Trang

Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

347. Thương tiếc nhà giáo- giáo sư Ngữ văn Trần Văn Hối

 

                    

                                 Thương tiếc nhà giáo, giáo sư Ngữ văn Trần Văn Hối.

                                          Sáng nay, ngày 27/7, tôi đang ngồi viết về ngày Thương binh Liệt sĩ thì nhận được hung tin từ anh Nguyễn Hậu, con ông cậu ruột của tôi ở Phường Sãi , Thượng Phước, Triệu Thượng, Quảng Trị báo tin anh Trần Văn Hối- giáo sư Ngữ văn đã từ trần!

                                          Thật vô cùng xót xa thương tiếc người anh, người bạn đã ra đi ở tuổi 90! Tôi viết mấy dòng huyết lệ để chia sẻ nỗi đau với chị Nụ, với các cháu trước sự mất mát này. Tôi xin thắp nén tâm nhang bằng bài viết về những kỷ niệm với giáo sư Trần Văn Hối!

 

                     Kỷ niệm 1.

                                                        

                                    Đến đường Phan Bội Châu, tôi nhớ mang máng là anh chị Hối ở số nhà 254. Kỳ cho xe chạy quá gấn tới cầu Bến Ngự. Tôi xuống xe, hỏi một chị đi bộ; Nhà thầy Hối thì chị ta xăng xái dẫn tôi vào một con hẻm hẹp và gọi tên thầy Đối ra có người gặp, Tôi là một ông già tuổi trên tám mươi, tai bị nghễnh ngãng đã đành còn chị ta mới 55 tuổi, sao lại nghe Hối ra Đối được nhỉ? Thế là phải ra lại đường chính và hỏi người khác. Đến đúng số nhà anh Hối. Tôi gọi cửa, anh chị mừng rỡ đón vào nhà. Anh chị nhắc lại một vài kỷ niệm hồi chúng tôi ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Có lần anh ra thủ đô cùng với giáo sư ngữ văn Nguyễn Việt Anh để biên soạn cuốn Văn học sử Việt Nam, anh đã nghỉ lại nhà tôi. Nhưng nhớ nhất là chúng tôi về dự đám cưới của anh chị. Hồi đó, chị Nụ là sinh viên năm cuối khoa ngữ văn, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình. Đoàn đồng hương Quảng Trị chúng tôi gồm anh Phan Hào, chồng chị Đào, anh rể anh Trần Văn Hối. Anh Phan Hào đã từng làm bí thư Thị ủy Quảng Trị thời chống Pháp, anh Trần Đức Lương, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và tôi. Thời gian đó việc mua vé xe ca Hà Nội đi các tỉnh rất khó khăn, nên anh Hào (đang công tác tại Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải) phải lấy giấy giới thiệu của Bộ, bến xe mới ưu tiên bán vé cho.

                     Tôi và anh Hậu đến anh Hối còn có một việc quan trọng. Anh Hối là một nhà trí thức tầm cỡ, có uy tín. Năm nay anh đã 86 tuổi và là một trong những trí thức còn lại của làng. Chúng tôi trình anh bản “Dự thảo Xây Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, anh hùng của làng Thượng Phước”. Trong Lời đề dẫn, chúng tôi có đề cập đến một làng quê nhỏ bé như Thượng Phước, trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đánh Pháp và đuổi Mỹ ròng rã ba mươi năm trời đã cống hiến cho Tổ quốc gần 45 liệt sĩ và có tới 7 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Chưa kể đến những người dân yêu nước của làng đã bị quân thù mổ bụng, moi gan, chôn sống.

                     Địa điểm để xây dựng Nhà bia là một quả đồi thường gọi là Cồn Cự, rộng chừng gần 4 hecta, nằm ngay khu vực trung tâm của làng. Mặt trước là con đường bằng bêtông, có khu dân cư hiện hữu và mé ngoài là con sông Thạch Hãn đưa nước từ thượng nguồn (có chiến khu Ba Lòng nổi tiếng) xuôi về biển Đông. Cồn Cự hiện có những ngôi mộ của các dòng tộc chôn cất người quá cố nằm rải rác, không theo một quy định nào. Phần lớn diện tích còn lại là trồng rừng keo lai. Công ty Thống Nhất Ninh Bình khi thi công con đường cứu hộ, cứu nạn từ đầu cầu phía bắc Thạch Hãn – nơi có tượng đài 19 giọt máu của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca -  lên tới chân đập Trấm, thường gọi là công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, dài non chục cây số. Công ty đã ủng hộ làng một con đường rải đá cấp phối chạy quanh Cồn Cự. Như vậy, nếu lãnh đạo xã Triệu Thượng và Huyện ủy. Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho phép xây Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thôn Thượng Phước thì Cồn Cự cũng sẽ thành công viên vĩnh hằng (hay gọi cách khác là Nghĩa trang Nhân dân) cho người dân nơi đây.

                     Anh Hối chăm chú nghe tôi đọc bản Dự thảo. Nghe xong, anh nói: Hay lắm, không có gì hơn là chúng ta – những người còn sống đến hôm nay phải luôn luôn nhớ đến những đồng bào, đồng chí đã ngả xuống!

                      Nhưng rồi anh cũng thấy nan giải bởi một câu hỏi giản đơn: Tiền xây dựng Nhà bia lấy ở đâu ra? Mặc dù trong “Dự thảo”, chúng tôi có đề cập đến phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng dân làm là chủ yếu”. Anh Hối nói vui: Xuân Bảo xung phong đóng góp 20 triệu đồng trước đi, rồi bà con sẽ noi theo mà góp công, góp của. Nếu “dự án” được tỉnh thông qua thì chắc chắn là làm được.

                     Chị Nụ vừa làm bếp vừa lắng nghe câu chuyện của chúng tôi trao đổi. Chị nói: nếu được duyệt cho xây Nhà bia thì chị cũng sẵn sàng đóng góp. Một lúc sau, cháu Phong, con trưởng của anh chị đánh ôtô về. Cháu nói về rước các con đi học. Tôi nhờ Phong chụp cho mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm. Anh chị mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa, nhưng chúng tôi xin khất lại lần sau.

 

                     Kỷ niệm 2.

Mệt quá và cũng đã đến giờ hẹn với giáo sư Trần Văn Hối, tôi vẫy taxi để về khách sạn Song Cầm. Sửa soạn xong, chúng tôi định kêu xe, nhưng nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm nói: Để em đưa đi. Chúng tôi đến nhà anh chị Hối ở 264 đường Phan Bội Châu, gần Đàn Nam Giao đúng 10 giờ. Nhà văn còn về lo cho việc con gái đầu Aya tốt nghiệp đại học nên xin kiếu.

 

 

 

 

                                                Ảnh. Bữa cơm tại nhà anh chị Trần Văn Hối

                     Anh chị Hối rất vui khi được gặp lại nhà tôi. Chị Nụ thì khen nức nở: Hơn 40 năm qua rồi mà chị Minh vẫn trẻ đẹp như xưa! Bữa cơm thân mật được chị Nụ chuẩn bị từ sáng sớm. Có đủ các món đặc sản của Huế. Cả gia đình giáo sư có mặt đầy đủ. Anh Hối nhắc lại những kỷ niệm hồi còn chiến tranh chống Mỹ. Mỗi lần anh từ trường Đại học Sư phạm Vinh ra Hà Nội đều có ghé nhà tôi ở 59 phố Hàng Đào, Hà Nội. Các thầy Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Duy Bình, Nguyễn Việt Anh…đều có tới thăm gia đình chúng tôi. Thế mà bây giờ đã nhiều người đi xa. Giáo sư Trần Văn Hối cũng đã xấp xỉ cửu tuần rồi.

                     Ôi, Thời gian!

                     Tạm biệt Huế thân thương. Tạm biệt Mang Cá – Kẻ Trài, Bao Vinh, Thành Nội…Tạm biệt những người bạn rất đỗi yêu thương trìu mến! Chúng tôi lại ra sân bay Phú Bài để về Đồng Nai.

                            Nơi mà:

                            Làm trai cho đáng nên trai

                            Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.

 

                           Bên bờ Phước Long Giang, lúc 9 h 30’ ngày 26/7/2021, nhằm ngày 17 tháng Sáu, Tân Sửu.

                                                         Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét