Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

352. NHỚ NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945

 

Ngày 19 tháng 8 là ngày Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Vài lời phi lộ: Tôi không muốn dùng các từ ngữ: Khởi nghĩa, Cướp chính quyền trong những ngày tháng 8 năm 1945. Bởi vì, trên thì vua Bảo Đại giải tán Nội các Trần Trọng Kim và xuống chiếu Thoái vị, dưới thì từ chính quyền các tỉnh, huyện, xã đều như rắn mất đầu, ngồi chờ Việt Minh và tiếp thu chính quyền. Vì vậy, cho nên nên lấy ngày mùng 2 tháng 9 là Ngày Tuyên bố độc lập thì sát nghĩa hơn, Còn Cách mạng Tháng 8 là để ghi nhớ thời khắc lịch sử của dân tộc Việt Nam khi trên mảnh đất hình chữ S này không còn phong kiến, không còn thực dân!

Một chế độ dân chủ cộng hòa ra đời.

1.Ở triều đình. Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, đánh dấu thời kỳ đô hộ của Phú-lang-sa đến đây là hết.Tính ra, từ ngày 1 tháng 9 năm 1858,Pháp cùng Tây – ban – nha nổ súng chiếm Đà Nẵng đến ngày 9 thảng 3 năm 1945, thực dân Pháp đã đô hộ nước ta 87 năm, 5 tháng 9 ngày.

Sự thực, sau ngày 23 tháng 8 năm 1945, khi chính phủ Trần Trọng Kim tan rã thì các cơ quan công quyền từ triều đình cho đến làng xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh như rắn mất đầu, không có ai đến nhiệm sở. Hơn nữa, hệ thống thông tin liên lạc, chủ yếu chạy công văn giấy tờ (trát, sức…) đều chạy bằng đôi chân. Từ trên triều đình xuống làng xã hầu như đứt đoạn.

2.Ở cơ quan công quyền tnh, phủ, huyện.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1945, một cuộc mitting lớn được tổ chức trước cổng tòa công sứ Pháp (lúc này do bọn Nhật chiếm đóng). Và sau này là trụ sở của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị.

Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa, ông Trần Hữu Dực trịnh trọng tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh, xóa bỏ chính quyền cũ. Sự thực thì cái gọi chính phủ  của thủ tướng Trần Trọng Kim đã tự xóa tên mình cũng trong ngày 23 tháng 8, chấm dứt Đế quốc Việt Nam, khởi đầu ngày 11 tháng 3 và kết thúc vào ngày 23 tháng 8 năm 1945, sau 5 tháng 6 ngày.

Trong ngày này (23-8-1945), Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Trị đã ra 2 Quân lệnh. Quân lệnh số 1 phát đi lúc 10 giờ sáng, có nội dung: “Tất cả lực lượng vũ trang chiếm đóng hoặc dự bị, kể cả lực lượng hỗn hợp giữ nguyên tại chỗ. Người và vũ khí không được thay đổi, di chuyển cho đến khi có lệnh mới”. Và sau 2 tiếng, tức lúc 12 giờ trưa, Quân lệnh số 2 đước phát đi với nội dung: “Mở cuộc đăng ký tuyển quân, cấp tốc thành lập Chi đội Giải phóng quân với tổng số 1.500 chiến sĩ, kể cả một số đơn vị trực thuộc như thông tin, quân y, quân nhu”.

3, Ở làng xã.

Làng Thượng Phước lúc này trên danh nghĩa vẫn còn lý trưởng. Ông tên là Bùi Hữu Đạt, vì kiêng húy nên dân làng thường gọi là ông xạ Đợt (xã: tiếng Quảng Trị nói thành xạ). Tôi còn nhớ rõ hình ảnh mụ Khả, em gái ông Bụi, cầm lá cờ đỏ sao vàng. Cờ được mắc trên một cây hóp dài, dẫn đầu đoàn người trong thôn đi biểu tình, vòng quanh làng qua các kiệt. Bọn trẻ chúng tôi chạy theo đoàn và cũng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”.

 Đoàn người theo ông Việt Minh Bùi Hồng Sa đến nhà ông Bùi Hữu Đạt, thường gọi là xạ Đợt. Ông xạ Đợt bình tĩnh giao cái triện lại cho ông Bùi Hồng Sa. Còn các huyện đường, phủ đường thì Việt Minh ung dung vào chiếm giữ. Và quần chúng được huy động tham gia biểu tình thị uy, biểu dương thanh thế cách mạng trong ôn hòa. (Tôi nhấn mạnh-XB)

Ba chiến sĩ tiền khởi nghĩa là những người cộng sản đầu tiên gồm Bùi Hồng Sa, Lê Luyện và Nguyễn Minh Tự chính thức ra mắt dân làng. Chính quyền mới do Ban Chủ nhiệm Việt Minh điều hành.

Cách mạng Tháng 8  thành công không một tiếng súng!

Bên bờ Phước Long Giang, sáng 19/8/2021.

Nhà thơ Xuân Bảo.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét