗn chiến thời Chiến quốc. Tần tham vọng xâm chiếm Bách Việt (vùng đất đai của các bộ tộc Việt ở phía nam Trung Quốc và bắc Việt Nam ngày nay. Đạo quân xâm lược nhà Tần do Đồ Thư chỉ huy đã đánh chiếm nhiều vùng đất của Bách Việt, nhập vào lãnh thổ Trung Hoa. Khi vào lãnh thổ Âu Lạc, quân Tần gặp phải cuộc trường kỳ kháng chiến của nhân dân ta do Thục Phán chỉ huy.
Năm 218 (TCN), Tần Thủy Hoàng huy động 50 vạn quân chia thành 5 đạo đi chinh phục Bách Việt. Để tiến xuống miền nam, đi sâu vào đất Việt, đạo quân thứ nhất phải đào con kênh nối sông Lương (vùng An Hưng – Trung Quốc ngày nay) để chở lương thực. Nhờ đó, Đồ Thư đã vào được đất Tây Âu, giết tù trưởng, chiếm đất rồi tiến vào Lạc Việt. Thục Phán được các Lạc tướng suy tôn làm lãnh tụ chung chỉ huy cuộc kháng chiến này. Quân Tần đi đến đâu, nhân dân Việt làm “vườn không, nhà trống” đến đó. Quân Tần dần lâm vào tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Khi quân Tần kiệt sức là lúc quân dân Việt xung trận. Đồ Thư thống lĩnh phải bỏ mạng, quân Tần mở đường máu chạy về nước.
Còn theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2 thì: “đạo thứ nhất của quân Tần đã đi bằng thuyền nhỏ theo sông Tả Giang, từ Ninh Minh lên Thủy Khẩu, Tà Lùng đến Cao Bình. Thục Phán sai tướng Lý Bính phục quân ở đoạn Hát Gia. Khi quân Tần tiến đến nơi này thì bị quân Thục thả gỗ, ném đá, phóng lao, bắn tên xuống thuyền làm cho giặc bị thương, bị chết vô số kể…”
Hiện thời, ở khu vực Hát Gia, người dân tình cờ phát hiện ra mũi tên đồng có một ngạnh đã han rỉ ở bãi cát Sóoc Luông hay một số kim khí ở Soóc Lấc.
 Sau gần 10 năm kháng chiến, quân dân Âu Việt, Lạc Việt giành được độc lập. Thục Phán củng cố và xây dựng lại đất nước.
Sau chiến thắng trước quân Tần, An Dương Vương quyết định giao cho tướng Cao Lỗ xây thành Cổ Loa.
Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó).
Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài, chu vi 8km, thành giữa, hình đa giác, chu vi 6,5km và thành trong hình chữ nhật, chu vi 1,6km. Thân thành ngày nay còn lại có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m.
Các cửa của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo, không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.
Ngày nay ta vẫn tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật...
Qua cổng làng, phía tay phải cũng là cổng thành trong là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa, nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy".
Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương! Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu.
Có hay không cái giếng ngọc, nơi Trọng Thủy gieo mình tự tử để tạ tình nàng Mỵ Châu? Tôi hoàn toàn không tin có chuyện đó. Tôi khẳng định rằng: cuộc hôn nhân Trọng Thủy – Mỵ Châu là cuộc hôn nhân gián điệp. Trọng Thủy là một tên xảo trá, lừa lọc, một tên ăn cắp không hơn không kém.
Người đời sau sáng tác ra Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, một câu chuyện mang đẫm màu sắc huyền thoại của lịch sử Việt Nam trong buổi đầu dựng nước. Thế nhưng, giá trị lớn nhất của lịch sử là « ôn cố tri tân », tức để cho hậu thế xem xét mà rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống. Trong Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu gắn liền với lịch sử ngàn năm Bắc Thuộc của nước Đại Nam thuở trước, bởi sự kiện An Dương Vương mất nước đã bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam. Câu chuyện này được sách sử ghi lại như thế nào?
Về chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu, Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau:…“Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, như hình trôn ốc, nên gọi là Loa Thành, lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn (Côn Lôn, vì thành rất cao). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi hưng công đắp lại.
Bính Ngọ, năm thứ 3 (255 TCN), (Đông Chu Quân năm thứ 1).Mùa xuân, tháng 3, bỗng có thần nhân đến cửa thành, trỏ vào thành cười mà nói rằng:  “Đắp đến bao giờ cho xong!” Vua mời vào điện hỏi. Thần nhân trả lời:  Đợi giang sứ đến sẽ biết. Rồi từ biệt đi ngay. Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, thấy có con rùa vàng từ phía đông bơi trên sông mà đến, xưng là Giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về duyên do thành sụp. Rùa vàng trả lời rằng: Con vua trước phụ vào tinh khí núi sông của đất này để báo thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi ấy có ma, là người con hát đời trước chết chôn ở đấy. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một người con gái và một con gà trắng là dư khí của tinh, phàm người qua lại mà ngủ đêm ở đấy, đều tất chết, do ma làm hại. Chúng có thể rủ  nhau họp thành lũ, làm đổ sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy đi, thì thành tự nhiên đắp xong được và bền vững. Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ nhờ. Chủ quán nói: "Ông là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa". Vua cười nói: "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi?".Rồi ngủ lại quán. Đến đêm nghe ma từ ngoài đến gọi mở cửa. Rùa vàng thét mắng, ma không vào được. Đến gà gáy thì lũ ma chạy tan. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Đến núi Thất Diệu thì tinh khí đi hết. Vua trở về quán. Đến sáng sớm, ông chủ quán cho là vua tất chết, sai người đến để nhặt xác đem chôn. Thấy vua vẫn cười nói như thường, mới sụp lạy rồi nói: "Ông được yên lành như thế, tất là thánh nhân! ". Vua xin con gà trắng giết để tế. Con gà ấy chết thì con gái chủ quán cũng chết. Vua liền sai người đào núi lên, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt tán thành tro, ném xuống sông, yêu khí mất hẳn.
Từ đấy, đắp thành không quá nửa tháng thì xong. Rùa vàng cáo từ ra về. Vua cảm tạ, hỏi rằng: "Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì mà chống giữ?” Rùa vàng bèn trút ra chiếc móng, trao cho vua và nói: "Nhà nước yên hay nguy, do tự số trời, nhưng người cũng nên phòng bị, nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì nữa. Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (có sách chép là Cao Thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy nỏ, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ”.(SĐD trang 72,73,74)
 Sở dĩ tôi chép đoạn này là theo đúng nguyên văn trong quyển Đại Việt Sử ký toàn thư, tập 1 (in lần thứ hai, có sửa chữa) do Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành năm 2014, là vì có nhiều sách in không đúng bản dịch của Viện Sử học Việt Nam.
Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại câu chuyện như vậy, và các thế hệ sử gia đời sau cũng tiếp nối, ghi lại câu chuyện nhuốm màu thần thoại này một cách tương tự.
Bài học mất nước thời dựng nước và sau đó ít lâu (từ năm 548-570 Tây lịch) cũng vì chiếc móng: móng rùa và móng rồng.Và tai họa ập đến cũng vì những thằng rể “mất dạy”.
 Triệu Việt Vương – họ Triệu, húy là Quang Phục lại bại vong vì quá yêu con gái để có tai họa vì con rể!? Sử thần Ngô Sĩ Liên bàn rằng: Đàn bà lấy chồng gọi là”quy” thì nhà chồng tức là nhà mình. Con gái của vua đã gả cho Nhã Lang thì sao không cho về nhà chồng mà lại theo tục của nhà Doanh Tần (cho ở gửi rể) đến nỗi bại vong.
 Và đây cũng lại một câu chuyện về chiếc móng; móng rồng.
“Vua ở trong chằm, thấy quân Lương không lui, mới đốt hương cầu đảo, khấn vái trời đất thần kỳ. Bấy giờ được phép lạ mũ đâu mâu ngù móng rồng dùng để đánh giặc; từ đấy quân thanh lừng lẫy, đến đâu cũng không ai địch nổi. (Tục truyền rằng thần nhân trong chằm là Chử Đồng Tử thường cưỡi rồng tự trời xuống, trút móng của rồng cho vua, bảo gài lên mũ đâu mâu để đành giặc).
Chàng rể là Nhã Lang, con trai Lý Phật Tử (Sử viết là Kỷ Hậu Lý). Lý Phật Tử là tướng của Lý Nam Đế. Lý Phật Tử đánh nhau với Triệu Việt Vương đến 5 lần giáp trận mà chưa phân thắng phụ nên xin giảng hòa. Và lại dùng cái mưu hôn nhân gián điệp để đánh vua bằng cách cầu hôn công chúa Cảo Nương cho con trai mình. Triệu Việt Vương cho Nhã Lang ở rể. Hãy nghe một đoạn thoại của Nhã Lang với vợ: “Trước vua cha chúng ta cừu thù với nhau, nay là thông gia, chẳng cũng hay lắm ư? Nhưng cha nàng (có) thuật gì mà có thể làm lui được quân của cha tôi? Cảo Nương không biết ý (xấu.XB) của chồng, lấy giấu mũ đâu mâu móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang ngầm đổi cái móng rồng ấy. (lại thêm một thằng ăn cắp nữa.XB). Rồi bảo riêng với Cảo Nương rằng: “Tôi nghĩ ơn sâu của cha mẹ nặng hơn trời đất, vợ chồng ta yêu quý nhau không nỡ xa nhau, nhưng tôi hãy tạm dứt tình về nhà thăm cha mẹ”. Nhã Lang về cùng cha bàn mưu đánh úp vua, chiếm lấy nước!
Đau lòng biết mấy, hỡi những ông vua cả tin!

                                                          ***
Ở đây, có hai sự thực lịch sử được phơi bày: Chuyện cái nỏ của người Âu Lạc và chuyện An Dương Vương mất nước.
Bàn về « nỏ thần » của người Việt, có lẽ vì người Việt khi ấy sử dụng rất hiệu quả vũ khí tên là « nỏ », bởi thế mà kẻ thù phương Bắc có phần khiếp sợ chăng ?
Về vấn đề này, sử gia Trần Thị Mai, Phó giáo sư, tiến sỹ lịch sử Việt Nam, trưởng Phòng sau đại học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :
«Nỏ là vũ khí để săn bắn thú rừng làm nguồn thức ăn. Nỏ là vũ khí để tự vệ khi đi nương, đi rẫy, đi rừng. Nỏ là vũ khí để tự vệ chống xâm lăng. Trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược nhà Tần (214 - 208 TCN) và trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà (206-179 TCN), nỏ là ưu thế quân sự của người Việt. Để chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà, tướng sĩ Âu Lạc đã sử dụng nỏ liên châu, một loại nỏ đã được cải tiến có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Nhờ đó, thành Cổ Loa đã được bảo vệ vững chắc trong hơn 20 năm trước sức tấn công của quận đội nhà Triệu. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Cổ Loa bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 1959 đã tìm thấy lẫy nỏ và hơn 10.000 mũi tên đồng, minh chứng cho kỹ thuật chế tác nỏ và khả năng sử dụng nỏ cùng mũi tên đồng của quân dân Âu Lạc thuở ấy ».
Như vậy, câu chuyện cái nỏ là có thật, « nỏ thần » trong truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu là để chỉ tài dùng nỏ « thần kỳ » của người Âu Lạc. Đó là một thế mạnh quân sự của người Âu Lạc làm khiếp sợ kẻ thù. Và bí quyết của sức mạnh quân sự đó đã bị kẻ thù nắm được, dẫn đến họa mất nước.
Sử gia Trần Thị Mai tổng kết bài học lịch sử đắt giá này như sau:
« Nỏ liên châu và mũi tên đồng là có thật. Trọng Thủy là nhân vật có thật, đã từng tham chiến cùng cha của ông là Triệu Đà trên chiến trường Âu Lạc. Tuy nhiên, câu chuyện Nỏ thần và chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy lại mang đậm chất hư cấu, huyền sử.
 Người xưa sáng tạo nên những câu chuyện này là muốn nhắc nhở chính mình và hậu thế không bao giờ được quên bài học cảnh giác, nhất là cảnh giác trước những âm mưu xảo quyệt của các thế lực ngoại xâm. Bài học về nàng Mỵ Châu "nỏ thần sơ ý trao tay giặc", về vua An Dương Vương mất cảnh giác nhận giặc làm con rể để “đến nỗi cơ đồ đắm biển sâu" thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó ».
Sử gia Trần Thị Mai mong muốn người Việt Nam luôn phải xem 4 câu thơ sau đây của thi sĩ Xứ Huế Tố Hữu là «câu kinh nhật niệm» để tự nhắc nhở mình: Đừng bao giờ chủ quan để mất cảnh giác trước kẻ thù xâm lược dù chúng đến từ phương trời nào.
"Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
Trái tim lầm chỗ để trên đầu.
Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu ".
Xuân Bảo



                                                                   (Viết xong bên bờ Phước Long Giang, nhân dịp  sắp đến Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mùng 10 tháng 3 năm Đinh Dậu),  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét