Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

126. Làng mới

LÀNG MỚI  

      hay là ĐẤT NÂU, CÂY XANH, VÀNG TRẮNG và NGÓI ĐỎ
                                                                            
                                                                                                Xuân Bảo


1.Cao su-ngươi từ đâu tới

          Brasil, (Châu Mỹ La-tinh) rộng lớn nằm ở gần kề đường xích đạo từ 30 đến 350 vĩ nam bán cầu, có con sông Amazôn hùng vĩ dài hơn 6500 cây số, chảy qua hầu hết đất nước từ đông sang tây rồi đổ ra Đại Tây Dương.
          Trong rừng mưa Amazôn cách đây mười thế kỷ, thổ dân Mainas đã biết dùng nhựa của một loài cây tẩm vào quần áo để chống ẩm ướt và tạo ra những quả bóng vui chơi trong những dịp hội hè.
          Thổ ngữ Mainas từ Caouchouk có nghĩa là “nước mắt của cây”.Cao là gỗ, uchouk là chảy ra hay là khóc.
          Chín thế kỷ sau, năm 1839 nhân loại phát minh ra công nghệ lưu hóa đã dẫn tới sự bùng nổ trong khu vực này, làm giàu bằng chính cây cao su cho các thành phố Manaus (bang Amazonas) và Belem (bang Pará ) của Brasil.
          Cao su vượt ra khỏi quê hương- nơi sản sinh ra nó. 2800 hạt (4%) trong số 70.000 hạt giống xuất dương đã nẩy mầm. Sau khi thiết lập sự có mặt ở ngoài nơi bản địa, cây cao su đã được nhân giống rộng khắp tại các thuộc địa Anh. Người Anh thường tự mãn cho rằng “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”.
 Châu Á là nơi đầu tiên cây cao su được gieo trồng. Năm 1883 cây cao su có mặt tại vườn thực vật Buitenzorg (Malaysia)và  đến năm 1893, một đồn điền cao su đã được thành lập tại Malaya.  
         Cây cao su có danh pháp hai phần: Hevea brasiliensis là một loài thân gỗ thuộc về họ Đại kích (Euphorbiaceae) và là thành viên có tầm quan trọng kinh tế lớn nhất trong chi Hevea. Chiều cao cây cao su có thể tới 30 mét. Nhựa mủ thường là màu trắng (cũng có khi màu vàng) có trong mạch nhựa ở vỏ cây. Các mạch này tạo thành xoắn ốc theo thân cây hướng tay phải, tạo một góc khoảng 30 0 với mặt phẳng. Khi cây đạt độ tuổi 5 – 6 năm thì cho mủ. Và tuổi thọ của cao su chỉ đạt tới 25 đến 30 năm.
           Công dụng của cây cao su thật đa dạng: Mủ cao su là nguyên liệu chính dùng trong sản xuất săm lốp ôtô, bánh máy bay,xe máy môtô,xe đạp và các loại bánh hơi khác. Ngoài ra còn dùng mủ cao su cho sản xuất đồ dùng như đế giày, dép và đồ chơi trẻ em.Đặc biệt, khi tôi viết những dòng này thì đất nước Brasil – quê hương của cây cao su - đang tưng bừng ngày hội Bóng đá toàn cầu. Đó là FIFA WORLD CUP 2014 BRASIL.Tôi lại như đang trông thấy trong ruột những trái bóng Brazuca đang lăn trên các sân có phần đóng góp của cao su. Không biết bây giờ trình độ khoa học cao người ta chứa hơi vào quả bóng bằng loại hơi gì mà không còn thấy như ngày xưa những cái vet-si- (ruột bóng) màu đỏ bằng cao su, có vòi để mỗi lần bóng xẹp thì dùng bơm xe đạp bơm căng lên. Và những chùm bóng bay làm bằng mủ cao su, đủ màu sắc tung lên trời trong lễ khai mạc làm cho không khí ngày hội càng thêm tươi vui và náo nhiệt.Gỗ cây cao su là nguyên liệu cho sản phẩm đồ mộc.Nó được đánh giá cao vì thớ gỗ dày, ít co, mầu sắc nhẹ nhàng thanh thoát.Nó cũng được coi là loại gỗ “thân thiện môi trường” do việc khai thác gỗ cao su sau khi cây cao su kết thúc chu kỳ sản sinh ra mủ.Quả cao su là quả nang có ba mảnh vỏ ghép thành ba buồng, mỗi nang một hạt hình bầu dục hay hình cầu,đường kính 2 cm, có hàm lượng dầu khá .Hạt cao su có thể chế biến thành dầu dùng cho sản xuất sơn dầu và sơn al-kit (alkid paint) và sản xuất xà phòng.
          Tuy nhiên cây cao su có nhiều yếu tố gây độc hại cho con người, nhất là độc tố trong mủ cho nên phải thận trọng trong các khâu từ chăm sóc vườn cây đến cạo mủ, nhất là khâu chế biến.

                                                          ***
                                       
          Thực dân Pháp, sau khi thôn tính Việt Nam đã nghĩ ngay đến việc bóc lột tài nguyên và sức lao động bản xứ. Lấy xong Lục tỉnh, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã gửi ngay thư về “mẫu quốc Phú –Lang-Sa”. Thư viết rằng: “Đẩy mạnh sản xuất và thương mại của thuộc địa bằng việc phát triển công cuộc thực dân của người Pháp và lao động của người bản xứ”. Paul Doumer cũng là tên thực dân cáo già muốn đẩy nhanh tốc độ khai thác thuộc địa nên đã có ý tưởng đề xuất xây dựng cầu Long Biên, trước mặt Hà Nội để nối các đầu mối giao thông đường sắt thành một hệ thống hoàn chỉnh.Cầu Long Biên có thời được mệnh danh là Pont Doumer (cầu của ông Doumer).Và giờ đây chiếc cầu này đã đi vào lịch sử, được phong tặng danh hiệu “Di sản lịch sử của Thăng Long-Hà Nội.
          Người Pháp đưa cây cao su vào Việt Nam lần đầu tiên tại Vườn Thực vật Sài Gòn từ năm 1878 nhưng không sống được. Mãi tới năm 1892, Pháp lại thấy đất đai mầu mỡ của những vùng đất bazan và cả đất xám ở miền Đông Nam kỳ rất hấp dẫn với loại cây này nên chúng đã nhập 2.000 hạt cao su từ Indonésia vào nước ta. Có 1.600 cây nẩy mầm thì 1.000 cây được giao cho Trạm Thực vật Ong Yệm (Bến Cát, Thủ Dầu Một).200 cây giao cho bác sĩ Alerxandre John Emil Yersin, dân Pháp gốc Thụy Sĩ – người đã tìm ra cao nguyên Lang Biang và xây dựng Đà Lạt thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, trồng thử ở Suối Dầu, cách Nha Trang khoảng 20 km.
          Công ty cao su đầu tiên được thành lập có tên là Suzannah đặt tại Dầu Giây, (Long Khánh, Biên Hòa).Tên chủ người Pháp tên là W.Bazet đã chọn Hàng Gòn để mở plantation (đồn điền) cao su.Và ở đây năm 1927 nhà khảo cổ học người Pháp J. Bouchet đã phát hiện ra ngôi mộ cổ Cự Thạch Hàng Gòn,có niên đại từ 150 đến 240 năm sau công nguyên. Xã Hàng Gòn là 1 trong 6 xã của tỉnh Đồng Nai thuộc Nhóm 1 đạt chuẩn Chương trình xây dựng Nông thôn mới đủ 19 tiêu chí.
          Như vậy, ở Việt Nam từ năm 1907 cây cao su mới thực sự bám rễ và phát triển. Các plantation (đồn điền) cao su mọc lên: Plantation de Courtenay, thuộc tập đoàn tư bản Riveaux của Pháp rải khắp các thuộc địa.Ở Đông Nam Bộ có SIPH, SPTR, CEXO, MICHELIN…Các nhà tư sản dân tộc Việt Nam cũng thành lập một số đồn điền.Năm 1920, Đông Nam Bộ có khoảng 7.000 ha và sản lượng là 3.000 tấn. Năm 1923, cao su được trồng thử ở Cao nguyên Lâm Viên trên những vùng đất cao từ 400 dến 600 mét so với mực nước biển và phát triển tốt trong thời gian 1960 – 1962, sau đó bị ngưng do chiến tranh.
          Năm 1954, Hiệp nghị Genève tạm thời chia cắt đất nước ta thành hai miền.Ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, để tự túc nguồn nguyên liệu thiên nhiên này cho nền công nghiệp. Ngay trong những năm đánh Mỹ cây cao su đã được trồng vượt vĩ tuyến 170 ở các tỉnh Khu Bốn cũ và tỉnh Phú Thọ được khoảng 6.000 ha.Và ngay ở Hà Nội đã xây dựng một nhà máy có tên là nhà máy Cao su Sao Vàng trong cụm công nghiệp Cao- Xà- Lá ở Khu Đống Đa.Nhà máy này đã cho ra đời hàng triệu bộ săm lốp xe đạp cung cấp cho tiêu dùng cần thiết của người dân và hàng vạn bộ săm lốp ôtô và xe máy công trình phục vụ cho hậu phương lớn miền Bắc và chi viện vận chuyển vũ khí khí tài, nhân tài vật lực cho chiến trường miền Nam. Đoàn Vận tải Quân sự Quang Trung là đơn vị sử dụng nhiều nhất săm lốp ôtô các loại do nhà máy Cao su Sao Vàng cung ứng.
***

          Sau ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, diện tích cao su cả nước còn khoảng 76.000 ha, tập trung phần lớn ở Đông Nam Bộ khoảng 69.500 ha.Hầu hết các đồn điền cao su đều được Nhà nước tiếp
quản. Tập đoàn Cao su Việt Nam, tên giao dịch là VietNam Rubber Group, viết tắt là VRG là doanh nghiệp chủ đạo của ngành cao su.Còn lại một số ít cao su tiểu điền thuộc tư nhân và các đơn vị kinh tế nhỏ của một vài địa phương.
          Đến nay, sau gần 40 năm giải phóng, cây cao su không ngừng phát triển. Diện tích cao su được phân bố như sau:Bắc Trung Bộ 9,5%, Tây Nguyên 33%, Đông Nam Bộ 46%, Tây Bắc 4,85%. Đặc biệt ở tỉnh Điện Biên đã trồng theo hình thức đại điền.Cây cao su đã cắm rễ trên mảnh đất lịch sử này với gần 3.500 ha ở huyện Điện Biên, Mường Chà, Tuần Giáo.Riêng Mường Chà chiếm 1.125 ha trồng ở Mường Mơn, Sa Lông, Na Sang. Dù khác khí hậu, khác thổ nhưỡng và những điều kiện khắc nghiệt khác, cao su Điện Biên đã cho những dòng vàng trắng, góp phần làm giàu cho vùng đất nổi tiếng khó khăn: ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang.

2.   Làng mới cao su Đồng Nai
           
          Quốc hội thống nhất cả nước chuẩn y việc thành lập tỉnh Đồng Nai   bởi việc sáp nhập các tỉnh Biên Hòa, tỉnh Bà Rịa-Long Khánh và thị xã Vũng Tầu.  
          12 ngày sau khi đất nước thống nhất, tức là ngày 12 tháng 5 năm 1975, ông Lê Sắc Nghi*,Khu ủy viên Khu ủy Đông Nam Bộ, Thư ký Ban Chấp hành Công Đoàn Cao su miền Nam đã triệu tập các chủ đồn điền người Pháp và những người giúp việc của họ để nghe công bố chủ trương của Cách mạng.
Ông đanh thép nói rằng: Cây cao su hiện có trên đất Việt Nam là do chính công sức của công nhân cao su Việt Nam trồng và chăm sóc. Tư bản Pháp đã bóc lột công sức lao động của công nhân một cách thậm tệ để vơ vét nguồn tài nguyên ấy trong mấy chục năm qua. Nhân dân Việt Nam, trong đó có công nhân cao su đã đứng lên làm cách mạng lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, xóa bỏ áp bức bóc lột.Bây giờ Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền Cách mạng đã được thành lập thì chính người Việt Nam phải làm chủ nguồn tài nguyên trên đất nước mình.Công nhân cao su phải làm chủ các đồn điền cao su!
_________
·                                                                                                                                        Ông Lê Sắc                              *Ông Lê Sắc Nghi quê Triệu Phong, Quảng Trị theo chân bố mẹ đi phu cong-tra từ tháng 7 năm1932,khi mới 7 tuổi. 11 tuổi ông đã ra lô làm công nhân lai ghép hoa cao su, lai ghép da rồi trở thành phu cạo mủ thực thụ.Đến tuổi trưởng thành ông tham gia các phong trào đấu tranh của công nhân cao su và được kết nạp vào Đảng.Năm 1975 ông là Khu ủy viên Miền Đông Nam Bộ,phụ trách Công đoàn với chức danh Thư ký Công đoàn Cao su Miền Nam.Sau giải phóng ông được Khu ủy phân công về tiếp quản, tổ chức khôi phục lại sản xuất các đồn điền của tư bản Pháp tại Đồng Nai.Sau đó ông làm giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su Việt Nam.


Đại diện Công ty SIPH, tiến sĩ kinh tế học Rouneaux  biết rằng chỉ còn có con đường rút lui, nhưng trước khi ra đi ông ta còn thách thức: Các ông đuổi thì chúng tôi đi, nhưng chúng tôi tin chắc rằng các ông không đủ sức quản lý công ty này!?
Sang ngày 13 tháng 5 năm 1975, bốn ông chủ người Pháp cuối cùng buồn bã ra đi,chấm dứt gần 70 năm chúng ngự trị vùng đất cao su này.
Công ty Cao su Đồng Nai được thành lập ngày 2 tháng 6 năm 1975 trên cơ sở tiếp quản 12 đồn điền cao su thuộc 4 công ty tư bản Pháp gồm:
-Công ty Những đồn điền Đất Đỏ (Société des plantations des Terres Rouges). Tên tắt là SPTR, được thành lập năm 1910, Trung tâm đặt tại Quản Lợi.Ở Đồng Nai có hai đồn điền của Công ty này là Bình Sơn và Cẩm Mỹ.
-Công ty Đồn điền cao su Xuân Lộc (Société des plantations d Hévéas Xuân Lôc) Tên tắt là SPHX, được thành lập năm 1911.Công ty này chỉ có 1 đồn điền ở Hàng Gòn – nơi có ngôi mộ Cự Thạch nổi tiếng.
-Công ty Cao su Đồng Nai (Les caouthoucs du DoNai).Tên tắt là LCD, thành lập năm 1908 có 3 đồn điền Trảng Bom, Cây Gáo và Túc Trưng.
-Công ty Đồn điền cao su Đông Dương (Société Indochinoise des plantations d Hévéas).Tên tắt là SIPH, thành lập năm 1935 có 6 đồn điền:An Lộc,Dầu Giây,Ông Quế, Bình Ba,Bình Lộc và Long Thành.

Trên đà phát triển, mấy năm sau Công ty Cao su Đồng Nai mở thêm 6 nông trường.Đó là các nông trường Thái Hiệp Thành, An Viễng, Cẩm Đường, Hòa Bình, Xà Bang và Cù Bị.Đến năm 1994 do tách tỉnh, Công ty tách 4 nông trường gồm Hòa Bình, Xà Bang, Cù Bị và Bình Ba về thuộc Công ty Cao su Bà Rịa có tổng diện tích là 13.559 ha, (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
  Hồi tưởng lại thời kỳ đầu khi mới tiếp quản, có đến 21.054 ha cây già cỗi, suy kiệt. Nay Công ty đã nâng lên tầm Tổng Công ty có tên trên thương trường quốc tế với tên giao dịch tiếng Anh là DONGNAI RUBBER CORPORATION, tên viết tắt là DONARUCO.
Đến nay Tổng công ty Cao su Đồng Nai có 13 nông trường chuyên trồng va khai thác cao su thiên nhiên với diện tích vườn cây là 34.266 ha.Trong đó diện tích vườn cây khai thác là 24.789 ha, vườn cây xây dựng cơ bản gốm có các giống mới: GT1 chiếm 36,19%, RR600 chiếm 19,33%, PB 235 chiếm 15,73%, VM 515 chiếm 9,28%. Các giống thử nghiệm khác (RR 6233, VM 514) chiếm 19,49%.
Điều đáng mừng là cây cao su Đồng Nai đã đứng nới chân ra tận Cao nguyên Lâm Viên, với 2.000 ha liên doanh với Bảo Lâm, Lâm Đồng ( Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai – Bảo Lâm) và 3.000 ha cao su Đồng Nai đã đâm chồi mọc rễ ở tỉnh Kratié-Campuchia.(Công ty Cổ phần Cao su Đồng Nai – Kratié Campuchia)
Nếu như 10 năm đầu sau giải phóng (1975-1985) sản lượng mủ cao su Đồng Nai đã đạt tới non 200 ngàn tấn, nhưng đã chiếm đến 50% tổng sản lượng toàn ngành.Song hiện nay với đà phát triển của cao su Việt Nam được trồng rộng khắp đất nước thì cao su Đồng Nai cũng chiếm tới 10% sản lượng toàn ngành.
Đội ngũ lao động của Cao su Đồng Nai thật là hùng hậu, gần 15 ngàn người.Trong đó lao động nữ chiếm 47,3%, dân tộc ít người là 3%.Khu vực trực tiếp sản xuất kinh doanh có 14 ngàn lao động,chiếm tỷ lệ 95,4%.Trong đó lao động khai thác là hơn 10 ngàn người, kiến thiết cơ bản 1075 người, chế biến có 342 người, quản lý phục vụ có 2073 người. Tổng công ty có 1 xí nghiệp Chế biến sản phẩm, quản lý 5 nhà máy sơ chế mủ cao su với công suất ổn định tư 40.000 đến 47.000 tấn/năm.
                                                ***

Trong Suy nghĩ và nhớ lại của ông Lê Sắc Nghi có một đoạn:
“Do có Đảng Cộng sản,có phong trào đấu tranh buộc chúng phải thay đổi một số chính sách quản lý, nhưng việc đánh đập công nhân vẫn giữ nguyên như cũ.Từ 4 giờ sáng,(giờ điểm danh) cho đến 5 giờ chiều lúc nào tôi cũng thấy xu,cai,xếp đánh dân.Thùng dơ:Đánh. Dao lụt: Đánh.Giao mủ trễ:Đánh…Sáng ra, cai phải đi lãnh roi chiều về nộp roi cho chủ Tây. Cây roi nào không cùn thì cai quản phải nằm xuống cho xếp đánh.Cai đánh đục, đục đánh vào công nhân.Ăn uống thiếu.Ở không có vệ sinh, bị tra tấn đánh đập, nạn bệnh dịch, sốt rét, thương hàn, ghẻ lở gây ra chết hàng loạt công nhân. Làng tôi có ngày có đến 4 công nhân đào huyệt,hai xe bò liên tục kéo xác người đi chôn.Nghĩa địa 97, núi Đỏ chật hết chỗ chôn người, chủ phải san ủi mặt bằng để chôn lớp khác…”
Ngày đó, phu cao su là bà con nông dân từ miền Bắc, miền Trung được chủ Tây tuyển mộ, thường gọi là phu công-tra.
Cố nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ đi vào lịch sử cao su:

Cha trốn ra Hòn Gay cuốc mỏ
          Con chạy vào Đất Đỏ làm phu
Bán thân đổi mấy đồng xu
Năm xương vùi gốc cao su mấy tầng…
         
          Người phu công tra đến đây không còn tên họ mà chỉ được mang số thứ tự từ số 1 cho đến n. Năm 1914 những dân phu đầu tiên đến đồn điền Courteney (Bây giờ là nông trường Cao su Cẩm Mỹ) mang số 1 đến 31. Ông Bốn Mọi, Bốn là chỉ số 4, Mọi là vì ông lấy vợ người dân tộc Châu Ro nên chúng gọi một cách khinh miệt như vậy. Thậm chí có người đã làm đến chức cai vẫn không được mang họ và tên của mình như ông 3000.
          Nơi ở của phu là những lán trại được bọn chủ Tây cai quản theo chế độ trại lính. Mỗi làng (Tây gọi là section) chúng nhốt 400 người và bắt dân ta làm tôi mọi với hình thức bóc lột dã man hon cả thời trung cổ.
          Đã có những câu thơ ai oán:

          Kiếp phu đổ lắm máu đào
          Máu loang mặt đất, máu trào mủ cây
          Trần gian địa ngục là dây
          Đồn điền Đất Đỏ nơi Tây giết người

Tôi nhắc lại một đoạn lịch sử ngắn đau buồn để rồi so sánh với những gì mà cách mạng đã mang lại cho người công nhân cao su trong gần 40 sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.Đó là người công nhân cao su thực sự làm chủ vận mệnh của mình với tất cả các quyền con người được Hiến pháp bảo hộ.
          Đó là những thành tựu mà Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã thu hái được: 100% nhà ở của cán bộ, công nhân cao su Đồng Nai đã được ngói hóa.Và bên trong những ngôi nhà ấy có đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống hôm nay.Tiêu chí tối cần thiết cho đời sống nông thôn là điện, đường, trường, trạm thì ở đây đã đáp ứng được.Ở mỗi nông trường đều có đủ nhũng công trình công cộng: bệnh xá, trường học, khu vui chơi giải trí.Điện về tỏa sáng khắp vùng.Những con đường nắng bụi mưa lầy đã được trải nhựa phẳng lỳ, êm thuận.

                                      ***
Giờ đây, Tổng công ty Cao su Đồng Nai hướng tới mục tiêu: Dân giàu nước mạnh bằng cách đa dạng hóa ngành nghề (không còn đơn giản là việc trồng trọt và chăm bón, khai thác cây cao su).Các loại hình dịch vụ thương mại như thương nghiệp bán buôn, sản xuất các sản phẩm bằng hạt PE, các sản phẩm bằng nguyên liệu cao su, sản xuất bao bì và các sản phẩm mộc gia dụng, dụng cụ thể thao… được mở ra.
Tổng công ty còn mở rộng các dịch vụ vận tải, xây dựng dân dụng và công nghiệp, giao thông, xay dựng cơ sở hạ tầng cụm dân cư, kinh doanh địa ốc, xây lắp thủy lợi, khai thác chế biến các loại đá xây dựng, chế tạo gia công sửa chữa thiết bị cơ khí, thiết kế thi công hệ thống điện sinh hoạt, công nghiệp.Tổng công ty kêu gọi sự hợp tác đầu tư với mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phát huy truyền thống vẻ vang là Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, Tổng công ty Cao su Đồng Nai không ngừng phấn đấu vươn lên để xứng đáng là một đơn vị mạnh mang tính ổn định và là hình mẫu của ngành cao su Việt Nam.
 Và đây là bức tranh chấm phá xứ sở “vàng trắng”Đồng Nai:
Màu xanh cao su bát ngát
         Bởi đất bazan nặng tình
Dòng vàng trắng sáng lung linh
Nông trường đỏ tươi ngói mới
           
                              Biên Hòa, mùa World Cup Brasil 2014
                                                          Tháng 6-2014
                                                         















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét