Trang

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

173. THĂM CỤ ĐỒ CHIỂU.

173.THĂM CỤ ĐỒ CHIỂU.
      Bút ký
Dưới Blogger Nguyễn Xuân Bảo, tôi có trich dẫn hai câu thơ của Cụ Đồ Chiểu:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm.    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
     Tôi ngưỡng mộ Cụ từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường.Và biết đến Cụ qua giọng ngâm của người O ruột của tôi, cụ bà Nguyễn Thị Chuyển, khi tôi mới biết đi, khi O ru tôi ngủ. Cũng như bao người dân Việt ở đầu thế kỷ 20 ai cũng biết đến Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga
Năm 2000, năm đầu thiên niên kỷ thứ III, tôi đi viết về người anh hùng Tống Viết Dương, người gốc Bến Tre. Tôi về Ba Tri để lấy tư liệu, được Tỉnh ủy tặng cho cuốn Địa chí Bến Tre.Khi đó,tôi có dịp đến thắp nhang mộ Cụ. Những năm đó, mộ Cụ còn đắp sơ sài. Thế mà đã hơn 16 năm sau, giờ đây tôi mới có dịp trở lại Ba Tri để viếng thăm Cụ.
Trời Ba Tri, tháng Mười ta vẫn còn vài cơn mưa nhỏ. Tôi như thấy trong dĩ vãng phảng phất đâu đây trên cánh đồng An Bình Đông, nay là An Đức trắng xóa khăn tang của những bạn bè, học trò, những người bệnh (được Cụ chữa lành),và của rất đông đồng bào quanh vùng vì cảm phục một tâm hồn lớn, một nhà thơ lớn, một nhân cách lớn đã đến tiễn đưa Cụ về với tiên tổ trong ngày mùng 3 tháng 7 năm 1888 .
Ba Tri – Biên Trấn, ngày 3 tháng 11 năm 2016
                                          Nhà thơ Xuân Bảo

                        ĐẤT THẦN KINH SINH NHÀ THƠ YÊU NƯỚC.

          Cụ tên thật là Nguyễn Đình Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh ngày mùng 1 tháng 7 năm 1882. Cha là Nguyễn Đình Huy, vốn quê ở làng Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc xã Phong An, huyện Hương Điền) làm thư lại Văn hàn ty trong dinh Tổng trấn Lê Văn Duyệt (Gia Định). Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Ông bà Nguyễn Đình Huy sinh được 7 người con (4 trai, 3 gái). Nguyễn Đình Chiểu là con cả, ra đời nơi quê mẹ. Hơn 10 tuổi, Cụ đã phải theo cha, chạy loạn ra Huế. Gần 10 năm sau, tức là lúc Nguyễn Đình Chiểu 20 tuổi (1843), Cụ trở lại Gia Định thi và đỗ tú tài. Sau đó, Cụ lại ra Huế chờ khoa thi tiếp. Chưa kịp thi thì nghe tin dữ: mẹ Cụ đột ngột qua đời. Cụ vội về chịu tang mẹ. Bao gian nan vất vả dọc đường khiến Cụ lâm bệnh và bị mù. Cũng có giả thuyết (không chắc chắn lắm) nói Nguyễn Đình Chiểu “tự đốt khói xông mắt cho mù để không còn nhìn thấy cảnh nước mất nhà tan do triều đình nhu nhược lần lượt dâng lục tỉnh Nam Kỳ cho bọn Phú lang Sa”. Hết tang mẹ, Cụ mở lớp dạy học và bốc thuốc chữa bệnh ở Gia Định. Từ đó, Cụ được mọi người tôn vinh gọi là Cụ Đồ Chiểu. Hiền thê của Cụ là cụ bà  Lê Thị Điền. Bà là em gái của người học trò của Cụ tên là Lê Tăng Quỳnh vừa trọng nể tài năng và nhân cách lại vừa thương cảm hoàn cảnh của thày nên gả em gái. Lê Tăng Quỳnh quê ở làng Thanh An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Bà sinh  được  7 ngưởi con. Trong những người con của Cụ Đồ Chiểu có tới 4 người biết làm thuốc, vừa dạy học. Đặc biệt, có người con gái thứ 5 là Nguyễn Thị Khuê  (1864-1922), tự là Nguyệt Anh, còn gọi là cô Năm Hạnh. Chồng là Nguyễn Công Trình. Khi chồng mất, bà thêm chữ Sương trước tự nên thường gọi là Sương Nguyệt Anh. Sương Nguyệt Anh từng nổi tiếng một thời trên văn đàn. Bà đã từng làm Chủ bút tờ báo Nữ giới chung (Tiếng chuông nữ giới) tại Sài Gòn. Người con thứ 7 của Cụ tên là Nguyễn Đình Chiêm vừa dạy học, làm thuốc, làm thơ, làm báo và viết tuồng. Các vở tuồng Phong Ba Đình, Phấn trang lầu, Nê Mã Độ Khương vương…là của Nguyễn Đình Chiêm sáng tác
      Ngoài viêc dạy học, Cụ còn làm thuốc chữa bệnh và bắt đầu chuyên tâm vào sáng tác văn chương. Năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định, Cụ chạy giặc về quê vợ ở Cần Giuộc. Rồi cũng không yên, Cụ lại đưa gia đình chạy giặc về Ba Tri. Ở đây, Cụ vẫn dạy học, làm thuốc, làm thơ và thường xuyên liên lạc với các sĩ phu yêu nước. Cụ mất tại Ba Tri ngày mùng 3 tháng 7 năm 1888. Phần mộ Cụ được an táng tại làng An Đức, kề bên huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngày nay.
Người Việt Nam rất đỗi tự hào có đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều trứ danh. Và ở phần đất mở cõi về phương Nam lại có một tác phẩm nổi tiếng và đã in sâu đậm vào tiềm thức mọi người. Đó là truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyển Đình Chiểu. Nguyễn Đình Chiểu đặc biệt không sáng tác văn chương bằng chữ Hán. Có thể chia quá trình sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu ra làm 2 giai đoạn: Trước và sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định (1859). Giai đoạn 1, chủ yếu có truyện thơ Lục Vân Tiên. Giai đoạn sau gồm nhiều thể loại: văn tế và 2 truyện thơ dài, gọi chung là thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu. Truyện thơ Dương Từ - Hà Mậu (viết trước năm 1859, sau sửa lại, có độ dài là 3448 câu) và truyện thơ Ngư tiều y thuật vấn đáp. Văn tế có những tác phẩm chính: Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, 12 bài Thơ điếu Trương Định, 10 bài Thơ điếu Phan Tòng, Văn tế sĩ dân Lục tỉnh trận vong.

          MỘT KHU ĐỀN NGUY NGA VÀ HOÀNH TRÁNG.

Cháu Bùi Thành Nhân, cán bộ thuyết minh điểm của Đền thờ Cụ hướng dẫn tôi vào thắp nhang. Từ cổng chính vào có khu để xe, có nhà trưng bày các tác phẩm Lục Vân Tiên, Văn tế Trương Định và Thơ điếu, Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc và Ký bào đệ thơ, Tóm tắt gia phả Nguyễn Đình Chiểu do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin và Chi hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu huyện Ba Tri xuất bản. Có quày căng-tin và bán sản vật lưu niệm.
 Ngôi chính điện do kiến trúc sư Phạm Anh Minh, người gốc Bến Tre thiết kế. Đây là một ngôi đền cực kỳ hoành tráng, xứng đáng với tầm vóc của nhà thơ lớn Nguyễn Đình Chiểu.Trước mặt đền là tấm bia đá khắc bia ký của nhà thơ đương đại Dương Huy, nói lên thân thế và sự nghiệp của nhà thơ. Cụ Đồ Chiểu đã sống hơn một phần tư thế kỷ (26 năm) trên mảnh đất Bến Tre. Cụ đã để lại cho nhân dân ở đây một ảnh hưởng to lớn và một di sản tinh thần vô cùng quý báu, góp phần tạo nên truyền thống kiên cường, bất khuất của một vùng đất anh hùng. Đúng như câu thơ điếu đốc binh Phan Tòng: “Tinh thần hai chữ phau sương tuyết. Khí phách ngàn thu rỡ núi non”.
 Tôi thành tâm khấn niệm “mong cho Tổ quốc độc lập trường tồn; mong cho đất nước xuất hiện nhiều nhà thơ yêu nước; mong cho Bến Tre có nhiều danh sĩ sống cùng con cháu!”
Bùi Thành Nhân đưa tôi ra khu mộ. Khu mộ được tạo dựng trên một hòn núi giả sơn khá rộng và khoáng đạt. Hai ngôi mộ của Cụ ông và Cụ bà Nguyễn Đình Chiểu nằm song đôi nơi vị trí cao nhất. Phía bên trái là ngôi mộ của nhà thơ, nhà báo Sương Nguyệt Anh Nguyễn Thị Khuê. Phía trước là 4 ngôi mộ nhỏ, núm tròn chôn cất những người đã từng theo gia đình Cụ suốt những năm tháng cực nhọc ở Ba Tri.
Tôi ghé quày sách và được cháu Yến Phi, cán bộ Bảo tàng tặng cuốn sách Lục Vân Tiên với lời đề tặng: “Kỷ niệm Ngày bác về thăm Lăng mộ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Chúc bác nhiều sức khỏe. Yến Phi”.
Rời Ba Tri lòng tôi cảm thấy bịn rịn và cũng rất lấy làm tự hào về tổ tiên dòng tộc – những người đi mở cõi phía Trời Nam xa xôi. Bến Tre là một trong những điểm được lưu dân miền ngoài vào định cư sớm nhất trong các cù lao ( Cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh). Năm 1742, ông Thái Hữu Xưa người phủ Tư Nghĩa. Tỉnh Quảng Ngãi đứng ra lập Ba Tri cá trại. Đến năm 1759 vào thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) thì xin lập làng với tên mới là An Bình Đông (nay thuộc xã An Đức).Từ thế kỷ XIX, Ba Tri đã là một trung tâm mua bán khá thịnh vượng với những sản phẩm nổi tiếng: lụa tơ tằm, ngọc điệp,hải sản khô và tươi, muối…Ba Tri được nhiều người biết đến vì là một vùng đất gắn liền với giai thoại “Ông già Ba Tri”,tượng trưng cho tính cách con người Nam Bộ.

      Viết xong đêm rằm tháng Mười, năm Bính Thân
                                                                                  XUÂN BẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét