Trang

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

167. Ký ức về một làng quê yên ả.


167. Ký ức về một làng quê yên ả.

2- Ngôi làng ven sông.

Thôn Thượng Phước nằm ngay vị trí tiền chiến khu Ba Lòng, chỉ cách thị xã Quảng Trị không đầy 5 cây số, cách bốt Cầu Ga hơn 2 kilômet. Nhưng Thượng Phước được coi là vùng tự do. Làng Thượng Phước là một làng thuộc miền duyên sơn, là vùng đất bán sơn địa, chạy dài từ cuối làng An Đôn lên đến xóm Chuối, dưới Bến Trấm, dài trên 7 cây số và chiều rộng trung bình là 2 cây số -  nơi rộng nhất có thể lên tới 4, 5 cây số. (Trạng Mốc, Tràu…). Bên phải làng là những độộng, hác như bức thành che chắn mặt bắc. Con sông Thạch Hãn chảy theo chiều dọc bờ nam của làng, hình thành thế thành cao hào sâu, bảo vệ xóm làng.
Cách đầu làng, tính từ An Đôn lên đoạn Phường Sãi, non 2 cây số là hai khu rừng nguyên sinh: Lùm Miệu Dưới và Lùm Miệu Trên. Từ Cách mạng Tháng Tám 1945 trở về trước hai khu rừng này có rất nhiều loại cây rừng quý thuộc hạng tứ thiết, có mây song, có rất nhiều cây bồ kết trái dùng gội tóc, gai mọc từ thân cây. Nơi đây có nhiều loại thú rừng quý như cọp, beo, heo rừng, mang (mển),nhím, thỏ rừng, rắn hổ các loài, rắn mai, kỳ đà, tê tê, trăn…có nhiều loại ong: ong ruồi, ong mật, ong bò vẽ, ong hầm. Hai loại ong bò vẽ và ong hầm là loài nguy hiểm nhất, dễ gây tử vong cho người, nhất là trẻ con. Các loài chim cũng rất phong phú: công, gà rừng, chim lợn, quạ, diều, chim cắt, cu kỳ, cu cườm, sáo đen, sáo chân vàng, cà cưỡng, cuốc, nghịch, chàng làng, bìm bịp, rôộc rộôc, con chim “Cha kèo con cột” (mà sau này các anh lính giải phóng quân nghe ra là “ Khó khăn khắc phục” để động viên nhau ra trận diệt Mỹ). Đặc biệt, có một loài chim ăn đêm mà tiếng kêu của chúng rất não nề. Tên gì thì ít người biết, nhưng chỉ nghe tiếng con đực kêu: “Cùng cực chi tui, cùng cực” thì con mái đáp “Rủ rỉ, rù rì”. Hai con chim này không bao giờ bay song đôi. Đêm đến, con chim đực bay từ cây ươi Cồn Quả và con cái bay từ hàng cây cổ thụ - nơi Dinh Ngài khai khẩn – bay lên làng. Hai con chim này thường gặp nhau tại kiệt ông Phó Tiệm. Có người đã nhìn thấy chúng thân hình to như con gà mái, lông màu xám, nhảy múa và gù nhau khi vào mùa giao phối. Rồi thì “eng đi đàng eng, ả đi đàng ả “ về hai phía dầu và cuối làng, đổi chỗ cho nhau, để đến hôm sau lại tiếp tục hành trình xuyên đêm. Chim kêu đêm còn có con te te hót, thường sống ở các trảng trống. Có một loài chim nhỏ mình nhưng chiến thắng cả loài quạ to xác, dó là chim chèo bẻo.
Tất cả rừng rú và các loài động vật sống nơi đó và trên dải đất miền Nam đều bị bom đạn 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và đuổi Mỹ làm cho tan tác, tản mác. Giờ đây chỉ còn lại những vạt rừng mới trồng keo lai, tràm, bạch đàn. Thú rừng và chim muông còn lại ít loài như chèo bẻo, chào mào đít đỏ.
Bãi cát ven sông của làng còn có vạn chài của ông Yên, ông Dĩ. Hai gia dình này sống trên sông, chuyên nghề chài lưới, sau được nhập tịch vào thôn Thượng Phước. Và ở đây có người con ông Dĩ tên là Tấn được cắp sách tới trường cùng học với học sinh Thượng Phước. Tấn là học sinh giỏi và được cử đi dự Hội nghị Chiến sĩ Thi đua Liên khu Bốn, cùng thời với Chiến sĩ thi đua Hà Học Trạc.
Ở dưới Dốc Cồn Thang có một xóm dân từ nơi khác đến khai hoang, lập ấp. Sau ngày Toàn thắng 30-4-1975, Thượng Phước đã cắt 30 hecta tại đây và tại xóm Chuối Mía để lập thành thôn Tân Xuân mới.
Thượng Phước từ ngàn xưa có phường Đá Đứng – một bán đảo rất đẹp mà con sông Thạch Hãn uốn lượn vòng cung hình thành một mảnh đất trù phú. Đá Đứng và Giang Quan cùng với Trảng Mốc, tổng cộng hơn 100 mẫu tây của làng mãi mãi chìm vào lòng công trinh Đại thủy nông Nam Thạch Hãn, thường gọi không chính xác là Đập Trấm. Đất đai tự nhiên của Thượng Phước hiện còn là 1.500 hecta. Trong đó diện tích canh tác là gần 100 hecta, bao gồm cả ruộng nước và đất đồi. Đất thổ cư có 30 hecta. Số dân sống ở làng hiện tại có 14 dòng tộc với 187 hộ, 870 nhân khẩu, không kể những con dân làng bỏ xứ đi mưu sinh ở quê người, kể cả định cư ở nước ngoài mà phần lớn ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Trước đây, dân làng sinh sống chủ yếu khu vực giữa làng. Trước mặt là sông trên bờ là những biền dâu, biền bắp, đậu xanh, đậu phụng  bốn mùa xanh ngắt. Giũa làng, đường ngang kiệt nhỏ, (hiện nay đã bê-tông hóa) nối vào nhau bằng những lối đi tắt, nhà này sang nhà khác, biểu hiện đậm đà tình làng nghĩa xóm,”tối lửa tắt đèn” có nhau. Cổng chính chỉ để tiếp đón những vị khách nơi xa đến. Những bức nương xưa kia xanh tươi nhiều loại cây ăn trái lưu niên: mít, chè, cau, chuối, bưởi bòng, cam, quýt, dâu gia, bồ quân bị chiến tranh tàn phá nay đã hồi sinh. Màu xanh không những phủ khắp làng mà những cồn, những độộng, những hác, những trảng xưa kia mọc đầy sim, mua, muồng muồng… bị chất độc khai quang gần như đất trắng, đều được xanh lại màu xanh lá cây của những cành rừng trồng mới: keo lai, tràm, bạch đàn… Con đường làng (liên thôn) đã được tôn cao và đúc bê-tông để thành con đường cứu nạn, cứu hộ.
Thượng Phước có rất nhiều cánh đồng lúa nước Bàu Lác, Bàu Ông Phe. Ngoài ra còn có những khu ruộng không nhiều diện tích như Cầu Đất, Độông Ôi, La Nghìn, Phúc Rèn, Khe Bội…Năm 2015, Thượng Phước hưởng ứng phong trào “Đoàn kết chung tay xây dựng Nông thôn mới” đã thu được những kết quả ban đầu: Thực hiện “dồn điền đổi thửa”, chỉnh trang đồng ruộng cải tạo được 22 hecta, khắc phục 3 hecta ruộng hoang hóa lâu ngày, chia lô làm “to thửa ít vùng” thuận lợi cho thâm canh; đào đắp 2.300 mét kênh mương tưới tiêu với tổng kinh phí đầu tư là 845,700.000 đồng bằng nguồn vốn tự có.
Cồn Cự là một qủa đồi độc lập, hình thế rất đẹp, giống như lưng rùa, án ngữ mặt bắc, nằm ngay vị trí gần như trung tâm của làng được bao bọc bởi những cành đồng Bàu Ông Phe, Bàu Lác, hác Cồn Lê. Những ngày còn nhỏ, bọn trẻ chúng tôi thường hay chơi đá bóng ở một vạt đất bằng phẳng ngay đầu Cồn Cự. Bóng là những trái bưởi còn non, to bằng cái chén ăn cơm. Nương nhà tôi và nương Ông Mệ ngoại có rất nhiều bưởi, thường rụng khi có gió, nên chúng tôi nhặt về, hơ lửa cho mềm vỏ ngoài rồi dùng để đá thay trái bóng da. Sau này, có mấy mụ bà con ở thị xã lên thăm làng. Cha mẹ chúng tôi nhờ họ mua giùm trái bóng da mà trong ruột có cái vét-si bằng cao su màu đỏ, khi trái bóng xẹp thì dùng bơm xe đạp bơm lên, còn thì thường dùng hơi từ hai lá phổi của bọn trẻ thay nhau thổi.
 Tôi đã có ý tưởng và đã viết thành đề án xây dựng Cồn Cự trở thành một khu văn hóa, trong đó có Nhà bia Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và những người dân của làng đã hy sinh. Trong 2 cuộc trường chinh đánh Pháp và đuổi Mỹ, Thượng Phước đã cống hiến cho Tổ quóc 45 liệt sĩ, 7 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 16 thương binh, 28 gia đình có công với cách mạng. Và còn nhiều liệt sĩ vô danh khác, trong đó có những người dân thường bị địch tàn sát, mổ bụng, moi gan, chôn sống mà hiện nay chưa tìm được hết.
Bạn học thời phổ thông của tôi, cụ Trần Đức Long, 82 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội gọi điện thoại cho tôi bảo rằng ông Trần Đức Hinh, thường gọi là ông Bộ Hinh, thân phụ của Trần Đức Long bị giặc Pháp bắt và bị bắn chết tại xóm Chuối cùng với ông Nguyễn Văn Dần trong trận càn mà du kích Thượng Phước giật mìn làm bọn lính Pháp thiệt hại nặng nề ở trận Soi Mè. Ông Bộ Hinh lúc này là cán bộ Nông hội. Giờ này vẫn chưa được xét tặng thưởng về thành tích kháng chiến. Nên chăng, các cấp chính quyền thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng và huyện Triệu Phong cần lưu ý xét truy tặng.
Nơi đây cũng có vị trí rất đẹp để xây Cụm Văn hóa – Thể thao:  sẽ có thư viện, phòng chiếu bóng, sân khấu ca kịch; sẽ có sân bóng đá, bóng chuyền và các loại hình thể thao khác như bóng bàn, cầu lông và sàn tập thể dục…Ngoài ra, sẽ quy hoạch Cồn Cự thành một Công viên vĩnh hằng hay còn gọi là Nghĩa trang nhân dân  của người dân Thượng Phước. Tất cả những việc làm có ý nghĩa này sẽ góp phần đưa Thượng Phước trở thành một làng văn hóa tiêu biểu.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét