Trang

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

205. Đô đốc nữ tướng Bùi Thị Xuân.

205."Dân ta phải biết sử ta".
Bài số 8.Đô đốc nữ tướng Bùi Thị Xuân

Sinh:1771. Mất:1802. Nguyên nhân mất: Gia Long xử tử
Quê quán thôn Xuân Hòa (nay thuộc thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định).. Con cái      TrầnThị Cúc (Bích Xuân).
Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư gồm Bùi Thị Xuân • Bùi Thị Nhạn • Trần Thị Lan • Nguyễn Thị Dung • Huỳnh Thị Cúc, là vợ Thái phó Trần Quang Diệu và là một Đô đốc của vương triều Tây Sơn trong lịch sử .
Bà là con gái của Bùi Đắc Chí. Sinh trưởng trong một gia đình khá giả, Bùi Thị Xuân sớm được học văn và học võ. Tương truyền, nàng là người có nhan sắc, khéo tay và viết chữ đẹp. Đến khi theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh, bà cũng nhanh chóng thành thạo, nhất là môn song kiếm. Nhờ vậy sau này, người con gái này đã dùng kiếm để giải nguy cho Trần Quang Diệu khi vị tráng sĩ này bị một con hổ dữ tấn công. Và cũng từ lần gặp này mà hai người trở thành vợ chồng khi ông Diệu đến ở nhà người con gái Xuân Hòa để trị thương, rồi cùng nhau về tòng quân dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.
Với tài nghệ (ngoài tài kiếm thuật, bà còn giỏi bắn cung, cưỡi ngựa và luyện voi) cộng với lòng dũng cảm, Bùi Thị Xuân cùng chồng nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn ngay từ buổi đầu.
Theo tài liệu, trong trận đại phá quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) chỉ huy.Trong những năm tiếp theo, bà cùng chồng cầm quân đi đánh dẹp các phe chống đối vương triều mới (nhà Tây Sơn), trong số đó có lực lượng của hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Chỉ cấu kết với Tù trưởng Bảo Lạc (Hà Tuyên)...
Giữa lúc nhà Tây Sơn đang từng bước ổn định tình hình trong nước, ngày 29 tháng 7 năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Kể từ đấy vương triều này bắt đầu suy yếu do vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) còn nhỏ, lại bị người cậu ruột là Thái sư Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền. Thời gian này, Bùi Thị Xuân được cử vào trấn thủ Quảng Nam, còn chồng bà (Trần Quang Diệu) thì được cử vào Diên Khánh chống ngăn quân Nguyễn. Đến khi nghe tin cha con Bùi Đắc Tuyên bị tướng Võ Văn Dũng bắt giết, Trần Quang Diệu cả sợ, phải kéo quân về kinh đô đóng ở bờ Nam sông An Cựu, thì bà cũng nhận được lệnh hồi triều.
Nghe mật thám báo tin nội bộ nhà Tây Sơn đang lục đục, chúa Nguyễn Phúc Ánh liền tổ chức ngay những cuộc tấn công. Nhưng quân Nguyễn vừa tiến vào thành Quảng Nam, thì bị đánh một trận tơi bời. Tức tối vì thua mưu trí đàn bà, chúa Nguyễn thề sẽ sớm rửa mối nhục[4]. Thấy Chúa Nguyễn rút lui hết, đến lúc ấy, Bùi Thị Xuân mới kéo quân về Phú Xuân để cùng chồng dàn xếp việc triều chính...
***
Mùa xuân năm 1802, vua Cảnh Thịnh sai em là Nguyễn Quang Thùy vào trấn giữ Nghệ An, còn tự mình cầm quân đi đánh chiếm lại Phú Xuân. Trong chiến dịch này, Bùi Thị Xuân được lệnh đem 5.000 quân đi hộ giá.
Thấy thế trận ngày càng bất lợi, Bùi Thị Xuân cưỡi voi liều chết đánh riết vào lũy Trấn Ninh, nơi Nguyễn Phúc Ánh đang cố thủ, từ sáng đến chiều, máu và mồ hôi ướt đẫm áo giáp. Rồi bà còn giành lấy dùi tự tay thúc trống liên hồi. Lúc bấy giờ chúa Nguyễn cùng tướng tá đã hốt hoảng vội chia quân vượt sông Linh Giang đánh bọc hậu hòng mở đường máu thoát thân. Nào ngờ vua Cảnh Thịnh thấy quân Nguyễn tràn qua nhiều, tưởng nguy khốn liền cho lui binh. Bùi Thị Xuân bèn nắm áo ngự bào của nhà vua để khuyên cố đánh. Nhưng khi nghe tin tướng Nguyễn Văn Trương phá tan thủy binh Tây Sơn ở cửa biển Nhật Lệ (Quảng Bình), cướp được hầu hết tàu thuyền và tướng giữ cửa Nguyễn Văn Kiên cũng đã đầu hàng; thì đội quân của bà hốt hoảng bỏ cả vũ khí, đạn dược để tháo chạy...

Đây có thể nói là trận chiến đấu oanh liệt cuối cùng của bà để hòng cứu vãn tình thế. Nhưng ngờ đâu nhà Tây sơn, sau trận này thêm trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa.
Được tin đại quân Tây Sơn thua to ở Trấn Ninh, Tư đồ Vũ Văn Dũng và chồng Bùi Thị Xuân là Thái phó Trần Quang Diệu, dù biết không thể giữ được Quy Nhơn, nhưng vẫn gắng gượng đến tháng 3 cùng năm trên mới rời bỏ thành, đem binh tượng đi đường thượng đạo qua Ai Lao ra Nghệ An, ý là để hội quân với vua Cảnh Thịnh cùng lo chống giữ.
Sử gia C.B.Mabon kể: Trần Quang Diệu cùng vợ và con gái, dẫn theo một số tàn quân chạy ra Bắc bằng đường thượng đạo Ai Lao. Đến châu Quy Hợp, Diệu xuống Hương Sơn thì biết tin Nghệ An đã mất. Quân sĩ của Diệu bỏ cả rồi, mấy hôm sau vợ chồng Quang Diệu đều bị bắt cả...Vua Cảnh Thịnh cùng hai em và vài tướng tá vượt qua sông Nhị Hà, tính trốn lên vùng Thượng du cũng bị dân chúng bắt và đóng cũi nộp cho quân Nguyễn.
 Một giáo sĩ phương Tây tên là De La Bissachère (người có dịp chứng kiến buổi hành hình) được viết năm 1807, mô tả lại cái chết của mẹ con bà Bùi Thị Xuân, sử gia Phạm Văn Sơn đã có lời giới thiệu như sau: -Mẹ con bà Bùi Thị Xuân, người ta (ý nói đến vua Gia Long) cũng rất căm thù, nên cũng dùng hình phạt dã man nhất. Nguyên nhân là bà đã điều khiển binh sĩ đánh vào lũy Trấn Ninh hết sức kịch liệt, đã làm cho chúa Nguyễn và các tướng sĩ có phút phải thất thần, tưởng chừng nguy khốn đến nơi.
    “Đứa con gái trẻ của bà (Bùi Thị Xuân). Một thớt voi từ từ tiến đến. Cô gái biến sắc rồi mặt trắng bệch như tờ giấy. Nàng ngoảnh nhìn mẹ, kêu thất thanh. Bà Xuân nghiêm mặt trách: Con phải chết anh dũng để xứng đáng là con của ta!...Đến lượt bà, nhờ lớp vải ở bên trong quấn kín thân thể, nên tránh khỏi sự lõa lồ. Và bà rất bình thản bước lại trước đầu voi hét một tiếng thật lớn khiến voi giật mình lùi lại. Bọn lính phải vội vàng bắn hỏa pháo, đâm cây nhọn sau mông con vật để nó trở nên hung tợn, chạy bổ tới, giơ vòi quấn lấy bà tung lên trời...Nhưng trái với lệ thường, nó không chà đạp phạm nhân như mọi bận mà bỏ chạy vòng quanh pháp trường, rống to lên những tiếng đầy sợ hãi khiến hàng vạn người xem hoảng hốt theo” (Theo De La Bissachẻre).

Công luận bình phẩm, hầu hết đều khen ngợi oai danh và tiết tháo của Bùi Thị Xuân. Theo sử liệu, sở dĩ được vậy là vì trong cuộc đời bà có mấy sự việc đáng chú ý sau:
1.Có tấm lòng thương dân. Gặp năm mất mùa, nhiều phủ huyện ở trấn Quảng Nam sinh loạn, quan quân địa phương không kiềm chế nổi. Triều thần lập tức tiến cử Bùi Thị Xuân ra nơi đó làm Trấn thủ. Đến nơi, bà tự mình đi thị sát khắp các hạt, rồi cho mở kho phát chẩn. Thấy viên quan nào chiếm công vi tư, ăn của hội lộ...bà đều thẳng tay cách chức, chọn người tài đức lên thay. Ngoài ra, bà còn ra lệnh bãi bỏ các cuộc truy lùng những nhóm người nổi dậy, và mạnh dạn ra tuyên cáo rằng: Ai vác cày bừa, nông cụ thì được coi là dân lành...Vì thế nạn trộm cướp và chống đối ở Quảng Nam (nhất là ở huyện Quế Sơn) nhanh chóng chấm dứt, dân chúng lại được yên ổn làm ăn. 2. Không vì tình riêng. Thái sư Bùi Đắc Tuyên, người làng Xuân Hòa (huyện Tuy Viễn), là cậu của vua Cảnh Thịnh, và là chú của Đô đốc Bùi Thị Xuân. Năm 1795, vì ông bị Võ Văn Dũng giết chết vì tội chuyên quyền. Bấy giờ, có nhiều người nghi ngại Bùi Thị Xuân, vì bà là cháu ruột của Đắc Tuyên. Nhưng khác với những gì xầm xì, bà đã không hề thù oán người giết chú ruột mình, cũng như lợi dụng sự rối ren đó mà đi theo đối phương hay tìm nơi cát cứ.3.Nỗ lực đến giây phút cuối cùng.
Đề cập đến tinh thần quyết chiến thắng của Bùi Thị Xuân trong trận Trấn Ninh (1802), trong bài thơ dài Bùi phu nhân ca của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) có đoạn:

Xuân hàn lãnh khí như tiễn đao
Xuân phong xuy huyết nhiễm chinh bào
Hoàng hôn thành dốc bi già động
Hữu nhân diện tỷ phù dung kiều
Phu cổ trợ chiến Lương Hồng Ngọc
Mộc Lan tòng quân Hoàng Hà Khúc
Thùy ngôn cân quắc bất như nhân?
Dĩ cổ phương kim tam đinh túc.

Nghĩa là:

Khí xuân lạnh như khí lạnh nơi lưỡi dao bén thoát ra.
Gió xuân thổi máu bay đẫm tấm chinh bào
Nơi góc thành tiếng tù và lay động bóng hoàng hôn
Có người dung nhan kiều diễm như đóa hoa phù dung
Thật chẳng khác Lương Hồng Ngọc đánh trống trợ chiến cho ba quân.
Và nàng Mộc Lan xông trận nơi sông Hoàng Hà
Ai bảo khăn yếm không bằng người ?
Từ xưa đến nay vững vàng thế ba chân vạc.
4.Bại trận vẫn hiên ngang. Ngoài thái độ hiên ngang khi bị hành hình, người ta còn truyền rằng khi nghe Bùi Thị Xuân bị bắt, chúa Nguyễn bèn sai người áp giải đến trước mặt rồi hỏi với giọng đắc chí:
-Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?
Bà trả lời:
-Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tàu làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì Tiên đế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Đức, tôi nhà ngươi. Còn ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên đế ta đừng thừa long quá sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.
Chúa Nguyễn gằn giọng:
-Người có tài sao không giữ nổi ngai vàng cho Cảnh Thịnh?
Bà đáp:
-Nếu có một nữ tướng như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không để lạnh. Nhà ngươi khó mà đặt chân được tới đất Bắc Hà.

Sử gia Phạm Văn Sơn viết: Người ta cảm phục Bùi Thị Xuân chẳng riêng chỗ bà có nhan sắc hơn người, mà còn ở chỗ có gan dạ và trí lược của một đại tướng. Người ấy đã có công gây dựng một phần sự nghiệp của chồng và của ba anh em vua Tây Sơn, đã bao phen xuất nhập chiến trường, vào sinh ra tử.
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần, viết: Trong khởi nghĩa Tây Sơn nói riêng và trong lịch sử quân sự Việt Nam nói chung, Bùi Thị Xuân là một hiện tượng rất đặc biệt. Cùng với chồng và hàng vạn các nghĩa sĩ Tây Sơn, bà đã đi suốt cả một cuộc trường chinh ba chục năm trời, anh dũng chống cả thù trong lẫn giặc ngoài, một lòng một dạ vì sự nghiệp cứu dân cứu nước. Từ một phụ nữ bình thường, Bùi Thị Xuân đã trở thành một danh tướng được đời đời kính trọng.

Cảm phục bà, một người không rõ tên, đã làm bài thơ sau:

Vận nước đang xoay chuyển
Quần thoa cũng vẫy vùng
Liều thân lo cứu chúa
Công trận quyết thay chồng.
Khảng khái khi lâm nạn!
Kiên trinh lúc khốn cùng
Ngàn thu gương nữ liệt
Gương sáng hãy soi chung
                         Bên bờ Phước Long Giang, ngày 22/8/2017

                                            Nhà thơ Xuân Bảo sưu tầm

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

204.Về nhà văn Đặng Thanh, tác giả X30 phá lưới,

                     204.Nhân ngày Công an Nhân dân 19/8/1945 – 19/8/2017.
MỘT KỶ NIỆM VỚI NGƯỜI THÀNH LẬP CÔNG AN TRUNG BỘ - NHÀ VĂN ĐẶNG THANH, TÁC GIẢ X30 PHÁ LƯỚI VÀ 12 CUỐN SÁCH CỦA ÔNG VIẾT VỀ NGÀNH.
Cách đây đúng 22 năm, tháng 8 năm 1995 tôi bị mổ dạ dày, cùng nằm điều trị chung phòng với nhà văn Đặng Thanh tại bệnh viện Thống Nhất (Sài Gòn).  Tôi đã viết bài này, nguyên gốc tôi đặt nhan đề là : NHÀ VĂN ĐẶNG THANH –NGƯỜI VIẾT CUỐN TIỂU THUYẾT  X 30 PHÁ LƯỚI – BÂY GIỜ ĐANG SỐNG RA SAO đã được đăng trên Tạp chí  Văn hóa – Văn nghệ Công an số ra tháng 3 năm 1996, trang 56 và 57.Sở dĩ tôi cho đăng lại bai này bởi lý do là trong cuốn NHÀ VĂN CÔNG AN – TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM, xuất bản năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nước và 60 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945—19-8-2005), phần Mục lục chỉ ghi có 42 nhà văn công an, từ dịch giả Phạm Văn Ba đến nhà văn Mai Vũ ( theo thứ tự vần chữ cái ABC). Tôi cố tìm tên nhà văn Đặng Thanh, nhưng rất tiếc là không có tên ông. Tại sao? Chỉ có Hội Nhà Văn Việt Nam và Liên hiệp Các Hội VHNT thành phố Hố Chí Minh mới biết rõ? Hôm nay, cũng nhân dịp Kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là Kỷ niệm Ngày Thành lập Công an nhân dân, xin mời bạn đọc xem lại bài viết này để hiểu rõ về nhà văn Đặng Thanh, một nhà văn Công an thực thụ.
 Cách làm này cũng để tỏ tấm lòng ngưỡng mộ của tôi đối với lớp nhà văn đàn anh và cũng là thắp lên nén nhang tưởng nhớ về anh của một người em đồng hương may mà Trời cho sống đến hôm nay.!
                                         ***
I.
Nhà văn Đặng Thanh sinh năm Bính Thìn (1916) tại Huế.  Nhà văn tham gia cách mạng thời kỳ Việt Minh (trước 8 -1945) và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam đúng vào ngày 19-8-1946, một năm sau chế độ dân chủ cộng hòa tròn tuổi thôi nôi. Từ những năm đầu chính quyền cách mạng còn trong trứng nước, nhà văn Đặng Thanh đã là một trong những người phụ trách công tác tình báo, phản gián đầu tiên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế và sau đó là Công an Trung bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Đặng Thanh là người tổ chức và lãnh đạo Ban II Công an Thừa Thiên và Ban Quân ngoại Công an Trung Bộ. Chiến công huy hoàng nhất trong thời kỳ này là ngành Tình báo non trẻ Công an Trung Bộ đã đập tan mọi âm mưu của quân xâm lược Pháp định nống chiếm ra 3 tỉnh vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh (bắc Khu 4 cũ ). Do những chiến tích đó, người chiến sĩ tình báo tài ba Vũ Long (tên thật của nhà văn Đặng Thanh) đã được Bác Hồ  tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng 2 ( tấm Huân chương này bằng vàng thật ) đầu tiên trong cả nước, vì đã “ có công lớn trong việc xây dựng cơ sở ở vùng địch hậu và lập được nhiều chiến công, thu được nhiều tài liệu quan trọng, đoạt được nhiều vũ khí và thu được nhiều kết quả trong công tác địch vận”).Nghị định số 05/NDQP-1949.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà văn phụ trách Phòng Phản gián thuộc Cục Phản gián X (thuộc Bộ Công An, sau này là Bộ Nội Vụ). Khi Nhà nước thành lập Tòa án Nhân dân Tối cao, nhà văn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
     Cho đến năm 1981, lúc này nhà văn đã 66 tuổi, ông được nghỉ hưu lúc đang ở cương vị Phó Chánh án Tòa Phúc thẩmTòa án Nhân dân Tối cao.Ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương, Bằng khen…Đặc biệt ông đã được Đảng tặng thưởng  Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng và Huy chương Bảo vệ An ninh Tổ quốc về thành tích trong ngành công an.
Như vậy, nhà văn Đặng Thanh có thời gian công tác liên tục trong ngành Công an là 13 năm và ngành Tòa án là 36 năm 8 tháng. Ngay khi chuyển sang ngành Tòa án, nhà văn cũng được phân công xét xử những vụ án gián điệp, tình báo, hình sự.
                                        *  *  *
 Cương vị công tác và sự lịch lãm trong cuộc đời cộng với sự hiểu biết sâu sắc về số phận của mỗi con người đã giúp nhà văn sáng tác một loạt truyện tình báo, phản gián đầy hấp dẫn, lý thú nhưng cũng đầy tính nhân văn. Trong tiểu thuyết của Đặng Thanh không có những pha bạo lực gay cấn cũng không có dao găm và buồng ngủ. Phần lớn các nhân vật chính diện đều là nguyên mẫu ngưới thật – những chiến sĩ tình báo tài trí, mưu lược, giản dị và khiêm nhường – những người bạn chiến đấu của tác giả.
   Cho đến nay. Nhà văn Đặng Thanh đã có 12 tác phẩm được in thành sách, phần lớn là tiểu thuyết. Đó là cuốn CẤT VÓ, Nhà xuất bản (NXB) Quân đội Nhân dân ấn hành năm 1967. Trước lúc in thành sách, báo Hà Nội Mới đã đăng tải nhiều kỳ, trọn cuốn. 20 năm sau, năm 1987, NXB Thuận Hóa tái bản với số lượng 30.000 cuốn. Cuốn X 30 PHÁ LƯỚI được tác giả viết trong dịp đất nước mới được hoàn toàn giải phóng (30- 4 -1975). Báo Sài Gòn Giải phóng đã đăng tải trọn cuốn. Sau đó Báo tự đứng ra xuất bản thành sách với số lượng ấn bản kỷ lục : 200 ngàn cuốn đã được tiêu thụ hết trong năm 1976. Năm 1983, Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh tái bản. Cuốn TẤM BẢN ĐỒ THẤT LẠC (2 tập), NXB Măng Non, năm 1983 ấn hành lần đầu 30.000 cuốn và sau đó những năm 1984,1985 tái bản 2 năm liền  Cuốn sách được các cháu thiếu nhi rất yêu thích. Cuốn ĐỌ SỨC, NXB Thuận Hóa in lần thứ nhất năm 1986 với số ấn bản 30.320 cuốn và năm 1988 tái bản  Cuốn LẦN THEO CHUỖI HẠT, NXB Công an Nhân dân in năm 1987 với số ấn bản là  20.300 cuốn. Cuốn NỮ ĐIỆP VIÊN SAO CHĂM-PA, NXB Trẻ in năm 1988 với số ấn bản là 20.000 cuốn. Cuốn ĐI TÌM THẦN CHẾT (Truyện dài), NXB Công an Nhân dân in năm 1989 với số lượng in 5.000 cuốn. Cuốn LÁ THƯ VĨNH BIỆT CỦA JACQUELINE,NXB Thanh niên in năm 1990 (3.000 cuốn ). Trước khi in đã đăng tải trên báo Văn hóa – Nghệ thuật. Cuốn KHI TRÁI TIM CÒN ĐẬP, NXB Thuận Hóa in năm 1991.
                         
       Đặc biệt cuốn SỰ THẬT VỀ X 30 (2 tập) dày khoảng gần 600 trang là cuốn tiểu thuyết tư liệu tình báo do Viện Văn hóa – Nghệ thuật Việt Nam và NXB Văn hóa in năm 1991, có Lời giới thiệu của giáo sư Lê Anh Trà, Viện trưởng. Cuối sách có đăng phụ bản ảnh thật của các nhân vật thật có mặt trong cuốn tiểu thuyết như X 30, Vũ Long, Hồng Nhật. Vân Anh, Phương Loan, Tố Loan. Có cả ảnh của “nữ hoàng vũ trường” Cẩm Nhung, nổi tiếng một thời của Sài Gòn. Phía bên kia có mấy anh em họ Ngô: Ngô Đình Thục, Ngô Đình Luyện, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu và vợ là Trần Lệ Xuân, Ngô Đình Cẩn,tướng Mỹ Lansdale,các tướng Trịnh Minh Thế, Ba Cụt…Có bút tích của nhân vật hiện còn sống ngoài đời  như Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Tri Điền, Chu Đình Xương.

     Năm 1993,NXB Thanh niên in cuốn TRUYỆN TÌNH X 32 và hiện nay NXB Văn nghệ , Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh đang in cuốn tiểu thuyết thứ 12 của nhà văn Đặng Thanh mang tên MỘT CHIẾN CÔNG CHƯA TRỌN VẸN.
Nhà văn Đặng Thanh là hội viên Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh. Từ sau ngày nghỉ hưu, ông mới có nhiều thời gian cho sáng tác. Trừ 2 cuốn sách viết trước năm 1981 còn 10 cuốn sau là viết vào thời gian từ năm nghỉ hưu cho tới năm 1994. Trung bình cứ hơn 1 năm, nhà văn cho ra mắt bạn đọc 1 tác phẩm.
Giáo sư Lê Ngọc Trà đã có nhận xét: “Đọc truyện tình báo của nhà văn Đặng Thanh ta không thấy nhiều pha đánh đấm, bắn giết như trong phần lớn các truyện tình báo Âu – Mỹ. Dưới cây bút của nhà văn hiện lên người tình báo Việt Nam hào hoa, phong nhã, vì thương dân đến dám coi thường tính mạng; đầy trí tuệ để đối phó với những tình huống tưởng như không sao thoát được; bên cạnh những éo le đau thắt của con ngưởi trước một bên là nhiệm vụ đối với Tổ quốc và bên kia là những tình cảm tan nát của con tim ; những mất mát cá nhân không gì bù đắp nổi để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đó là những trang hồi hộp qua những cuộc đấu trí, đấu lực có thật giữa chiến sĩ tình báo của ta chống mạng lưới dày đặc của mật vụ, điệp báo địch, CIA Mỹ, ngay tại sào huyệt của kẻ thù trên cuộc chiến đấu thầm lặng. Đó là những trang rung động se thắt trứơc bao nhiêu bi kịch nội tâm, vô vàn thảm cảnh xã hội trong vùng địch tạm chiếm, mà nay, nếu không ai nhắc lại, thì  thời gian sẽ sớm phủ lên lớp bụi lãng quên”…
   Nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét ;” Truyện tình báo của nhà văn Đặng Thanh viết gây xúc động mạnh trong tâm hồn người đọc. Đọc lá thư vĩnh biệt của Vân Anh  ( trong cuốn Sự thật về X 30 ) mà muốn rưng rưng nước mắt”.
II.
Trong những ngày nằm điều trị taị Bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện giành cho cán bộ cao cấp) tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi may mắn  được nằm cùng phòng với nhà văn Đặng Thanh. Ông bị bệnh tiền liệt tuyến được đưa vào cấp cứu đêm mùng 1 tháng 11 năm 1995. Mười ngày nằm chờ theo dõi để lên bàn mổ, nhà văn có dịp thổ lộ những tâm tư tình cảm của mình. Tôi, trước đây cũng như hiện nay là một độc giả đã đọc gần như toàn tập tác phẩm của nhà văn Đặng Thanh. Đây có thể nói là tôi được cái cơ duyên trò chuyện cùng nhà văn với tình cảm của người đồng hương cùng là người cầm bút. Nhân dịp này, tôi lại còn được cái may mắn khác. Đó là nhà văn đã cho tôi cuốn sách Sự thật về  X30. Ông bảo người con trai thứ của ông về nhà lấy sách đem vào biếu tôi. Cuốn sách đã được đóng dấu TỦ SÁCH GIA ĐÌNH ĐẶNG THANH. Trang đầu sách nhà văn ghi: Kính biếu nhà báo lão thành Xuân Bảo –người đã tạo cho tôi niềm lạc quan yêu đời trong thời gian tôi nằm điều trị chứng bệnh hiểm nghèo tại Bệnh viện Thống Nhất. 9 giờ ngày 11 tháng 11 năm 1995, Tác giả Đặng Thanh.
          Tôi vô cùng cảm kích cảm ơn nhà văn và cầu mong cho ông được mau chóng bình phục và tiếp tục cầm bút để cho ra đời những tác phẩm mà bạn đọc hằng mong mỏi. Nhà văn tâm sự: “Mình lấy làm tiếc là trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Ngành Công an Nhân dân (1945-1995) không hiểu vì lý do gì mà mình không được mời dự lễ kỷ niệm. Nằm nhà xem truyền hình thấy lễ kỷ niệm tổ chức trọng thể cả ở Hà Nội lẫn thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác. Mình thấy lẻ loi quá. Nhớ về quá khứ, những ngày đầu Cách mạng mới thành công, ngành công an non trẻ ra đời, trong đó có bàn tay đóng góp của mình. Nhớ da diết và muốn khóc lên được.Tuổi già dễ mủi lòng lắm”.
          Cũng có cái an ủi là trong những ngày lâm bệnh, nhà văn nhận đươc thư của Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ. Thư viết:

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1995
Kính gửi Anh Đặng Thanh
                    Thư anh đề ngày 25/10/95 đến nay tôi mới nhận được.
Trước hết xin nhận lỗi với anh trong dịp kỷ niệm 50 năm CANDVN, cơ quan tổ chức thiếu sót đối với anh. Anh em mới, giấy tờ , sổ sách (hồ sơ) của ta kém, nên dễ sót lọt. Nhất là thời kỳ “chuyển tiếp thế hệ” hiện nay. Rất mong được anh thông cảm và lượng thứ. Nhiều anh em không biết chớ tôi rất rõ về anh. Tôi kính trọng anh về tuổi đời cũng như sự cống hiến cho CM.
Xin kính chúc anh mạnh khỏe, sống lâu, vui hưởng hạnh phúc tuổi già.
                                      Kính trọng, Bùi Thiện Ngộ.

Bức thư viết tay, nét chữ chân phương nhưng không kém phần sắc sảo. Lời lẽ thật thâm tình và cảm động. Nhà văn đã tin tưởng và trao bức thư ấy cho tôi. Và hôm nay tôi cho đăng bức thư ấy vào bài này vừa để biết ơn nhà văn, đồng thời để nhớ về đồng chí Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ - một cán bộ lãnh đạo ngành công an đức tài toàn vẹn.
                                        ***
Nói về cuộc sống của nhà văn thì trừ cuốn MỘT CHIẾN CÔNG CHƯA TRỌN VẸN mà Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố đang in, sắp xong là nhà văn phải bỏ tiền túi ra in còn 11 cuốn trước đều được in trong thời kỳ bao cấp và gần như bao cấp, cho nên thu nhập từ đồng tiền nhuận bút không được là mấy. Có một số cuốn được dịch ra tiếng nước ngoài như Nhật, Nga, Bun-ga-ri, Liên bang Đức…nhưng không được trả nhuận bút vì ta chưa tham gia Công ước Bản quyền tác giả quốc tế. Có một số nước (có dịch sách của nhà văn Đặng Thanh) chỉ mời nhà văn đến thăm và chi phí mọi khoản như Nhật, Đức…Cuộc sống của hai vợ chồng nhà văn hiện nay chỉ trông chờ vào hai suất lương hưu. Lương chồng được 485 ngàn đồng/ tháng và lương bác gái được gần 200 ngàn đồng/tháng. Bác gái Đặng Thanh bị bệnh bán thân bất toại đã hai năm nay. Tuy đã được chữa khỏi nhưng hiện nay việc đi lại rất khó khăn, phải dung nạng gỗ hỗ trợ. Chi phí tiền nhà mỗi tháng hết 235 ngàn đồng, điện và nước hơn 200 ngàn đồng. (Tuy là cán bộ cao cấp nhưng nhà văn chưa được cấp nhà). Số tiền hưu còn lại khoãng 250 ngàn đồng chi dung mọi việc ăn uống, tiêu vặt. Vì vậy, để có thêm thu nhập, nhà văn cộng tác với báo Doanh nghiệp trong chuyên mục “Doanh nghiệp và Pháp luật” và được báo này ưu ái trả lương hợp đồng trách nhiệm 200 ngàn đồng/tháng và viết bài nào hưởng nhuận bút bài đó.
Nhà văn Đặng Thanh mong ngóng: Tôi nghe nói Chính phủ đã ra Nghị định ưu đãi người có công với đất nước, kể cả những người tham gia cách mạng trước khởi nghĩa thàng Tám. Tôi cũng thuộc diện đó, tính ra mỗi tháng cũng được thêm khoảng 135 ngàn đồng. Nghe đâu được truy lĩnh từ đầu năm 1995. Tôi đã kê khai và nộp hồ sơ đã hơn 5 tháng nay, nhưng hiện nay vẫn chưa có tin tức gì mới về khoản này.
Theo bản gốc của bài này thì đoạn viết về lý do tại sao nhà vàn Đặng Thanh không được kết nạp vào làm hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam nằm ở giữa bài. Song vì hiện nay, Hội Nhà Văn Việt Nam đang có nhiều dư luận không tốt về việc xét kết nạp hội viên nên tôi đưa vào đoạn cuối bài này. Còn nguyên văn bản gốc trước đây như sau:
Việc kết nạp nhà văn vào Hội Nhà Văn Việt Nam cũng là một điều day dứt đối với nhà văn Đặng Thanh. Không hiểu sao hồ sơ kết nạp hội viên của nhà văn đã làm cách đây 4, 5 năm, trước cả Đại hội Nhà văn lần thứ 4. Hồ sơ được nhà văn Huy Phương và nhà thơ Viễn Phương đứng ra giới thiệu nhà văn Đặng Thanh vào hội. Thế mà đến nay vẫn không thấy nhắc tới nữa. “Nhưng dù không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì tôi vẫn cứ sáng tác đều và chỉ khi nào trái tim ngừng đập mới thôi viết.” Nhà văn Đặng Thanh khẳng định như vậy.
Đây là phần viết thêm của tôi – nhà thơ Xuân Bảo :
Trong cuốn sách Tùy bút và Thơ của tôi do Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn cấp phép xuất bản năm 2008, tôi đã viết: Hiện nay, việc các “ nhà thơ” tự bỏ tiền ra in thơ khá phổ biến. Mỗi người Việt Nam là một nhà thơ. Đó là cách nói để tôn vinh một nền thi ca có bốn ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam. Thực ra để vươn tới “ngôi đền thi ca” và khẳng định được “thơ ra thơ” là vô cùng khó khăn. Tôi rất buồn khi đọc những dòng sau đây của một hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam:
Tay em mềm mại cầm panh
Cầm dao mổ xẻ tan tành vết thương
(Bài Hỡi người chiến sĩ của H.T.H trong tập Giải phóng NXB Đà Nẵng năm 2001)
Chao ôi, kinh quá !
Hoặc :
Máu các anh sáng trên đầu mẹ
Vuông vắn năm khung trời nhỏ bé
Mẹ soi đời mình qua xương thịt các con..
( Nén nhang trong –của nhà văn P.T.Q.)
 Nhưng phải đến thời kỳ này mới phát lộ ra những “nhà thơ nhớn”, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam mà nhà thơ “thánh” Hoàng Quang Thuận là một điển hình. Xin bạn đọc vào các blog của các nhà văn Việt Nam đương đại để xem cho rõ chân tướng nhà thơ “cõi trên” Hoàng Quang Thuận và nghe đâu Hoa Lư thi tập và Thi vân Yên Tử sắp giật giải Nô-ben về văn chương, nhờ vào sự tung hê của Tạp chí Nhà Văn Việt Nam tổ chức hội thảo ngày 8-8-2012 vừa qua tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Điều tôi thấy xấu hổ là trong cả hai tập thơ của Thuận có rất nhiều bài không phải của Thuận. Đó là hệ lụy của việc kết nạp hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Khỏi bàn thêm!
 Anh Đặng Thanh kính mến, chắc anh nghe và biết những gì về Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay, anh sẽ ngậm cười nơi chín suối mà rằng: Rất may là ta không được đứng vào hàng ngũ của Hội này. Ta không chung mâm với những tên vô loài: nhà văn thuốc Tây Minh Hải, nhà văn điện thoại di động KonTum, nhà văn Cướp cò xứ Đồng Nai khoai củ…
                                        ***
-Con người ta không ai sống mãi được trên cõi đời này. Tuổi của tôi bây giờ cũng đã gọi được là thọ rồi. Sống tùng tiệm qua ngày đoạn tháng, nhưng trong lòng lại rất thanh thản. Tôi chỉ có một nguyện vọng tha thiết nhất là mong sao sống thêm được vài năm nữa để được vinh dự nhận tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Lúc đó nhắm mắt, xuôi tay là vừa. Nhà văn Đặng Thanh trăn trở. Có thể nói đây là những trăn trở, ưu tư của một nhà văn cách mạng chân chính.
                             Bệnh viện Thống Nhất, tháng 11 -1995
Bên bờ Phước Long Giang, những ngày Cách mạng Mùa thu năm 2017.
                                       Nhà thơ Xuân Bảo (có nhuận sắc lại)

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2017

203. ĐỀ TỪ SÁCH LIÊU TRAI CHÍ DỊ.

ĐỀ TỪ CỦA LIÊU TRAI CHÍ DỊ

Trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị của nhà văn Bồ Tùng Linh (Trung Quốc), đầu sách có một bài Đề từ của Ngư Dương lão nhân*:

Cô vọng ngôn chi, cô thính chi,
Đậu bằng qua giá, vũ như ty.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi**

Tạm dịch nghĩa:
Nói lời lảm nhảm (mà vui), nghe lời lảm nhảm (mà vui)
Mưa (đêm) dệt như màn mưa tơ trên giàn đậu giá dưa
Giọng đời đã chán ngấy không muốn nhắc tới nữa
Chỉ thích nghe quỷ dưới mộ mùa thu ngâm thơ

Tản Đà đã dịch:
Nói láo mà chơi, nghe láo chơi!
Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi.
Chuyện đời hẳn chán không buồn nhắc,
Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời.

**Theo bản sao hiện còn thì đây là chữ thì nhưng nhà xuất bản vẫn giữ nguyên để khớp với lời dịch của Tản Đà.
                                         ***
Bài thơ quá hay khiến hơn tram năm nay ở nước ta đã có nhiều bản dịch ra quốc ngữ, trong đó có lẽ bản dịch của Tản Đà là được nhiều người biết đến. Tản Đà dịch câu thứ nhất thật tuyệt vời, không có cách nào dịch hay hơn. Song có nhiều nhà túc nho cho rằng hai câu thứ 2 và thứ 4 không đạt.

Đây là một số bản dịch khác:

Bản Vũ Hoàng Chương:

Nói bứa bừa đây nghe bứa bừa
Dây dưa giàn đậu phới tơ mưa
Giọng đời chán ngấy người lên được
Tiếng quỷ mồ thu hát thấy ưa

Bản Đào Trinh Nhất:

Cứ nói tràn, cứ ngâm tràn
Đêm qua thánh thót trên giàn đậu, dưa
Chuyện đời đã ngán xưa giờ
Thích nghe ma quỷ dưới mồ ngâm thơ

Bản Nguyễn Tôn Nhan:

Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Giàn dưa lất phất giọt mưa rơi
Chuyện đời chán ngấy không thèm nhắc
Mộ vắng nghe ma đọc mấy lời

Bản Nguyễn Đăng Ngọc:

Nói láo mà chơi! Nghe láo chơi
Giá dưa, giàn đậu, sợi mưa rơi
Chuyện đời bàn mãi đà chán ngắt
Mồ thu thơ quỷ đọc mấy lời

Và còn một số bản dịch khác nhưng đều không đạt nên tôi không ghi vào đây.
Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh được liệt vào hàng kiệt tác trong văn học cổ điển Trung Hoa, sau Tứ Thư (Đại học, Trung Dung,Luận Ngữ và Mạnh Tử), Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu). Tứ sử (Sử ký, Hán Thư, Hậu Hán Thư và Tam Quốc chí), Tứ đại danh tác (Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du ký và Hồng Lâu Mộng),Tứ đại kỳ thư (Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du ký và Kim Bình Mai), Ngũ đại truyền kỳ (Kinh Thoa ký, Bạch Thố ký, Bái Nguyệt Đình, Sát Cẩu ký và Tỳ Bà ký), Lục tài tử thư (Nam Hoa kinh, Ly Tao,Thủy Hử, Sử ký, Đỗ Thi và Tây Sương ký).
Và những cuốn khác gồm Tam Tự kinh, Nhị Thập Tứ sử, Nho Lâm Ngoại sử và Liêu Trai chí dị.

***

Bài Đề từ vỏn vẹn chỉ có 4 câu, 28 chữ, thất ngôn tứ tuyệt nhưng có thể nói rằng đã làm giá trị của Liêu Trai chí dị tăng thêm bội phần. Số người thích thú không phải là ít. Cũng có nhiều người nhầm cho rằng đó là thơ của Bồ Tùng Linh
Một số nhà thơ Việt Nam đã lấy cảm hứng từ bài Đề từ này để sáng tác như Vũ Hoàng Chương (bài Tình Liêu Trai), Đông Hồ (bài Đêm lại Liêu Trai) và nhiều người khác như Đinh Hùng…
*Chú thích: Ngư Dương Lão Nhân tức Vương Sỹ Trinh, tự là Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, biệt hiệu Ngư Dương Sơn Nhân, người đất Tân Thành, sống cùng thời với Bồ Tùng Linh, đậu tiến sĩ, làm quan đến thượng thư, là một nhà thơ nổi tiếng một thời vế phong cách trữ tình, hoa lệ.
                                                                       Bên bờ Phước Long Giang, ngày 12/8/2017
                                                                                 Nhà thơ Xuân Bảo