Trang

Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

166. Ký ức về một làng quê yên ả.


         KÝ ỨC VỀ MỘT LÀNG QUÊ YÊN Ả.

Lời nói đầu: Chuyến đi lần này, lúc đầu tôi chỉ định viết về Lễ hội làng Thượng Phước – lễ hội săn bắt thú rừng truyền thống để nhớ về Ngài Tiền khai Võ Nguyên Hùng Dõng tặng Hùng Quốc Công – người đã có công truyền nghề săn bắt thú rừng để bảo vệ mùa màng, thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng.
Nhưng khi bắt tay vào viêt thì ký ức tràn về như một dòng thác. Vì nơi ấy đã để lại trong tâm khảm tôi một thời thơ ấu mà mãi mãi không bao giờ mờ phai.Do vậy,KÝ ỨC VỀ MỘT LÀNG QUÊ YÊN Ả ra đời để nhớ về quê Mẹ.
Bút ký của Xuân Bảo
1.     Về quê ngoại Phường Sãi.

Năm 1944, Ba tôi mãn hạn lính. Hai căn nhà trong Trại Con Gái (Camp Marié) phải trả lại cho đồn Mang Cá. Ba mạ tôi dắt díu đàn em tôi trở về Quảng Trị. Vì là đang trong thời kỳ Thề chiến thứ II, đường bộ bị phong tỏa trong “phòng thủ thụ động”, nên gia đình ba mạ tôi phải đi đò dọc từ bến Bao Vinh, qua phá Tam Giang, lên sông Ô Lâu rồi ra sông đào Vĩnh Định, tới ngã ba chợ Sãi mới ngược  rào * Thạch Hãn về Phường Sãi, quê của mạ tôi.
Tôi được ba mạ gửi cho gia đình bà sếp Thông, vẫn ở trong Trại Con Gái Mang Cá để tiếp tục đi học. Tôi đã đỗ Sơ học yếu lược nên được lên lớp Nhì nhất niên (cours Moyen 1), và học tại Trường Queignec, gần cầu Thanh Long. Trường nhà binh đồn Mang Cá chỉ có đến lớp 3 (cours élémentaire). Tôi học được hơn nửa niên khóa 1944-1945 thì ngưng. Bởi vì Nhật đảo chính Pháp. Tôi được mạ tôi vào Huế đón về. 
               Ngày mùng 9 thán 3 năm 1945, kinh thành Huế rền vang tiếng súng. Nhưng chỉ đến quá ngọ thì im bặt và toàn cõi Đông Dương rơi vào tay bọn Nhật lùn. Lá cờ nền trắng, ở giữa có ông mặt trời đỏ lòm được treo lên khắp mọi nơi, thay cho lá cờ tam tài xanh trắng đỏ – biểu trưng cho Tự do, Bình đẳng, Bác Ái – của Mẫu quốc Đại Pháp. Lá cờ này đã từng ngạo nghễ tung bay trên cột cờ Thủ Ngữ, cột cờ Hà Nội và các dinh thự của những tên toàn quyền, thống sứ, công sứ khắp 3 nước Việt Nam, Lào, Cambodia trong hơn 80 năm, kể từ tiếng súng xâm lăng nổ phát đầu tiên trên bờ biển Đà Nẵng, năm 1858 cho đến ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhật đảo chính, kết thúc gần trăm năm đô hộ của Pháp. Như thế, trên thực tế nhân dân Việt Nam đã thôi là đất thuộc địa của thực dân Pháp từ ngày này. Và lá cờ của đất nước mặt trời mọc cũng chỉ tồn tại ở Việt Nam đúng 160 ngày. Sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hirôshima ngày 6 tháng 8 và Nakasaki ngày 9 tháng 8. Ngày 15 tháng 8, Nhật đầu hàng. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, chấm dứt  Đệ nhị Thế chiến.
                                                           
Dân tộc Việt Nam có một khoảng thời gian rất ngắn để tuyên bố là nước độc lập và thống nhất. Dù là độc lập giả hiệu dưới sự bảo trợ của đế quốc Nhật bản. Sau khi đế quốc Nhật Bản tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn tuyên bố xóa bỏ Hiệp ước Patenôtre.  Vua Bảo Đại ra Dụ số 1 ngày 17 tháng 3 giải tán nội các. Các thượng thư lục bộ đồng loạt từ chức. Thày giáo, nhà sử học Lệ Thần Trần Trọng Kim được giao thành lập nội các mới. Nội các này có 17 thành viên, gồm những nhân sĩ trí thức nổi tiếng, trong đó có những người sau này tham gia Chính phủ của Cụ Hồ Chí Minh như luật sư Phan Anh, khâm sai đại thần Phan Kế Toại, bác sĩ Trần Văn Lai, phó bảng Đặng Văn Hướng, luật sư Vũ Trọng Khánh, kỹ sư Kha Vạng Cân…
Tên nước được đặt là Đế quốc Việt Nam, là thành viên Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Bảo Đại làm vua. Tổng lý đại thần Trần Trọng Kim làm thủ tướng. Quốc kỳ vẫn giữ cờ quẻ ly ba sọc đỏ trên nền vàng. Quốc ca là bài Việt Nam minh châu trời Đông. Thủ đô là Hà Nội và Đế đô là Huế. Đế quốc Việt Nam không có bộ Quốc phòng. Đế quốc Việt Nam chính thức tồn tại trong lịch sử Việt Nam đúng 5 tháng 12 ngày, kể từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 23 tháng 8 năm 1945.
                                                          ***
Phường Sãi là tên gọi thông thường, dân dã. Tên chính thức là phường Xuân Sơn. Chữ Xuân là chữ đầu của tên làng Xuân An, chữ Sơn là địa danh này nằm ỡ miền núi. Cỏn chữ Sãi là để ghi nhớ công lao của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, thường gọi là Chúa Sãi. Cụ Cố Nghi Nguyễn Văn Cơ, người gốc Giáp Nê, làng Đông Hán, xã Thuần Trung, tổng Thuần Trung, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, trấn Nghệ An – nay là thôn Đông Bích, xả Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cụ được Chúa Sãi cho theo vào Quảng Trị và được triều đình ban hàm thất phẩm sơ lại (tương đương cấp huyện ngày nay). Dân làng Đông Bích vào Quảng Trị có tên mới  là làng Xuân An. Cụ Cố Nghi xin chúa Sãi đi lập ấp mới Xuân Sơn, nhưng mọi giao dịch hành chính vẫn nằm dưới dự quản lý của làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong.
 Sau ngày Độc lập mùng 2 tháng 9 năm 1945, Phường Sãi sáp nhập vào thôn Thượng Phước. Và từ đó đến nay đã hơn 70 năm, phường Xuân Sơn là một xóm của thôn Thượng Phước.
Niên khóa 1945-1946, về quê ngoại, tôi được tiếp tục đi học lớp nhì nhất niên do thày giáo làng Trần Đình Khác dạy. Tôi còn nhớ một kỷ niệm: khi điểm danh, thày gọi đến tên tôi Nguyễn Xuân Bảo, tôi đã nhanh nhảu hô to bằng tiếng Pháp:  présent (tức là có mặt). Cả lớp cuời ồ lên. Tôi lại quen mồm nói tiếp “Pardon, pardon!” tức là “xin lỗi” cũng bằng tiếng Pháp. Cả lớp lại ồn ào lên. Thày Khác lấy thước kẻ gõ xuống mặt bàn và bảo cả lớp: Silence!
  Sự thực, sau ngày 23 tháng 8, khi chính phủ Trần Trọng Kim tan rã thì các cơ quan công quyền từ triều đình cho đến làng xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh không có ai đến nhiệm sở. Làng Thượng Phước không còn lý trưởng, trương tuần...Lực lượng Việt Minh ung dung vào các các công đường. Và quần chúng được huy động tham gia biểu dương lực lượng trong ôn hòa. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh mụ Khả, em gái ông Bụi cầm lá cờ đỏ sao vàng, được mắc trên một cây hóp dài,  dẩn dầu đoàn người trong thôn đi biểu tình vòng quanh làng qua các kiệt. Khi đến nhà ông Xạ Đạt, do kiêng húy nên dân làng thường gọi là ông Xạ Đợt. Ông Bùi Hồng Sa vào nhà và ông Xạ Đợt mang cái triện ra nộp cho ông Sa. Bọn trẻ chúng tôi chạy theo đoàn và cũng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!.


Ba chiến sĩ tiền khởi nghĩa là những người cộng sản đầu tiên gồm Bùi Hồng Sa, Lê Luyện và Nguyễn Minh Tự chính thức ra mắt dân làng. Chính quyền mới do Ban chủ nhiệm Việt Minh điều hành.
Tôi còn nhớ lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, một cuộc mitting lớn được tổ chức trước cổng tòa công sứ Pháp (lúc này do bọn Nhật chiếm đóng). Và sau này là trụ sở của Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Quảng Trị. Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa, ông Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, xóa bỏ chính quyền bù nhìn. Sư thực thì cái gọi là “chính quyền bù nhìn” của thủ tướng Trần Trọng Kim đã tự xóa tên mình cũng trong ngày 23 tháng 8, chấm dứt Đế quốc Việt Nam, khởi đầu ngày 11 tháng 3 và kết thúc vào ngày 23 tháng 8 năm 1945, sau 5 tháng 12 ngày.
Trong ngày này (23-8-1945), Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị đã ra 2 Quân lệnh. Quân lệnh số 1 phát đi lúc 10 giờ sáng, có nội dung: “Tất cả lực lượng vũ trang chiếm đóng hoặc dự bị, kể cả lực lượng hỗn hợp giữ nguyên tại chỗ. Người và vũ khí không được thay đổi, di chuyển cho đến khi có lệnh mới”. Và sau 2 tiếng, tức lúc 12 giờ trưa, Quân lệnh số 2 đước phát đi với nội dung: “Mở cuộc đăng ký tuyển quân, cấp tốc thành lập Chi đội Giải phóng quân với tổng số 1.500 chiến sĩ, kể cả một số đơn vị trực thuộc như thông tin, quân y, quân nhu…”
Ba tôi là một trong số cán bộ đại đội, tiểu đoàn là cai, đội lính khố xanh, khố đỏ có tinh thần yêu nước tự nguyện tham gia vào Chi đội Giải phóng quân. Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Chi đội chuyển đổi thành Chi đội Thiện Thuật. Sắc lệnh số 71, ngày 22 tháng 5 năm 1946 của Chính phủ về tổ chức Quân đội Quốc gia Việt Nam, Chi đội Thiện Thuật đổi thành Trung đoàn 95. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn 13, 14 và 15. Và 1 tiểu đoàn lính nữ. Song song với lực lượng chủ lực, tỉnh chú ý xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, gọi là Tỉnh đội Dân quân.
Ba tôi gia nhập quân đội. Buổi sơ khai này Quân đội nhân dân Việt Nam có rất nhiều tên gọi: Giải phóng quân, Vệ quốc quân, Vệ quốc đoàn. Đầu năm 1946, Ba tôi được Ban Chỉ huy Trung đoàn cử về xã Phong Sơn với chức danh là Phái viên Quân sự, có nhiệm vụ trực tiếp huấn luyện quân sự cho dân quân và du kích ở các thôn Thượng Phước, An Đôn, Nhan Biều.
Thôn Thượng Phước có 2 tiểu đội dân quân. Một tiểu đội nam và một tiểu đội nữ. Trong tiểu đội nữ này có các chị Bùi Thị Thản (con bà Nguyễn Thị Lý, dì ruột của tôi), chị Trần Thị Dàn, chị Lê Thị Phụ và nhiều chị khác…
 Tôi thường được ông cho đi theo vào bãi tập, sau mới gọi là thao trường tại nương mit Mụ Hểu. Đây là một cái trảng rất rộng, bằng phẳng. Các làng, sau này mới đổi thành thôn của xã. Mỗi thôn thành lập 1 Ban dân quân, có cả chiến sĩ gái. Chương trình huấn luyện bắt đầu từ các động tác tập họp đội hình, nghiêm nghỉ, bước đi một hai, một hai rồi tiến tới lăn lê bò toài. Súng chỉ có hai khẩu: súng trường mút-cờ-tông (mousqueton) và một khẩu tiểu liên mi-tờ-ray-dét (mitraillette). Dân quân được trang bị quần áo bằng vải to, một loại vải do người nông dân quê tôi tự trồng lấy cây bông vải, tự kéo thành sợi và dệt trên khung cửi thủ công. Chị Thản tôi là người phụ nữ đầu tiên mặc bộ đồ quân sự cũa người lính Giải phóng quân. Chị mặc áo sơ-mi ngắn tay, hai túi trên có nắp, có cầu vai và quần soóc toàn màu trắng, trông rất đẹp. Vì không có đủ súng nên phải đẽo cây theo hình dạng khẩu súng để tập động tác bồng súng lên và bỏ súng xuống. Có những buổi tối, tôi thấy Ba tôi ngồi giữa sân của ông ngoại, trước mặt là một cái nống. Ông tháo rời khẩu súng trường ra và giảng giải cho dân quân nghe: đây là cái cơ bẫm, đây là nòng, đây là đầu ruồi…Ba tôi có một giọng nói rất âm vang, hùng hồn và hấp dẫn. Trong những cuộc mitting, Ba tôi ngoài việc điều khiển hành lễ, ông còn được phân công đọc các bài văn tế làm sục sôi ý chí chiến đấu cho mọi người. Tôi còn nhớ được mấy câu:

“Hỡi ôi!
Hoàng Thiên chốn thấu thương lũ xâm lăng
Tạo hóa vô tình ghét người chí sĩ
Đoàn dân tộc ra tay gầy dựng, đem lòng thân ái nâng niu
Lũ dã man lên mặt hung tàn, một phút anh em ly dị
Bâng khuâng kẻ mất người còn
Tưởng tượng lòng ghi nghĩa để…”

.
          Vai trò phái viên quân sự của Ba tôi chấm dứt khi tiếng súng quân Pháp bắt đầu tấn công nống chiếm Quảng Trị. Tôi còn nhớ rõ, khi Hà Nội bước vào Ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946. Quân Pháp được quân Anh Ấn giúp sức đã đổ bộ lên cửa biển Tư Hiền và cửa biển Thuận An, chiếm lại kinh thành Huế. Ngày 10 tháng 2 năm 1947, chúng chia thành 2 cánh quân, nống ra Quảng Trị. Hướng nam, quân Pháp đã sử dụng  1.500 binh lính, có xe tăng đi cùng và dưới sự yểm trợ của pháo binh và không quân tiến chiếm Mỹ Chánh, Diên Sanh… Cùng ngày, từ hướng tây, chúng xua 500 quân, từ  Sa-vằn- na – khẹt (Trung Lào), đánh chiếm Lao Bảo rồi tiến về Đông Hà, hợp quân hướng nam vào thị xã Quảng Trị. Hồi 3 giờ 30 phút sáng ngày 16 tháng 2 năm 1947, quân Pháp chiếm hoàn toàn thị xã. 
 Ba tôi trở lại Trung đoàn và ông được phân công làm Tiểu đoàn trưởng một tiểu đoàn chủ lực của tỉnh. Chú ruột tôi, ông Nguyễn Xuân Tịch được bố trí làm quản trị trưởng tiểu đoàn 13 và o ruột tôi tên là Nguyễn Thị Nghiễn, bí danh là Thanh Tâm được điều về Ban Chính trị Trung đoàn 95. Chú Tịch của tôi hy sinh năm 1949 và được công nhận là liệt sĩ. O Nghiễn thì bị bệnh cảm nặng khi bơi qua sông tránh giặc và sau đó hy sinh.
 Ba Mạ tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi rời Huế về Quảng Trị. Lương hưu của Ba tôi bị cắt từ hôm Nhật đảo chính Pháp. Mạ tôi đã xa rời cuộc sống nông thôn trên 10 năm, một nách bốn đứa con dại. Đồng bằng Triệu Phong  là một vùng thuần nông. Làng Đại Hào quê nội cũng đói nghèo như nhiều nơi khác trong tỉnh. Ba Mạ tôi xin Ông Mệ nội được đem đàn con về quê ngoại Phường Sãi. Dù sao ở đây vẫn có nhiều đất đai chưa khai thác hết. Rừng rú, khe suối thì sẵn sản vật có thể nuôi sống con người.
           Về quê ngoại vốn liếng của Ba Mạ tôi chỉ đủ mua bức nương của cậu Diêu Khuê mà thôi. Để làm được cái nhà tranh tre, Ba Mạ tôi phải tự đi vào Dốc Son cắt tranh về làm mái lợp. Tre thì đã có xung quanh nương mới mua. Bà con xúm lại giúp đỡ chỉ trong vòng tháng trời nhà đã dựng xong. Tôi lại được cắp sách tới trường. Trường công chưa có thì học trường tư tại thôn Thượng Phước. 
 Để kiếm sống Ba tôi phải vào rú (động) đốn củi gánh về chợ tỉnh Quảng Trị bán. Hình ảnh người cha còng lưng gánh gánh củi sim (củi chặt ra từ những cây sim có độ dài không tới một mét, được bó lại bằng những sợi dây chìu và dùng đòn xóc nhọn hai đầu xỏ xuyên qua lưng chừng bó củi), gánh bộ từ Phường Sãi đến chợ tỉnh dài hơn 5 cây số còn đọng mãi trong tâm trí tôi. Đâu rồi những ngày tháng sống trong sự sung túc ở Huế? Đâu rồi một bước đi chỉ có lên xe xuống ngựa?! Mạ tôi bắt đầu trở lại với công việc ruộng nương. Bức nương của Ba Mạ tôi có các loại cây lưu niên như mít, bồ quân, dâu gia, chè, chanh, cam, quýt, bưởi, thơm. Những thứ trái cây này khi vào mùa thu hoạch, Mạ tôi hái đem về chợ tỉnh bán. Phía góc nương gần Khúc Mưng có một cây dầu lai cổ thụ, năm nào cũng ra rất nhiều trái. Trái cây dầu lai này khi chín thì bóc tách bỏ lớp vỏ ngoài, lấy hạt (nhân) dùng để làm món muối trộn thay muối mè (vừng) hay muối đậu phụng (lạc) ăn với cơm hàng ngày. Chung quanh ba phía là lũy tre. Giữa nương có chừng hơn hai sào đất trống, Mạ tôi đã xuống giống trống khoai lang, môn và sắn. Gần nhà thì dựng mấy cây tre làm giàn trồng bầu, bí, mướp theo mùa nào thức ấy.
 Tôi chép ra đây một đoạn trong Chúc thư của Mạ tôi viết ngày 2 tháng 2 năm 2004, khi Mạ tôi đã 89 tuổi để nói lên tình trạng bi đát của gia đình tôi lúc bấy giờ. Mạ tôi đã viết như sau:
“…Mạ nói cho các con biết: Lúc Ông Bà ngoại còn sống, Ông Bà đã cho Ba Mạ 2 mẫu ruộng, 5 sào đất vườn. Ông nói: Cha mẹ cho hai con chừng đó, đừng có tửu điếm trà đình, lo làm lo ăn. Cho các cháu học hành tới nơi tới chốn. Nay mai Ba nó hưu trí về phụ thêm làm ăn, không đại gia chứ cũng tiểu phú, con không lo cực đâu, bổn mạng con tốt lắm!
“Các con ơi, thân Mạ khổ lắm, Ông Bà ngoại mất rồi, ba đi công tác không thấy về, một mình Mạ ôm đàn con dại biết cậy nhờ ai đây, nghĩ mình như chàng Thúc bó tay… tứ cố vô thân, biết nhờ ai đây? Mạ như cờ túng nước. Thôi, mai đi tìm việc làm đã. Mới nói thì cậu Diêu (tức ông Nguyễn Văn Xuân) ra nói: O còn nhớ cấy lúa không? – Còn nhớ chứ, cơm ăn bữa mà không nhớ sao được. – Mai vô sớm nghe! Mạ hỏi: Cấy ở đâu anh? Anh nói: Phúc Trèn. Các con ơi! Mạ gánh một gánh mạ, chân không có dép, sỏi đá chông gai. Lên tới đồng ruộng, Mạ bước chân xuống bùn lầy, giá lạnh. Phúc Trèn hiu hắt đưa vào lòng Mạ quá chua cay. Nước mắt, nước mưa trộn một, Mạ tính bỏ ra về. Mà một mặt thì sợ cọp, một mặt sợ tối về không có chi cho các con ăn nên Mạ cố làm cho tối ngày. Lúc về tới nhà thì đàn con đứa ngủ, đứa đang khóc, đứa thì trông mẹ về…”
 Bản Di chúc này tôi đã cho đánh máy vi tính và in ra nhiều bản phân phát cho các em mỗi người giữ một bản vừa để làm tài liệu lưu trữ vừa để làm kỷ niệm.

                                                ***

Kỳ sau: 2. Ngôi làng ven sông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét