Trang

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

204.Về nhà văn Đặng Thanh, tác giả X30 phá lưới,

                     204.Nhân ngày Công an Nhân dân 19/8/1945 – 19/8/2017.
MỘT KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI THÀNH LẬP CÔNG AN TRUNG BỘ - NHÀ VĂN ĐẶNG THANH, TÁC GIẢ X30 PHÁ LƯỚI VÀ 12 CUỐN SÁCH CỦA ÔNG VIẾT VỀ NGÀNH.
Cách đây đúng 22 năm, tháng 8 năm 1995 tôi bị mổ dạ dày, cùng nằm điều trị chung phòng với nhà văn Đặng Thanh tại bệnh viện Thống Nhất (Sài Gòn).  Tôi đã viết bài này, nguyên gốc tôi đặt nhan đề là : NHÀ VĂN ĐẶNG THANH –NGƯỜI VIẾT CUỐN TIỂU THUYẾT  X 30 PHÁ LƯỚI – BÂY GIỜ ĐANG SỐNG RA SAO đã được đăng trên Tạp chí  Văn hóa – Văn nghệ Công an số ra tháng 3 năm 1996, trang 56 và 57.Sở dĩ tôi cho đăng lại bai này bởi lý do là trong cuốn NHÀ VĂN CÔNG AN – TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM, xuất bản năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nước và 60 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945—19-8-2005), phần Mục lục chỉ ghi có 42 nhà văn công an, từ dịch giả Phạm Văn Ba đến nhà văn Mai Vũ ( theo thứ tự vần chữ cái ABC). Tôi cố tìm tên nhà văn Đặng Thanh, nhưng rất tiếc là không có tên ông. Tại sao? Chỉ có Hội Nhà Văn Việt Nam và Liên hiệp Các Hội VHNT thành phố Hố Chí Minh mới biết rõ? Hôm nay, cũng nhân dịp Kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là Kỷ niệm Ngày Thành lập Công an nhân dân, xin mời bạn đọc xem lại bài viết này để hiểu rõ về nhà văn Đặng Thanh, một nhà văn Công an thực thụ.
 Cách làm này cũng để tỏ tấm lòng ngưỡng mộ của tôi đối với lớp nhà văn đàn anh và cũng là thắp lên nén nhang tưởng nhớ về anh của một người em đồng hương may mà Trời cho sống đến hôm nay.!
                                         ***
I.
Nhà văn Đặng Thanh sinh năm Bính Thìn (1916) tại Huế.  Nhà văn tham gia cách mạng thời kỳ Việt Minh (trước 8 -1945) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam đúng vào ngày 19-8-1946, một năm sau chế độ dân chủ cộng hòa tròn tuổi thôi nôi. Từ những năm đầu chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, nhà văn Đặng Thanh đã là một trong những người phụ trách công tác tình báo, phản gián đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế và sau đó là Công an Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Đặng Thanh là người tổ chức và lãnh đạo Ban II Công an Thừa Thiên và Ban Quân ngoại Công an Trung Bộ. Chiến công huy hoàng nhất trong thời kỳ này là ngành Tình báo non trẻ Công an Trung Bộ đã đập tan mọi âm mưu của quân xâm lược Pháp định nống chiếm ra 3 tỉnh vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh (bắc Khu 4 cũ ). Do những chiến tích đó, người chiến sĩ tình báo tài ba Vũ Long (tên thật của nhà văn Đặng Thanh) đã được Bác Hồ  tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 2 ( tấm Huân chương này bằng vàng thật ) đầu tiên trong cả nước, vì đã “ có công lớn trong việc xây dựng cơ sở ở vùng địch hậu và lập được nhiều chiến công, thu được nhiều tài liệu quan trọng, đoạt được nhiều vũ khí và thu được nhiều kết quả trong công tác địch vận”).Nghị định số 05/NDQP-1949.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà văn phụ trách Phòng Phản gián thuộc Cục Phản gián X (thuộc Bộ Công An, sau này là Bộ Nội Vụ). Khi Nhà nước thành lập Tòa án Nhân dân Tối cao, nhà văn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
     Cho đến năm 1981, lúc này nhà văn đã 66 tuổi, ông được nghỉ hưu lúc đang ở cương vị Phó Chánh án Tòa Phúc thẩmTòa án Nhân dân Tối cao.Ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen…Đặc biệt ông đã được Đảng tặng thưởng  Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huy chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc về thành tích trong ngành công an.
Như vậy, nhà văn Đặng Thanh có thời gian công tác liên tục trong ngành Công an là 13 năm và ngành Tòa án là 36 năm 8 tháng. Ngay khi chuyển sang ngành Tòa án, nhà văn cũng được phân công xét xử những vụ án gián điệp, tình báo, hình sự.
                                        *  *  *
 Cương vị công tác và sự lịch lãm trong cuộc đời cộng với sự hiểu biết sâu sắc về số phận của mỗi con người đã giúp nhà văn sáng tác một loạt truyện tình báo, phản gián đầy hấp dẫn, lý thú nhưng cũng đầy tính nhân văn. Trong tiểu thuyết của Đặng Thanh không có những pha bạo lực gay cấn cũng không có dao găm và buồng ngủ. Phần lớn các nhân vật chính diện đều là nguyên mẫu ngưới thật – những chiến sĩ tình báo tài trí, mưu lược, giản dị và khiêm nhường – những người bạn chiến đấu của tác giả.
   Cho đến nay. Nhà văn Đặng Thanh đã có 12 tác phẩm được in thành sách, phần lớn là tiểu thuyết. Đó là cuốn CẤT VÓ, Nhà xuất bản (NXB) Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1967. Trước lúc in thành sách, báo Hà Nội Mới đã đăng tải nhiều kỳ, trọn cuốn. 20 năm sau, năm 1987, NXB Thuận Hóa tái bản với số lượng 30.000 cuốn. Cuốn X 30 PHÁ LƯỚI được tác giả viết trong dịp đất nước mới được hoàn toàn giải phóng (30- 4 -1975). Báo Sài Gòn Giải phóng đã đăng tải trọn cuốn. Sau đó Báo tự đứng ra xuất bản thành sách với số lượng ấn bản kỷ lục : 200 ngàn cuốn đã được tiêu thụ hết trong năm 1976. Năm 1983, Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh tái bản. Cuốn TẤM BẢN ĐỒ THẤT LẠC (2 tập), NXB Măng Non, năm 1983 ấn hành lần đầu 30.000 cuốn và sau đó những năm 1984,1985 tái bản 2 năm liền  Cuốn sách được các cháu thiếu nhi rất yêu thích. Cuốn ĐỌ SỨC, NXB Thuận Hóa in lần thứ nhất năm 1986 với số ấn bản 30.320 cuốn và năm 1988 tái bản  Cuốn LẦN THEO CHUỖI HẠT, NXB Công an Nhân dân in năm 1987 với số ấn bản là  20.300 cuốn. Cuốn NỮ ĐIỆP VIÊN SAO CHĂM-PA, NXB Trẻ in năm 1988 với số ấn bản là 20.000 cuốn. Cuốn ĐI TÌM THẦN CHẾT (Truyện dài), NXB Công an Nhân dân in năm 1989 với số lượng in 5.000 cuốn. Cuốn LÁ THƯ VĨNH BIỆT CỦA JACQUELINE,NXB Thanh niên in năm 1990 (3.000 cuốn ). Trước khi in đã đăng tải trên báo Văn hóa – Nghệ thuật. Cuốn KHI TRÁI TIM CÒN ĐẬP, NXB Thuận Hóa in năm 1991.
                         
       Đặc biệt cuốn SỰ THẬT VỀ X 30 (2 tập) dày khoảng gần 600 trang là cuốn tiểu thuyết tư liệu tình báo do Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam và NXB Văn hóa in năm 1991, có Lời giới thiệu của giáo sư Lê Anh Trà, Viện trưởng. Cuối sách có đăng phụ bản ảnh thật của các nhân vật thật có mặt trong cuốn tiểu thuyết như X 30, Vũ Long, Hồng Nhật. Vân Anh, Phương Loan, Tố Loan. Có cả ảnh của “nữ hoàng vũ trường” Cẩm Nhung, nổi tiếng một thời của Sài Gòn. Phía bên kia có mấy anh em họ Ngô: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn,tướng Mỹ Lansdale,các tướng Trịnh Minh Thế, Ba Cụt…Có bút tích của nhân vật hiện còn sống ngoài đời  như Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Tri Điền, Chu Đình Xương.

     Năm 1993,NXB Thanh niên in cuốn TRUYỆN TÌNH X 32 và hiện nay NXB Văn nghệ , Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh đang in cuốn tiểu thuyết thứ 12 của nhà văn Đặng Thanh mang tên MỘT CHIẾN CÔNG CHƯA TRỌN VẸN.
Nhà văn Đặng Thanh là hội viên Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh. Từ sau ngày nghỉ hưu, ông mới có nhiều thời gian cho sáng tác. Trừ 2 cuốn sách viết trước năm 1981 còn 10 cuốn sau là viết vào thời gian từ năm nghỉ hưu cho tới năm 1994. Trung bình cứ hơn 1 năm, nhà văn cho ra mắt bạn đọc 1 tác phẩm.
Giáo sư Lê Ngọc Trà đã có nhận xét: “Đọc truyện tình báo của nhà văn Đặng Thanh ta không thấy nhiều pha đánh đấm, bắn giết như trong phần lớn các truyện tình báo Âu – Mỹ. Dưới cây bút của nhà văn hiện lên người tình báo Việt Nam hào hoa, phong nhã, vì thương dân đến dám coi thường tính mạng; đầy trí tuệ để đối phó với những tình huống tưởng như không sao thoát được; bên cạnh những éo le đau thắt của con ngưởi trước một bên là nhiệm vụ đối với Tổ quốc và bên kia là những tình cảm tan nát của con tim ; những mất mát cá nhân không gì bù đắp nổi để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đó là những trang hồi hộp qua những cuộc đấu trí, đấu lực có thật giữa chiến sĩ tình báo của ta chống mạng lưới dày đặc của mật vụ, điệp báo địch, CIA Mỹ, ngay tại sào huyệt của kẻ thù trên cuộc chiến đấu thầm lặng. Đó là những trang rung động se thắt trứơc bao nhiêu bi kịch nội tâm, vô vàn thảm cảnh xã hội trong vùng địch tạm chiếm, mà nay, nếu không ai nhắc lại, thì  thời gian sẽ sớm phủ lên lớp bụi lãng quên”…
   Nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét ;” Truyện tình báo của nhà văn Đặng Thanh viết gây xúc động mạnh trong tâm hồn người đọc. Đọc lá thư vĩnh biệt của Vân Anh  ( trong cuốn Sự thật về X 30 ) mà muốn rưng rưng nước mắt”.
II.
Trong những ngày nằm điều trị taị Bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện giành cho cán bộ cao cấp) tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi may mắn  được nằm cùng phòng với nhà văn Đặng Thanh. Ông bị bệnh tiền liệt tuyến được đưa vào cấp cứu đêm mùng 1 tháng 11 năm 1995. Mười ngày nằm chờ theo dõi để lên bàn mổ, nhà văn có dịp thổ lộ những tâm tư tình cảm của mình. Tôi, trước đây cũng như hiện nay là một độc giả đã đọc gần như toàn tập tác phẩm của nhà văn Đặng Thanh. Đây có thể nói là tôi được cái cơ duyên trò chuyện cùng nhà văn với tình cảm của người đồng hương cùng là người cầm bút. Nhân dịp này, tôi lại còn được cái may mắn khác. Đó là nhà văn đã cho tôi cuốn sách Sự thật về  X30. Ông bảo người con trai thứ của ông về nhà lấy sách đem vào biếu tôi. Cuốn sách đã được đóng dấu TỦ SÁCH GIA ĐÌNH ĐẶNG THANH. Trang đầu sách nhà văn ghi: Kính biếu nhà báo lão thành Xuân Bảo –người đã tạo cho tôi niềm lạc quan yêu đời trong thời gian tôi nằm điều trị chứng bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Thống Nhất. 9 giờ ngày 11 tháng 11 năm 1995, Tác giả Đặng Thanh.
          Tôi vô cùng cảm kích cảm ơn nhà văn và cầu mong cho ông được mau chóng bình phục và tiếp tục cầm bút để cho ra đời những tác phẩm mà bạn đọc hằng mong mỏi. Nhà văn tâm sự: “Mình lấy làm tiếc là trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ngành Công an Nhân dân (1945-1995) không hiểu vì lý do gì mà mình không được mời dự lễ kỷ niệm. Nằm nhà xem truyền hình thấy lễ kỷ niệm tổ chức trọng thể cả ở Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Mình thấy lẻ loi quá. Nhớ về quá khứ, những ngày đầu Cách mạng mới thành công, ngành công an non trẻ ra đời, trong đó có bàn tay đóng góp của mình. Nhớ da diết và muốn khóc lên được.Tuổi già dễ mủi lòng lắm”.
          Cũng có cái an ủi là trong những ngày lâm bệnh, nhà văn nhận đươc thư của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ. Thư viết:

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1995
Kính gửi Anh Đặng Thanh
                    Thư anh đề ngày 25/10/95 đến nay tôi mới nhận được.
Trước hết xin nhận lỗi với anh trong dịp kỷ niệm 50 năm CANDVN, cơ quan tổ chức thiếu sót đối với anh. Anh em mới, giấy tờ , sổ sách (hồ sơ) của ta kém, nên dễ sót lọt. Nhất là thời kỳ “chuyển tiếp thế hệ” hiện nay. Rất mong được anh thông cảm và lượng thứ. Nhiều anh em không biết chớ tôi rất rõ về anh. Tôi kính trọng anh về tuổi đời cũng như sự cống hiến cho CM.
Xin kính chúc anh mạnh khỏe, sống lâu, vui hưởng hạnh phúc tuổi già.
                                      Kính trọng, Bùi Thiện Ngộ.

Bức thư viết tay, nét chữ chân phương nhưng không kém phần sắc sảo. Lời lẽ thật thâm tình và cảm động. Nhà văn đã tin tưởng và trao bức thư ấy cho tôi. Và hôm nay tôi cho đăng bức thư ấy vào bài này vừa để biết ơn nhà văn, đồng thời để nhớ về đồng chí Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ - một cán bộ lãnh đạo ngành công an đức tài toàn vẹn.
                                        ***
Nói về cuộc sống của nhà văn thì trừ cuốn MỘT CHIẾN CÔNG CHƯA TRỌN VẸN mà Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố đang in, sắp xong là nhà văn phải bỏ tiền túi ra in còn 11 cuốn trước đều được in trong thời kỳ bao cấp và gần như bao cấp, cho nên thu nhập từ đồng tiền nhuận bút không được là mấy. Có một số cuốn được dịch ra tiếng nước ngoài như Nhật, Nga, Bun-ga-ri, Liên bang Đức…nhưng không được trả nhuận bút vì ta chưa tham gia Công ước Bản quyền tác giả quốc tế. Có một số nước (có dịch sách của nhà văn Đặng Thanh) chỉ mời nhà văn đến thăm và chi phí mọi khoản như Nhật, Đức…Cuộc sống của hai vợ chồng nhà văn hiện nay chỉ trông chờ vào hai suất lương hưu. Lương chồng được 485 ngàn đồng/ tháng và lương bác gái được gần 200 ngàn đồng/tháng. Bác gái Đặng Thanh bị bệnh bán thân bất toại đã hai năm nay. Tuy đã được chữa khỏi nhưng hiện nay việc đi lại rất khó khăn, phải dung nạng gỗ hỗ trợ. Chi phí tiền nhà mỗi tháng hết 235 ngàn đồng, điện và nước hơn 200 ngàn đồng. (Tuy là cán bộ cao cấp nhưng nhà văn chưa được cấp nhà). Số tiền hưu còn lại khoãng 250 ngàn đồng chi dung mọi việc ăn uống, tiêu vặt. Vì vậy, để có thêm thu nhập, nhà văn cộng tác với báo Doanh nghiệp trong chuyên mục “Doanh nghiệp và Pháp luật” và được báo này ưu ái trả lương hợp đồng trách nhiệm 200 ngàn đồng/tháng và viết bài nào hưởng nhuận bút bài đó.
Nhà văn Đặng Thanh mong ngóng: Tôi nghe nói Chính phủ đã ra Nghị định ưu đãi người có công với đất nước, kể cả những người tham gia cách mạng trước khởi nghĩa thàng Tám. Tôi cũng thuộc diện đó, tính ra mỗi tháng cũng được thêm khoảng 135 ngàn đồng. Nghe đâu được truy lĩnh từ đầu năm 1995. Tôi đã kê khai và nộp hồ sơ đã hơn 5 tháng nay, nhưng hiện nay vẫn chưa có tin tức gì mới về khoản này.
Theo bản gốc của bài này thì đoạn viết về lý do tại sao nhà vàn Đặng Thanh không được kết nạp vào làm hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam nằm ở giữa bài. Song vì hiện nay, Hội Nhà Văn Việt Nam đang có nhiều dư luận không tốt về việc xét kết nạp hội viên nên tôi đưa vào đoạn cuối bài này. Còn nguyên văn bản gốc trước đây như sau:
Việc kết nạp nhà văn vào Hội Nhà Văn Việt Nam cũng là một điều day dứt đối với nhà văn Đặng Thanh. Không hiểu sao hồ sơ kết nạp hội viên của nhà văn đã làm cách đây 4, 5 năm, trước cả Đại hội Nhà văn lần thứ 4. Hồ sơ được nhà văn Huy Phương và nhà thơ Viễn Phương đứng ra giới thiệu nhà văn Đặng Thanh vào hội. Thế mà đến nay vẫn không thấy nhắc tới nữa. “Nhưng dù không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì tôi vẫn cứ sáng tác đều và chỉ khi nào trái tim ngừng đập mới thôi viết.” Nhà văn Đặng Thanh khẳng định như vậy.
Đây là phần viết thêm của tôi – nhà thơ Xuân Bảo :
Trong cuốn sách Tùy bút và Thơ của tôi do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép xuất bản năm 2008, tôi đã viết: Hiện nay, việc các “ nhà thơ” tự bỏ tiền ra in thơ khá phổ biến. Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ. Đó là cách nói để tôn vinh một nền thi ca có bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Thực ra để vươn tới “ngôi đền thi ca” và khẳng định được “thơ ra thơ” là vô cùng khó khăn. Tôi rất buồn khi đọc những dòng sau đây của một hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam:
Tay em mềm mại cầm panh
Cầm dao mổ xẻ tan tành vết thương
(Bài Hỡi người chiến sĩ của H.T.H trong tập Giải phóng NXB Đà Nẵng năm 2001)
Chao ôi, kinh quá !
Hoặc :
Máu các anh sáng trên đầu mẹ
Vuông vắn năm khung trời nhỏ bé
Mẹ soi đời mình qua xương thịt các con..
( Nén nhang trong –của nhà văn P.T.Q.)
 Nhưng phải đến thời kỳ này mới phát lộ ra những “nhà thơ nhớn”, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam mà nhà thơ “thánh” Hoàng Quang Thuận là một điển hình. Xin bạn đọc vào các blog của các nhà văn Việt Nam đương đại để xem cho rõ chân tướng nhà thơ “cõi trên” Hoàng Quang Thuận và nghe đâu Hoa Lư thi tập và Thi vân Yên Tử sắp giật giải Nô-ben về văn chương, nhờ vào sự tung hê của Tạp chí Nhà Văn Việt Nam tổ chức hội thảo ngày 8-8-2012 vừa qua tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Điều tôi thấy xấu hổ là trong cả hai tập thơ của Thuận có rất nhiều bài không phải của Thuận. Đó là hệ lụy của việc kết nạp hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Khỏi bàn thêm!
 Anh Đặng Thanh kính mến, chắc anh nghe và biết những gì về Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay, anh sẽ ngậm cười nơi chín suối mà rằng: Rất may là ta không được đứng vào hàng ngũ của Hội này. Ta không chung mâm với những tên vô loài: nhà văn thuốc Tây Minh Hải, nhà văn điện thoại di động KonTum, nhà văn Cướp cò xứ Đồng Nai khoai củ…
                                        ***
-Con người ta không ai sống mãi được trên cõi đời này. Tuổi của tôi bây giờ cũng đã gọi được là thọ rồi. Sống tùng tiệm qua ngày đoạn tháng, nhưng trong lòng lại rất thanh thản. Tôi chỉ có một nguyện vọng tha thiết nhất là mong sao sống thêm được vài năm nữa để được vinh dự nhận tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Lúc đó nhắm mắt, xuôi tay là vừa. Nhà văn Đặng Thanh trăn trở. Có thể nói đây là những trăn trở, ưu tư của một nhà văn cách mạng chân chính.
                             Bệnh viện Thống Nhất, tháng 11 -1995
Bên bờ Phước Long Giang, những ngày Cách mạng Mùa thu năm 2017.
                                       Nhà thơ Xuân Bảo (có nhuận sắc lại)

1 nhận xét:

  1. Cháu chào bác Xuân Bảo,

    Bác có thể cho cháu biết nhà văn Đặng Thanh qua đời năm nào không ạ? Xin cảm ơn bác!

    Trả lờiXóa