Trang

Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

111.THAM LUẬN ĐẠI HỘI V HỘI VH-NT ĐỒNG NAI

111.Tham luận Đại hội V Hội VH-NT Đồng Nai
Tôi và anh chị em văn nghệ sĩ Đồng Nai háo hức chờ ngày khai mạc Đại hội lần thứ V dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 12 tháng 12 năm 2013. Đột nhiên, nghe tin Đại hội bị hoãn vô thời hạn? Như vậy sẽ tới ngày nào mới có sự thay đổi? Phải làm mới Hội, đó là một yêu cầu bức thiết. Trong vấn đề “làm mới” có việc phải củng cố Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai.
Đã có rất nhiều cuộc họp của Ban Văn, của toàn thể hội viên đề nghị có cuộc họp chuyên đề để anh chị em tham gia góp ý nhằm nâng cao chất lượng của tạp chí. Song, chỉ thấy Thường trực Hội hứa nhưng không thực hiện.
Tôi thấy cần thiết cho mọi người được biết những ý kiến tham luận của tôi.
Nhà thơ Xuân Bảo.


XÂY DỰNG TỜ VĂN NGHỆ ĐỒNG NAI XỨNG TẦM VỚI MỘT TỈNH LỚN   

                                                       Tham luận của nhà thơ Xuân Bảo
                                        Tại Đại hội lần thứ V Hội VHNT Đồng Nai
Kính thưa các vị khách mời,
Thưa anh chị em văn nghệ sĩ,

Từ ngày thành lập Hội Văn nghệ đến nay ( 22-12 -1979 ), tờ Văn nghệ Đồng Nai, cơ quan của Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai đã trải qua nhiều thời kỳ. Ban đầu là báo Văn nghệ Đồng Nai ra khổ lớn 30 x 40 cm, xuất bản nửa tháng một kỳ. Tiếp đến là ra  tạp chí, khổ 16 x 14 cm, lấy tên là Sông Phố, xuất bản một tháng một sô. Đến Đại hội IV, (tháng 7 năm 2007), đổi lại tên Văn nghệ Đồng Nai với cái măng-sét vẽ như cậu học sinh lớp 2 tập vẽ.Chủ tịch kiêm luôn chức Tổng biên tập. Mãi gần một năm sau mới bàn giao cho phó chủ tịch kiêm tổng biên tập. Và môt lần nữa lại thay đổi hình thức măng-sét, nhưng vẫn mang tên là Văn nghệ Đồng Nai.
 Hôm nay  tôi không muốn nhắc đến những sai sót, có khi nghiêm trọng của tờ Văn nghệ Đồng Nai thời gian qua, nhất là thời gian ông Đàm Chu Văn nhậm chức tổng biên tập cho tới nay (như trường hợp bố của một hội viên tạ thế ơn 80 tuổi mà cáo phó là hưởng dương) mà chỉ muốn đóng góp cho tờ diễn đàn của chúng ta ngày càng trở nên đúng đắn hơn, tươi tắn hơn đúng như dòng chữ tiêu đề dưới cái tên Văn nghệ Đồng Nai là “ Tạp chí sáng tác – nghiên cứu – phê bình – thông tin văn học nghệ thuật”. Những ý kiến đó như sau:
Một là, Vai trò của Tổng biên tập: Cần bố trí người có đủ 3 yếu tố : Tâm Tầm và Tài. Tâm, cần phải trong sáng, không vụ lợi cá nhân; biết tôn trọng và nâng niu sáng tác của anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội. Những tác phẩm của hội viên dù hay hay dở cũng là tim óc và máu thịt của họ, cần phải được trân trọng.
Tầm, có cái nhìn tổng quát về mọi mặt đời sống xã hội, bao gồm cả đời sống văn học – nghệ thuật của tỉnh nhà nói riêng và của cả nước nói chung để khi đề ra kế hoạch xuất bản cho từng số thì chí ít mổi số đều có đề cập đến thời tiết chính trị, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và mọi lĩnh vực, với số trang nhất định..Tuyệt nhiên không nên đơn thuần là các tác phẩm văn học và nghệ thuật đơn thuần. Văn học – nghệ thuật có định hướng và không thoát ra khỏi “văn nghệ phục vụ chính trị” là ở chỗ này.
Tài, cái tài ở đây là người am hiểu các lĩnh vực thuộc về văn học và nghệ thuật. Tất nhiên không đòi hỏi ở họ một bộ óc siêu phàm, cái gì cũng biết, lĩnh vực nào cũng hiểu.Tài ở đây còn thể hiện sự tập hợp những người có đủ năng lực và trình độ để tham gia biên tập tạp chí.Kiên quyết không để những người không có tài năng và trình độ tham gia biên tập, nhất là biên tập văn và thơ.(Như trường hợp sửa câu thơ của nhà thơ Huyền Tùng “lợn lành thành lợn què”mà nhà thơ đã có bài phát biểu tại cuộc họp đầu năm 2013). Không vì lợi ích nhóm hoặc kéo bè, kéo cánh vào làm công tác biên tập để có lợi cùng ăn chia (tiền bồi dưỡng cho người biên tập, tiền nhuận bút được nhiều bài đăng, có khi một số lại được “ưu ái” đăng hai ba bài, v.v..- như trường hợp số báo Xuân Quý Tỵ ra tháng 1 và 2 năm 2012 thành viên ban biên tập Đỗ Minh Dương được đăng 2 bài)
Hai là, nội dung bài vở: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai là bộ mặt của Hội Văn học – Nghệ thuật Đồng Nai. Thiên hạ nhìn vào tờ tạp chí dễ nhận ra những mặt mạnh, mặt yếu của phong trào sáng tác, trình độ lý luận phê bình, nghiên cứu học thuật và một phần nhỏ tin tức hoạt động của Hội.
 Những người làm tạp chí, phải được ghi tên lên trang đầu của tạp chí theo thứ tự: 1) người chịu trách nhiệm xuất bản, thường phải là chủ tịch Hội ; 2) tổng biên tập.3) phó tổng biên tập,4) hội đồng hoặc ban biên tập,5) thư ký tòa soạn và những người làm các công việc khác như: họa sĩ trình bày, phụ trách phát hành...Đây là phần bắt buộc để đề phòng khi sự cố xẩy ra thì dễ truy tìm nguyên nhân và người chịu trách nhiệm.Song trách nhiệm cao nhất vẫn là người chịu trách nhiệm xuất bản.
Phần nội dung bài vở, yêu cầu lớn nhất là tiêu chí về nghệ thuật. Một bài thơ, một truyện ngắn, một cái ký, bút ký,ký sự… hay các loại hình nghệ thuật khác:một vở kịch, một ca cảnh. một chặp cải lương; một bức tranh, một tấm ảnh, phải thực sự là một tác phẩm văn học, một tác phẩm nghệ thuật.Kiên quyết loại khỏi tạp chí những tác phẩm nhàng nhàng, vô thưởng vô phạt. Thực hiện nghiêm túc tiêu chí này, tạp chí sẽ không còn tình trạng nể nang, tình trang quen biết,tình trạng móc ngoặc như câu  thành ngữ dân gian thường nói tới là“ bánh ít trao đi, bánh chì trả lại”.
Muốn tờ tạp chí có chất lượng cao, tôi xin đề xuất mấy việc cần làm:
a) Mỗi năm nên họp Hội nghị cộng tác viên một lần. Thời gian thích hợp nhất là khoảng trung hay hạ tuần tháng 12 dương lịch, sau khi số tạp chí cuối năm ra mắt bạn đọc.Trong cuộc họp này, Ban biên tập có báo cáo tổng kêt một năm hoạt động của tạp chí; đánh giá những công việc đã làm được và chưa làm được; rút tỉa kinh nghiệm để năm tới tạp chí sẽ làm tốt hơn. Ban Thường trực Hội cùng với ban biên tập tạp chí vạch ra phương hướng .nhiệm vụ năm sau của tạp chí, định rõ nội dung cho từng số và hướng dẫn cộng tác viên – chủ yếu là hội viên của Hội – nắm bắt được yêu cầu để sáng tác.
b) Mỗi năm Hội thường có mở những đợt đi thực tế, những trại sáng tác ngắn ngày, dài ngày. Đây là cơ hội tốt cho tờ tạp chí thoát khỏi tình trạng “đói” bài, thiếu bài. Những tác phẩm dự trại đều đã được thẩm định A,B,C. Ban biên tập tạp chí đỡ mất công tìm chọn.Tất nhiên ban biên tập cũng cần cân nhắc cho phù hợp với yêu cầu mang tính thời sự và lâu dài, mang tính nghệ thuật cao.Và những tác phẩm từ trại viết này đều phải được sử dụng một cách tinh tuyển không nên tắc trách và thiếu công tâm. Mỗi một Trại viết hay những đợt đi thực tế là nguồn tác phẩm cung cấp cho tờ Văn nghệ. Không lý do gì mà để nhũng tác phẩm của anh chị em bị xếp xó. Lãng phí vô cùng! 
c) Hạn chế sử dụng bài ngoài tỉnh: Hiện nay cả nước ta, tinh nào cũng có một tổ chức văn học- nghệ thuật,có dến 63 hội Nhiều tỉnh đã nâng tổ chức này lên thành Hội liên hiệp Văn học – Nghệ thuật, trong đó tách bạch ra các hội chuyên ngành.Và cũng còn nhiều tỉnh vẫn mang tên Hội Văn hoc- Nghệ thuật như Đồng Nai. Tỉnh nào cũng có một cơ quan ngôn luận của hội. Nhiều tỉnh làm tạp chí nhưng cũng có tỉnh có tờ báo Văn nghệ (như Thái Nguyên, Đồng Tháp…) Đó là chưa kể số tạp chí và báo của Hội Nhà văn Việt Nam, của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam.Tính sơ, toàn quốc đã có gần 100 tờ văn nghệ.  Do vậy muốn giao lưu với các tờ văn nghệ này thì không thể nào đăng hết được bài của họ được, trong khi tờ Văn nghệ Đồng Nai lại chỉ được phép xuất bản 2 tháng một số.
Nhưng vì sao tờ Văn nghệ Đồng Nai lại ưu ái đăng  bài vở của nhiều tên tuổi khá quen thuộc. Không biết quan hệ (?) giữa tổng biên tập Đàm Chu Văn với nhà thơ – tiến sĩ Phạm Quốc Ca, hiện là Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng là mối quan hệ gì (?) mà  năm số tạp chí Văn nghệ Đồng Nai của năm 2012 ( Văn nghệ Đồng Nai chỉ có 6 số/năm) liên tiếp đều có bài của vị tiến sĩ này??? Xin dẫn chứng cụ thể trên tạp chí Văn nghệ Đồng Nai: số 64 tháng 1 và 2 đăng một lúc 2 bài thơ dịch. Bài 1 của I. Bunhin ( nhà thơ Nga) có nhan đề Ban mai và bài của nhà thơ nữ Ukraina Alla Pali nhan đề là Hạnh phúc telephone .Số 65 tháng 3 và 4 năm 2012 đăng bài thơ Bão, số 66 tháng 5 và 6 năm 2012 đăng bài thơ Tiếp nối, số 67 tháng 7 và 8 năm 2012 đăng truyện ngắn dịch Ngọn lửa sống của nhà văn Nga E. NOSOV, số 69 tháng 11 và 12 năm 2012 đăng bài thơ Có thể chúng ta đã chóng già của Vasili Fyodorov  (Phạm Quốc Ca dịch và Khánh Thi giới thiệu). Cũng trong số này Phạm Quốc Ca có bài thơ đăng có nhan đề là Ngỡ dất nước này tôi đã sống nghìn năm. Trừ số 68 không có bài đăng của Phạm Quốc Ca. Có nhiều bài chẳng dính dáng gì đến tình hình Đồng Nai? Đây tôi mới chỉ điểm qua năm 2012, còn những năm trước và năm 2013 cũng đầy rẫy kiểu đăng bài của Phạm Quốc Ca và nhiều người khác nữa, kể cả trong và ngoài tỉnh. Nhưng thôi, dẫn chứng chừng ấy bài thôi, đủ thấy ông tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã chuyên quyền thao túng, lũng đoạn tờ tạp chí của Hội như thế nào! Ở đây, chúng tôi nêu một câu hỏi: Liệu có sự móc ngoặc hay “liên minh ma quỷ” nào giữa hai người này không?
Sở dĩ tôi phải nêu vấn đề này ra, bởi vì số trang của Văn nghệ Đồng Nai không nhiều, nếu cứ để tình trạng này xẩy ra thì văn nghệ sĩ Đồng Nai khó có thể lọt bài vào tạp chí của mình.Ví vậy, tôi chính thức đề nghị Thường trực Hội có ý kiến chỉ đạo ban biên tập tạp chí ngừng đăng tác phẩm ngoài tỉnh, giành diện tích trang cho văn nghệ sĩ Đồng Nai.
d) Công tác phát hành tạp chí:Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai có số ấn bản mỗi kỳ là 1000 bản. Phần để tặng cho các cơ quan ban ngành trong tinh và giao lưu với các hội bạn khoảng trên 100 bản, phải gửi qua Bưu điện nên phải dán tem; cho hội viên hơn 200 bản. Có điều bất hợp lý là hội viên nào đến văn phòng hội sẽ được phát và phải ký vào sổ lưu, còn ai không đến thì coi như khỏi phát? Như vậy, số bản còn lại sẽ là gần 600 bản. Làm thế nào để tiêu thụ cho hết? Nhờ Bưu điện bán giùm (tất nhiên phải có chiết khấu), nhưng hầu như không bán được là bao! Con số tồn kho không phải là nhỏ. Trong cuộc họp ban Văn học ngày 8 thang11năm 2013 có hội viên chất vấn “muốn tìm mua tờ Văn nghệ Đồng Nai mà rảo khắp các quầy báo, các bưu cục và những điểm bán báo lẻ, mhung tuyệt nhiên không mua được. Tại sao? Vì đắt hàng quá nên bán đắt như tôm tươi hay là vì một lý do tế nhị nào khác?. Có hội viên nêu ý kiến: Tỉnh Đồng Nai có rất nhiều trường từ mẫu giáo cho đến đại học, Đối tượng đọc Văn nghệ Đồng Nai không phải là ít. Vậy thì nên chăng Hội liên hệ với Sở Giáo dục hoặc trực tiếp đến các trường để mời họ mua Văn nghệ Đồng Nai. Ý kiến này được nhiều người ủng hộ.
Tôi đề nghị: Trong cuộc họp cộng tác viên sắp tới nên nêu vấn đề này ra và thảo luận tìm ra giải pháp phát hành, Không nên để tình trạng “cám treo, heo nhịn đói”. Sản phẩm làm ra không có người tiêu thụ thì lãng phí lắm!

Kính thưa các vị khách mời,
Thưa anh chị em văn nghệ sĩ,

 Bản tham luận này được viết ra bởi tâm huyết của một người từng là hội viên đồng sáng lập ra Hội Văn nghệ Đồng Nai cách đây 34 năm, Cái thời kỳ mà Hội chúng ta có những nhà văn, nhà thơ và các văn nghệ sĩ khác đã coi trọng chữ Tâm: trong sáng, nhân hậu và rất tận tâm với sự nghiệp của Hội. Tờ Văn nghệ Đồng Nai cũng trải qua những thăng trầm nhất định.Nhưng chưa bao giờ tệ hại như 10 năm qua. Giờ đây, Hội chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mới, có ban chấp hành mới, có tổng biên tập mới, có đội ngũ biên tập mới và trước hết là lực lượng hội viên có đầy đủ nhiệt huyết và tâm hồn để xây dựng một hội văn nghệ xứng đáng với tầm vóc của một tỉnh lớn như Đồng Nai chúng ta.
Tôi tin tưởng tờ Văn nghệ Đồng Nai sẽ khởi sắc để xứng đáng với lòng tin của anh chị em văn nghệ sĩ và cũng sẽ xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân Đồng Nai!

 Xin trân trọng cảm ơn!
                                                               Biên Hòa, những ngày cuối năm 2013

                                                                                               Nhà thơ Xuân Bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét