Trang

Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

348.Một ông vua văn võ kiêm toàn.

 

MỘT NHÀ THƠ VĂN VÕ KIÊM TOÀN

Nước Nam ta có rất nhiều ông vua đồng thời là nhà thơ. Triều Trần có đến 7 ông vua là thi sĩ. Cuối thời phong kiến, gần ta nhất có các ông hoàng Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương.  Vua Tự Đức là một nhà thơ lớn.

Tuy nhiên, trong lịch sử thì có một ông vua vừa làm vua, VỪA CẦM QUÂN,vừa làm thơ nổi tiếng là vua Lê Thánh Tông.

Lê Thánh Tông, tự là Tư Thành, huý là Hạo, con trai út của Lê Thái Tông và bà Ngô Thị Ngọc Giao - con gái Thái Bảo Ngô Từ. Sống giữa chốn dân gian từ nhỏ đến năm lên 4 tuổi. Mẹ Nhân Tông khi đó đang buông rèm chính sự, cho đón Tư Thành về ở trong cung rồi phong làm Bình Nguyên Vương hằng ngày cùng vua Nhân Tông và các vương hầu học tập tại toà Kính Diên. Tư Thành chăm chỉ học tập, thông tuệ hơn người, được vua Nhân Tông rất yêu quý.

 Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất - 1442. Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn - 1460, các quan đại thần phế truất Nghi Dân, rước Tư Thành - lúc đó 18 tuổi lên ngôi. Lê Thánh Tông hết lòng chăm lo việc nước: mở khoa thi, kén chọn hiền tài, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, mở mang ngành nghề, mở rộng giao lưu buôn bán, ban hành chế độ quân điền, coi trọng việc bảo vệ biên giới quốc gia. Bản đồ biên giới quốc gia Đại Việt được hoàn thành dưới triều Lê Thánh Tông. Và là người xuống chiếu giải oan cho Ức Trai trong vụ Lệ Chi Viên án. Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng mang niên hiệu vua Lê Thánh Tông còn lại cho đến nay là một trong những bộ luật hoàn chỉnh và có nhiều điểm tiến bộ nhất dưới thời phong kiến nước ta.  Bộ Đại việt sử ký toàn thư do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi - 1479 dưới sự chỉ đạo của vua Lê Thánh Tông.  Lê Thánh Tông còn lập ra Hội Tao Đàn gồm 28 ông tiến sĩ giỏi văn thơ nhất nước thời đó gọi là "Tao Đàn nhị thập bát tú" do nhà vua làm nguyên suý. Trong đó có Thân Nhân Trung – người có câu văn bất hủ, được ghi vào Văn miếu Quốc Tử Giám: Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

                                           ***

Không có vị nguyên thủ quốc gia (ở nước Nam) lại lo cho dân đến cùng như vua Lê Thánh Tông. Ở nửa sau thế kỷ XV, trong bối cảnh cực kỳ thuận lợi của một triều đại thái bình thịnh trị, thơ Nôm được triều đình nhà Lê với vị minh quân Lê Thánh Tông đặc biệt chú trọng. Nhà vua đã nâng việc sáng tác thơ Nôm từ chỗ tự phát đến quy mô quốc gia. Thơ Nôm đã tuyển thành tập “Hồng Đức quốc âm thi tập”.

Lê Thánh Tông là một thi nhân hội tụ được cả 3 yếu tố không thể thiếu với một thi nhân đích thực: trí tuệ phong phú, tài năng sáng tạo thơ và tính chất lãng tử trong tâm hồn.

Ông vua hiền triết này có cái nhìn “vạn vật nhất thể”, thấy được cái vĩ đại trong cái hèn mọn, cái may trong cái rủi, cái đẹp trong cái xấu, cái sướng trong cái khổ. Thơ Lê Thánh Tông hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lê Thánh Tông như một vị thánh nhân đức đã “thế thiên” đi ban phát hạnh phúc cho con người ở cõi nhân gian, cho thần dân mà ông hết lòng yêu thương.

 Chỉ riêng một sự việc của Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, vợ chàng Trương Sinh nghe con trẻ trỏ cái bóng trên tường, gọi đó là cha mình. Hãy nghe một đoạn “án oan” này của Nguyễn Dữ viết trong Truyện kỳ mạn lục:

…Qua sang năm sau, giặc Chiêm chịu trói, quân nước kéo về. Trương Sinh tới nhà thì mẹ đã từ trần, con vừa học nói. Chàng hỏi mồ mẹ rồi bế đứa con nhỏ đi thăm. Ra đến đồng đứa con trẻ quấy khóc, Sinh dỗ dành:

-         Con nín đi, đừng khóc. Cha về, bà đã mất, lòng cha buồn khổ lắm rồi!

          Đứa con thơ ngây nói:

-         Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít.

Chàng ngạc nhiên gạn hỏi. Đứa con nói:

-         Khi ông chưa về đây, thường có một người đàn ông đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cùng đi, ngồi cùng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả.

Tính chàng hay ghen, nghe đứa con nói vậy, tin chắc đinh ninh là vợ hư, không còn có cách gì tháo gỡ ra được.

Về đến nhà mắng vợ một bữa cho hả giận. Nàng khóc mà rằng:

-         Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa Tía. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu tường hoa chưa từng bén gót. Đâu có sự hư thân mất nét như lời chàng nói. Dám xin trần bạch để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp.

Chàng vẫn không tin. Nhưng nàng hỏi chuyện kia từ ai nói ra thì giấu không kể lời con nói, chỉ thường thường mắng mỏ, nhiếc móc và đánh đuổi đi. Họ hàng làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả. Nàng bất đắc dĩ nói:

-                        Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia, nghi thất. Đâu ngờ ân tình tựa lá, gièm báng nên non. Nay đã bình rơi trâm gẫy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa gẫy cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Đoạn rồi nàng tắm gội sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rằng:

-         Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu chồng con rẫy bỏ, điều đâu bày buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm chi diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi ngưởi phỉ nhổ.

Nói xong gieo mình xuống sông mà chết.

Chàng tuy giận là thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận cũng động long thương, tìm vớt thây nàng nhưng chẳn thấy tăm hơi đâu cả. Một đêm phòng không vắng vẻ, chàng ngồi buồn dưới ngọn đèn khuya, chợt đứa con nói rằng:

Ô, Cha Đản lại đến rồi.

Chàng hỏi đâu? Nó trỏ bóng chàng ở trên vách.

Đây này!

         Sự việc chỉ có thế mà vua Lê Thánh Tông đã có đến 2 bài thơ.

Bài thứ nhất. Miếu bà Trương;

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương

Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ

Cung nước chi cho lụy tới nàng?

Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt

Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng?

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng

 

Và bài thứ hai Hoàng Giang, điếu Vũ nương.

Ngàn lau san sát, cỏ xanh xanh

Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh

Cách trở bấy lâu hằng giữ phận

Hiềm nghi một phút bỗng vô tình

Hay lòng, phó mặc vầng cao thẳm

Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh

Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy

Thương nàng hòa lại trách Trương sinh

Tâm hồn của vị vua thi sĩ dạt dào tình cảm hiện còn khắc trên đá trước cửa miếu Vũ nương tại Lý Nhân, Hà Nam.

Thơ Nôm của Lê Thánh Tông và của thời Hồng Đức là “máu mủ ruột rà”, là di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam ta cần được phổ cập đến mọi người.

Bên bờ Phước Long Giang, viết kỷ niệm ngày Hội Văn Nghệ Đồng Nai bước sang tuổi 40 . 22/12/1979 – 22/12/2018.

Nhà thơ Xuân Bảo.Bài đăng lại vao ngày hom nay, khi cao trào Co vit 19 đã xâm nhập Đồng Nai. Ngày 29/7/2021.

Nhà thơ Xuân Bảo.

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét