Trang

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

85.Giới thiệu tập thơ 4 câu của Xuân Bảo


   Giới thiệu: Tập thơ bốn câu của nhà thơ Xuân Bảo                       


TÂM HUYẾT CUỘC ĐỜI XUÂN BẢO QUA “THƠ BỐN CÂU”
                                                                                                                  NGUYỆN
                                                   

Năm1955, nhà thơ Xuân Bảo vừa tròn hai mươi tuổi. Sau khi rời khỏi quân ngũ anh ra Hà Nội học tập. Những ngày đầu của thủ đô giải phóng biết bao công việc bề bộn phải làm để hàn gắn vết thương chiến tranh. Ngoài việc học tập, anh còn được tham gia cải cách ruộng đất, rèn cán chỉnh cơ. Trước đó, khi còn ở trong quân đội, anh đã được tham gia rèn cán chỉnh quân, học tập tình hình mới, nhiệm vụ mới.
Từ chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa, anh đến Hà Nội với bao ngỡ ngàng. Tiếng súng tạm ngưng trên nửa thân mình Tổ quốc. Phía bên kia giới tuyến và ít lâu sau đó sẽ là chiến tuyến kéo dài suốt hai mươi năm trời. Quê hương anh bên dòng sông Thạch Hãn, nơi có người mẹ kính yêu và đàn em nhỏ thân thương đang sống và ngóng trông đứa con xa sẽ trở về khi nước nhà thống nhất. Đêm xuống, có những lúc nhớ mẹ da diết, anh đã gửi tâm sự của mình vào những câu thơ cháy bỏng:

Quạnh quẽ đêm nay ta với bóng
Bồi hồi nhớ mẹ chốn quê nhà
Đầu non sương lạnh trăng dần khuất
Eo óc thôn xa mấy tiếng gà
                                    (Nhớ nhà)

Đây cũng là lúc mà tuổi thanh xuân cuộc đời anh bước vào một thời khắc mới, được bay đến những chân trời mới biết bao hoài bão mơ ước và hy vọng. Nhà thơ yêu TỰ DO như yêu chính bản thân mình. Bầu trời tự do sẽ cho anh đôi cánh diệu kỳ để vươn tới những đỉnh cao của cuộc sống, để làm người và vươn tới mục đích cao cả của thi ca. Nếu không có TỰ DO ắt sẽ không bao giờ đi tới đích Chân-Thiện-Mỹ:

Tự do hai tiếng ngọt ngào
Êm như nhựa đất chuyển vào thân cây
Đời cho ta chút men say
Tự do nâng cánh ta bay- diệu kỳ
             (Tự do)

Tuổi thanh xuân rạo rực con tim. Đây là lúc tình yêu đôi lứa chớm nở. Anh nhìn đời với đôi mắt ngây thơ và hết sức lạc quan:

Sơn ca vui hót mừng trong nắng  sớm
Bình minh reo trên lá mới xuân đào
Đẹp biết bao khi tình yêu vừa chớm
Hồn giao nhau trên đỉnh các vì sao
                                         (Vô đề)

Sống trong không khí văn chương của Hà thành, trái tim của chàng trai Huế- anh người gốc Quảng Trị nhưng được sinh ra bên dòng Hương giang trầm mặc và thơ mộng- đã xao xuyến trước những mối tình chợt đến và anh đã nguyện:

Nguyện cùng em đi cùng trời cuối đất
Nguyện cùng em có nhau lúc vui buồn
Nguyện cùng em lúc sống và khi chết
Được như thế có hạnh phúc nào hơn
                                           (Nguyện)

Có thể nói, Hà Nội là cái nôi nuôi dưỡng những vần thơ đầu đời trong sáng và lãng mạn của nhà thơ. Những bài thơ Xuân Bảo viết ở giai đoạn này lung linh sắc màu của tình yêu như ngàn hoa, cánh gió, như thăm thẳm đại dương, như nắng đẹp mây bay, như mùa thu xanh, nhẹ như sương và đằm thắm như con đường Trần Hưng Đạo dài hun hút.
Về thủ đô, nhà thơ còn được đến thăm một vùng đất ăm ắp tình quê quan họ. Anh đã được những cô gái Cầu Lim trao những câu hát ân tình, trao những miếng trầu cánh phượng:

Miếng trầu cánh phượng em trao
Nhớ về Kinh Bắc ngày nào bên em
Tiên Du bàng bạc sương đêm
Cho câu Quan họ ướt mềm môi ai
                (Miếng trầu cánh phượng)

Khi đất nước thống nhất, anh chọn Biên Hòa làm quê hương mới. Vì nơi đó trong mùa hè đỏ lửa năm 1972, mẹ và các em của anh đã bị đưa ra khỏi quê hương để di dân vào đây. Nhà thơ về với:

Xuân Lộc quê ta đất đỏ au
Cao su xanh mướt chuối tươi màu
Ai về xin gởi niềm thương nhớ
Cho tình thắm thiết mãi bên nhau
                            (Qua Xuân Lộc)

Về với Đồng Nai, nhà thơ đã sống hết mình với vùng đất mà nhà thơ tự hào rằng: “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”. Anh đi tới các làng quê và cả những nơi mới khai phá. Anh đến với núi rừng Sông Ray, với Suối Lệ, suối Thề, ngắm vầng trăng của chiến khu xưa:

Ai qua Suối Lệ, Suối Thề
Để ta nhớ mãi một thời bằng lăng
Sông Ray rừng sáng dưới trăng
Chiến khu ghi dấu tháng năm oai hùng
                                            (Cẩm Mỹ)

Những bài thơ về Nguyên tiêu – về Ngày Thơ Việt Nam và chùm thơ Xuân khá đầy đặn. Bài Trăng Giêng như một tụng ca hoành tráng:

Lộng lộng trăng soi khắp mọi miền
Qua rồi bão tố, bến bình yên
Trời quang mây tạnh ngày xuân đẹp
Vang vọng thơ Người: Nguyệt chính viên
                                          (Trăng Giêng)

   Nhà thơ yêu mùa xuân với tâm hồn nồng ấm và không kém phần lãng tử:

Ánh dương rắc hạt sáng đường trần
Én vẽ trời xanh nét nét xuân
Lạc bước thi nhân vào cõi mộng
Hài in lối cũ gót giai nhân
                              (Nét xuân)

Nhà thơ Hạnh Phương đánh giá: “Hai câu đầu của Nét Xuân là một bức tranh xuân rất hiện thực, mơn mởn một sức sống rất mới, rất thực…Đến hai câu sau của bài thơ thì nhà thơ chúng ta đã lạc bước chân hoài niệm rất cổ điển, rất Đường thi…” Là nhà báo, anh đi được nhiều. Nhà thơ đã rải bước chân của mình từ Công viên Đá Đồng Văn đến tận chót Mũi Cà Mau… Anh ra thăm Côn Đảo, đến viếng mộ người nữ anh hùng Võ Thị Sáu:

Côn Sơn mờ mịt giữa trùng khơi
Nghĩa địa Hàng Dương đứng giữa trời
Ngắt cánh hoa tươi cài mái tóc
Ngàn năm chị Sáu tuổi đôi mươi
                                       (Bất tử)

Trong dịp dự Trại Sáng tác Đà Lạt viết về  kỷ niệm 100 năm Yersin tìm ra cao nguyên Lâm Viên, nhà thơ Xuân Bảo đã góp tiếng thơ của mình với chùm thơ tứ tuyệt đượm màu sắc của thành phố Ngàn hoa, “Đà Lạt tím là một bài thơ hay:

Thương quá một màu hoa phượng tím
Tím một hoàng hôn trong mắt ai
Say mãi tình em chân trời tím
Xa nhau tím cả một bờ môi

Nhà thơ còn được đi ra nước ngoài. Anh đến Ba-Li (Indonesia) và được mời giao lưu thơ trong đêm Diner Gala bên bờ biển Nam Dương xinh đẹp với bài thơ Em Gái ba li. Khi đến thăm đền Angkor (Cambodia) anh lại nhớ về cố đô Huế, nơi những ngày thơ ấu anh được bơi lội giữa giòng sông Thơm, nơi những lăng tẩm, đền đài, miếu mạo… giờ đây chỉ còn là di sản của nhân loại mà thôi:

Lặng ngắm đền đài nhớ cố đô
Năm trăm năm ấy một cơ đồ
Đá mòn Phnom Buk  mờ sương núi
Trăng khuyết Angkor lạnh Biển Hồ
                                    (Vịnh Angkor)

Thơ bốn câu – 88 bài tứ tuyệt của nhà thơ Xuân Bảo thật sự xứng đáng là những dòng thơ tâm huyết để lại cho đời, góp tiếng thơ vào dòng chảy thi ca của một vùng địa linh nhân kiệt - nơi có Bình Dương thi xã với Gia Định Tam gia- nơi có Nhớ Bắc của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ và những Kòn Trô, Chi-mô-phây của nhà văn Đường Rừng Lý Văn Sâm…

                                                                    Nhà thơ VÕ NGUYỆN
                                                   (Viết tại Biên Hòa khi cơn bão số 1 đang về)
                                                                               Ngày1/5/2012.





1 nhận xét:

  1. Giờ Anh đã cao tuổi
    Vẫn đầy ắp hồn thơ
    Sống vui ,yêu đời vậy
    Nhiều người già ước mơ...

    Trả lờiXóa