Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

216. Bác và Trăng (Tiểu luận)


                             BÁC VÀ TRĂNG
                                  Tiểu luận cuả nhà thơ Xuân Bảo.
Tự cổ chí kim, từ Âu sang Á, những nhà thơ không ngừng lấy cảm hứng từ “phong, hoa, tuyết, nguyệt”. Nguyệt- cái ánh sáng lung linh, huyền ảo, cao khiết giữa bầu trời đêm, giữa muôn vàn tinh tú của vũ trụ bao la thường đem lại nhiều cảm xúc cho nhà thơ.
Dù là ánh trăng non thượng huyền mỏng như lá lúa, mềm như liễu nhưng cũng đủ ngân lên:
“Sơ tam, sơ tứ nguyệt mông lung…(1)”, hoặc trăng hạ huyền, ánh trăng sắp lặn  để cho mới đang đến dần thì vẫn cứ là đẹp:
“Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,,,(2)”
Trong cuộc đời của mình, Bác Hồ của chúng ta có đến ba bài thơ nói về trăng. Nhưng không phải:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…(3) mà là thể hiện yêu vẻ đẹp trời đất của một thi nhân. Trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, nhà thơ Hồ Chí Minh đã viết:
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thủ lương tiêu nại nhược hà
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
                                      (Vọng nguyệt)
Dịch thơ:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
                                        (Ngắm trăng)
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo của sự tù túng, Bác của chúng ta vẫn biểu lộ một phong thái sống ung dung, ngắm trăng trong tư thế chủ động. Trong tù, ngay cả tự do còn khó kiếm. Ở đây rõ ràng là không có rượu và không có hoa. Dĩ nhiên rồi, nhưng người thơ Hồ Chí Minh lại thấy trăng như một người bạn tâm giao. Thấy trăng ngoài kia, trăng trên cao kia sao Bác lại bối rối nhỉ? (nại nhược hà). Chính trong cơn bối rối đó Bác lại thấy không thể nào hững hờ với trăng cho được. Một tâm hồn thơ mộng quá đỗi!
          Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
          Chỉ có những tâm hồn cao đẹp mới dạt dào, tinh tế trước một ánh trăng như trăng đêm nay. Người đã vượt lên và quên đi cảnh “trong tù không rượu cũng không hoa” rồi. Thật là lãng mạn! Hồ Chí Minh ngắm trăng ngoài cửa sổ. Còn trăng thì “nguyệt tòng song khích” qua song cửa nhà tù để “khán thi gia”. Nguời đây là người tù, là Bác của chúng ta đang ngồi tù. Ý thơ chuyển vận thật là tài tình từ người tù sang nhà thơ. Duy chỉ có cái song cửa nhà tù là thực tại thô bạo, nhưng chúng cũng phải bất lực trước con người thơ Hồ Chí Minh. Ở đây không hề thấy bi lụy (trước cảnh tù) mà chỉ còn lại sự hòa quyện giữa trăng và thi nhân. Dù ở vào hoàn cảnh nào Hồ Chí Minh vẫn vững vàng trong tư thế chủ thể của một con người – con người cách mạng – không có sức mạnh huyền bí hay thực tế phũ phàng nào lay chuyển được ý chí của một nhà cách mạng thực thụ.
            Trên đây là bài thơ Bác viết lúc ngồi tù vào khoảng năm 1942 (trích Nhật ký trong tù) lúc nước nhà chưa giành được độc lập cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công và hơn một năm sau đó (ngày 19-12-1946) toàn dân ta lại đi vào cuộc trường kỳ chống bọn thực dân Pháp. Chúng muốn xâm chiếm nước ta một lần nữa. Bác của chúng lại phải xa Hà Nội để lên Việt Bắc thành lập một “thủ đô gió ngàn” giữa núi rừng, lãnh đạo kháng chiến. Bác đi chiến dịch Thu Đông 1947. Bác lặn lội qua suối, qua khe. Trên mình ngựa, Bác qua các nẻo đường Việt Bắc. Cuộc kháng chiến dù bận trăm công nghìn việc, ở cương vị là vị Thống soái của quân đội, Bác đã từng nói: “Dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải giành cho được độc lập”.
                Thế mà, nhà thơ Hồ Chí Minh đã ngắm một cảnh khuya, cảm nhận được “Tiếng suối trong như tiếng hát xa” và lại thấy trăng – người bạn tâm giao – trong tán cây cổ thụ, trong hoa rừng “Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”.
          Trên cao xanh kia là nguyệt – ánh trăng bao trùm lên tất cả với vẻ đẹp thuần khiết trong cái đêm khuya thanh vắng đến nỗi cho ta nghe được tiếng suối trong. Tuy nhiên nhà thơ đã tự nhắc nhở mình rằng: cảnh có đẹp đấy nhưng không thể nào ngủ được. Ngoài tấm long lưu luyến với trăng, Người còn lo bao nỗi lo khác mà trong đó:
          Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
          Đúng vậy, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
          Bác ngồi đó với cây chì đỏ
          Chỉ đường đi từng phút từng giờ
          Ở đây không có cảnh giặc Pháp nhảy dù Băc Kạn, không có cảnh từng đoàn tù binh nối dài của hai sư đoàn thiện chiến Lepage va Charton đầu hàng bộ đội Việt Minh, không có tiếng bom rền, đạn xé cuả chiến tranh nữa, chỉ còn lại “cảnh khuya như vẽ”.
Dù có đẹp đến mấy thì với cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Bác phải lo toan, tính toán làm sao để đánh thắng quân thù. Đọc đến đây ta cảm nhận được một tư thế, một vóc dáng cuả nhà thơ thật vô cùng lớn lao, vô cùng vĩ đại. Đúng như câu:
Tiên thiên hạ chi ưu
           Hậu thiên hạ chi lạc
Một hồn thơ giản dị, một áng thơ mộc mạc và một tâm hồn nghệ sĩ đã rót vào bài thơ cái cốt cách vĩ đại mà chỉ có ở nhà thơ Hồ Chí Minh.
Thế mới biết nhà thơ Hồ Chí Minh, nhà quân sự lỗi lạc Hồ Chí Minh đã yêu trăng đến nhường nào. Bạn trăng cũng thường nũng nịu với thi nhân:
          Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Và Bác đã khất:
           Việc quân đang bận xin chờ trăng ơi!
Chú  thích
(1)   Thơ Đường
(2)   Thơ Trương Kế
(3)   Thơ Sóng Hồng

       Bên bờ Phước Long Giang-những Ngày Thơ Việt Nam, Giêng Mậu Tuất 2018.
                                                                  Nhà thơ Xuân Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét