Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

163.chuyến về quê Quảng Trị, tháng 3 năm 2016

163.CHUYẾN VỀ QUÊ QUẢNG TRỊ THÁNG 3

 NĂM 2016
                                                               
                                                          Xuân Bảo.

1.PHÚ BÀI - NƠI 75 NĂM TRƯỚC TÔI ĐÃ TỪNG SỐNG.

             Chuyến bay Vietjet.Air mang số hiệu VJ. 304 trên chiếc Airbus 321, đáng lý phải khởi hành lúc 6h20 , ngày 7 tháng 3 năm 2016, nhưng phải trễ đến 30 phút. Nều không trễ thì chỉ bay khoảng 1 tiếng 20 phút. Máy bay hạ cánh  xuống sân bay Phú Bài hồi 8h10. Rời ga, đúng 8h30. Phan Quang Kỳ đã đứng sẵn ở lối ra. Kỳ mặc bộ complet khá chững chạc. Hai bác cháu ôm chầm lấy nhau và Kỳ đón lấy chiếc xe đẩy hành lý ra xe. Anh Nguyễn Hậu cùng đi với Kỳ lúc sáng sớm từ làng Thượng Phước. Triệu Phong, Quảng Trị. Tính ra khoảng cách từ nhà vào Phú Bài cũng non 80 cây số.
            Phú Bài! Nơi đây trước năm 1945 là một vùng đất hoang vu, đầy cỏ dại và cát biển. Tôi còn nhớ, khi ba tôi còn ở trong quân ngũ của 5è.  Brigate (Sư đoàn 5 của quân đội viễn chinh Pháp), ông được bố trí cho cả vợ con ở trong Camp Marié, thường gọi là Trại Con Gái. Phú Bài lúc đó có rất nhiều bọ chét. Năm 1941, tôi mới 6 tuổi chưa đến tuổi đi học. Năm sau, 1942 ba tôi được điều về đồn Mang Cá và tôi được cắp sách tới trường Nhà binh, đóng trong Trại Con Gái Mang Cá. Tôi vào học lớp Đồng ấu, học cùng một lúc cả tiếng Ta lẫn  tiếng Tây. Lớp này gọi là cours Enfantin (lóp 5), học từ a bê xê (a,b,c,) rồi lên lớp Dự bị, tiếng Tây gọi là cours Préparatoire (lớp 4), rồi lên lớp Sơ đẳng, tiếng Tây gọi là cours Élémentaire (lớp 3). Kết thúc 3 năm tiểu học thì đi thi để lấy bằng Sơ học Yếu lược. Cuối niên khóa 1944-1945, tôi đi thi ở Trường Hương Trà. Và tôi đã đậu cao, thứ 11 trong 1600 thí sinh dự thí. Trát sức báo tin tôi đã đậu Yếu lược về làng Đại Hào, (lúc này thuộc tổng An Cư, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ông nội tôi đã cho mổ bò khao làng. Thời gian này ông tôi đang làm lý trưởng, còn gọi là ông Xạ (Xã trưởng nhưng tiếng Quảng Trị hay đọc dấu ngã  thành dấu nặng).
          Tôi còn nhớ những năm thập kỷ 70,  đồng bào Thượng từ bắc Quảng Trị đến nam Thừa Thiên,  người Pakôh, người Vân Kiều và một vài bộ tộc khác đều lấy họ Hồ, họ của Bác Hồ làm họ của mình. Thời gian này nhà văn Hồ Phương đi B. và đã viết thành công tiểu thuyết Kan Lịch, cháu của anh hùng Vai. Kan Lịch sau này cũng được tuyên dương Anh hùng Quân đội. Đồng bào ở đây rất thật thà chất phác. Họ thích đồng hồ đeo tay, nhưng phải là loại đồng hồ có “điện Phú Bài và 2 cửa sổ”. Đó là chiếc đồng hồ dạ quang, ban đêm trông rõ quầng sáng mặt  trong và hai cửa sổ là lịch ngày và lịch thứ. Nếu đổi đài (loại radio bán dẫn) thì nhất thiết trong cái đài transitor đó phải có 2 nghệ sĩ Châu Loan và Hồng Lê ( người Quảng Trị) ngâm thơ. Thành ra phải chờ tới đêm khuya, khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi tiết mục "đọc chuyện đêm khuya" thì mới có thơ ngâm của 2 nghệ sĩ này!
          Tôi bàn với anh Hậu ghé thăm cháu Minh Hiền, con gái anh Nguyễn Minh Tự (anh ruột anh Hậu), một trong ba chiến sĩ cộng sản đầu tiên của làng – thời Tiền khởi nghĩa Tháng Tám, 1945). Minh Hiền cùng chồng là Lê Văn Nghệ (cán bộ kháng chiến chống Mỹ đã từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt của tỉnh trước và sau giải phóng), được Nhà nước bố trí ở Cư xá Đống Đa, trung tâm thành phố Huế,  từ sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam (30/4/1975). Căn phòng này hiện nay, vợ chồng Hiền Nghệ đã ngăn ra làm hai. Một bên cho thuê bán cà phê. Bên còn lại, phía trong có mấy phòng trọ cho thuê. Tôi hỏi Nghệ: Lương hưu của Nghệ được bao nhiêu? Nghệ bảo: Cũng bưa (bưa, tiếng Huế đồng nghĩa với đủ) dùng. Nghệ còn cho biết thêm là Minh Hiền không có lương hưu!
          Anh Hậu và Kỳ uống cà phê. Tôi được cháu Hiền mua cho một tô bún bò Huế. Tôi gọi điện cho nhà văn Nguyễn Thanh Song Cầm. Song Cầm bận tiếp một giáo sư nước ngoài nên khất lại lần sau. Nhà văn nữ này có cuốn tự truyện Cánh chim trong bão tố khá nổi tiếng. Tôi viết Lời tựa Cánh chim không mỏi và Phó giáo sư Tiến sĩ khoa Ngôn ngữ - Văn học Hồ Thế Hà viết bài giới thiệu Hành trình tâm hồn của Nguyễn Thanh Song Cầm. Cuốn sách đã được ông Tôn That Dzien ở Hoa Kỳ chuyển sang Anh ngữ với tựa sách là WINGS IN THE STORM. Cuốn sách này gặp sự cố khi tái bản lần thứ nhất. Không hiểu Nhà Xuất bản Hội Nhà văn sơ sót thế nào mà bản tái bản lại có thêm một số đoạn trước đây khi tôi biên tập lần đầu đã gạch bỏ. Cục Xuất bản ra lệnh thu hồi, không cho phát hành.
       Ăn uống xong, chúng tôi đến thăm anh chị Trần Văn Hối. Anh Hối là người làng Thượng Phước, học sinh Quảng sinh Bình Trị Thiên, được gủi ra học ở Hà Tĩnh hồi năm 1948 – một trong ba tỉnh bắc Liên khu 4 không bị giặc Pháp chiếm đóng. Đây là lớp người đào tạo sẵn cho ngày đất nước sạch bóng giặc. Anh Hối là giảng viên trường Đại học Sư phạm Vinh, cùng thời với giáo sư Nguyễn Duy Bình. Giáo sư Bình là cán bộ Đoàn trường lúc đó (khoảng năm 1956, 1957) đã lên sân khấu trao thẻ đoàn viên và huy hiệu Đoàn cho nữ sinh viên Hà Thị X. Sự kiện này được tờ Đất Mới, tờ báo xuất bản lậu của một nhóm sinh viên trường Đại hoc Tổng hợp Hà Nội ấn hành. Có chi tiết thày giáo Bình chạm tay hơi lâu vào ngực sinh viên X. Thời gian này cũng rộ lên các tờ báo Nhân Văn và tạp chí Giai phẩm Mùa Xuân, Mùa Thu, Mùa Đông của nhóm Nhân văn Giai phẩm. Tở Trăm Hoa của nhà thơ Lỡ bước sang ngang a dua theo trào lưu “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của nhóm Đinh Linh. Tả Lâm bên Trung Quốc. Và tận bên Đông Âu cũng lại dấy lên phong trào phản kháng chế độ như nhóm văn nghệ sĩ Câu lạc bộ Pêtophi của Hunggari, vụ bạo loạn Pôznan ở Ba Lan… Cuối cùng thì tất cả những tờ báo và tạp chí đó đều bị đóng cửa. Nhà Xuất bản Sự thật đã cho ra mắt bạn đọc cuốn “Lên án bọn Nhân văn - Giai phẩm” để bóc trần và đập tan luận điệu vu khống xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và củng cố niềm tin cho nhân dân và cán bộ.  Văn nghệ sĩ là phải đi đúng hướng “Văn nghệ phải phục vụ chính trị”.  Và tính đảng trong văn nghệ là sợi chỉ đỏ có tính xuyên suốt cao nhất cần phải tuân thủ.
          Đến đường Phan Bội Châu, tôi nhớ mang máng là anh chị Hối ở số nhà 254. Kỳ cho xe chạy quá gấn tới cầu Bến Ngự. Tôi xuống xe, hỏi một chị đi bộ; Nhà thầy Hối thì chị ta xăng xái dẫn tôi vảo một con hẻm hẹp và gọi tên thầy Đối ra có người gặp, Tôi là một ông già tuổi trên tám mươi, tai bị nghễnh ngãng đã đành còn chị ta mới 55 tuổi, sao lại nghe Hối ra Đối được nhỉ? Thế là phải ra lại đường chính và hỏi người khác. Đến đúng số nhà anh Hối. Tôi gọi cửa, anh chị mừng rỡ đón vào nhà. Anh chị nhắc lại một vài kỷ niệm hồi chúng tôi ở phố Hàng Đào, Hà Nội. Có lần anh ra thủ đô cùng với giáo sư ngữ văn Nguyễn Việt Anh để biên soạn cuốn Văn học sử Việt Nam, anh đã nghỉ lại nhà tôi. Nhưng nhớ nhất là chúng tôi về dự đám cưới của anh chị. Chị Nụ là sinh viên năm cuối khoa ngữ văn, quê ở Yên Khánh, Ninh Bình. Đoàn đồng hương Quảng Trị chúng tôi gồm anh Phan Hào, chồng chị Đào, anh rể anh Trần Văn Hối, anh Trần Đức Lương, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã và tôi. Thời gian đó việc mua vé xe ca Hà Nội đi các tỉnh rất khó khăn, nên anh Hào (đang công tác tại Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải) phải lấy giấy giới thiệu của Bộ, bến xe mới ưu tiên bán vé cho.
          Tôi và anh Hậu đến anh Hối còn có một việc quan trọng. Anh Hối là một nhà trí thức tầm cỡ, có uy tín. Năm nay anh đã 86 tuổi và là một trong những trí thức còn lại của làng. Chúng tôi trình anh bản “Dự thảo Xây Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ, anh hùng của làng Thượng Phước”. Trong Lời đề dẫn, chúng tôi có đề cập đến một làng quê nhỏ bé như Thượng Phước, trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đánh Pháp và đuổi Mỹ ròng rã ba mươi năm trời đã cống hiến cho Tổ quốc gần 70 liệt sĩ và có tới 10 Bà Mẹ Việt Nam anh hung. Chưa kể đến những người dân yêu nước của làng đã bị quân thú mổ bụng, moi gan, chôn sống.
          Địa điểm để xây dựng Nhà bia là một quả đồi thường gọi là Cồn Cự, rộng chừng gần 4 hecta, nằm ngay khu vực trung tâm của làng. Mặt trước là con đường bằng bêtông, có khu dân cư hiện hữu và mé ngoài là con sông Thạch Hãn đưa nước từ thượng nguồn chiến khu Ba Lòng, xuôi về biển Đông. Cồn Cự hiện có những ngôi mộ của các dòng tộc chôn cất người quá cố nằm rải rác, không theo một quy định nào. Phần lớn diện tích còn lại là trồng rừng keo lai. Công ty Thống Nhất Ninh Bình khi thi công con đường cứu hộ, cứu nạn từ đầu cầu phía bắc Thạch Hãn – nơi có tượng đài 19 giọt máu của trung đội anh hùng Mai Quốc Ca -  trong "mùa hè đỏ lửa - 1972", lên tới chân đập Trấm, thường gọi là công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn, dài non chục cây số. Công ty đã ủng hộ làng một con đường rải đá cấp phối chạy quanh Cồn Cự. Như vậy, nếu lãnh đạo xã Triệu Thượng và Huyện ủy. Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Phong, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho phép xây Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thôn Thượng Phước thì Cồn Cự cũng sẽ thành công viên vĩnh hằng (hay gọi cách khác là Nghĩa trang Nhân dân) cho người dân nơi đây.
          Anh Hối chăm chú nghe tôi đọc bản Dự thảo. Nghe xong, anh nói: Hay lắm, không có gì hơn là chúng ta – những người còn sống đến hôm nay phải luôn luôn nhó đến những đồng bào, đồng chí đã ngả xuống! Nhưng rối anh cũng thấy nam giải bởi một câu hỏi giản đơn: Tiền xây dựng Nhà bia lấy ở đâu ra? Mặc dù trong “Dự thảo”, chúng tôi có đề cập đến phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhưng dân làm là chủ yếu”. Anh Hối nói vui: Xuân Bảo xung phong đóng góp 20 triệu đồng trước đi, rồi bà con sẽ noi theo mà góp công, góp của. Nếu “dự án” được tỉnh thông qua thì chắc chắn là làm được.
          Chị Nụ vừa làm bếp vừa lắng nghe câu chuyện của chúng tôi trao đổi. Chị nói: nếu được duyệt cho xây Nhà bia thì chị cũng sẵn sàng đóng góp. Một lúc sau, cháu Phong, con trưởng của anh chị đánh  ôtô về. Cháu nói về rước các con đi học. Tôi nhờ Phong chụp cho mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm. Anh chị mời chúng tôi ở lại dùng cơm trưa, nhưng chúng tôi xin khất lại làn sau.
          Phan Quang Kỳ là một giám đốc xây dựng. Kỳ có quan hệ mật thiết với nhiều doanh nghiệp ở Huế. Kỳ cũng rất rành các nhà hàng ở đất thần kinh nay. Tôi bảo Kỳ kiếm tiệm cơm nào ngon, có đặc sản Huế. Kỳ cho xe chạy lên ga Huế. Đến đây tôi lại nhớ về dĩ vãng. Ga Huế ngày xưa có tên là ga Trường Súng. Mỗi khi hè về, hoc sinh được nghỉ vacance, ba mạ tôi cho chứng tôi về quê Quảng Trị nghỉ và chơi trong mấy tháng hè, thường đi tàu lửa từ ga này về ga Quảng Trị rồi đi xe tay về làng (xe tay là loại xe do người kéo). Cơm nước  xong thì đã gấn 2 giờ chiều, Chúng tôi thẳng tiến về Quảng Trị trên con đường thiên lý bắc nam mà bây giờ gọi là Quốc lộ 1A.
     (Kỳ sau tiếp)

          2.TÔI ĐI TÌM LẠI VÙNG ĐẤT DỰNG NGHIỆP ĐẾ CỦA NHÀ NGUYỄN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét