Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

VỀ MIỀN SÔNG NƯỚC CỬU LONG (Tiếp theo)



5.TRÊN ĐƯỜNG TỚI CÀ MAU

 

..Tổ quốc tôi như một con tàu

Mũi thuyền ta đó,mũi Cà Mau.

Xuân Diệu

 

          Mặc dù vợ chồng Tân và các cháu ngân hàng nhiệt thành mời chúng tôi nghỉ lại Bạc Liêu nhưng do thời gian có hạn nên xin kiếu, hẹn dịp khác. Cháu Linh Đan đã chuẩn bị từ trước nên lên xe cùng đi Cà Mau.

          Về đêm, đoạn đường gần sáu chục cây số từ Bạc Liêu đến thành phố Cà Mau khá thoáng nên chỉ hơn 1 giờ chúng tôi đã về tới khách sạn Công Đoàn.Đây là khách sạn thuộc Liên đoàn Lao động Cà Mau, tọa lạc ngay trung tâm thành phố.Phía trước, bên kia đường là hoa viên cây xanh. Khách sạn có 42 phòng, một nhà hàng dủ chỗ cho 800 thực khách, một hội trường có phòng họp có sức chứa đến 200 cử tọa với thiết kế chuyên nghiệp,âm thanh ánh sáng hiện đại.

          Kỹ sư Toàn là người từng nhiều lần về công tác Cà Mau nên quen biết khá nhiều người nơi đây.Ngay tối hôm đó Phạm Toàn đã làm việc với anh Trần Chí Thiết, một cán bộ của Công ty về chương trình ngày hôm sau đi thăm Đất Mũi.

          Sau khi điểm tâm sáng xong, chúng tôi lên xe.Cùng đi có Trần Chí Thiết, con trai anh Trần Chí Nhân, phóng viên báo Minh Hải, làm nhiệm vụ hướng dẫn viên.Ngồi trên xe, tôi hỏi thăm những người quen biết thân thiết trước đây khi tôi vế Minh Hải viết bài.Tôi hỏi thăm cô Tuyết Nga, chánh văn phòng Tỉnh ủy Minh Hải – người đã tận tình tiếp đoàn nhà báo chúng tôi trong gần tuần lễ - đã đi khắp các huyện thị trong tỉnh và về tận đất mũi, thì được biết nàng đã về bên kia thế giới. Hỏi đến anh Nam Phong, phó ban Văn hóa của Hội đồng Nhân dân thì Thiết lại không biết. Câu chuyện anh Năm Phong đánh cấu lông với Tuyết Nga đã để lại một câu thơ nhại Bút Tre mà bà con Minh Hải rất nhiều người biết, nhất là các cán bộ của tỉnh:

           Tuyết Nga mặc váy đánh cầu / lông bay vun vút qua đầu Năm Phong.

 Tôi hỏi đến nhà văn, nhà báo Nguyễn Hải Tùng, thường gọi là Út Nghệ. Thiết bảo bác ấy còn sống và sức khỏe thì không được tốt.Anh Út Nghệ vốn là dân làm báo, đã từng giữ chức Tổng biên tập tờ báo ảnh Đất Mũi. Sau khi thôi giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh được điều sang giữ chức Trưởng ban Văn hóa – Xã hội của Hội đồng Nhân dân tỉnh.Anh Út là dân gốc nơi đây đã cùng đồng bào đồng chí đồng cam cộng khổ suốt hai thời kỳ kháng chiến. Anh hiểu rõ từng địa danh, từng cốt cách của người dân nơi đầu sóng ngọn gió này.Tác phẩm “Những ngày ở cứ” là một thiên tự truyện, anh kể về những ngày gian khổ của miền quê nơi anh sinh ra và những chiến tích của đồng bào đất mũi.

          Tôi có nhiều kỷ niệm với anh Út Nghệ.Đó là, cách đây đã hơn 20 năm khi biết tôi muốn ra thăm nơi chót mũi Cà Mau. Anh liền bố trí chuyến đi kết hợp với việc dự Kỳ họp của Hội đồng Nhân dân xã Đất Mới (huyện Ngọc Hiển).Chuyến đi này gốm có anh Út Nghệ, anh Ba Sơn, chuyên viên tổng hợp của Hội đồng Nhân dân tỉnh, nhà báo Trần Mộng Cẩn và tôi.

Lúc bấy giờ Quốc lộ 1A chưa khôi phục. Chúng tôi phải đi tàu đò theo con sông đào từ thị xã Cà Mau về Năm Căn.Tôi còn nhớ hồi đó,anh Út Nghệ giải thích cho chúng tôi biết: Thời đô hộ,bọn thực dân Pháp đã bắt người dân Cà Mau đi phu phen lao dịch để đào con sông này.Máu và nước mắt của người dân thuộc địa đã đổ xuống nơi đây, hình thành một con sông để chúng đi sâu vào vùng đất rừng phương nam,khai thác tài nguyên mà các thứ chính là gỗ, củi, than cây đước và các loài muông thú hiếm đem về làm giàu cho “mẫu quốc Đại Pháp”.

Anh Út Nghệ là người đã nâng đỡ cho tác phẩm Vượt biển vế Nam của tôi, được in chung trong cuốn sách Những năm tháng không quên (tập III) của Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Cà Mau,xuất bản năm 2004.Trong tập sách này có 24 tác giả, có những gương mặt thân quen như các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Bá, Đinh Quang Nhã, Vĩnh  Trà, Đỗ Tuyết Mai, Lê Giang…

Sau 2 giờ đồng hồ, chúng tôi tới bến Năm Căn.Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Huyện ủy Ngọc Hiển có các đồng chí Bí thư Hai Mến, anh Tư Trung Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, anh Ba Thơm, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện.Chúng tôi chỉ kịp tay bắt mặt mừng và uống với nhau vài chén trà.Vì theo hẹn từ hôm qua, chúng tôi sẽ xuống dự Kỳ họp Hội đồng Nhân dân xã Đất Mới.

Chiếc ôbo cậu Cường cầm lái khởi động máy trong nháy mắt rồi lao vút lên,lượn lách qua rất nhiều tàu thuyền như mắc cửi trong khu vực sông thị trấn.Sau 10 phút đã cập bến và chúng tôi vào dự cuộc họp.Cơm trưa xong, anh Tư Trung ở lại dự họp,còn chúng tôi đi ra đất mũi.

 

 

 

 

.

 



                    6. CÀ MAU CÓ NGHĨA LÀ ‘NƯỚC ĐEN”

 .

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Minh Hải ra làm 2 tỉnh có tên là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh Cà Mau gồm thị xã Cà Mau và 6 huyện: Cái Nước,Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh.
Ngày 14 tháng 4 năm 1999, Chính phủ cho thành lập THÀNH PHỐ CÀ MAU thuộc tỉnh Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau có quốc lộ 1A  quốc lộ 63 nằm cách Sài Gòn 380 km và thành phố Cần Thơ 180 km. Từ Thành phố Cà Mau có thể đi lại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng. Các sông lớn như sông Bảy Háp, sông Gành Hào, sông Đốc, sông Trẹm... rất thuận tiện cho giao thông đường thủy đi lại khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

            Cà Mau hiện  một sân bay, với chuyến bay từ Cà Mau đến Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở rộng và nâng cấp. Các sân bay cũ ở Năm Căn, Hòn Khoai khi có điều kiện có thể khôi phục để sử dụng.

Cảng Năm Căn là cảng quan trọng trong hệ thống cảng ở đồng bằng sông Cửu Long. Cảng được đầu tư xây dựng ở vị trí vòng cung đường biển của vùng Đông Nam Á. Cảng Năm Căn có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao thương với các nước trong vùng như: Singapore, Indonesia, Malaysia.

       Và nơi đây cũng đã từng chứng kiến việc những đứa con của miền Nam thân yêu lên đường tập kết ra Bắc khi Hiệp nghị Giơ-neo 1954 được ký kết.Hai ngón tay đưa lên trời khi tiễn biệt là dấu hiệu hẹn ngày trở lại sau 2 năm sẽ có Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.Nhưng than ôi! Không phải là 2 mà là 20 năm ròng. Tôi còn nhớ cố nghệ sĩ Quốc Hương đã hát với tất cả nổi niềm đau chia cắt: “Ta nhớ má Năm Căn.Ta thương em Cửa Việt…”

    Miền đất này có truyện cười dân gian của Bác Ba Phi đầy huyền thoại, có làn điệu thơ Bạc Liêu của nghệ sĩ Thái Đắc Hàng. Các đặc sản khá nổi tiếng ở Cà Mau như Mắm lóc U Minh, Ba khía Rạch Gốc, Sò huyết Bãi Bồi, Tôm khô Bãi Háp, Cua Biển Cà Mau... cùng nhiều món ăn khác.


 

7. LỊCH SỬ MỘT MIỀN ĐẤT TẬN CÙNG TỔ QUÔC.

 

         Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có chép "Thời Gia Long, những giồng đất cao ráo ở ven sông Ông Đốc, sông Gành Hào, sông Bảy Háp và một vài phụ lưu mới có người khai khẩn, lập thành xóm, ấp. Tuy vậy, đến thời Tự Đức Cà Mau vẫn là vùng rừng đước, vẹt, tràm, không mấy ai đến lập nghiệp vì thiếu nước ngọt và ruộng quá nhiều phèn".
Tên gọi Cà Mau (chính tả cũ: Cà-mâu) được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau" (tiếng Khmer:), có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Chính vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao.
          Cà Mau là xứ quê mùa
          Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu
                                      (Ca dao Việt Nam)

Vào năm 1808, năm Gia Long thứ 7, đổi tên đạo Long Xuyên thành huyện Long Xuyên, thuộc trấn Hà Tiên.Năm 1825, năm Minh Mạng thứ 6, nhà Nguyễn đã đặt ra một quan tri huyện để cai trị.
Năm 1867, thực dân Pháp thành lập hạt Cà Mau gồm  huyện Long Xuyên cũ. Sau đó, ngày 1 tháng 8 năm 1877, Pháp lại giải thể hạt Cà Mau, nhập vào  hạt Rạch Giá.Cà Mau gồm 2 tổng Quảng Xuyên, Quảng Long và các làng Tân Lộc, Tân Lợi, Tân Phú, Thới Bình của tổng Long Thủy.
       Năm 1882,chính quyền Pháp lấy một phần đất Bạc Liêu thuộc tỉnh Sóc Trăng, một phần đất Cà Mau thuộc Rạch Giá hợp thành tỉnh Bạc Liêu. Cà Mau là một quận của tỉnh Bạc Liêu, quận lỵ đặt tại làng An Xuyên thuộc tổng Quảng Long.
 Năm 1903, Pháp lập đại lý hành chính Cà Mau gồm 3 tổng Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thủy. Năm 1911,Toàn quyền Đông Dương quyết định đưa thành quận Cà Mau thuộc Bạc Liêu.
Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm lấy quận Cà Mau và 4 xã của quận Giá Rai thành tỉnh Cà Mau, tỉnh lỵ ban đầu có tên là Cà Mau.. Tỉnh Cà Mau được đặt tên mới là tỉnh An Xuyên, còn tỉnh lỵ đổi tên là "Quảng Long". An Xuyên chính là tên của làng sở tại trước kia thuộc tổng Quảng Long, vốn là nơi đặt quận lỵ quận Cà Mau trước năm 1956. Lúc này, xã An Xuyên cũng được đổi tên thành xã Tân Xuyên thuộc quận Quảng Long và là nơi đặt tỉnh lỵ Quảng Long của tỉnh An Xuyên
       Tỉnh An Xuyên khi đó gồm 6 quận: Quảng Long, Thới Bình, Sông Ông Đốc, Cái Nước, Đầm Dơi và Năm Căn.
 Tuy nhiên,phía ta không công nhận tên gọi tỉnh An Xuyên mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cà Mau.
      Toàn tỉnh Cà Mau, có 12 tôn giáo khác nhau.Đứng đầu là đạo Cao Đài, thứ nhì Công giáo, Thứ ba là Phật giáo. Các tôn giáo khác có từ vài chục người đến ngàn người như Tin lành, Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh Sư Đạo,  Đặc biệt đạo Bửu Sơn KHương chỉ có 3 người,đạo Bahá'í chỉ có 2 người.
      Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thời kỳ quân quản vẫn duy trì tên tỉnh Cà Mau cho đến đầu năm 1976.. Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu  hợp nhất  với tên gọi ban đầu là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.
Ngày 10 tháng 3 năm 1976, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu được đổi tên thành tỉnh Minh Hải, thị xã Bạc Liêu đổi là thị xã Minh Hải. Tỉnh Minh Hải gồm thị xã Minh Hải, thị xã Cà Mau
                                      ***   
      Tỉnh Cà Mau có quốc lộ 1A  quốc lộ 63 nằm cách Sài Gòn  380 km và thành phố Cần Thơ 180 km. Từ Thành phố Cà Mau có thể đi lại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng. Các sông lớn như sông Bảy Háp, sông Gành Hào, sông Đốc, sông Trẹm... rất thuận tiện cho giao thông đường thủy đi lại khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.


        Đờn ca cải lương trở thành nếp sinh hoạt văn nghệ phổ biến trong nhân dân. Miền đất này có truyện cười dân gian của Bác Ba Phi đầy huyền thoại, có làn điệu thơ Bạc Liêu của nghệ sĩ Thái Đắc Hàng.  
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét