Trang

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

154. NHÂN KỶ NIỆM 250 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU



Q154. NHÂN KỶ NIỆM 250 NĂM NGÀY SINH ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU.

Nhân kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du và Mừng Hội Kiều học Việt Nam ra mắt ấn bản Truyện Kiều được “phục nguyên’. Đây là công sức của Ban Văn bản Truyện Kiều được thành lập từ năm 2013 gồm các nhà nghiên cứu Hán Nôm: Thế Anh, Nguyễn Khắc Bảo, PGS Nguyễn Văn Hoàn, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi, PGS TS Nguyễn Hữu Sơn, GS Trần Đình Sử và nhà thơ Vương Trọng đã dồn tâm sức hiệu khảo, chú giải,  nghiên cứu, trao đổi, đối chiếu với 12 văn bản Truyện Kiều (11 bản Nôm và 1 bản Quốc ngữ Kim Vân Kiều truyện của Trương Vĩnh Ký). Ban thẩm định gồm các học giả uy tín: GS Nguyễn Khắc Phi, PGS.TS Trần Nho Thìn và TS Trần Trọng Dương chỉnh lý. Bản Truyện Kiều này dày 466 trang khổ 16 x 24 cm được in song ngữ Nôm và Quốc ngữ, có 412 từ được “phục nguyên” mà Hội Kiều học Việt nam cho là đúng hoặc gần đúng với nguyên tác hơn so với các bản Kiều thông dụng. Sách được in bằng giấy xốp nhẹ, có nhiều tranh minh họa trích từ bản Kiều chữ Nôm hiện lưu trữ tại Thư viện Anh quốc.
Để góp phần tôn vinh Truyện Kiều, tôi có bài Nhàn đàm xin cống hiền bạn đọc trong và ngoài nước yêu mến và kính trọng Đại thi hào Nguyễn Du.
                                      Nhà thơ Xuân Bảo.
                                 Biên Hòa ngày 1/12/2015

TỐ NHƯ XÚC PHẠM  CÁC VƯƠNG TRIỀU

             Ở  ĐOẠN NÀO TRONG TRUYỆN KIỀU.



Nguyễn Du ra đời ở vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn tạp hộ, Nam Hải điếu đồ. Ông sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766, tức 23 tháng 11 năm Ất Dậu, tại phường Bích Câu, Thăng Long thành, nay là Hà Nội. Tổ tiên đại thi hào quê gốc làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Thân phụ Nguyễn Du là tể tướng Nguyễn Nghiễm di cư vào Hà Tĩnh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Danh xưng Nguyễn Tiên Điền tên của Nguyễn Du chính là nơi này.

Năm 1820, vua Gia Long qua đời, vua Minh Mạng nối ngôi. Thời điểm này, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong. Ông bị bệnh mất ngày 10 tháng 8 năm 1820, tức ngày 16 tháng 9 năm Canh Thìn, tạ thế lúc 54 tuổi.

Tố Như đã để lại cho đời những tác phẩm bất hủ: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục (thơ chữ Hán), Văn Chiêu hồn tức Văn tế thập loại chúng sinh, Thác lời trai phường nón, Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ (văn Nôm), Nhưng phải tới Kim Vân Kiều truyện mới là đỉnh cao tuyệt tác của Nguyễn Tiên sinh.  Đây là một kiệt tác – niềm tự hào của dân tộc Việt Nam – mà trước và sau Truyện Kiều chưa có một tác phẩm nào sánh kịp.

Đại thi hào Nguyễn Du đã được UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới. 
Việt Nam ta tự hào biết mấy!

Tự Đức, con vua Thiệu Trị sinh năm 1829, mất năm 1883 làm vua từ tháng 10 năm 1848, nghĩa là sau ngày Nguyễn Tiên sinh mất đến 28 năm. Vua Tự Đức khi đọc Kim Vân Kiều truyện đến đoạn:

“…Bó thân về với triều đình

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau

Vào luồn ra cúi công hầu mà chi

Sao bằng riêng một biên thùy

Sức này, đã dễ làm gì được nhau

Chọc trời khuấy nước mặc dầu

Dọc ngang nào biết trên đầu có ai…”

Vua Tự Đức nổi cơn lôi đình, quát tên quan hầu:

-  Hãy lôi ngay Nguyễn Du vào đây và quất cho hai mươi roi để hắn biết “trên đầu còn có ai” nữa không? Quan hầu thưa:

- Muôn tâu bệ hạ! Nguyễn Tiên sinh tịch đã lâu, trước khi hoàng thượng lên ngôi kia. Lời của thiên tử ban ra không dễ gì rút lại được, nên Tự Đức phán:

- Treo cái án hai mươi roi lên giữa trời để làm gương cho bọn văn nhân thi sĩ, để chúng liều liệu cái thần hồn, viết lách cho cẩn thận, lễ độ.

Từ Hải, lãnh tụ nghĩa quân bị Nhà nước phong kiến gọi là giặc nhưng lại được Nguyễn Du gọi là anh hùng. Nguyễn Du không tiếc lời ca ngợi Từ Hải. Chính Từ Hải mới là người đứng ra bênh vực Kiều chứ không phải bọn vua quan phong kiến vốn đã mục ruỗng tới tận xuơng tủy!  Hiện tượng Từ Hải, người đã làm rung chuyển ngai vàng “Thiên tử” được Nguyễn Du phác họa với nhiều thiện cảm do đó khi đọc đến đoạn này Tự Đức nổi xung là phải.

Tuy nhiên vì Truyện Kiều quá hay nên tự tay nhà vua cũng góp phần hiệu đính. Và sau này Kim Vân Kiều truyện có tên gọi là Bản Kinh hay Bản Kiều Huế là như thế.

Tự Đức là một ông vua nổi tiếng trên thi đàn, đã từng:

“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng

Xếp tàn y lại để dành hơi…”

Nhà vua không cho đốt Truyện Kiều như tên hôn quân Tần Thủy Hoàng đã từng đốt hết sách!

May thay! Nguyễn Du không bị hai mươi roi và cũng may thay cho số phận Kim Vân Kiều truyện còn mãi với non sông đất Việt ngàn đời sau mãi mãi là áng thi bất tuyệt.


                                                 MAI LĨNH SƠN XUÂN BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét