Trang

Thứ Tư, 27 tháng 8, 2014

119.Về cuón sách Một thời Rừng Sác

`Tham luận đọc tại Hội thảo tác phẩm Một thời Rừng Sác
                    của nhà văn quân đội Lê Bá Ước.
                                          ( nhà thơ Xuân Bảo)
1.Vài dòng dẫn nhập.
Thưa các vị,
Để đến bây giờ Hội VH-NT Đồng Nai mới tổ chức Hội thảo về tác phẩm Một thời Rừng Sác của nhà văn quân đội Lê Bá Ước,hội viên của Hội.Tôi cho rằng như thế là quá chậm.Hơn 10 năm từ khi tác phẩm này xuất hiện.Nhưng dù sao “chậm còn hơn không”!
Một thời Rừng Sác,tác phẩm được tặng thưởng Giải B Văn học Trịnh Hoài Đức năm 2000, đến nay đã được tái bản đến lần thứ 5.Tính đến mốc thời gian tái bản thì vừa tròn 13 năm.Bản tái bản lấn thứ 5 này in trọn bộ 2 tập.(Không phải của Nhà Xuất bản Đồng Nai).Tập 1 dày 370 trang,tập 2 dày 264 trang.Số lượng ấn bàn là 2000 bản mỗi tập,do Nhà Xuất bản Văn hóa-Văn nghệ Nhà Xuất bản của Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh in ấn và phát hành vào quý IV năm 2012.
Tiếp đến, đầu năm 2013, Nhà Xuất bản này lại cho ra đời cuốn Rừng Sác Cần Giờ - những chiến công huyền thoại.Sách dày 300 trang,khổ 13,5 x 20,5cm.Số ấn bản là 2500 cuốn Tác giả cuốn sách là Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Hồ Chí Minh vá đại tá Lê Bá Ước. Sách in lại 5 truyện của Lê Bá Ước.Lần xuất bản này sách do Nhà nước đặt hàng.Tác giả không phải bỏ tiền túi ra mà còn đuọc nhận nhuận bút sách như luật xuất bản quy định.
Ngày 26 tháng 7 năm 2012,Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đại tá Lê Bá Uóc, nguyên Trung đoàn trưởng,Chính ủy Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.Ngày 5 tháng 10 năm 2012, Tỉnh ủy Đồng Nai long trọng tổ chức Lễ trao danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân cho đồng chí.
Từ sự kiện này,đồng chí Lê Hoàng Quân,Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch UBND thành phố HCM - một người con của Biên Hòa Đồng Nai – trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản 3 cuốn sách nói về Rừng Sác anh hùng.Trước đó đồng chí Lê Hoàng Quân đã từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Mục đích là qua tác phẩm Một thời Rừng Sác nhằm giáo dục lớp thanh niên mới được sinh ra và trưởng thành sau ngày Miền Nam hoàn toàn được giải phóng, hiểu rõ sự hy sinh to lớn của những người đi trước trong sự nghiệp chiến đấu giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc. Qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước cho mọi người.Xin cảm ơn đồng chí Lê Hoàng Quân, người con của xứ Đồng Nai  - nơi được mệnh danh là vùng địa linh nhân kiệt; nơi lưu dấu của Gia Định tam gia và Bình Dương thi xã. Đồng chí đã cảm nhận được những tình cảm thiêng liêng của những anh hùng hữu danh và vô danh của những chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã anh dũng ngả xuống trên mảnh đất bốn bề sông nước của Cần Giờ,của Sài Gòn Gia Định,của Nông Nại Đại phố kiêu hùng!


2.Phần tham luận
Thưa các vị.
Đại tá Lê Bá Ước, quê chính làng Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy,tỉnh Quảng Bính – là hậu duệ bốn đời của quan đại thần Lê Văn Nguyên – Cụ Lê Văn Nguyên văn võ kiêm toàn. Với công lao khi trấn nhậm  đất Ninh Bình,lúc tạ thế được nhân dân ở đây tôn thờ Cụ là Thành hoàng.Cụ đã để lại cho hậu thế tập Hồng Hiên Thi tập.Thi tập có hơn 150 bài thơ… Việc sưu tập và biên soạn, dịch từ tiếng Hán ra Quốc ngữ là do hai vị: nhà thơ Hoài Anh (đã quá cố) dịch thơ và nhà văn Lê Bá Ước chỉnh lý và giới thiệu.
Trong đoàn người “đi mở đất phương nam” có cụ nội và cụ Lê Văn Sô, thân sinh của đại tá đã dừng chân lập nghiệp tại xứ Gò Quao, Rạch Giá, miền đất Kiên Giang, phên dậu của Đại Việt. Xứ sở này đã sản sinh ra nhóm thơ Chiêu Anh Các, nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam ở dải đất tận cùng phía tây nam Tổ quốc ta.Chính nơi đây, thành phố Rạch Giá bây giờ, đại tá Lê Bá Ước đã cất tiếng khóc chào đời.Ông sinh ngày 12 tháng 4 năm 1931 (Tân Mùi).Khi một năm trước đó, ngày 3 tháng 2 năm 1930, ngọn cờ đỏ búa liềm đã tung bay khắp đồng bằng Thủy Chân Lạp, tức Nam Bộ ngày nay.
15 năm sau khi Đảng Cộng sản ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ được thành lập, cũng là lúc cậu thiếu niên Lê Bá Ước tròn 14 tuổi.Nghe theo “Tiếng kêu sơn hà nguy biến”,Lê Bá Ước lên đàng theo Việt Minh.9 năm sau,khi tròn 23 tuổi, trung đội trưởng Lê Bá Ước được đứng vào hàng ngũ của những người cộng sản.Cuộc đời binh nghiệp chinh chiến của đại tá Lê Bá Ước dài theo hai cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của dân tộc Việt Nam, hết đánh Pháp lại đuồi Mỹ.Đúng trọn 30 năm trời chẵn.
Lê Bá Ước tiếp nhận dòng máu văn chương từ dòng sông Kiến Giang, Quảng Bình, từ Cụ cố Lê Văn Nguyên.Khi bước chân của cậu út Bảy Ước đã đặt lên bưng biền U Minh Thượng thì ở Sài Gòn, người anh thứ năm Lê VănTuyến,bút danh Anh Tuyến đã trở thành một nhà thơ có tiếng trên thi đàn.Nhà thơ Anh Tuyến đã xuất bản những vở kịch thơ dài như Thâm Cung, Đời Chiến sĩ,Nắng ấm.Tiếng còi sương,Thiếu một mùa xuân,Hoa đồng cỏ nội và 2 tập thơ Loạn gió và Tổ ấm. Đặc biệt tập Tổ ấm được nhà văn Bình Nguyên Lộc đề tựa,xuất bản năm 1960.Cụ Lê Văn Sô,thân sinh đại tá là một nhà nho yêu nước và cũng đã có một số bài thơ chữ Hán, bị thất truyền.
 Sau khi từ giã vũ khí,đại tá bước vào nghiệp văn chương.Thường ở đời,ở hiền thì gặp lành.Nếu không có nhà văn Nguyễn Đức Thọ, một người lính của Cụ Hồ, một đồng đội của đại tá Lê Bá Ước, nguyên Phó chủ tịch Hội VH-NT Đồng Nai (đã về bên kia thế giới) thì không có nhà văn Lê Bá Ước hôm nay.Nguyễn Đức Thọ là người đã phát hiện ra năng khiếu văn chương của đại tá,là người đã động viên,cổ vũ đại tá đi vào con đường sáng tác ,đến với nền văn học Việt Nam.Dù rằng ban đầu những trang viết của đại tá chỉ nhằm ghi lại có tính chất hồi ký, những năm tháng hào hùng của dân tộc mà mình là nhân chứng một thời.Ông được kết nạp vào Hội VH-NT Đồng Nai, để rồi từ đó qua những đợt đi thực tế, những ngày dự Trại viết văn,ông đã không ngừng tôi luyện ngòi bút và cho ra mắt bạn đọc những cuốn sách có giá trị, cả văn xuôi và thơ.Đó là những cuốn.Văn: Một thời Rừng Sác. Rừng Sác Cần Giờ-những chiến công huyền thoại (In chung).Thơ: Trái tim người lính. Biên khảo và giới thiệu: Hồng Hiên Thi Tập. Công trình này có sự góp sức to lớn của cố nhà thơ Hoài Anh.
 Từ cuốn Một thời Rừng Sác đã hình thành vở cải lương Dòng sông đỏ chuyển thể của tác gia Ngô Hồng Khanh,người đã từng là đại biểu Quốc hội; hình thành kịch bản phim tài liệu Còn lại với thời gian.Kịch bản của nhà văn Tô Hoàng do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh công chiếu.Bộ phim truyền hình Dòng sông thao thức (đã chiếu trên Đài Truyền hình),kịch bản của tiến sĩ Huỳnh Văn Tới viết về trận đánh kho xăng Nhà Bè (dựa trên truyện Bốc cháy kho xăng Nhà Bè của Lê Bá Ước).Phim Bông hoa Rừng Sác, kịch bản Hoàng Tích Chỉ và tác giả.Bộ phim nhựa Những ngừơi bất tử (dựa theo hồi ký Một thời Rừng Sác - Lê Bá Ước) của nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân và đạo diễn NSUT Lê Đức Tiến - Hãng phim Giải phóng, năm 2003,(chưa khởi quay). Tôi có nghe phong thanh thông tin:kinh phí cho công trình làm phim này lên tới 17 tỷ đồng.Bởi những trường đoạn của phim sẽ có hình ảnh lán trại của Trung ương Cục,có Quân cảng ngụy,có Kho bom Thành Tuy Hạ, Kho xăng Nhà Bè,có xe tăng,tàu chiến,máy bay và súng lớn súng nhỏ, có người đóng  vai quan, vai tướng và vô số lính của hai bên…Số tiền tuy lớn nhưng sẽ để lại cho con cháu bản Anh hùng ca Những người bất tử bằng hình ảnh này là vô giá.Tôi nghĩ Bộ Quốc phòng mà chủ yếu là Tổng cục Chính trị và Phòng Văn nghệ Quân đội có trách nhiệm trong việc này.Câu hỏi đặt ra là những xưởng phim quốc doanh,tiền làm phim lấy từ ngân sách nhà nước đã làm được những thước phim nào khắc họa được thời kỳ oanh liệt nhất của dân tộc ta qua 30 năm chống quân cướp nước để có ngày 30 tháng Tư toàn thắng? Trong khi có những bộ phim “mì ăn liền” khán giả ra khỏi rạp thì quên mất tên phim!?
Một thời Rừng Sác sẽ là vỉa quặng lớn về đề tài chiến tranh.Từ vỉa quặng này,những người cầm bút chúng ta sẽ tha hồ khai thác để cho ra đời nhiều thể loại văn học, nghệ thuật khác nhau.Tiến sĩ Huỳnh Văn Tới viết trong Lời mở cho lần xuất bản tập 2 Một thời Rừng Sác, có đoạn…”Ngay từ khi phát hành, tập sách đã đi vào lòng người bởi nó thể hiện chân thực cuộc sống kháng chiến của quân dân Rừng Sác “gian lao mà anh dũng”.Qua nhiều lần tái bản,nhiều phim tư liệu,phim truyện, vở diẽn sân khấu có nguồn gốc kịch bản từ đây, tưởng như Một thời Rừng Sác đã trở thành một tượng đài chỉ có thể tôn vinh chứ khó tiếp nối!”…


 Một thời Rừng Sác
Một ông quan võ trở thành nhà văn! Đáng quý biết nhường bao!Xin trân trọng chúc mừng anh Bảy Rừng Sác đã vào cùng chúng tôi trong ngôi đền văn chương, ngôi nhà chung của Văn học,nghệ thuật Đồng Nai và mong Anh sống lâu để tiếp tục cho ra đời những tác phẩm văn chương xứng tầm thời đại!
Tôi  trích câu đề từ của nhà văn Lê Bá Ước (ở phần gấp bìa 3) của cả hai cuốn Một thời Rừng Sác mới được tái bản gần đây:
                      “Nhà Bè nước chảy chia hai
   Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”
(Ca dao)
“Đứng ở chỗ dòng nước chia hai đó,nơi gặp nhau của bốn con sông Nhà Bè, Lòng Tàu,Soài Rạp,Sài Gòn, nhìn lên hướng đông bắc là xứ “cọp Biên Hòa”, nhìn xuống phía đông nam là xứ  “ma Rừng Sác”. (Trang 11 tập 1 Một thời Rừng Sác).
Đây sẽ là địa danh mãi mãi ghi dấu những chiến công của Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác, là bản Anh hùng ca bất tử của Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc!
Lần xuất bản đầu tiên (2003), trong Lời bạt của tiến sĩ Huỳnh Văn Tới,(lúc bấy giờ ông là Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin và bây giờ ông hiện giữ chức vụ Trường ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai) có đoạn viết:”Một thời Rừng Sác có thể được xem là “Sử”, là “Truyện” đồng thời cũng là “Thơ”. Bởi vì ở đây thể hiện cuộc sống phi thường trong sinh hoạt bình thường, có những chiến công đậm chất anh hùng ca, những mẩu chuyện ly kỳ và những cung bậc tình cảm rất giàu chất thơ…”
Đúng vậy, nhà văn Lê Bá Ước đã truyền cho người đọc cảm nhận được một phần của trang sử hào hùng của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc.Trong bộ sử Tổng kết chiến tranh, chiến công của Đoàn 10 Đăc công Rừng Sác đã được in đậm dấu son.Những mẩu chuyện trong tập sách dù chưa thành Truyện nhưng đó sẽ là khối tư liệu cho những Truyện ngắn, Truyện ký, thậm chí có thể phát triển thành Tiểu thuyết hay Tiểu thuyết bộ ba hoặc Tiểu thuyế lịch sử (Roman historique). Bất giác tôi nghĩ tới Chiến tranh và Hòa bình của Lép-Tônstôi,nghĩ tới Sông Đông êm đềm của Sô-lô-khốp (Nga), nghĩ tới Rừng thẳm tuyết dày của Ngụy Nguy(Trung quốc) và nghĩ tới Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, nghĩ tới Người người lớp lớp của Trần Dần,nghĩ tới Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ…
Và tôi đau đáu nghĩ rằng đến nay hai cuộc truòng kỳ kháng chiến của nhân dân ta,  kể từ Tiếng súng Nam Bộ kháng chiến 23-91945 đến Ngày Toàn thắng 30-4-1975 đã lùi lại một khoảng thời gian khà dài, gần 40 năm trọn.Thời gian đủ để nhìn lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Việt Nam.Thế nhưng, những nhà văn Việt Nam đã viết được những gì để khắc họa lại chặng đường lịch sử chống xâm lăng vô cùng khốc liệt và oanh liệt đó của dân tộc???
Sao không từ đốm lửa nhỏ Một thời Rừng Sác để chúng ta sẽ có những Trường Sơn dậy lửa,Biển Đông nổi sóng ? (Đây là ý tưởng của riêng tôi khi muốn những nhà văn chúng ta sẽ có những tác phẩm lớn viết về chiến tranh).Thật là có tội với lịch sử, với tiền nhân và hậu thế nếu những người cầm bút chúng ta không tái hiện được lịch sử của hai cuộc chiến tranh giành lại độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc Việt Nam yêu dấu?!
Và Thơ. Có gì lãng mạn hơn khi có những mối tình sinh ra trong lửa đạn khốc liệt mà vẫn dung dị, sắt son chung thủy.Nhà thơ Lê Bá Ước đã trải lỏng mình với những tiếc thương vô hạn với người vợ, người đồng đội,đồng chí của mình.Ông viết trong bài thơ Mờ ảo với Lời đề tặng:Tặng liệt sĩ quân y Nguyễn Thị Kim Miến,vợ tôi.Hy sinh nơi Rừng Sác:
                   …Ngồi yên trên cát lòng cô quạnh
                   Tưởng nhớ người đi lúc chiến tranh
                   Rừng Sác mênh mông loang máu đỏ
                   Biển Đông còn lại khoảng trời xanh.
                                                          Rừng Sác-2003
                                                ***
Cuốn sách không nằm trong một thể loại văn chương nào.Cũng không phải của những nhà văn chuyên nghiệp, có tay nghề.Tác giả tự nhận mình là cây bút trẻ, mặc dầu gần cái tuổi thất thập cổ lai hy, Lê Bá Ước mới bắt đầu những bước đi vào làng văn.Ở đây cuốn sách không có những thủ pháp nghệ thuật theo sự đón nhận thông thường trong văn học.
Bao trùm lên tất cả các trang viết của Lê Bá Ước là sự thật.Một sự thật đơn giản, chân chất, mộc mạc. Một sự thật đau xé lòng người đọc bởi sự thật trần trụi của những hy sinh mất mát của những con người bằng xương, bằng thịt như bao con người khác trên trái đất này.Nhưng lòng dũng cảm thì chỉ có ở nơi này-những anh lính “Bộ đội Cụ Hồ”- ngày đêm đằm mình trong nước, lạnh thấu xương để chờ tàu giặc - những chiếc tàu Mỹ chở đầy chết chóc - đến để tiêu diệt.

Hãy nghe một đoạn Lê Bá Ước kể về những con cá sấu Rừng Sác: “Chiến sĩ Nguyễn Đức Chương*bị một con cá sấu lao tới nhe hai hàm răng nhọn hoắt quặp vào bên vai phải dìm xuống sâu.Với phản xạ tự nhiên anh dùng tay trái còn lại sờ soạng với hất tầm tay gặp phải mắt của nó,anh móc mạnh vào.Có lẽ sấu bị nhột nên nhả con mồi ra.Chương trồi lên mặt nước thở hơi dài lập tức lại bị nó lao đến lần hai,gắp vào vai trái lôi đi.Anh hết sức bình tĩnh nhớ đến con dao găm,một kỷ vật của ông bố ở Nam Định trao cho khi bắt đầu vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu.Rut dao ra khỏi vò,anh dùng hết sức mạnh còn lại của bàn tay phải đâm một nhát vào mắt nó vọt máu tươi.Sấu đành nhả con mồi lặn mất.Anh cố sức bơi vào bờ,trườn lên bãi, nằm bất tỉnh.Ngay trong đêm khi ngớt tiếng súng,đồng đội tìm được anh,dùng chiếc xuồng chèo với thêm ba dầm hỏa tốc lướt nhanh về bệnh xá trung đoàn ở sông Thị Vải.Mãi bốn tháng sau Chương mới ra viện với nhiều vết sẹo do răng sấu kéo dài trên thân thể...”
*Tên đúng là Hoàng Dương Chương.
                                                          ***

Chuyện  nào trong Một thời Rừng Sác cũng có chuyện kể lại được.Nhân vật,các chi tiết (không hề chủ ý),tác giả kể lại là người thật,việc thật,những tình huống gay cấn như câu chuyện Cá sấu tôi vừa trích dẫn trên.Đấy là chất liệu chủ yếu của thể loại Truyện. Những tình cảm cá nhân tác giả được lồng vào trong các các câu chuyện hết sức tươi tắn, xúc động kèm với những nhận xét sắc bén. Chính đó là chất liệu của thể loại Ký.Và tình cá nước quân dân, tình đồng đội, đồng chí cả đến tình yêu lứa đôi đều được tác giả viết lên đầy sức cuốn hút và lãng mạn. Nhưng phải kể đến cảnh sắc trời biển mênh mông của Tổ quốc.Thiên nhiên nơi Rừng Sác thật kỳ vĩ vốn dĩ là một bức tranh mỹ lệ thấm đẫm chất thơ.Đó là Thơ.Còn hội họa thì sao.Chúng ta rất biết ơn các họa sĩ, hội viên của Hội ta;Đặng Sỹ Nguyên,Thanh Thanh… đã có những tượng đài và cụm tượng đài thể hiện chiến công Rừng Sác hiện đặt trang trọng trong khuôn viên Đền thờ Liệt sĩ Nhơn Trạch,Đền Tưởng niệm Đoàn 10 Dặc công Rừng Sác.
<Đây là búc ảnh chụp Vợ chồng nhà văn,đại tá Anh húng Lê Bá Ước với nhà thơ Xuân Bảo,Bức tranh gốm chân dung Lê Bá Ước là của nhà điêu khắc,họa sĩ Đào Tấn Hưng trong bữa tiệc vui của bạn bè, người thân tổ chức tại nhà riêng đại tá >
Ở đây chúng ta thấy tác giả không có ý xây dựng nhân vật điển hình, không có xung đột nội tâm.Một thời Rừng Sác thật đến nỗi như “nhớ gì ghi nấy” hoặc “nghĩ sao ghi vậy”.
Trong cuốn sách này còn có một kho tư liệu ảnh rất quý giá.Đó là 26 bức ảnh đen trắng in ở tập 1.Tác giả là ông Văn Sáu, cán bộ Tuyên huấn Miền đã 3 lần đi cùng bộ đội Đặc công Rùng Sác ra trận và tác giả thứ hai chính là Anh Bảy Rừng Sác.
Một thời Rừng Sác là cuốn sách quý.Những điều viết ra ở đây là một sự thật như huyền thoại.Huyền thoại cho muôn đời!
(Vì thời gian eo hẹp nên tôi không thể trích dẫn nhiều hơn mà chỉ lấy ví dụ tiêu biểu.)
Tôi xin trích một đoạn Lời bình của nhà văn Tô Hoàng viết ở bìa 4 cuốn sách Rừng Sác Cần Giờ - những chiến công huyền thoại để kết thúc bản tham luận này:
 “Củ Chi,Rừng Sác- từng tháng này qua năm khác là hai lưỡi dao bén nhọn xọc vào hai bên sườn trung tâm đầu não Mỹ và ngụy quyền tại Sài Gòn khiến chúng mất ăn mất ngủ, hao tâm tốn sức.Biết bao tấn bom đạn,biết bao cuộc lùng sục,càn quét cấp trung đoàn,sư đoàn trở lên có phi pháo,giang thuyền,thiết xa vận,trực thăng vận yểm trợ nhưng kẻ địch không cách gì đẩy lùi,xóa sạch được hai mũi nhọn tiến công này.Ngạc nhiên chưa, cả Củ Chi lẫn Rừng Sác nằm chỉ cách trung tâm Sài Gòn hơn tiếng đồng hồ phóng xe máy trong một cuộc picnic của bạn trẻ hôm nay”.
Tôi bình thêm:
 Nếu không có tác phẩm Một thời Rừng Sác thì sẽ có rất ít người Việt Nam chúng ta và bạn bè bốn biển năm châu biết về cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ 20 đầy biến cố lịch sử này.Một thời Rừng Sác không chỉ là niềm tự hào của xứ sở Đồng Nai,Sài Gòn Gia Định mà là niềm tự hào chung cho cả nước Việt Nam!
Xin thành kính dâng lên hương hồn của những anh hùng liệt sĩ Rừng Sác. Trong đó có 621 liệt sĩ Đoàn 10 có đầy đủ tên, năm sinh, ngày hy sinh, quê quán,(ghi ở tập 1).Tác giả Lê Bá Ước có đề cập đến con số 800 là vì có 200 liệt sĩ là con em 10 xã địa bàn trực thuộc Đoàn Rừng Sác lúc đó (m 1965-1968) và gần 2000 liệt sĩ đã ngả xuống trên chiến truòng này, bài thơ:
                             Đền tưởng niệm Rừng Sác

                   Con đường vươn mình ra phía biển
                   Mùa xuân nao nức tiễn người đi
                   Thương về Rừng Sác thời chinh chiến
                   Đoàn Mười * hỏi có mấy ai về?

                   Một nét tươi son Đền Tưởng niệm
                   Anh hùng sống mãi với non sông
                   Nhơn Trạch rộng thêm nhà máy mới
                   Ta đi vời vợi nắng nghìn trùng

*Đoàn 10,bí số phiên hiệu của Đoàn 10, nay là Trung đoàn Bộ binh 10 thuộc Bộ Tư lệnh thành phó Hồ Chí Minh đóng ở huyện Nhà Bè tp.Hồ Chí Minh.
                                                Biên Hòa, ngày Cách mạng Tháng Tám thành  công
19 – 8 - 2014.
                                                                 Nhà thơ Xuân Bảo.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét