Trang

Thứ Ba, 19 tháng 10, 2021

357. Nhân ngày Kỵ của Ba tôi

 NHÂN NGÀY KỴ CỦA BA TÔI- NGÀY 12/9/NĂM TÂN SỬU

Cụ Nguyễn Xuân Tập, 1908 – 1948.
Ba tôi tử trận trong chiến tranh 9 năm tại chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa.Năm 2002, tôi đã di hài cốt của Người từ Quảng Bình về an táng tại lăng gia đình ở Đại Hào, Triệu Phong, Quảng Trị. Tôi cũng đã tổ chức Lễ Truy điệu trọng thể tại quê nhà. Và sau đó, tôi đã hoàn thành bút ký Đi tìm mộ Cha và đã in thành sách.
Ngày kỵ năm nay, tôi đăng lại vài đoạn Hồi ức vế Ba tôi để tưởng nhớ Người.
Cha tôi là con đầu. Học hết bậc tiểu học ở Trường Tiểu học Triệu Phong. Thời gian này ở tỉnh Quảng Trị chỉ có 3 trường: Trường tỉnh, trường Triệu Phong và trường Cam Lộ. Còn nếu học tiếp lên bậc Thành chung thì phải vào Huế. Cha tôi thi xong được cấp bằng Certificat d’ Études Primaire và ít lâu sau đó ông đăng lính vào 5è Brigade (Lữ đoàn thứ năm của quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương). Hồi đó thường gọi sắc lính này là lính khố đỏ. Đây là đội quân chủ lực do người Pháp chỉ huy và điều động. Bên Nam triều có hai sắc lính khác. Đó là lính khố xanh mà tỉnh nào cũng có (trừ Nam kỳ) do quan Lãnh binh người Việt chỉ huy. Phủ Tôn nhơn thì có lính khố vàng chỉ phục vụ cho nội bộ triều đình. Sở dĩ gọi khố đỏ, khố xanh, khố vàng là mỗi sắc lính đều có trang phục khác nhau. Người dân chỉ phân biệt khi các anh lính đi ra đường có quấn cái xà cạp có màu khác nhau.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Ba tôi được điều sang Pháp để đánh phát xít Đức. Vừa đến cảng Marseille thì thống chế Pétain Philippe đã đầu hàng nên đoàn quân lê dương này phải quay về. Chả hiểu vì sao lúc đó không gọi Pétain là tổng thống mà chỉ gọi là thống chế (maréchal Chef de l’État francais).
Bọn học trò chúng tôi mỗi khi đến trường thì phải làm các nghi lễ chào cờ, hô khẩu hiệu…Cả trường hát quốc ca Pháp, bài Marseillaise (có nghĩa là bài ca của người Marseille). Bài ca này do Claude Joseph Rouget de Lisle – một sĩ quan trẻ thuộc Quân đoàn công binh sáng tác đêm 25 rạng 26 tháng 4 năm 1792 tại Strasbourg. Lúc đầu nó mang tên Chant de guerre pour l’armée du Rhin (Hành khúc quân sông Rhein). Tôi còn nhớ được một đoạn: Allons enfants de la Patrie/Le jour de gloire est arrivé! / Contre nous de la tyrannie, /L’entendard sanglant est levé…
Và điệp khúc: Aux armes citoyens! / Formez vos bataillons! Marchons! Marchons! / Qu’un sang impur/ Abreuve nos sillons!
Dịch ra Việt ngữ:
Hãy tiến lên! Những người con Tổ quốc/ Ngày vinh quang đã đến rồi! / Chống lại chúng ta, bọn bạotàn/ Đã được giương lên lá cờ vấy máu…
Và điệp khúc:
Hãy cầm lấy vũ khí, hỡi những công dân! / Hãy lập nên những đội quân! /Tiến lên! Tiến lến! / Hãy để cho dòng máu nhơ bẩn/ Tưới đẫm những luống cày của chúng ta!
Và quốc ca An Nam: Kìa núi vàng bể bạc/ Có sách trời sách trời định phần…. Theo Tạp chí Sông Hương số đặc biệt ra tháng 4 năm 2012, trang 48 có bài Âm nhạc Việt Nam và riêng ở Huế - giai đoạn 1930-1975 của nhạc sĩ Bửu Ý có đoạn viết: “Một trong những bài ca đầu tiên của nước ta là bài Kìa núi vàng bể bạc của Bửu Bác được dùng làm quốc ca thời Bảo Đại...Nó theo điệu “Đăng đàn cung” của nhạc phủ: Kìa núi vàng bể bạc /Sách trên trời định phần/…Bửu Bác còn là tác giả của bài “Mừng Phật đản”, cũng theo điệu “Đăng đàn cung”.
Bọn học trò chúng tôi còn phải hát bài suy tôn thống chế Pétain. Mở đầu bài hát là câu: Maréchal nous voilà devant toi, le sauveur de la Patrie…Hát xong hai bài quốc ca thì cả trường lại vang lên cái câu: Vive La France! Vive L’ Annam! (Nước Pháp muôn năm! Nước An Nam muôn năm!). Tôi còn nhớ khi hô các câu này thì tay phải úp vào ngực trái rồi đưa cả bàn tay ra phía trước hơi chếch bên phải, ngang tầm mắt. Kiểu này hơi giống kiểu lính phát xít Đức khi chào nhau: Hailo Hitler!
***
Lúc này kênh Suez bị Đồng Minh phong tỏa nên đoàn tàu chiến của Ba tôi phải đi vòng qua Châu Phi, xuống Mũi Hảo Vọng (Cape Town) rồi vòng lên Madagascar, cũng là thuộc địa của Pháp, qua Ấn Độ Dương về Việt Nam.
Có lần Mạ, tôi và các em nghe Ba tôi kể chuyện khi đi về gần biển Madagascar thì có một con chim rất to cứ bay theo đoàn tàu. Người chỉ huy cho lính lấy một cái mỏ neo nhỏ làm lưỡi câu, mắc vào đó một tảng thịt ngựa to, thả xuống biển. Vừa mới thả xuống thì con chim đó sà xuống đớp ngay cục thịt và nuốt vào họng, mang theo cả cái dây cáp bằng thép. Tàu tăng tốc độ, kéo theo con chim là là trên mặt biển. Đi khoảng hơn ba hải lý thì chim đuối. Tàu chạy chậm lại và đề phòng chim có thể còn sống nên chỉ huy đã cho xả súng bắn chết. Thịt con chim này cung cấp thực phẩm cho cả tiểu đoàn. Về tới Đông Dương mà vẫn còn một ít đem biếu cấp trên. Sau này, có lần chúng tôi được nghe ông ngoại nói câu: nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng. Trong bốn con vật khổng lồ đó thì điểu (tức là chim) là loài động vật lớn nhất. Thứ nhì là ngư (cá). Thứ ba là xà (rắn). Thứ tư mới đến tượng (voi).Và câu hát ru em hồi đó có câu: Con chim đại bàng bay qua hòn Núi Bạc/Con cá ngư ông nó móng nước ngoài khơi…Có phải đấy là con chim đại bàng mà những người lính đi đánh hụt Đức trở về câu được không?
Quân đội Pháp đóng ở Huế. Ba tôi ở Tiểu đoàn cơ động nên ông đã được điều đi đánh Xiêm La do chúng quấy rối ở biên giới Cao Mên – Xiêm. Lúc bấy giờ ba nước Việt Mên Lào đã bị thực dân Pháp thôn tính, được gọi chung là xứ Đông Pháp (Indochine Francaise). Không biết ông có bắn được thằng Xiêm nào không mà về đến Huế được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Chiến tranh (médaille de la guere). Tiếp theo đó, chẳng biết có quan hệ gì với chính quyền Trung Hoa, lúc này nhà Mãn Thanh đã sụp đổ, Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Đại thống chế Tôn Trung Sơn nắm quyền bính mà tiểu đoàn này được điều sang Côn Minh. Năm 1933, đây là thời điểm Cha tôi làm hai bài thơ tặng Mạ tôi dù chưa làm lễ cưới. Hai bài thơ sẽ đăng phần cuối bài này.
Nhờ có biết tiếng Pháp nên Ba tôi được điều về làm văn phòng tại cơ quan tham mưu (État Major) của Lữ đoàn đóng tại nội thành Huế, phần đất Triều đình cắt nhượng cho Pháp theo Hiệp ước Patenôtre ký năm 1884. Các cơ quan chỉ huy của Lữ đoàn và các đơn vị lính đều đóng phía trong thành. Tôi được Ba tôi cho theo vào công sở. Đây là một ngôi nhà hai tầng, có rất nhiều phòng làm việc, nằm dưới những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Cạnh đó có một tòa nhà khác, ngoài cổng có bảng đề là Sở Mộ lính. Đây còn có một nhà hát của nhà binh. Gia đình tôi thỉnh thoảng được Ba tôi cho vào xem biểu diễn ca nhạc và kịch nói và các môn tạp kỹ khác tại nhà hát này. Tên quan hai Lebourg, phó cơ quan tham mưu thích Ba tôi nên nó đã cho một chiếc sừng tê giác làm kỷ niệm trước lúc Ba tôi mãn hạn lính. Chiếc sừng này là hắn chiếm được của người dân Sénégal khi hắn đóng quân ở đó.
Ngoài thành đồn Mang Cá lớn có một Camp Marié (thường được gọi là Trại Con gái), dùng làm nơi ở cho vợ con binh lính. Trong khu này có trường tiểu học, chỉ đến cours élémentaire, thi xong Sơ học yếu lược thì được chuyển lên học ở trường Queignec, gần cầu Thanh Long. Tôi còn nhớ thầy giáo của lớp ba của tôi tên là Phong. Lên lớp, thầy mặc đồ nhà binh mang lon đội, tiếng Tây thường gọi là Sergent (ngài đội). Cái cách gọi theo cấp bậc nhà binh thời này cũng để lại dấu ấn. Lính thì gọi là chú lính. Bếp thì gọi là bác bếp. Cai thì gọi là thầy cai. Đội thì gọi là ngài đội. Lên đến chức quản thì được gọi là cụ quản. Vợ nhà binh cũng được gọi theo chức vụ của chồng.
Từ ngoài cổng Trại vào có một cái đền thờ, thờ ai thì tôi không biết, hai bên tường đền có đúc nổi tượng hai ông được gọi là Ông Thiện, Ông Ác. Ông nào cũng cầm gươm, mặt mũi bôi xanh bôi đỏ trông rất dữ tợn. Bọn trẻ chúng tôi mỗi khi đi qua đoạn đường này thường chạy cho nhanh vì sợ. Bên cạnh trường có một cái nhà thương nhỏ, nó gần giống như trạm xá xã thời nay. Những đứa học trò chúng tôi dù không đau bụng cũng sang khai và xin các bà xơ cho thuốc trị bằng một cốc nước ngọt, ngọt như xi-rô. Trong Trại còn có một cái sân vận động để bọn trẻ chạy nhảy nô đùa. Có những đêm lửa trại, thường thường là vào những ngày lễ như Quốc khánh Pháp (14-7), lễ Noel và nhất là dịp Tết Nguyên đán. Những người lính Thượng trong đồn Mang Cá cùng ra chung vui. Bọn trẻ thì hát những bài tiếng Pháp như bài Écoutez chanter flambe…, bài J’ai deux amours, mon pays et Paris…Các bác lính Thượng thì hát bài của dân tộc của họ. Tôi còn nhớ được mấy câu nhưng không hiểu nghĩa: “Ộn ề mà rào ê đệ. Ấy chan dinh dan ê ri ôn mầy. Họ hát và nhảy múa quanh đống lửa trại, có cả cồng chiêng nhịp theo, rất vui. Cũng tại cái sân vận động này cứ mỗi sáng, có một thầy cai mang cái kèn tây ra đứng ở góc sân huơ huơ cái kèn lên trời như là múa rồi thổi bài réveille matin (đánh thức ban mai). Nhạc điệu tôi còn nhớ như vầy: tọn tèn tèn tèn tọn, tọn tin tìn tin tọn…Và cứ chiểu thứ bảy lại có bài tập ắc ê với tiếng hô ắc ê (nhịp bước un deux của lính) và lại có bài kèn đi kèm. Tôi còn nhớ giai điệu “Mình ơi có đi Bờ Hồ, cùng ta ăn kem kẹo dừa, có đi là đi mình nhé? Nếu mình ao ước cái chi” hoặc theo điệu hành khúc (en marche) mà bọn trẻ chúng tôi chế ra như sau: “Mụ đi mô tui bắt mụ lại tui không cho mụ về”. Dân Huế coi đây là những bài hát của lính Tẩy.
***
Kỷ niệm ấu thơ thì còn nhiều, tôi xin trở lại bài viết về hai bài thơ của Ba tôi. Bài thứ nhất, Ba tôi viết trước khi ông đi Côn Minh, Trung Quốc có nhan đề là Liệu còn gặp gỡ. Cuộc đời người lính ra sa trường sống chết trong gang tấc, nên Ba tôi viết bài thơ này, nếu trở về trùng phùng tái hợp thì tốt nhưng nếu có mệnh hệ nào thì mong cho Mạ tôi “gặp được chốn lửa hương”. Bài thơ như sau:
Lênh đênh anh tưởng là điều trân trọng
Ai hay chạnh nỗi niềm đôi ngả quan san
Lúc ra đi mỗi bước một ngừng
Con tàu chạy mỗi ga mỗi khuất
Mắt trông về Bến Sãi,(1) gan vàng thổn thức
Nhìn Chợ Hàn (2), lệ ngọc chứa chan
Gẫm tơ trời lắm nỗi đa đoan
Trách máy Tạo sớm đem đường thay đổi
Xưa những ước Thôi Trương (3) kỳ ngộ
Trước gió trăng sau lại đá vàng
Ai ngờ Ngưu Nữ đôi đàng (4)
Chưa sum họp vội vàng cách trở
Thôi thôi em đừng than đừng thở
Thôi thôi em đừng tưởng đừng trông
Xưa Mạnh Lệ Quân ở chốn không phòng
Cũng có khi Tương Như hội ngộ
Chị Thúy Kiều ghe phen tân khổ
Cũng có lúc Kim Trọng tái phùng
Huống chi em chút phận má hồng
Bền giữ dạ ắt Hoàng thiên nào phụ
Anh nguyện cùng Ngọc Hoàng Thiên Địa
Sớm cho em gặp được chốn lửa hương
Còn như anh gánh gãy giữa đường
Liệu cùng em còn có ngày gặp gỡ?
Nguyễn Xuân Tập
1933
Chu1 thich1:
(1) Chợ Sãi ở gần Thành Cổ Quảng Trị
(2) Chợ Hàn tức chợ ở thị xã Quảng Trị
(3) Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, chuyện tình đẹp của Tàu.
(4) Tức Ngưu Lang và Chức Nữ
Bài thơ này được Mạ tôi đọc lại cho tôi ghi âm lúc 9 giờ ngày 18-6-1999 khi Mạ tôi đã 84 tuổi. Nhưng đầu óc và tinh thần của Bà vẫn còn minh mẫn.
Và đây là bài thơ thứ hai, theo thể thơ Đường luật, Mạ tôi không nhớ tựa đề. Mãi mấy năm sau, khi đã cận kề cái tuổi gần đất xa trời, khi chúng tôi làm Lễ mừng đại thọ cho Bà thì Mạ tôi bỗng nhiên nhớ lại được và bảo tôi ghi lại. Đó là bài
Nhắn nhủ cùng em:
Thung DUNG yên ngựa bước du xuân
Học TẬP đắc thành sách Thánh nhân
THUẬN nẻo đá nhào cơn bão tố
SÃI tay đánh bạt bước gian truân
Hạ nhật duyên ưa chưa tính được
Xuân xanh phận đẹp đã tới tuần
Nhắn nhủ cùng em người tri kỷ
Yêu nhau ta phải liệu cho xong
Câu đầu, chữ thứ hai DUNG là tên Mạ tôi Nguyễn Thị Kim Dung. Câu thứ hai, chữ thứ hai TẬP là tên Ba tôi Nguyễn Xuân Tập. Chữ đầu câu thứ ba THUẬN là chợ Thuận, quê Ba tôi. Chữ đầu thứ tư SÃI là Chợ Sãi, đối diện làng Xuân Yên là quê Mạ tôi. Ngày xưa các Cụ thường ghép tên làng quê với tên mình, tên người yêu để làm những câu thơ tặng nhau, bày tỏ tình yêu lứa đôi nhưng không quên cội nguồn gốc gác của mình. Đó là một cử chỉ đẹp và lãng mạn. Bài thơ này tôi đã đưa vào bộ phim Bài thơ về Mẹ mà tác giả kịch bản và viết Lời bình là tôi, nhà thơ Xuân Bảo.
Năm 1934, Ông Mệ nội tôi làm lễ cưới cho Ba tôi. Trước đó, gia đình Ông Mệ tôi đã dạm ngõ một người con gái họ Phạm. Chẳng hiểu vì lý do gì mà sau khi Ba tôi ở Côn Minh về thì ông xin từ hôn và Ông Mệ tôi lại đi hỏi cưới Mạ tôi cho Ba tôi. Mệ ngoại tôi là người làng Đại Hào. Tôi nghe kể là đám cưới Ba Mạ tôi tổ chức đi rước dâu bằng thuyền. Đi từ con hói Chợ Thuận, ra sông Thạch Hãn rồi ngược lên Phường Sãi. Cả đoạn đường sông này dài gần hai chục cây số, đi về mất hẳn một ngày trời, kể cả thời gian làm lễ nghi đám cưới. Cưới xong Ba Mạ tôi vào Huế.
Mạ tôi là một người đàn bà được nuôi dạy tốt trong một gia đình gia giáo. Cũng như những người con khác trong gia đình, Bà được Ông Bà ngoại cho đến trường học chữ. Học xong lớp Sơ đẳng thì ở nhà để lo chuẩn bị vào đời, tức là những bước chuẩn bị đi lấy chồng. Ngày đó những gia đình quyền quý có con gái thường được những gia đình môn đăng hộ đối để ý tới. Và đến tuổi cài trâm, tức là tuổi cập kê thì có người mai mối tới nói chuyện hôn nhân. Tính từ năm Bính Thìn (1916) đến năm Giáp Tuất (1934) Mạ tôi bước lên thuyền hoa về nhà chồng vừa đúng 18 tuổi. Công việc chính của Mạ tôi là lo tề gia nội trợ và chăm sóc nuôi dạy con cái. Người vợ lính không lo đến cơm áo vì lương chồng cũng đủ sống. Không những thế Mạ tôi còn nuôi người giúp việc và ẵm bồng con nhỏ. Lúc tôi biết đi, Mạ thường cho tôi theo Bà đi vãn cảnh chùa, thường thì hay đi chùa Từ Đàm hoặc chùa Thiên Mụ. Hai Mạ con đi xe tay, một loại xe hai bánh có người kéo. Cái xe tay này cũng đã đi vào văn học sử với truyện ngắn Ngựa người và người ngựa của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đặc biệt hơn, cái xe tay này được Nguyễn Ái Quốc vẽ minh họa cho bài viết tố cáo thực dân Pháp thời chúng đô hộ nước ta.
Và ngày mười sáu tháng giêng năm Ất Hợi thì tôi chào đời. Theo lịch Vạn Niên thì ứng với ngày 19 tháng 2 năm 1935. Bây giờ lý lịch và các loại giấy tờ đều ghi ngày sinh của tôi là ngày 16 tháng 1 năm 1935. Ghi như vậy là không đúng với thực tế. Nhưng mà thôi, gần tám mươi năm qua, tôi đã mang ngày sinh như thế thì cứ để thế. Có gì tuyệt đối đâu. Tôi nghĩ rằng nhiều, rất nhiều người cũng có ngày sinh không đúng vì qua hai cuộc chiến tranh, nhiều giấy tờ bị thất lạc.
Khi tôi lên năm, đến tuổi đi học, vào lớp Đồng Ấu tương tự lớp Một bây giờ. Tôi được Ba tôi dắt đến trường. Trường cũng nằm trong khuôn viên Trại Con gái Mang Cá. Vào lớp những học trò chúng tôi không hề mang sách vở. Khi ngồi vào chỗ ngồi thì trên mặt bàn đã để sẵn đó một cái tráp bằng gỗ mỏng, trong đó có mấy cuốn sách và mấy cuốn vở tập, một cây bút chì, một cây bút mực, một cục gôm (tẩy), một tờ giấy thấm, một cái thước kẻ. Cái gô-đê mực tím đặt lọt xuống lỗ hõm mặt bàn.
Lớp Đồng Ấu. Bài học đầu tiên là nhận dạng bảng chữ cái, bắt đầu từ chữ a, b, c. Chữ Việt gồm 23 chữ cái phụ âm và 11 chữ nguyên âm. Cùng lúc, học trò phải học luôn bảng alphabet francais gồm 26 chữ cái, so với tiếng Việt thì có thêm 4 chữ là f, j, w, z nhưng không có chữ đ và những chữ oe viết liền nhau, chữ i có hai dấu chấm trên đầu, chữ c có dấu ngoặc dưới đít. Sách giáo khoa thư tiếng Việt chỉ dẫn học hết vần bằng thì sang vần trắc. Vần bằng bắt đầu bằng chữ b, và 11 nguyên âm, đọc bê a ba, bê ă bă, bê â bâ…cho đến bê u bu, bê ư bư rồi sang phụ âm c tiếp theo. Vần trắc bắt đầu bằng chữ a, và 22 phụ âm đọc là a xê ác, ă xê ăc, â xê âc…Còn tập viết thì phải kẻ thước nghiêng 45 độ bằng bút chì và chữ cũng phải tập viết nghiêng. Tập viết nét đầu tiên là nét sổ, cứ theo nét bút chì kẻ trước cách một dòng thì xuống hàng, học trò chấm bút lá tre vào mực rồi vẽ theo.Tập nét sổ như vậy đến hai cuốn vở viết tập mới được tập viết theo chữ. Môn này gọi là écriture. Thầy dạy hết sức tận tình, đi từng bàn nắn bàn tay cho từng học trò khi tập viết. Vì thế nên những ai đã đi học thời đó đều có nét chữ hao hao giống nhau và nói chung là chữ rất đẹp. Nhờ khổ luyện tập viết mà sau này tôi đã nhận viết giấy khen, bằng khen cho các cơ quan, viết bằng bút rông (rond) những chữ lớn, bút sắt loại chữ thường.
Chương trình học lúc đó chia theo thời khóa biểu: Ngày học hai buổi sáng và chiều. Giữa giờ ra chơi 15 phút. Ngày thứ 5 chỉ học môn thủ công, ngày thứ 7 học buổi sáng, chiều nghỉ. Tôi còn nhớ như in cái trường nhà binh mà tôi bước đầu vào học. Trường có ba lớp, mỗi lớp khoảng ba mươi học trò. Lớp Đồng Ấu (Enfantin), lớp Dự Bị (Préparatoire), lớp Sơ Đẳng (É1émentaire). Trên các bức tường của mỗi lớp đều có treo bản đồ Đông Pháp (Carte géographie de l’Indochine francaise), gồm ba nước:Việt Nam, Lào và Cao-mên. Trong cuốn Nouveau Petit LAROUSSE của Pháp xuất bản năm 1951 tại Paris, Đông Pháp chỉ có 5 xứ: Laos (Lào), Cambodge (Cao-mên), Tonkin (Bắc kỳ), Annam (Trung kỳ), Cochinchine (Nam kỳ), không có tên nước Việt Nam. Mặc dù chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 dõng dạc tuyên bố trước thế giới đã được 6 năm? Thực là láo toét! Ba nước này đều bị thực dân Pháp thôn tính và thống trị. Chúng đặt nền đô hộ do một tên toàn quyền người Pháp đứng đầu.
Ba tháng nghỉ hè (vacance) thì được nghỉ hoàn toàn. Trường tổ chức cho đi nghỉ mát ở Thuận An - một bãi biển rất đẹp của Thừa Thiên - hoặc đi thăm các lăng tẩm, đền đài chung quanh thành phố Huế và nhiều nơi khác…Những ngày hè bọn trẻ chúng tôi được cha mẹ cho về thăm quê. Tôi rất ngỡ ngàng trước những cánh đồng lúa chín vàng và ngây thơ hỏi Mạ: Cái hột ni là hột chi? Mạ tôi cười mà rằng: Cái hột con ăn hàng ngày đó. Tôi thấy hột gạo nấu cơm nó khác với hột lúa!
Trại Con gái Mang Cá có nhiều dãy nhà. Mỗi dãy có tới mấy chục căn hộ. Căn hộ hai đầu dãy thì thông nhau, nhìn ra hai phía, dùng bố trí cho cấp bậc đội và đội sếp. Còn từ cai trở xuống thì chỉ ở những căn giữa. Căn hộ Ba Mạ tôi ở gần sân vận động. Trước mặt nhà về phía tây là nhà của ông đội sếp Nguyễn Văn Hinh. Ông này đặt tên con theo cái giờ nó được sinh ra. Còn tên thật theo giấy khai sinh thì khác. Thằng đầu cùng tuổi với tôi tên là À dix heures, tức Mười giờ. Bọn học trò chúng tôi thường chọc ghẹo nó, gọi nó là Thằng đít giơ theo tiếng Việt là thằng đít dơ (nhớp). Thằng em nó được đặt tên là À onze heures dix minutes, tức Mười một giờ mười phút. Chúng tôi lại gọi tên nó bằng tiếng Việt: thằng ông giơ đít mi nút. Ông Nguyễn Văn Hinh, sau Hiệp định Genève lãnh đạo phe chống Ngô Đình Diệm và bị Diệm tiêu diệt nặng nề.
Trong trại này có một cái biệt thự riêng biệt, được đặt sau ngôi đền, từ ngoài cổng vào. Cụ quản Vương Đình Khoan (adjudant chef) ở cả gia đình từ Nghệ An vào. Thỉnh thoảng thấy cụ xuất hiện, đi xuống các dãy nhà, trong tay cụ lúc nào cũng có cây roi cặc bò. Lính tráng gặp cụ thì phải giơ tay chào kiểu nhà binh. Còn lũ trẻ chúng tôi gặp Cụ thì phải đứng lại, vòng tay ra trước ngực “bẩm Cụ”. Năm 1944, Cụ quản Khoan mãn hạn lính. Người thay thế là Cụ quản Trang vào ở ngôi biệt thự đó.
Cách cổng Trại Con gái chưa đầy ba trăm mét là cổng đồn Mang Cá. Ngoài cổng có một dãy nhà của ông cai Thuyết cho thuê, kiểu như nhà trọ bây giờ. Nghe nói ông Cai Thuyết khởi nghiệp chỉ có trong tay 5 xu tiền Đông Dương lúc bấy giờ. Thế mà 10 năm sau ông đã trở nên giàu sụ, có của ăn của để. Vào khỏi cổng phía tay phải có cái bót gác, vào bên trong chừng mươi mét có một tiệm cắt tóc. Tiệm cắt tóc có ba chiếc ghế cho khách ngồi cắt tóc. Trên trần nhà có ba cái quạt kéo bằng vải, giống như cái quạt giê lúa của nông dân. Khi có khách cắt tóc thì có một chú nhỏ khoảng trên 10 tuổi kéo dây cho quạt đung đưa qua lại trên chỗ khách ngồi cho mát.
Vào một đoạn nữa là kho gạo. Cứ đến đầu tháng Mạ tôi đem “bông”- một loại tem phiếu phát cho vợ lính - để lĩnh gạo mang về. Tiền mua gạo này được Trésorier (kho bạc) chiết trừ vào tiền lương hàng tháng của Ba tôi. Bên tay phải kho gạo là một cái nhà bàn rất to, (tức là nhà ăn tập thể), đủ chỗ ngồi cho cả một tiểu đoàn lúc tới giờ ăn.
Muốn đi vào trong thành phải đi qua một cái cầu xi-măng hình bán nguyệt, bắc qua hào rồi đi qua cái cổng thành có cánh cửa gỗ to đùng ngày mở đêm đóng, có lính canh thường trực. Phía trong thành là nơi đóng quân của binh lính và sĩ quan. Có phòng làm việc, nơi ở. Có câu lạc bộ, sân vận động bóng đá, sân bóng chuyền, bãi tập quân sự (thao trường). Đặc biệt có kermesse (theo nghĩa là chợ phiên), nhưng thực tế chỉ là cái cantine bán tạp hóa và thực phẩm cho binh lính. Mạ tôi thường hay được các chú lính mua giúp bia, nước ngọt và các thứ thực phẩm về dùng.
Những ngày lễ lớn như Quốc khánh Pháp (14 tháng 7), Noel, Tết Tây (nouvel an), Tết Nguyên đán, Bộ Chỉ huy thường tổ chức ngày hội gồm nhiều trò chơi như leo cột mỡ, thi nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập om (một loại nồi đất) và nhiều trò chơi khác. Có lần tôi đập trúng cái om đựng đầy nước. Nước bắn tung tóe, ướt hết mặt mũi quần áo. Vợ con binh lính được vào vui chơi trong thời gian mở hội.
Kết thúc niên khóa 1943-1944, Trường chúng tôi tổ chức cho học trò lớp sơ đẳng đi thi Sơ học yếu lược. Học trò phải có cái certifica d’identité (thẻ căn cước). Mạ tôi dẫn tôi lên hiệu ảnh gần chợ Đông Ba. Tôi được mặc áo lương đen và đội khăn đóng (khăn xếp) chụp hình để dán vào hồ sơ và sau này tôi thấy trong tấm bằng Yếu lược của tôi cũng dán bức hình này. Địa điểm thi là tại thị trấn Bao Vinh, huyện lỵ huyện Hương Trà. Từ sáng sớm, một chiếc xe nhà binh của đồn Mang Cá tới rước học trò đi thi. Cha mẹ học trò thì hoặc là đi bộ (từ Mang Cá xuống Bao Vinh cũng không xa lắm) hoặc là đi xe tay xuống nơi thi để động viên con em mình. Lớp chúng tôi được phân ra thi ở nhiều phòng thi khác nhau. Tôi để ý thấy trong phòng thi của tôi có cả những ông có râu và tuổi cũng cao như Ba tôi. Sau này tôi mới được biết các ông này đi thi để lấy cái bằng Sơ học yếu lược thì sẽ có nhiều quyền lợi như được triều đình ban phẩm trật, thường là cửu phẩm văn giai. Khi ra việc làng được ngồi chiếu trên, khi chia ruộng công thì được chia loại nhất hoặc nhị đẳng điền, khỏi đi phu phen phục dịch, không phải làm thằng mõ.
Phía ngoài phòng thi có mấy ông cảnh sát (police) mặc quần áo màu vàng, cầm roi cặc bò đi lui đi tới. Sau phần thi buổi sáng gồm 2 môn ám tả và toán. Buổi chiều thi phần tiếng Pháp, có thi viết một đoạn văn ngắn (dictée francaise) và thi oral (vấn đáp). Tôi làm bài thi khá nhanh. Khi đang học ở trường, tôi thường được xếp hạng nhất nhì của lớp. Hàng tháng trên bảng Danh dự (Tableau d’honneur) của lớp tên tôi luôn được xếp đầu tiên. Nộp bài thi xong thì được phép ra khỏi phòng thi để gặp thày giáo và cha mẹ, nhưng không được làm ồn và đi lại lộn xộn. Cuộc thi kết thúc chúng tôi lại lên xe nhà binh trở lại Mang Cá. Khoảng hai tháng sau thì có kết quả. Tôi được xếp thứ 11 trong tổng số thí sinh dự thí. Bằng được gửi theo đường dây thép (bưu điện) về quê nội làng Đại Hào, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông nội tôi cho mổ bò khao làng. Thế mới biết việc khuyến học thời đó mới quý làm sao!
Tôi còn nhớ những kỷ niệm thân thương về người cha của mình. Ông có dáng người cao lớn, khuôn mặt thông minh và nụ cười rạng rỡ. Hồi ở Huế, trong trang phục nhà binh trông ông oai vệ không kém những tên quan Pháp. Những ngày nghỉ, Ba tôi thường cho Mạ, tôi và các em đi thăm thú các danh lam thắng cảnh của cố đô. Gia đình tôi đi xem cinéma, xem hát ở rạp Tân Tân. Có những đêm trăng đẹp, Ba Mạ và tôi được lên đò nghe ca Huế. Tôi còn nhớ cho tới bây giờ các điệu Nam Ai, Nam Bằng. Có những câu nghe ai oán: “Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi?” Và những câu hò mái nhì nghe thống thiết làm sao! “Chiều chiều ra trước Phu Văn Lâu. Ai ngồi ai câu, ai sầu, ai thảm, ai cảm, ai nhớ, ai thương. Thuyền ai thấp thoáng bên sông. Giọng hò mái đẩy chạnh lòng nước non.”
Trên sông Hương có rất nhiều đò cho khách thuê để dạo chơi và nghe ca Huế. Có những chiếc đò nhỏ bán chè đậu xanh, đậu ván, bán trứng vịt lộn và nhiều món ăm đêm khác. Họ chèo quẩn quanh các đò hát và cất tiếng rao lanh lảnh ngập tràn cả khúc sông. Trên bờ, đoạn trước cửa Ngọ Môn có một vườn hoa mang tên nhà vua Bảo Đại. Đêm đêm nơi đây có tổ chức nhảy đầm, có quán xá. Khách đến đây thường là các quan chức người Pháp và công chức, tư chức người Việt. Tuyệt nhiên không có khách là người nghèo hoặc thậm chí các ông xã xệ lý toét cũng không hề bén mảng.
Tôi còn nhớ ngày đó ở chân cầu Thanh Long có một người ăn mày tên là Cụ Trâu. Mùa hè cũng như mùa đông Cụ Trâu chỉ mặc độc chiếc quần đùi. Người Cụ láng mượt một màu da nâu, đặc biệt tấm lưng trần như được bôi mỡ. Cụ nói lời ăn xin mà nghe như hát: “Lạy ông đi qua lạy bà đi lại…” Và cũng trên đoạn đường này có một tiệm hút thuốc phiện, ngoài cừa có treo tấm biển đề chữ OPIUM. Tôi nghe Mạ tôi nói Ba tôi thỉnh thoảng cùng những người bạn trong đồn đến nơi đây để hút thuốc phiện. Thuốc phiện được mở tiệm công khai. Các nhà cách mạng thì coi đây là một trong nhiều chính sách ngu dân của thực dân Pháp!
***
Bên bờ Phước Long Giang, ngày 17 tháng 10 nắm, nhằm ngày 12 tháng 9 năm Tân Sửu.
Nhà thơ Xuân Bảo
Anh Tai Ho, Nguyen Thuy Ngoc và 6 người khác
1 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ

1 bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét